Menu Close

Đười ươi có giống người?

Người ta nói đười ươi là linh trưởng bốn chân sống nơi hoang dã. Nhưng khi được con người thuần hóa, huấn luyện làm những động tác giống như con người thì sinh vật này lại hoàn toàn sử dụng chỉ có hai chân, đi đứng, thậm chí biết phát biểu bằng những tiếng u ơ bằng ngôn ngữ của nó. Không chỉ dừng lại những động tác giống như con người, đười ươi còn biết đánh kickboxing trên võ đài. Vườn thú Safari ở Thái Lan có những show võ sĩ đười ươi rất vui nhộn.

duoi uoi4

Đười ươi đấu kickboxing tại Safari World, vườn thú lớn ở ngoại ô Bangkok. photo AFP-Jiji

Khán giả ngồi kín hết chỗ trong khu biểu diễn Kickboxing, dán mắt vào người dẫn chương trình giới thiệu võ sĩ Young Tu thân hình đầy lông lá, mặc chiếc quần đỏ vừa bước ra sân khấu giơ tay chào khán giả một cách điệu nghệ như nhà quyền Anh thực thụ. Một chút về thành tích của Young Tu, “anh ta” đang giữ đai vô địch hạng “ruồi” và cuối cùng võ sĩ này tỏ lời cảm tạ khán giả bằng chiếc micro trên tay với ngôn ngữ có trời mới hiểu. Khán giả vỗ tay náo nhiệt, chàng võ sĩ càng phấn chấn, khi giơ chân láu lỉnh đá vào mông trọng tài, chuẩn bị cho trận đấu bắt đầu. Một cái cú vào đầu võ sĩ, anh chàng lông lá vòng tay sang véo tay trọng tài trả đũa. Khán giả cười ồ khiến anh chàng võ sĩ khoái trá, nhe răng cười toe toét.

duoi uoi3

Võ sĩ đười ươi ngồi chờ lên thượng đài trong show kickboxing ở vườn thú Safari Thái Lan – Nguồn: Safariworld

Chàng võ sĩ thứ hai quần xanh xem ra còn láu cá hơn khi vừa được giới thiệu bước ra sân khấu. Cách chào bằng màn đứng sau lưng đá móc hạ bộ trọng tài, còn xòe bàn chân vẩy vẩy chào khán giả. Một con đười ươi thông minh không khác chú hề đứng trước người xem. Chàng ta nhe miệng cười, giơ cánh tay tỏ vẻ sức mạnh của nhà vô địch thượng đài. Người trọng tài giỡn chơi bằng cách chọc cù léc vào hông võ sĩ. Võ sĩ đười ươi khôn ngoan, nhanh tay quăng cái nón trên đầu của trọng tài xuống sàn, trong khi trọng tài cúi xuống nhặt, một cú đạp vào mông làm anh ta chúi nhủi. Tràng cười khán giả rộ lên. Dưới khán đài, bà con xôn xao, “ôi con người hay con vật!”.

Trận đấu sắp bắt đầu, hai võ sĩ đứng dựa cột góc vặn mình, khởi động đôi chân, trong khi cô nàng đười ươi yểu điệu trong bộ bikini giơ tấm bảng “hiệp một” đi ra từ hậu trường trong tiếng nhạc nổi lên. Rồi nàng bước lên võ đài đi rảo một vòng, sẵn tiện tặng cho anh chàng võ sĩ quần xanh một cái hôn cổ vũ. Tiếng cồng vang lên, hai đối thủ chạm quyền bắt đầu tỉ thí theo hiệu lệnh trọng tài. Chúng xáp lại gần nhau, tung ra những ngón đòn Jarakae fadhang (đá phía sau), fan sok (tấn công bằng khuỷu tay), tu khao (thúc gối)… Cả hai giằng co bằng bốn cánh tay dài, đánh tới tắp vào mặt đối thủ, không khác hai võ sĩ boxing thứ thiệt quyết tung đòn ăn thua đủ.

