Khi đời sống ngặt nghèo, khốn quẫn, bị áp bức, tính mạng bị đe dọa, con người tìm cách trốn tránh, tìm nơi an toàn để sinh sống. Dân Việt vào thập niên 70 của thế kỷ trước, dân thiểu số tại Miến Ðiện và dầu sôi lửa bỏng nhất là cuộc di tản vĩ đại của dân Syria đang mỗi ngày một thê thảm.
Cuộc nội chiến tại Syria khởi đầu từ năm 2011 khi phong trào “Mùa Xuân Ả Rập” (the Arab Spring revolution) sôi động, dân chúng nổi dậy lật đổ chính quyền Ai Cập và Libya. Sự thay đổi rầm rộ nọ khiến cư dân ngỡ rằng nếu họ đồng lòng đứng dậy sẽ lật đổ được bạo quyền và tạo nên không khí tự do mới mẻ. Dân Syria cũng đồng loạt biểu tình đòi tự do, đòi chính phủ Assad đổi mới, bớt khắt khe chuyên chế. Nhưng ông Al-Assad ra tay đàn áp dữ dội, trừng phạt người biểu tình thẳng thừng. Sau nhiều tháng bạo loạn, tình hình Syria càng rối loạn tệ hại. Những nhóm phiến quân nội địa cũng như ngoại quốc lợi dụng tình cảnh rối loạn ấy và chiếm đóng các thành phố gây thanh thế. ISIS mượn cơ hội ấy mà chiếm từng vùng đất trong lãnh thổ Syria rồi ra tay chém giết những người chống đối. Cuộc bạo loạn kéo dài và cư dân bỏ trốn, tránh bom đạn, tránh bạo quyền tạo nên một luồng sóng di dân vĩ đại nhất từ sau thế chiến II. Một nửa cư dân Syria bỏ chạy, họ tìm mọi cách để đến các quốc gia lân cận rồi đến Âu Châu, một trong 5 di dân trên thế giới là cư dân Syria, và số dân tị nạn khắp nơi trên thế giới khoảng 59 triệu người!
Người tị nạn tại ga xe lửa Budapest Keleti, 03 Tháng 9 năm 2015 – NGUỒN WIKIPEDIA.ORG
Những người tị nạn khốn khổ Syria kia trôi dạt đến đâu? Họ không đến các lãnh thổ trong vùng Vịnh Ả Rập, bạn à, dù Kuwait, Bahrain và cả the United Arab Emirates là những quốc gia khá giả và có ảnh hưởng chính trị đến Syria. Tại sao thế nhỉ, hàng xóm khá giả lại ngoảnh mặt, không bảo bọc láng giềng lúc túng cùng?
Có lẽ nào khái niệm “tị nạn” không có mặt trong văn hóa Trung Ðông? Tất nhiên chẳng có luật pháp bắt ép nhóm hàng xóm khá giả nọ phải nhận dân tị nạn, Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain và nhiều quốc gia vùng vịnh chưa hề chấp nhận Hiệp Ước Liên Hiệp Quốc 1951. Ðây là một hiệp ước định nghĩa danh xưng “tị nạn”, kê khai các chi tiết về quyền tị nạn cũng như bổn phận của các quốc gia thu nhận người tị nạn. Vì các quốc gia kể trên chưa hề thò bút ký tên thỏa thuận nên dân tị nạn khi trôi dạt đến những lãnh thổ ấy, họ không được hưởng quyền lợi nào và được (bị) đối xử như mọi di dân khác. Trước các tiêu chuẩn nhập cảnh khó khăn, người tị nạn Syria không có cách lựa chọn nào hơn là tìm kiếm các mảnh đất bao dung khác.
Theo ông Sooud al-Qassemi, hiện nay làm việc tại Massachusetts Institute of Technology, dù các quốc gia vùng Vịnh kể trên không phải là thành viên của Hiệp Ước Liên Hiệp Quốc 1951, nhưng trong quá khứ đã từng thu nhận người tị nạn trong các hoàn cảnh khác. Một số lớn cư dân từ Palestine, Lebanon và Yemen đang sinh sống trong vùng Vịnh. Họ là những người đi tìm đất sống khi quốc gia họ chịu bom đạn trầm luân nhưng chưa hề mang danh xưng “tị nạn”. Những “di dân” này trở thành công dân tại các quốc gia sở tại và làm ăn buôn bán thành công rầm rộ. Thủa ấy, 25 năm trước đây, chục ngàn người Kuwait đã được tị nạn trong các quốc gia vùng Vịnh khi ông Saddam Hussein xua quân vào lãnh thổ họ. Tại Abu Dhabi, chính phủ sở tại đã từng thuê luôn cả mấy dãy chung cư làm chỗ trú ẩn cho dân tị nạn mà không lấy đồng keng nào! Thế thì tại sao ngày nay, tình thế còn dầu sôi lửa bỏng hơn nhiều mà các quốc gia giàu có kia cứ lắc đầu quầy quậy không cho người tị nạn nhập cảnh, phe lờ các lời kêu gọi cũng như chỉ trích của thế giới chung quanh? Ðịnh cư trong vùng Vịnh tất nhiên là dân tị nạn Syria không phải làm quen với phong thổ, ngôn ngữ, tập quán cũng như tôn giáo dễ dàng hơn biết bao?
