Tuần qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến viếng thăm hai quốc gia vùng Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, qua lời mời chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tập đã được nhà nước cộng sản Việt Nam đón chào bằng thảm đỏ, nhưng đồng thời cũng được người dân Việt Nam dàn chào bằng những cuộc biểu tình tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, mặc dù những cuộc biểu tình đã bị nhiều nhóm công an ra sức ngăn chặn và giải tán.
Tổng thống Mã Anh Cửu và Tập Cận Bình tại khách sạn nổi tiếng Shangri-la – nguồn dnaindia.com
Tuy nhiên, chuyến viếng thăm Singapore là được thế giới chú ý hơn cả vì ngoài những cuộc gặp gỡ chính thức với các nhà lãnh đạo Singapore thì còn một cuộc gặp gỡ khác giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan tại khách sạn nổi tiếng Shangri-la vào hôm Thứ Bảy 7/11. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai lãnh tụ Trung Quốc và Đài Loan kể từ năm 1949 sau khi chính phủ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bị thua trong cuộc chiến quốc cộng tại Hoa lục và rút ra đảo Đài Loan.
Biểu tình tại Đài Loan trước cuộc họp với Trung Quốc – nguồn meleronews.com
Tin này được đưa ra vào tối hôm Thứ Ba 3/11, tức chỉ bốn ngày trước cuộc gặp gỡ, đã gây khá nhiều bất ngờ đối với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để có được cuộc gặp mặt này xảy ra, cả hai phía đã có rất nhiều những cuộc thương thảo bí mật diễn ra trong suốt hai năm qua.
Tất cả bắt đầu vào tháng 11 năm 2012 khi ông Mã gửi một bức điện ngoại giao chúc mừng ông Tập sau khi Tập được trao quyền nắm giữ cả hai chức vụ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, gọi mối quan hệ song phương là “sự ổn định và hoà bình nhất trong sáu thập niên”. Ông Tập gửi lại, kêu gọi cả hai bên hãy “nắm lấy cơ hội lịch sử này và tạo thêm sự tin tưởng lẫn nhau”.
Sau đó, vào tháng 7 năm 2013, Tập gửi một bức điện ngoại giao cho Mã chúc mừng Mã vừa được chọn làm chủ tịch Quốc Dân Đảng. Tập kêu gọi hai bên hãy “cùng nương theo xu hướng phát triển toàn cầu … và tiến lên để nhìn xa về tương lai”.
Đến tháng 10 cùng năm, Tập nói với phái đoàn Đài Loan có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh các lãnh tụ của tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái bình dương (APEC) ở Bali rằng “những bất đồng chính trị lâu dài giữa hai phía phải được giải quyết dần dần. Sau hết, nó không thể cứ bị đẩy từ thế hệ này qua thế hệ khác.”
Tập cũng kêu gọi hãy đẩy mạnh thêm sự tin tưởng “chính trị” chung. Cũng cần nhắc lại là những cuộc thương thảo trước đó hai bên chỉ chú trọng đến những vấn đề kinh tế.
Một bước tiến quan trọng đã đạt được vào tháng 2 năm 2014, khi Văn phòng Ngoại giao Trung Quốc tại Đài Loan và Hội đồng Ngoại giao Đài Loan tại Hoa Lục tiến hành những cuộc thương thảo trực tiếp đầu tiên tại Nam Kinh, thủ đô của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc khi Quốc Dân Đảng còn cầm quyền tại Hoa lục.
Trong quá khứ, những cuộc thương thảo song phương chỉ là giữa hai đảng với nhau hay giữa các tổ chức bán chính thức của chính phủ hai bên. Nhưng khi văn phòng ngoại giao của hai chính phủ chính thức gặp nhau đã đưa ra ý kiến về một cuộc họp thượng đỉnh giữa Tập và Mã, nhưng họ chưa thể đồng ý với nhau về nơi gặp gỡ và hai lãnh tụ sẽ gặp nhau với tư cách gì.
