Trịnh Y Thư sinh năm 1952 tại Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn và du học tại Hoa Kỳ từ năm mười tám tuổi. Anh viết văn, làm thơ, dịch sách. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn Phòng Riêng (A Room of One’s Own), tiểu luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010; Chỉ là đồ chơi, tạp bút, tạp chí Hợp Lưu xuất bản, 2012. Hiện định cư tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Trịnh Y Thư tiêu biểu cho những nhà thơ tại hải ngoại có khả năng sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ, thể hiện trong phần sáng tác và các tác phẩm dịch thuật. Anh có lẽ là người dịch Milan Kundera đầu tiên sang tiếng Việt.

Làm thơ (một công việc mà anh tự cho là có hứng thú nhất) anh đang chọn lựa trong hàng trăm bài thơ đã làm để in một tuyển tập thi ca trong thời gian sắp tới. Anh từng nói: “Thơ lúc nào cũng chiếm phần ưu ái nhất trong tâm hồn tôi. Tôi thấy mình may mắn là kẻ yêu thơ. Tôi không “vịn” vào thơ để sống như nhà thơ nào đó tỏ bày tâm sự. Thơ cũng chẳng phải là cứu cánh trong cuộc đời tôi. Nhưng thơ, qua chữ nghĩa và cảm xúc, quả cho tôi thấy một hiện hữu tâm hồn khác nằm lấp ló đằng sau cái hiện hữu thường ngày.”Thơ của Trịnh Y Thư vừa có nét cổ điển nhưng lại có những khám phá mới của suy tư khác hơn với những quen thuộc của thi ca Việt Nam. Thơ anh đặt chúng ta vào bối cảnh của các huyền thoại, ý thức của con người đối với các tai ương, chiến tranh, đời sống lưu vong, và sự hủy diệt. Tuy làm thơ không nhiều, gần đây ít xuất hiện, thơ anh được viết kỹ, đôi khi xuất hiện dưới dạng song ngữ Anh và Việt, chứa đầy những giây phút bừng sáng gần như mặc khải.
Có một niềm ao ước được giao tiếp và thấu hiểu xuyên suốt các bài thơ của Trịnh Y Thư. Cái tôi trữ tình của anh mang theo những xung đột lịch sử. Tuy vậy hình như những bài thơ mới nhất có khuynh hướng ngày một siêu hình hơn, được diễn tả bằng trí tưởng tượng phong phú, nhiều hình ảnh, đặt trong mối quan hệ, đôi khi, khá cân bằng giữa cá nhân và người khác, giữa cái tạm thời và cái vĩnh viễn, giữa cái chết và sự hồi sinh.
Trong những trường hợp tiêu biểu nhất, mỗi bài thơ của Trịnh Y Thư như một cánh cửa sổ, mở vào thế giới khác.
Và sau cùng, Trịnh Y Thư còn là một cầm thủ ghi-ta cổ điển từng theo học với danh cầm Pepe Romero vào thập niên 80.
Sao Khuê – Tổng hợp
Mùa xuân ở San Juan Capistrano
(Hoàng Ngọc Thư chuyển ngữ)
Vầng dương tuyệt hảo đứng yên giữa chiều tà
bỗng bầy én từ đâu ùa về
vây quanh những mỏm đá chênh vênh trên sóng.
Cuốn vào giữa điệu múa vô định – bầu trời
lượn quanh với nhịp điệu nô nức chắc hẳn đây là
kết thúc của một hành trình dài.
Hàng nghìn dặm, có lẽ. Vượt qua
vô số biên giới, không hề nhìn lại
không giới hạn nào trong tầm mắt.
Những bài ca không dứt, hân hoan và ngẫu nhiên
như tiếng cười đùa của trẻ thơ trong công viên
không nốt nhạc nào nắm bắt được.
Hòa vào hoài cảm – đại dương vẫn mênh mông tựa bao giờ
khi tôi nhận ra quang cảnh xa lạ này
và không có em nơi đây.
Thiên thu một giấc mơ trên lá cỏ
Gió tháng tư như hôn lên da thịt
ngày tôi trở lại đồng cỏ hoa vàng bụi gai xanh
trong âm vang của đất
giọt nắng thơm thơm ngọc quế
tan chảy trên những phiến lá cỏ dịu dàng.
Tất tả chú thỏ đuôi gòn vụt chạy ngang
tôi giơ tay vẫy chào
rất mừng chú có nơi chốn để về
một cái hang đơn sơ nhưng ấm áp
có những chú thỏ con chúm chím nằm chờ.
Cỏ lá tháng tư mơn man
tuần trăng còn đây hãy thiết tha cỏ nhé
để bầy chim tháng giêng
bay về nghiêng nghiêng cành biếc.
Chào đón mùa Xuân tới
vòm cây phong nao nức dưới chân cầu
cội thông già thanh thản
cúi nhìn khe nước trong rộn rã reo vui.
Lá cỏ tháng tư – chỉ còn tôi với cỏ
cỏ hôn tôi tôi hôn cỏ lớp đất nâu
lời tỏ tình không cần thiết nữa
chỉ mình tôi – tôi biết tôi yêu cỏ
bầu trời độ lượng vốn từ tâm.
Cỏ thầm thì cùng tiếng ru của đất
nắng bỗng reo tiết điệu diệu kỳ
thời gian dao động như vết lắng tích trầm
và cỏ trao thân cho đất.
Tôi tỉnh giấc giữa cánh đồng cỏ xanh
chung quanh vàng hoa vàng muôn điệu
như Lưu Nguyễn tôi không nhớ lối về
thiên thu một giấc mơ trên lá cỏ.
Trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau
Nicht sind die Leiden erkannt,
nicht ist die Liebe gelernt,
und was im Tod uns entfernt,
ist nicht entschleiert.
Không hiểu những nỗi khổ đau
cũng chẳng học được bài học tình yêu
và vẫn mù lòa không nhận ra điều
cách ly chúng ta trong cõi chết.
Rainer Maria Rilke
Phủ quanh bóng tối của tình yêu
vết lắng ngẩn ngơ cơn mê
hơn một lần run sợ tiếng gõ của
định mệnh trên nỗi hoang vu ngập đắm.
Hồn lạnh không nhớ đâu bờ bến
tôi đốt cháy tháng ngày còn lại
những bước ngập ngừng bóng chiều xập xoạng
ngoảnh nhìn vết tích bao phế hưng hôn ám
trôi dần về bóng thẳm xa xăm.
Trong nỗi hoài nghi tôi yêu người
mãi mãi đấy là điều bí ẩn
giấu trong cơn mê say đắm đuối
nỗi hoang mang của kẻ tội đồ.
Sự thinh lặng của cõi không ùa về
tôi đứng nhìn biển xanh
lòng u hoặc trăm điều không tỏ
chiều u uẩn biển u hoài bưng kín
sóng vỗ dưới chân rầm rì
như tiếng vọng nghìn năm.
Dầm mình trong khói sương thần thoại
bóng tối che ngang
phía bên kia chân trời nào còn lại
mỗi lúc mỗi xa quá lối về.
Bơ vơ tháng ngày mưa nhanh
thu vén những mảnh đời vụn vỡ
ta còn gì cho nhau
ngoài ánh mắt khoan dung
như lần chia tay trên đồi cát.
Hoàng hôn rồi cũng xuống
trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau
chợt một hôm hóa thân cát bụi
gió tê xao xác cõi ngoài.