Menu Close

Xung đột Israel – Palestine

Trong mấy thập niên qua, xung đột giữa người Palestine và Do Thái vẫn thường hay xảy ra. Nhưng những vụ xung đột lớn với thiệt hại cao thì cứ vài năm lại xảy ra một lần.

xung dot israel palestine2

behindthenewsisrael.wordpress.com

Vụ xung đột lần này đã kéo dài hơn một tháng, và kể từ khi những cuộc bạo động bắt đầu từ giữa tháng 9 đến nay đã có ít nhất chín người Do Thái bị thiệt mạng do những vụ tấn công bởi người Palestine, trong khi đó có khoảng 50 người Palestine bị thiệt mạng trong những cuộc đụng độ với lực lượng an ninh của Israel, trong đó có ít nhất 18 người Palestine bị bắn chết sau khi tấn công người Do Thái. Ngoài ra còn có khoảng gần 2,000 người Palestine bị thương do đạn thật, đạn cao su và dùi cui.

xung dot israel palestine

Binh sĩ Israel đã sử dụng hơi cay để giải tán cuộc biểu tình của người Palestine ở Bethlehem, Bờ Tây vào ngày 16 tháng 10, năm 2015. Ảnh: Muhesen Amren / Anadolu Agency / Getty Images

Cho đến cuối tuần qua vẫn chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ những căng thẳng giữa Israel và Palestine sẽ suy giảm và vì vậy cộng đồng quốc tế bắt đầu lo ngại tình trạng căng thẳng dâng cao và hậu quả có thể đưa tới một cuộc nổi dậy quy mô (intifata) của người Palestine như đã từng xảy ra hai lần trước đây (First Intifata 1987-93: khoảng 1,200 thường dân Palestine và 100 thường dân Do Thái thiệt mạng; Second Intifata 2000-05: gần 800 thường dân Do Thái và hơn 2000 thường dân Palestine thiệt mạng).

Hôm Thứ Sáu 23/10, một bản thông cáo chung của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Đại diện cấp cao về ngoại giao của Liên hiệp Âu châu (EU) Federica Mogherini và  Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về hoà bình Trung Đông Nickolay Mladenov được đưa ra bày tỏ “mối quan ngại sâu xa về những căng thẳng giữa Israel và Palestine tiếp tục dâng cao,” và kêu gọi “Israel hãy cùng hợp tác với Jordan để nâng thêm số người Hồi giáo Palestine được phép viếng thăm khu đất thánh Temple Mount ở Jerusalem, và nhìn nhận vai trò đặc biệt của Jordan như đã có trong hiệp ước hoà bình với Israel.”

Theo luật hiện hành, Israel chịu trách nhiệm về an ninh và kiểm soát sự ra vào khu đất thánh Hồi giáo, trong khi tổ chức Hồi giáo thuộc Jordan thì chịu trách nhiệm quản lý hành chánh khu vực.

Trong khi đó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã có mặt trong khu vực từ mấy ngày trước, và hôm Thứ Sáu cũng đã lên tiếng kêu gọi hai phía Israel và Palestine giảm bớt những lời chỉ trích nhau, tìm cách giải quyết xung đột và thúc đẩy tiến trình thương thảo hoà bình giữa đôi bên.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, Ban cũng nói thêm rằng ông “khuyến khích cả hai phía Israel và Palestin hãy cùng tỏ ra can đảm và trở lại bàn hội nghị tìm một giải pháp chính trị hoà bình. Và khuyến khích tất cả mọi nỗ lực… để tránh gây thêm bạo động và tàn phá.”

Nhưng như đã chứng minh nhiều lần ở cái phần đất luôn luôn bất ổn này, nói chuyện về hoà bình là một chuyện; thật sự đạt được hoà bình về lâu về dài lại hoàn toàn là một chuyện khác.

Cũng trong ngày Thứ Sáu, một đoạn video của nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) được đăng trên YouTube với hình ảnh một chiến binh nói tiếng Do Thái hăm dọa sẽ còn có thêm những cuộc tấn công vào người Do Thái. Đoạn video một lần nữa cho thấy ảnh hưởng của những mạng lưới truyền thông-xã hội trong vụ đổ máu này và những khó khăn trước mặt của các lãnh tụ Israel và Palestine trong nỗ lực chấm dứt bạo động đã kéo dài trong nhiều tuần lễ.

xung dot israel palestine1

Cảnh sát chống bạo động Israel đứng bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Dome of the Rock ở Jerusalem – nguồn Ahmad Gharabli / AFP / Getty

Trong khi nhóm ISIS đến nay vẫn chưa thực sự là một lực lượng chính trị có tổ chức trong khu vực, có nhiều dấu chỉ cho thấy nhóm này đang cố gắng len lỏi vào vùng đất bất ổn để gây thêm thanh thế.