Lúc đầu Mã hy vọng được tham dự cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Bắc kinh vào tháng 11 năm 2014, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ ý kiến này và muốn tìm một địa điểm quốc tế. Trong những cuộc thương thảo gần đây nhất giữa hai văn phòng ngoại giao tại Quảng Châu vào tháng 10 vừa qua, Singapore được nhắc tới như là nơi có thể gặp nhau được.
Sau khi tham khảo với lãnh đạo của hai bên, Singapore được chọn là nơi gặp mặt và cũng trùng hợp với chuyến thăm viếng đảo quốc này của Tập Cận Bình.
Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch – nguồn time.com
Cuộc họp của hai lãnh tụ xảy ra vào lúc tình hình trong khu vực đang gặp khá nhiều nhạy cảm. Tuần trước, hải quân Hoa Kỳ đã đưa một khu trục hạm vào tuần tra trong khu vực biển Đông như một cách lên tiếng bác bỏ việc Trung Quốc tự nhận chủ quyền và cố tình mở rộng lãnh hải trong khu vực. Và chỉ trong hai tháng nữa, Đài Loan sẽ có cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.
Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã có nhiều tiến triển, nhưng Trung Quốc trước đây đã nhiều lần từ chối những nỗ lực ngoại giao của Mã Anh Cửu để có được một cuộc gặp gỡ trực tiếp như vậy, do đó nhiều người đặt câu hỏi là tại sao đèn xanh lại được bật vào lúc này.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng cuộc gặp gỡ là nhằm để gây thêm uy tín cho một Quốc Dân Đảng đang bị suy yếu tại Đài Loan, nhưng cũng chính những nhà phân tích này cảnh cáo rằng làm như thế Bắc Kinh có thể gặp rủi ro phản tác dụng nếu Bắc Kinh làm cho cử tri Đài Loan lo ngại và nghi ngờ là đang cố tình can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử sắp tới đây.
Cuộc họp này cũng được một số nhà nghiên cứu thời sự diễn giải rằng Bắc Kinh đang cố tìm cách đánh lạc hướng dư luận quốc tế để bớt chú ý tới âm mưu bành trướng của Bắc Kinh ở biển Đông hiện đang gây nhiều căng thẳng đối với các quốc gia láng giềng trong vùng.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất đưa đến cuộc gặp gỡ lịch sử này là vì Trung Quốc muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan và tìm cách lấy lòng người dân của đảo quốc này. Trong khoảng một thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã tặng cho Đài Loan nhiều món quà kinh tế béo bở: mở những đường bay trực tiếp, ký kết những giao kèo thương mại kếch xù. Giao dịch thương mại giữa hai bên tăng hơn 50%, và du khách Hoa lục, trước đây từng bị cấm du lịch tới đảo quốc, thì nay lũ lượt đến, chỉ riêng năm ngoái đã có gần bốn triệu du khách đến từ Hoa lục.
Thế nhưng Bắc Kinh cũng nhận ra một sự thật là cứ đổ tiền ra cho nhiều cũng không thể mua chuộc được cảm tình của người dân.
Năm ngoái ở Đài Loan đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn chống lại thoả thuận mở rộng thêm thương mại với Hoa Lục, và chính phủ đang cầm quyền của Quốc Dân Đảng cùng chính sách thân thiện với Trung Quốc đang bị mất uy tín với cử tri và được cho có nhiều khả năng sẽ bị thua trong cuộc bầu cử tổng thống và có thể luôn cả quốc hội vào Tháng Giêng tới đây.
Để gặp ông Mã Anh Cửu, ông Tập Cận Bình chấp nhận phá bỏ một chính sách đã được vạch sẵn từ lâu là không nhìn nhận thể chế chính trị của Đài Loan. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ lãnh đạo Trung Quốc có sẵn sàng chịu thay đổi thêm nữa hay không để lấy cảm tình của hơn 23 triệu dân Đài Loan, mà trong những cuộc thăm dò mới đây tỏ ra không mấy hứng thú về chuyện thống nhất và càng ngày càng tỏ ra lo ngại đảo quốc này đang dần bị lệ thuộc vào nền kinh tế lớn hơn gấp bội của Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn, lãnh tụ của Đảng Dân Tiến có khuynh hướng độc lập, được xem là có nhiều triển vọng trở thành tổng thống tương lai của Đài Loan. Cho đến nay, bà chưa là đối tượng bị đả kích mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng nhiều lần làm đối với những ứng cử viên của Đảng Dân Tiến trước đây, một dấu chỉ cho thấy Bắc Kinh có thể sẵn sàng chịu làm việc với bà.
