Tương quan giữa các thế hệ là một vấn đề phức tạp đối với tất cả các cộng đồng thiểu số cũng như dòng chính. Việc nhận định tương quan giữa các thế hệ Việt Mỹ liên quan đến nhiều yếu tố, như kinh nghiệm cá nhân, nhận thức lịch sử, và hoàn cảnh sống. Một cái nhìn từ hai phía sẽ giúp giải tỏa những mâu thuẫn và giúp đưa ra những giải pháp thích hợp.
Làng Văn Hóa tại các hội Xuân, điểm gặp gỡ xuyên thế hệ
Ở thời điểm đầu thập niên 2000, tương quan cần được ưu tiên tìm hiểu trong cộng đồng là giữa thế hệ 1 và 1.5. Thế hệ 1.5 là những người di dân đến Mỹ ở lứa tuổi tương đối trẻ (dưới 30 chẳng hạn) và có nhiều thuận lợi để hội nhập vào xã hội mới hơn là thế hệ thứ nhất (cũng như tất cả nhận định khác, định nghĩa về ‘thế hệ 1.5’ là một khái niệm tương đối, vì vẫn có trường hợp ngoại lệ của những người đến Mỹ khi đã trung niên nhưng vẫn hội nhập một cách thuận lợi, và có nhiều người sinh ra ở Mỹ nhưng vẫn sống bên lề xã hội).
Trước hết, khi nhìn vào những điểm tương đồng, cả hai thế hệ có nhiều điểm chung trong lịch sử cá nhân và sắc tộc. Vì thế hệ 1.5 có được một thời gian từ vài năm cho đến 15-20 năm sinh trưởng ở Việt Nam, họ có một sự gắn bó mật thiết hơn với quê hương Việt Nam so với các thế hệ sinh trưởng ở hải ngoại. Sự gắn bó này được khai mào với tiến trình di dân tỵ nạn, nhất là khi người Việt tỵ nạn tại Mỹ đối diện với vấn đề văn hoá xã hội trong quan hệ với những sắc tộc khác. Từ kinh nghiệm sống tại Việt Nam, tư duy văn hoá trở nên sống động và là cốt lõi trong việc hội nhập của thế hệ 1.5. Hơn nữa, hoàn cảnh chính trị xã hội của những làn sóng di dân vẫn còn in dấu sâu sắc trong tâm tư của cả hai thế hệ, là tiền đề cho một mối liên kết và thông cảm mạnh mẽ. Ðiểm son ở đây là lòng tha thiết với ‘tinh thần Việt Nam,’ như bài thơ mà ông Robert Nghiêm Nguyễn, một người được phỏng vấn cho Dự án VAP, đã ngâm cho tôi nghe. Bài thơ này do chính ông sáng tác trên đường tản cư từ Bắc vào Nam khi Hiệp định Geneve chia đôi đất nước:
Ạ à ơi, ạ ời ời
Bồng bồng mẹ bế con đi
Ðường xa mẹ có quản chi nhọc nhằn
Yêu con mẹ dặn ân cần
Lớn khôn giữ lấy TINH THẦN VIỆT NAM
Nối liền một dải Bắc Nam
Giữ gìn bờ cõi giang san nước nhà
Tôi cho rằng cả hai thế hệ 1 và 1.5 đều biết khá nhuần nhuyễn hoặc/và có ý thức gìn giữ các giá trị tinh thần được thừa hưởng trong quá trình khai mở và phát triển tâm thức dân tộc trong thời gian sinh trưởng tại Việt Nam. Về văn hoá, họ trân trọng mối liên kết trong gia đình và cộng đồng. Nhiều người được phỏng vấn trong Dự án Việt Mỹ VAP đã đặt gia đình làm ưu tiên một. Một bà mẹ thuộc vùng Bắc California đã rất tâm đắc khi chọn bỏ công việc của một kỹ sư điện toán với mức lương 6 số trong thời hoàng kim của ngành này để ở nhà thay tã cho con. Cô nói, “Tôi chỉ biết là tôi rất thương con. Tôi thấy làm mẹ ở Mỹ thì khó khăn hơn vì mình phải đi làm. Nếu hồi xưa tôi đi làm, bây giờ chắc chúng tôi đã có nhiều tiền hơn. Làm kỹ sư software với cái hãng điện tử thì nhiều tiền lắm, nhất là bao nhiêu năm kinh nghiệm nữa. Mà tôi nghĩ là mấy đứa con tôi thì nó quý giá hơn.” Mà tương quan gia đình không chỉ giữa người sống với nhau, mà còn với người đã khuất nữa. Người Việt có đạo thờ ông bà và kính nhớ tổ tiên, nên người chết cũng luôn hiện diện trong nhiều cách. Chúng ta thử quan sát hiện tượng người chết cũng di dân trong các cộng đồng Á Mỹ, như tờ Washington Post ngày 15 tháng 7 năm 2002 đã ghi nhận tiến trình di dân của người chết từ Á Châu. Hàng năm, vài trăm tro cốt của thân nhân những người di dân gốc Trung Quốc hay Triều Tiên được đưa qua Mỹ để an táng ở San Francisco hay Los Angeles. Một người mất trung bình 8,000 đô la để đưa xác cha mẹ vượt qua đại dương để đoàn tụ gia đình. Tôi nghĩ, gia đình người Việt chúng ta cũng vậy: sống thì thích ở gần, chết cũng muốn bên nhau.