Khi tiếng cồng báo hiệu hiệp một kết thúc, chúng trở lại góc đài, ngồi dựa vào cột để được người săn sóc, nước uống, lau mặt cho tỉnh táo. Anh chàng võ sĩ quần xanh, tu một họng nước súc miệng rồi phẹt ra bên hông võ đài. “Người” phục vụ đồng loại từ hậu trường cầm theo đồ lau sàn dọn dẹp vũng nước sạch sẽ và đi vô với tư thế rất thanh thản làm xong nhiệm vụ đã được huấn luyện thành thục. Ở đây, nếu tinh ý người ta sẽ thấy những hành động đơn lập theo kiểu bắt chước bọn đười ươi làm rất khéo và đúng như đội ngũ huấn luyện mong đợi. Còn những hành động phối hợp giữa đồng loại thì phải nhờ bàn tay con người can thiệp. Như động tác cho uống nước bằng chai hay mớm vào miệng con vật một hạt đậu phộng để khích lệ chúng. Đồng loại đười ươi có thể vạch lông bắt chấy rận cho nhau nhưng chúng không thể cho đồng loại của mình thức ăn hay nước uống như con người bởi dù thông minh biết bắt chước những hành động của con người nhưng chúng vẫn là loài động vật với tư duy tranh giành sự sống, tức là tự kiếm ăn cho bản thân mình.

duoi uoi2

Hiệp 1 bắt đầu, cô nàng đười ươi tranh thủ hôn cổ vũ võ sĩ yêu thích – Nguồn: Safariworld

Hãy khoan nói về chuyện này, chúng ta xem tiếp trận đấu giữa hai võ sĩ đang hồi gay cấn ở hiệp hai. Những cú đánh và đá vào đối phương lẫn nhau như đã luyện tập nhiều lần trước khi lên võ đài tỉ thí. Đối thủ quần đỏ vờ ngã vật nằm ngửa ra sàn. Trọng tài đếm một, hai, ba, bốn… mười, anh ta vẫn nằm phè cánh nhạn với đôi mắt thao láo chờ hiệu lệnh của trọng tài. Cuộc thi kết thúc, võ sĩ quần xanh hạ knock-out đương kim vô địch hạng ruồi, đoạt đai chiến thắng. Người xem sôi nổi bàn tán về sự thông minh của loài đười ươi (orangutan) mà không phải là tinh tinh (chimpanzee) hay khỉ đột (gorilla).

Theo tiến sĩ Puwanart, phó giám đốc điều hành của Safari World, việc tổ chức huấn luyện cho loài đười ươi thi đấu Kickboxing là một sáng kiến được đưa ra cách nay nhiều năm. Sở dĩ ban huấn luyện chọn đười ươi mà không chọn tinh tinh hay khỉ đột vì loài đười ươi có những động tác chậm, thích hợp với những trận thi đấu kickboxing, còn tinh tinh thì quá nhanh nhẹn, lại “láu cá” hơn loài đười ươi, nên rất khó huấn luyện. Khỉ đột lại càng khó huấn luyện hơn vì chúng “nóng tính” không kiên nhẫn, lại không gần gũi với con người như chúng ta vẫn nghĩ.

duoi uoi1

Những cú đòn, đạp đối phương được huấn luyện một cách thuần thục – Nguồn: Safariworld

Độ tuổi thích hợp nhất để huấn luyện một con đười ươi là từ 3 đến 5 tuổi. Khi đến tuổi trưởng thành, con vật cần được đưa ra khỏi các cuộc huấn luyện để làm công việc sinh con đẻ cái. Loài đười ươi nhút nhát được tìm thấy ở đảo Sumatra của Indonesia. Chúng sống thành từng nhóm nhỏ không quá ba con nhưng đến mùa sinh sản, chúng tập hợp lại thành bầy rất đông đảo.

