Menu Close

Vẽ hiện đại quá dễ?

Hỏi: Có người cho rằng vì vẽ cổ điển khó quá nên nhiều người không theo nổi, họ đã chọn cách dễ hơn là nhảy qua hiện đại, không cần học hành cẩn thận, vẽ sao cũng được, càng quái càng được cho là sáng tạo, là siêu?

Đáp: Cách nay, nhiều năm, ở Việt Nam, tôi đã từng nghe tận tai một câu nói tương tự như thế, không phải từ một người ngoài mà từ một họa sĩ có tiếng.

Thật ra, ở một góc nhìn nào đó, trong một thực tế nào đó, câu nói trên không hề sai. Ngay cả ngày nay, thời của văn minh số, thời của Nghệ Thuật Ða Phương Tiện (Multi-Media Art), photoshop và các công cụ kỹ thuật số, đã làm đảo lộn các hệ thống mỹ thuật từ cổ điển đến hiện đại; tuy nhiên, trong dòng chảy “thác loạn” của Nghệ Thuật Ða Phương Tiện hay còn có một tên gọi chung là Nghệ Thuật Ðương Ðại (Contemporary Art) này đã có không ít những art work mà nhiều người quan tâm đã thốt lên: “Ðó mà là nghệ thuật đấy ư?”(Tôi sẽ đề cập nhiều hơn vấn đề này vào dịp khác).

 Henri Fantin Latour 01

Tranh Maurice Denis mô tả các hoạ sĩ Pháp đang hội luận về tranh của Paul Cezanne thời Post-Impressionism ở Pháp vào đầu thế kỷ 20.

Tôi có thể xác quyết một điều là không có một thể loại nghệ thuật nào để biết tới nơi tới chốn mà không học hành tử tế cả.

Cũng phải công bằng nhìn nhận rằng, từ khi nghệ thuật hiện đại ra đời vào đầu thế kỷ 20, nó đã giải phóng người nghệ sĩ ra khỏi những luật lệ tạo hình nghiêm khắc của hội họa cổ điển; và nhà nghệ sĩ sống và vẽ không phải chỉ đắm mình trong đức tin và dâng hiến nghệ thuật cho tầng lớp vua chúa, tăng lữ và quý tộc vốn làm hạn chế cá tính và tư duy sáng tạo của riêng mỗi nghệ sĩ.

Chính trị nào thì sẽ sản sinh ra nghệ thuật ấy, do đó, hội họa cổ điển của các thế kỷ từ 14 đến 19 phần lớn bị phủ bóng của nền chính trị phong kiến – Thiên Chúa giáo; trái lại, nghệ thuật hiện đại là sản phẩm của nền chính trị dân chủ – tự do được khai sinh từ sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789. 

Henri Fantin Latour 01

Tranh của Henri Fantin-Latour vẽ cảnh hướng dẫn hội họa tại một xưởng vẽ năm 1870.

Tất nhiên, vì thấy con đường nghệ thuật này thênh thang, ít có bảng cấm, nên đã có những phát sinh hỗn tạp, hoặc quá bất ngờ và xa lạ với quán tính của cái đẹp cổ điển vốn đã được thiết lập từ lâu trong đầu của những người yêu tranh; do đó đã từng xảy ra những cuộc phỉ báng tranh được vẽ theo các trường phái mới như Ấn Tượng, Biểu Hiện, Dã Thú và nhất là Lập Thể, và tất nhiên đã có sự  quay lưng lại một thời gian nhất định với cái Ðẹp mới, phi hàn lâm và nhiều phần tỏ ra quá táo bạo.

Mỹ thuật đúng nghĩa, dù nền văn minh có thay đổi theo từng thế kỷ, thì thời nào cũng phải được quyết định bởi những nghệ sĩ có tài, có nghĩa là họ vừa giỏi về kỹ năng và vừa có tư duy sáng tạo nghệ thuật đặc sắc.

Không phải ai vẽ theo phương pháp cổ điển đều hay, đều được ghi nhận. Vẽ hiện đại hay làm nghệ thuật đương đại cũng vậy, chỗ chiếu trên không có phần cho họa sĩ thường thường bậc trung. Nói chung, không có thứ nghệ thuật dễ và khó, chỉ có tác phẩm Ðẹp và Ðộc Ðáo là ở lại lâu dài; cũ hay mới là do sự phát triển của mỗi thời đại, theo hay không là tuỳ thuộc vào sở thích và khả năng, cũng như ý thức của mỗi con người.

Henri Fantin Latour 01

Đọc Sách. Tranh sơn dầu của Pierre Auguste Renoir 1874 Thuộc Trường Phái Ấn Tượng

Chính trị tuy có chi phối mạnh mẽ lên việc thực hiện tác phẩm, nhưng dấu ấn của tài năng và tâm hồn người vẽ vẫn để lại rõ ràng trên bề mặt tác phẩm của họ. Ngay cả chính trị cộng sản với chủ trương nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, hủy bỏ chủ nghĩa cá nhân, chống tình cảm riêng tư, tất cả vì Ðảng mà phục vụ… cũng không xóa được hết dấu vết cá nhân và tâm hồn của những tài năng lớn, như trường hợp các họa sĩ Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm của Việt Nam Cộng Sản thời trước 1975.

Lẽ thường, thời đại sau mới hơn thời đại trước, mỗi  thời đại có tiếng nói riêng, có cách suy nghĩ riêng về nghệ thuật, theo lối này hay lối khác là quyền của mỗi nghệ sĩ, tuy vậy, trào lưu nào đang cuộn chảy thường không chấp nhận những thứ khác nó. Và thế hệ nghệ sĩ lớp trước không nên dành quyền phát ngôn nghệ thuật cho thế hệ trẻ kế cận vì thiếu tính thời đại mới mà họ không có. Những kiệt tác cổ điển thuộc về những bảo vật của quá khứ, là tiền đề cho những tác phẩm mới ra đời; chiếc thang của nghệ thuật nhân loại không chỉ có vài nấc mà nó ngày càng có thêm những nấc mới, cao hơn và thêm mãi. Ðó là sự tuyệt vời, nếu không thì chúng ta, ngày hôm nay, và các thế hệ sau, chẳng có được một kho tàng nghệ thuật lộng lẫy và luôn luôn phong phú kiểu cách. Chúng ta phải biết chấp nhận quy luật thay đổi này, mở rộng tâm hồn để đón nhận cái mới để tiến bộ, để cảm thông ý nghĩ của thế hệ trẻ đang thay thế vai trò làm mới cuộc sống.

Henri Fantin Latour 01

Một trong những người mẫu của họa sĩ Toulouse Lautrec (người đội mũ). Bức hình lịch sử cho thấy sự cởi mở trong đời sống nghệ thuật ở châu Âu sau khi trường phái Ấn Tượng ra đời.

TC – Bolsa, tháng 10 – 2015