Tuần qua, có hai sự kiện quan trọng liên quan đến biển Đông đã được các cơ quan truyền thông quốc tế chú ý khá kỹ: thứ nhất, hôm Thứ Hai 26/10, hải quân Hoa Kỳ đã đưa một tàu chiến vào một trong những khu vực bãi đá ngầm mà Trung Quốc ngang nhiên nhận chủ quyền; và thứ nhì, hôm Thứ Năm 29/10, một toà án trọng tài quốc tế chấp nhận xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa hai quốc gia này.
Hôm 9/3, Tòa án Trọng tài (PCA) tại The Hague, Hòa Lan tuyên bố có thẩm quyền xét xử vụ Biển Đông. nguồn vdexpress.de
Cả hai sự kiện trên đều phần nào gây bất lợi cho Trung Quốc, ít nhất là ở thể diện bề ngoài, mà người Tàu là dân tộc luôn coi trọng thể diện. Hơn nữa, cả hai sự kiện cũng đã làm rõ hơn hình ảnh của Trung Quốc như một anh “bully” chỉ chuyên đi bắt nạt những nước nhỏ trong vùng, nhưng khi đụng phải một anh khổng lồ khác thì Trung Quốc chỉ lên tiếng phản đối rất chừng mực trong lúc anh khổng lồ này ngang nhiên đưa tàu chiến của mình vào trong khu vực mà bấy lâu nay Trung Quốc vẫn nhận chủ quyền và còn dùng tàu lớn của họ để vừa xua đuổi vừa đánh chìm những tàu đánh cá của những nước như Philippines và Việt Nam một khi những tàu đánh cá này đi vào đánh bắt cá ở khu vực trên.
Tàu khu trục USS Lassen vào hôm 27/10 đã vào trong khu vực biển 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa. nguồn www.newsunited.com
Tờ Washington Post gọi những sự kiện trên là hai cú đánh (double blow) liên tiếp thẳng vào mặt Trung Quốc. Phải chăng Hoa Kỳ đã biết trước về quyết định của Tòa trọng tài nên đã mau chóng cho tàu chiến của mình đi vào vùng đang có tranh chấp chỉ mấy ngày trước đó hay đây chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên?
Như trên đã nói, ngày 26/10, Hải quân Hoa Kỳ đã đưa khu trục hạm USS Lassen tiến vào khu vực cách bãi đá ngầm Subi 12 hải lý. Thực ra hành động này đã được Hoa Kỳ loan báo cả tháng trước nhưng không cho biết chính xác ngày giờ, và trong chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ, Tổng thống Barack Obama cũng đã trực tiếp thông báo cho ông Tập biết về quyết định trên và khẳng định thêm là khu vực này không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc. Khi chiếc khu trục hạm USS Lassen tiến vào khu vực, phía Trung Quốc chỉ phản ứng lại bằng cách cho hai tàu chiến của họ lẳng lặng đi theo ở phía sau, và ngày hôm sau cho mời Đại sứ Hoa Kỳ đến Bộ ngoại giao để phản đối chiếu lệ.
Bãi đá Subi nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa với diện tích là khoảng gần bốn cây số vuông, trước đây khi thủy triều lên thì nó chìm dưới mặt nước biển, nhưng nay phía Trung Quốc đã cho hút cát dưới đáy biển đắp lên và xây dựng thành một hòn đảo nhân tạo đủ lớn để có được một đường bay trên đó.
Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho biết những không ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trên đảo nhân tạo này ngoài đường bay còn có một tháp canh và rất nhiều cột ăng-ten. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lâu nay vẫn khăng khăng nói rằng việc xây dựng những hòn đảo nhân tạo trong khu vực chỉ nhằm mục đích hoà bình và dân sự, và ngay chính Tập Cận Bình trong chuyến công du Hoa Kỳ cũng đã trấn an rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hoá những hòn đảo nhân tạo kia. Vậy thì họ phải giải thích sao về sự hiện diện của rất nhiều tàu chiến của Trung Quốc trong khu vực đang tranh chấp.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), biến những bãi đá ngầm thành những hòn đảo nhân tạo không có nghĩa là quốc gia đó có chủ quyền đối với vùng biển quanh những hòn đảo nhân tạo đó, là điều mà bên phía Hoa Kỳ đã nói rõ khi đưa tàu chiến của mình vào, dẫu cho quốc gia đó có quyền vạch ra “vùng an toàn” nhưng cũng chỉ cho phép được 500 mét quanh những bãi đá mà trước đó còn chìm dưới mặt biển.
Cũng nằm trong quần đảo Trường Sa, một đường bay khác hiện đang được xây dựng và sắp hoàn tất trên bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross) và các chuyên gia quan sát tình hình cho biết một đường bay khác rất có nhiều khả năng sẽ được xây trong nay mai trên bãi đá Vành Khăn (Mischief). Hiện nay Trung Quốc đã có cả thảy bảy hòn đảo nhân tạo đều được xây trên những bãi đá ngầm và như nhận định của nhiều người, tất cả nằm trong âm mưu bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực biển Đông.
Hành động của Hoa Kỳ ngay sau đó đã được một số quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Úc và Philippines hoan nghênh vì nó biểu lộ cho đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực an tâm và hiểu rõ hơn về thái độ của Hoa Kỳ là luôn chống lại hành động ngang ngược của Bắc Kinh khi tự nhận chủ quyền của họ trên biển và trên không quanh quần đảo Trường Sa mang tính chiến lược này, bất chấp luật biển quốc tế cũng như sự chống đối của những quốc gia láng giềng.