Ông Azman Bin Ghazali, một nhà huấn luyện đười ươi người Malaysia cho rằng, công việc huấn luyện giống vật này không khó khăn lắm nhưng điều cần biết trước tiên là chúng không ưa bị trừng phạt khi làm không đúng theo sự hướng dẫn. Ngược lại, chúng thích được thưởng – bằng hạt đậu hay miếng trái cây chẳng hạn – mỗi khi biểu diễn đạt yêu cầu. Puwanart hy vọng giúp công chúng biết ít nhiều về loài đười ươi để các show trình diễn của chúng được nhiều người quan tâm hơn nữa. Nhiều trường học ngỏ ý muốn đưa sinh viên học sinh đến xem cuộc biểu diễn võ thuật độc đáo của loài đười ươi. Ban biểu diễn cũng cân nhắc thời gian để làm sao mỗi màn biểu diễn không kéo dài quá 25 phút để cho khán giả khỏi buồn chán và cũng như để tránh cho các “võ sĩ” không bị kiệt sức…

duoi uoi

Võ sĩ quần xanh bị đo ván nhưng đã gượng dậy được cho hiệp 2 – Nguồn: Safariworld

Trở lại vấn đề tại sao các nhà huấn luyện lại chọn đười ươi như có giải thích một phần ở trên. Sự thật loài đười ươi rất gần gũi với loài người. Các bằng chứng trong nghiên cứu của trường Đại học Pittsburgh và Viện bảo tàng khoa học Buffalo (New York) đã khẳng định thuyết nguồn gốc cho rằng con người có chung một tổ tiên với đười ươi (orangutan). Trong báo cáo công bố trên tờ Journal of Biogeography, các tác giả nghiên cứu đã phát biểu rằng lý thuyết phổ biến trước đây cho rằng con người có quan hệ họ hàng gần gũi với tinh tinh nhất chỉ dựa trên phân tích ADN và không hề có bất kỳ bằng chứng hóa thạch nào cần được xem xét lại.

Jeffrey H. Schwartz, giáo sư nhân chủng học thuộc đại học Pittsburgh, cùng John Grehan, giám đốc khoa học bảo tàng Buffalo, đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết về các đặc điểm cơ thể của khỉ không đuôi hóa thạch và khỉ không đuôi ngày nay để đi tới kết luận rằng loài người, đười ươi, và vượn không đuôi sơ khai đều thuộc về một nhóm tách bạch với tinh tinh và khỉ đột. Sau đó họ xây dựng một giả thuyết về quá trình tổ tiên chung của người và đười ươi di cư giữa Đông Nam Á – nơi đười ươi hiện tại sinh sống tập trung ở Sumatra và các phần khác của thế giới và dần tiến hóa thành khỉ không đuôi đã tuyệt chủng và loài người sơ khai.

duoi uoi5

Vô địch hạng ruồi võ sĩ đười ươi – Nguồn: Safariworld

Schwartz và Grehan đã xem xét kỹ lưỡng hàng trăm đặc điểm cơ thể được coi là bằng chứng tiến hóa giữa con người và khỉ không đuôi cỡ lớn – tinh tinh, khỉ đột, và đười ươi và lựa chọn ra 63 đặc điểm được coi là đặc trưng và duy nhất trong nhóm này, tức không xuất hiện ở bất kỳ động vật linh trưởng nào khác. Trong số đó, qua phân tích cho thấy con người có chung 28 đặc điểm đặc trưng với đười ươi, 2 đặc điểm đặc trưng chung với tinh tinh, 7 với khỉ đột, và 7 với cả 3 loài này. Khỉ đột và tinh tinh có chung với nhau 11 đặc điểm đặc trưng chung.

Tóm lại, đười ươi và con người có nhiều đặc điểm chung hơn các loài linh trưởng nào khác. Nhà cổ sinh vật – nhân chủng học Peter Andrews đồng tác giả cuốn “The Complete World of Human Evolution” (tạm dịch là “Thế giới Tiến hóa của Loài người”), cho rằng Schwartz và Grehan đã cung cấp những bằng chứng hết sức thuyết phục để chứng minh cho giả thuyết của họ, là đười ươi có quan hệ và rất giống tổ tiên với loài người sơ khai.

NL – Theo World Safari