Đầu tháng 10, phía các công tố của Israel đã truy tố bốn người Israel gốc Ả Rập âm mưu thành lập ổ hoạt động (cell) cho ISIS và đang lên kế hoạch tấn công vào những mục tiêu nơi có các đồn canh của cảnh sát và dân quân địa phương.

Hồi đầu năm, các lực lượng an ninh Israel cũng đã khám phá ra hai ổ hoạt động khác ở Israel và Tây Ngạn (West Bank). Tháng 7 vừa qua, các giới chức an ninh Israel cho biết họ đã bắt giữ một nhóm bị nghi ngờ là cảm tình viên của ISIS hoạt động ở thị trấn Bedouin nằm ở vùng phía Nam của sa mạc Negev.

Khu đất thánh Temple Mount, là quảng trường nằm trên một ngọn đồi nơi có những đền thờ như Đền thờ al-Aqsa của người Hồi giáo và đền Dome of the Rock của người Do Thái được cho là những nơi thờ phượng linh thiêng nhất, cũng chính là tâm điểm của vụ khủng hoảng hiện nay giữa người Palestine và Do Thái.

Kể từ khi Israel chiếm được khu vực Đông Jerusalem và Tây Ngạn từ Jordan (trong đó bao gồm khu đất thánh Temple Mount) trong cuộc chiến năm 1967, đã có hơn nửa triệu người Do Thái đến định cư trong những khu vực này, thường được xem là vùng đất thuộc Palestine. Phần lớn cộng đồng quốc tế xem đây là khu vực bị chiếm đóng. Nhưng những người Do Thái định cư nói rằng họ đang sống trên phần đất đã được Israel giải phóng.

Trong một thỏa thuận bất thành văn kể từ khi Do Thái kiểm soát hoàn toàn khu vực Jerusalem năm 1967, người Do Thái không được quyền cầu nguyện trên đất Temple Mount. Nhưng mấy năm gần đây, càng ngày những nhóm hoạt động người Do Thái có tư tưởng quốc gia cực đoan càng đòi hỏi người Do Thái phải được ra vào khu vực Temple Mount dễ dàng hơn và những chính trị gia cánh hữu lên tiếng đòi quyền cho người Do Thái được cầu nguyện ở đây. Những việc làm trên đã đưa đến những quan ngại trong cộng đồng người Palestine rằng tình trạng hiện nay nơi đất Thánh đã bị vi phạm và Temple Mount cuối cùng có thể sẽ bị chia thành hai phần.

Tình hình căng thẳng giữa người Do Thái và Palestine ngày càng dâng cao mà lãnh tụ của cả hai phía đã không tìm cách làm cho dịu bớt đi và kết quả đưa đến một loạt những vụ người Palestine dùng dao đâm người Do Thái, lúc đầu là ở những khu vực bên ngoài, nhưng gần đây những vụ đâm người đã liên tiếp xảy ra trong khu vực Cổ thành Jerusalem.

xung dot israel palestine3

Một phụ nữ Palestine ủng hộ các phong trào Hồi giáo Jihad giữ một bản sao của kinh Koran.  nguồan kerv1230.com

Tuy nhiên, theo giới quan sát tình hình cho biết, vụ xung đột lần này rất khác so với những vụ xung đột trước đây. Thậm chí các giới chức tình báo Israel lần này cũng không đổ lỗi trách nhiệm cho bất kỳ một nhóm dân quân Palestine điển hình nào, như nhóm Islamic Jihad hoặc Al-Aqsa Martyrs Brigade hoặc Hamas, đã dính líu tới những vụ tấn công người Do Thái bằng dao.

Dường như những tay tấn công người Palestine đó đã bị khích động bởi những hình ảnh và những đoạn video về những vụ tấn công được đăng trên những trang mạng như Facebook và Twitter mà họ được xem qua.