Gọi quần đảo Trường Sa là khu vực chiến lược quan trọng vì nó nằm trên con đường hàng hải bận rộn nhất thế giới, với khoảng một nửa số lượng tàu bè thương mại trên thế giới cùng với giá trị hàng hoá đủ loại lên đến $5 ngàn tỉ đi ngang qua đây mỗi năm. Ngoài ra nhiều chuyên gia về năng lượng cho biết bên dưới đáy biển trong khu vực quần đảo Trường Sa có thể có một trữ lượng khoảng 5.4 tỉ thùng dầu thô và 1.6 ngàn tỉ thước khối khí đốt.
Việc đưa khu trục hạm USS Lassen đi vào khu vực quần đảo Trường Sa thực ra cũng không làm nhiều người ngạc nhiên và có lẽ chính quyền Obama đã phải làm từ lâu rồi. Nhưng dù muộn vẫn hơn là không.
Nhiều giới chức cao cấp của Hải quân Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động từ nhiều tháng trước về cái mà họ gọi là “vạn lý trường thành trên cát” của Bắc Kinh, và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cũng đã nhắc lại nhiều lần rằng Hoa Kỳ “sẽ đưa phi cơ và tàu chiến đến hoạt động ở bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.” Nhưng bên phía Toà Bạch Ốc thì cứ chần chừ lưỡng lự, cân nhắc lợi hại, sợ làm hỏng chuyến đi của Tập Cận Bình đến Washington vào Tháng 9 vừa qua.
Việc trì hoãn cho thấy đã làm thiệt hại đến quyền lợi của đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, vì nó cho phép Trung Quốc có thêm thời gian để gia tăng thêm việc xây những đảo nhân tạo và cùng lúc là tăng cường thêm sức mạnh quân sự của họ làm đe dọa đến an ninh của khu vực.
Hiện nay, không ai biết phản ứng của Trung Quốc trong những ngày tới sẽ như thế nào. Nhưng nếu Hoa Kỳ không tiếp tục đưa thêm tàu chiến đi qua những vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền, nó sẽ làm hỏng đi nỗ lực của Hoa Kỳ là vừa tạo được niềm tin tưởng của đồng minh đối với Hoa Kỳ khi phải đương đầu với Trung Quốc. Những hoạt động như trên phải được thực hiện thường xuyên hơn, và chỉ một chuyến đi của USS Lassen vẫn chưa đủ để chứng minh thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong khu vực biển Đông.
Đặc biệt có giá trị hơn nữa là các cuộc tuần tra trên biển được thực hiện chung với những đồng minh như Úc, Nhật Bản và Philippines, và rất có thể còn có thêm Nam Dương, là quốc gia cũng đang lo ngại về sự xâm lấn của Trung Quốc quanh khu vực quần đảo Natuna của họ vì quần đảo này cũng nằm trong cái gọi là “tấm bản đồ chín đoạn” của Trung Quốc.
Sự tham gia của Nam Dương có thể thúc đẩy Mã Lai Á và Singapore tham gia theo. Và như vậy sẽ là một hành động liên hoành nhằm bác bỏ đề nghị gần đây của Trung Quốc về những cuộc thao dợt và tuần tra chung với những quốc gia thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có nhiều quốc gia thành viên đang là những mục tiêu xâm lấn của Trung Quốc.
Sự kiện thứ nhì cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ xảy ra vào hôm Thứ Năm 29/10 khi Tòa trọng tài Thường trực (the Permanent Court of Arbitration) có trụ sở tại The Hague, Hòa Lan đã ra phán quyết nói rằng tòa này có đủ thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Đơn kiện của Philippines nói rằng Trung Quốc đã hành động trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà cả hai đã từng ký phê chuẩn vào năm 1982. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng những tranh chấp về chủ quyền các hòn đảo trên biển vượt ra ngoài thẩm quyền của tòa.
Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) – nguồn biendong.freetzi.com
Tòa án cho biết, trong 15 điều khiếu nại của Philippines đối với Trung Quốc, tòa sẽ xem xét 7 khiếu nại và đồng thời đòi hỏi Philippines làm sáng tỏ hơn về một khiếu nại khác.
Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài Thường trực từ năm 2013. Phiên tòa sẽ được diễn ra vào năm tới và sau đó tòa sẽ ra phán quyết cuối cùng.
Theo lời một giới chức cao cấp của Bộ quốc phòng, chính phủ Hoa Kỳ cũng bày tỏ hoan nghênh phán quyết trên.
Mặc dù phía Trung Quốc vẫn tiếp tục chống đối cũng như tẩy chay không tham gia vụ kiện, đại diện của chính phủ Hoa Kỳ cho biết phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài sẽ có đủ cơ sở pháp lý để ràng buộc Philippines và Trung Quốc phải tuân thủ theo quyết định của tòa vì cả hai quốc gia này đã phê chuẩn vào công ước UNCLOS trước đây.
Cũng theo một giới chức ngoại giao của Hoa Kỳ về khu vực Đông Á là Daniel Russel nói rằng khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng, điều đó có nghĩa là cộng đồng quốc tế cũng sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải làm đúng theo giao ước khi họ ký tên vào bản công ước.
Điều mà nhiều người Việt trong và ngoài nước quan tâm là phía chính phủ Việt Nam sẽ làm gì trong những ngày sắp tới, hay cũng lại chỉ nói suông như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cuối năm ngoái cho biết: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài về lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
Chính phủ Việt Nam không chỉ bày tỏ lập trường và quan điểm mà còn phải bắt chước Philippines chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc thì lúc đó cộng đồng quốc tế mới có lý do để bênh vực Việt Nam về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình.
VH