Bà Thái Anh Văn, lãnh tụ của Đảng Dân Tiến – nguồn www.liberal-international.org
Nhìn từ nhiều góc độ, cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Đài Loan phản ảnh phần nào những chính sách của họ ở những khu vực thường hay có xáo trộn khác của Trung Quốc như Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương, nơi họ sẵn sàng mở hầu bao để chia chác quyền lợi kinh tế nhưng nhất định không chịu thoả hiệp trên những vấn đề chính trị.
Nhưng Đài Loan thì khác. Đài Loan nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh và vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối diện là một ví dụ cho thấy những giới hạn khi phải dựa vào thương mại và đầu tư để gây ảnh hưởng ở ngoại quốc. Thậm chí với vai trò của một cường quốc kinh tế trên thế giới như Trung Quốc hiện nay thì chính sách một chiều của họ chỉ dựa vào những quan hệ kinh tế đôi khi lại phản tác dụng, và với làn sóng chống lại đầu tư của Trung Quốc càng ngày càng nổi lên nhiều hơn từ khu vực Đông Nam Á cho tới châu Phi.
Kể từ 2008 sau khi được bầu làm tổng thống, ông Mã Anh Cửu đã ký kết khoảng 20 cuộc giao dịch lớn để mở rộng thương mại và quan hệ với Hoa lục. Nhưng năm ngoái trong cuộc xuống đường của sinh viên chiếm trụ sở quốc hội của Đài Loan gần một tháng để ngăn cản một dự luật thương mại mới mà ông Mã ra sức vận động, cuộc biểu tình có tên gọi là Phong trào Hoa hướng dương đã làm Bắc Kinh vô cùng tức tối.
Trong cuộc gặp gỡ lịch sử này, nhiều người dân Đài Loan xem đây như một nỗ lực của Trung Quốc để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử vào Tháng Giêng tới đây. Bắc Kinh trước đây cũng đã từng tìm cách làm giảm bớt sự ủng hộ của cử tri đối với những chính khách có khuynh hướng cho một Đài Loan độc lập. Trung Quốc đã từng bắn hoả tiễn vào vùng biển gần Đài Loan ngay trước cuộc bầu cử năm 1996. Và đã từng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Quốc Dân Đảng để hòng đánh bại cựu tổng thống Trần Thủy Biển vì lúc đó ông này toan tính chính thức hoá sự độc lập của Đài Loan đã làm Trung Quốc hết sức giận dữ.
Nhiều nhà phân tích thời cuộc ở Đài Loan phỏng đoán cuộc gặp gỡ này chỉ làm hại thêm uy tín của Quốc Dân Đảng. Chính bà Thái Anh Văn cũng đã chính thức lên tiếng phản đối cuộc gặp gỡ và cảnh cáo ông Mã Anh Cửu đừng tỏ ra nhượng bộ mà có thể làm thiệt hại đến uy thế của Đài Loan.
Tuy nhiên, Đảng Dân Tiến nói rằng họ sẵn sàng mở của cho những cuộc gặp gỡ với ông Tập trong tương lai nếu họ thắng trong cuộc bầu cử vào Tháng Giêng, nhưng cực lực bác bỏ đề nghị của Bắc Kinh là hai bên trước hết phải đồng ý rằng Đài Loan là một phần của “một nước Trung Hoa”.
Trong trường hợp Đảng Dân tiến thắng cử vào Tháng Giêng và bà Thái Anh Văn trở thành tân tổng thống của Đài Loan như nhiều người dự đoán, thì chắc chắn bà Thái sẽ sử dụng tất cả quyền hành của mình để làm chậm đi những nỗ lực đưa Đài Loan xích lại gần hơn thêm nữa với Hoa lục trong những chính sách về kinh tế. Và ông Tập Cận Bình cũng chẳng còn nhiều lựa chọn để ngăn cản tiến trình này.
VH