Những vụ đánh bom tự sát được xem là chiến thuật tiêu biểu trong cuộc nổi dậy lần thứ hai (Second Intifada) của người Palestine mang lại một số thành công nhưng đòi hỏi phải có một tổ chức hạ tầng cơ sở – tìm người chịu tình nguyện ôm bom, chế tạo và cung cấp bom nổ cho họ và tìm cách đưa họ tới địa điểm tấn công. Nhưng phần lớn những cơ sở hạ tầng này đã bị các lực lượng Israel phá vỡ ở giai đoạn cuối của cuộc nổi dậy.

Phía Israel đã đầu tư một khối lượng tài chánh rất lớn trong việc phát triển một mạng lưới tình báo rất quy mô – trong đó kể cả những thành phần hợp tác và chỉ điểm gốc Palestine – trong khu vực Đông Jerusalem và Tây Ngạn, cho xây một bức tường kiên cố bao quanh khu Tây Ngạn nhằm ngăn chặn những vụ ôm bom tự sát có thể xảy ra, và cho phát triển hệ thống phòng thủ hỏa tiễn có tên  Iron Dome (Vòm Sắt) để chặn từ trên không những hỏa tiễn được bắn ra từ dải Gaza.

Nhưng để mua một con dao ở Jerusalem thì quá dễ. Tấn công bằng dao là một phản ứng cực kỳ  “low-tech” của người Palestine để đối lại với một hệ thống an ninh áp dụng những kỹ thuật hiện đại nhưng cũng rất tốn kém của Israel.

Người gốc Ả Rập hiện nay chiếm khoảng 20% dân số của Israel, do đó việc lục soát từng người một để tìm loại vũ khí nhẹ như trên là điều không thể.

Mặc dù phía Israel cho biết đã có hơn 2,000 lính gìn giữ an ninh trong khu Cổ thành, và Thủ tướng Benjamin Netanyahu vừa phê chuẩn thêm 13 đơn vị cảnh sát bảo vệ biên giới được đưa tới Jerusalem, đến nay, chính phủ Israel vẫn chưa tìm được câu trả lời để giải quyết những vụ bạo động mới này.

Hai mươi hai năm trước, Israel và Palestine ký Hoà ước Oslo, với ý nghĩa như là bước đầu tiên để đặt nền tảng cho tiến trình hoà bình và cuối cùng là tiến tới một giải pháp hai quốc gia (two-state solution).

Đó là năm 1993. Trong tất cả những năm sau đó đã không đạt được những bước tiến triển thật sự và thất bại này của cả hai phía Israel và Palestine đã làm cho những giới chức tham gia trong những cuộc thương thuyết tỏ ra vô cùng thất vọng.

Với tình hình bất ổn và bạo động vẫn đang tiếp diễn và chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt, chính phủ Netanyahu bắt buộc phải nhìn nhận rằng tình trạng hiện nay với việc kiểm soát gắt gao người Hồi giáo Palestine được vào cầu nguyện trong khu đất thánh Temple Mount là không thể đứng vững được. Không một mức độ bạo động nào hay nỗ lực tăng cường thêm an ninh hoặc cố tình cho ủi sập nhà của người Palestine là sẽ giải quyết được những vấn đề tiềm ẩn trong những xung đột giữa Israel và Palestine. Ngoại trừ nếu cuộc chiếm đóng của Israel được chấm dứt qua những dàn xếp thương thuyết mà cả hai phía phải có trách nhiệm đối với nhau. Người dân Israel và Palestine sẽ tiếp tục chung sống trong cùng một không gian nhưng thiếu sự bình đẳng, và những cuộc giết người bằng dao sẽ chỉ làm cho những căng thẳng và xung đột dâng cao.

Sáng Thứ Bảy 24/1, sau cuộc họp tay ba giữa Israel, Jordan và Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố cả hai phía Israel và Jordan cùng đồng ý cố gắng chế ngự làn sóng bạo động trong thời gian sắp tới, với bước khởi đầu là cho gắn thêm máy quay phim an ninh tại Đền al-Aqsa theo đề nghị của vua Abdullah của Jordan. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ việc cho gắn thêm máy quay phim an ninh này có làm giảm bớt căng thẳng hay không vì hiện tại phía Israel đã có 300 máy đang theo dõi mọi hoạt động trong khu vực 24 giờ mỗi ngày.

VH