Các tổ chức nhân đạo chuyên quan sát những hoạt động về nhân quyền đồng thanh kêu la rằng các quốc gia vùng Vịnh, giàu nứt đố đổ vách thế kia thiếu chi tiền bạc mà không chịu cứu giúp người tị nạn? Tất nhiên là các quốc gia nọ bào chữa liền, chính phủ United Arab Emirates nói rằng từ năm 2011 họ đã tiếp nhận và cấp quyền cư trú cho trên 100,000 người Syria. Chính phủ Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman cũng chỉ ra rằng họ đã mở hầu bao đóng cả mấy chục triệu Mỹ kim để cứu trợ dân tị nạn. United Arab Emirates đã mở hầu bao chi ra trên 530 triệu Mỹ kim, và dân Syria lưu lạc đến đó vẫn phải theo luật di dân để nhập cảnh đàng hoàng!
Bào chữa xong thì các quốc gia vùng Vịnh đồng loạt chỉ tay về phía Nga Sô, Nhật Bản, Singapore và Nam Hàn mà hỏi còn mấy nơi khá giả này thì sao?
Zaatari, trại cho người tị nạn Syria ở Jordan – NGUỒN WIKIPEDIA.ORG
Trong khi các quốc gia nọ chỉ mặt lẫn nhau, thì dân tị nạn Syria đã và đang lưu lạc đến đâu ngoài những người bỏ mình trên biển cả? Thổ Nhĩ Kỳ tường trình rằng họ đã tiếp nhận gần 2 triệu người tị nạn, Lebanon nhận trên 1.1 triệu người, Jordan nhận khoảng 629,000 người trong khi Ai Cập nhận trên 130,000 người và ngay cả Iraq còn đang chinh chiến bạo loạn cũng tiếp nhận khoảng 250,000 người chưa kể những cư dân Syria đã âm thầm nhập cảnh không trình báo.
Dân tị nạn Syria trôi dạt đến Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon hoặc Jordan nhưng phần lớn đang tìm cách đến Âu Châu, ngay cả những người đã có chỗ tạm trú tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Âu Châu, xem ra dân tị nạn có đường sinh sống dễ thở hơn và tính mạng được bảo vệ phần nào?
Họ đi bộ, dùng xe lửa, xe buýt… mọi phương tiện để đến Ðức, Thụy Ðiển hoặc Serbia. Một số khác cũng tìm cách định cự tại Hung, Áo, Bảo Gia Lợi, Hòa Lan và Ðan Mạch. Các quốc gia này đang bối rối tìm cách giải quyết vấn nạn nhập cảnh ồ ạt của di dân và đang tìm cách kiểm soát số người nhập cảnh. Các quốc gia Âu Châu khác không mấy “rầm rộ” với người tị nạn bao gồm Latvia, Estonia, Lithuania, Slovakia và Iceland, không hiểu vì đường sá xa xôi, khó khăn hay vì những “thiên đường” nọ không mấy thu hút? Riêng Huê Kỳ, ông tổng thống đăng đàn lên tiếng thu nhận cỡ trăm ngàn người, chưa kể những người trước đây đã cộng tác với quân đội Mỹ tại A Phú Hãn, Iraq… ngày nay di tản sang Thổ, sang các quốc gia lân cận.
Hình ảnh tị nạn là hình ảnh vô cùng gần gũi với người Việt di tản buồn, 40 năm trước, ta cũng đã từng dấn thân, vượt sóng, vượt đường tìm đất sống. Các con người phấn đấu này đã chứng tỏ với người thế giới thấy rằng cho một cơ hội sống, những con người chạy trốn kia sẽ trở thành công dân hữu dụng, tiếp tay đóng góp xây dựng đất nước tạm dung. Ðó là lý do khiến thế giới nên mở rộng vòng tay đón nhận và bảo bọc người tị nạn ngoài lòng nhân đạo và sự tử tế giữa người và người.
TLL