Vì là di dân, thế hệ 1 và 1.5 đều chia sẻ những khó khăn chung trong đời sống kinh tế xã hội. Họ phải vật lộn với sinh nhai và phụng dưỡng thế hệ cha mẹ cũng như chu cấp cho thế hệ con cái. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt trong mẫu số chung này khi đi vào hoàn cảnh của từng thế hệ. Ở đây, có thể nói sự vất vả và tân toan của hai thế hệ nằm trên cùng một mặt phẳng với hai trục toạ độ – một của cha mẹ, một của con cái – giúp họ định vị nhu cầu và khả năng kinh tế của mình. Nhìn chung, thì thế hệ 1.5 có nhiều cơ hội để hội nhập hơn so với thế hệ 1, vì họ nhỏ tuổi hơn và có thể theo đuổi việc học và tìm việc dễ dàng và thuận lợi hơn so với những vị cao niên.
Tự trong những điểm tương đồng, chúng ta cũng đã thấy những khó khăn về hoàn cảnh sống. Vì thế, những mặt dị biệt không những đưa ra những nét khác nhau mà tự bản chất đã là những gút mắt cần quan tâm. (Tôi cũng xin nhấn mạnh một điều là không phải thế hệ nào cũng ‘đồng nhất,’ và trong mỗi thế hệ đều có sự đa dạng về kinh nghiệm cũng như cách nhìn. Sự chia theo thế hệ chỉ là một cách để giúp chúng ta nói về những khác biệt nổi bật theo nhóm tuổi mà thôi.) Thứ nhất, hai thế thệ có nhiều bất đồng về cách nhìn, về phương thức hoạt động xã hội cộng đồng, và về căn cước văn hoá. Thế hệ thứ nhất luôn nỗ lực duy trì nền nếp truyền thống và những giá trị quý báu do cha ông để lại. Họ ra sức bảo tồn những tinh hoa và kho tàng văn hoá mà những thế hệ trẻ hơn hình như không có cơ hội tiếp cận. Ðiển hình, chúng ta thấy có nhiều các đoàn thể văn hoá trong cộng đồng tiếp tục phát huy tinh hoa Việt. Trong khi đó, thế hệ 1.5 lại có một nhân sinh quan có tính đột phá, đôi khi liều lĩnh và táo bạo. Họ dám xông xáo vào những môi trường mới, dám thử nghiệm những cơ hội mới trong cuộc sống. Khi nhìn xung quanh, thế hệ 1.5 không ngại phải lăn xả vào những nơi chưa có người Việt hay những môi trường có tính thử thách cho những cá thể không phải là người bản xứ.
Từ sự khác biệt về cách nhìn, phương thức hoạt động của hai thế hệ cũng khác nhau. Khi tôi đến nhà để phỏng vấn một nhà báo thì bác cho tôi một cái nhận xét, “Hình như thế hệ của cháu ít có họp.” Tôi tự hỏi có phải vì cơ cấu làm việc của thế hệ 1.5 khác với thế hệ 1 chăng. Thế hệ thứ nhất vẫn còn tha thiết với tổ chức làng xã và cộng đồng, kiên trì theo đuổi những sinh hoạt có tính tập thể nhưng phần lớn vẫn gói gọn trong cộng đồng Việt Nam. Ngược lại, vì thế hệ 1.5 đã dấn bước vào những môi trường dòng chính, họ làm việc và vươn lên trong tương quan toàn cầu và vận động khu vực. Họ nhận ra rằng họ có thể và cần phải nối kết với các cộng đồng khác để đạt được kết quả cao nhất. Trong khung cảnh đối thoại ngày càng mở rộng của cộng đồng thế giới, thế hệ 1.5 là một cầu nối cho cộng đồng văn hoá của họ và thế giới nói chung.
TGT