Menu Close

Hiệp hội Tương tế Bắc Việt Nghĩa trang (Ký) – Kỳ 3

Tôi mang gương mặt đứa trẻ trong hình 15 năm sau trở về. 15 năm sau thức giấc giữa thành phố tôi đã sinh ra, lớn lên và bỏ đi. Tôi mở mắt, hành lang trắng bóng. Tôi nhắm mắt, những con số 401, 402, 403 lớn dần lên. Tôi mở mắt, những con số nối tiếp không dứt. Tôi đứng im rất lâu trước cánh cửa cuối hành lang trắng toát. Tôi muốn tất cả bên trong trống rỗng. Tất cả biến đi đừng xảy đến. Chỉ cần tôi mở cánh cửa ác mộng sẽ tan biến. Chỉ cần tôi mở cửa nắng sẽ ập đến sáng lừng lên xóa lớp mây xám dầy của Châu Âu, xóa nền trời trĩu nặng và xóa tất cả vật đổi sao dời của 15 năm chia cách. Tôi mở cửa. Tôi đứng ở bãi Cháy. Nắng gay gắt, đất Bắc hẹp như thước kẻ kéo một vạch dài trước vịnh Hạ Long. Ðất Bắc tôi đọc trong tiểu thuyết, trông thấy trên các vách mả, đất Bắc của tổ tiên, của Thầy, của Bà, của K muốn tôi về thăm viếng giùm. Tôi đứng ở bờ cát, nước lặng lẽ. Biển mấp mênh với những cù lao tít tắp, những hòn chi chít bất động. Biển không khác biển Phi Luật Tân nơi tôi với K đã dạt vào. Cù lao không khác hải đảo Liminancong nhỏ khoẳm bằng lòng bàn tay nơi tôi đã đi xin ăn. Hạ Long cũng y mũi Né Phan Thiết với đám ruồi xanh bay tỏa trong không khí. Tôi đứng ở bãi Cháy trong yên lặng của buổi trưa không tiếng động, tuồng tất cả chỉ là cảnh vật, một bức tranh mà tôi đứng ngoài, một cuốn phim đang trình chiếu mà tôi không tham dự, không thủ diễn một vai nào. Chỉ vài giờ đồng hồ nữa tôi bước lên xe du lịch đoàn chị Thanh vợ anh Bảo Ninh mua hộ vé, tất cả sẽ biến mất. Giống một bức tranh bôi xóa mà tôi đứng ngoài không ảnh hưởng.

– Trường chị tổ chức tham quan, Vũ đi với các giáo viên, yên tâm. Chị Thanh nói.

– Anh giai Nam Bộ vào chơi đấy à?

Mấy gã thanh niên sấm sẩn vào trong nhà khách Nguyễn Ðình Chiểu. Tôi đang ngồi trong câu lạc bộ khách sạn, tôi muốn nói tôi là người Bắc, không phải anh giai Nam Bộ. Ðám ăn xin đểu đã sửng cồ.

– Anh giai Nam Bộ đưa năm chục nghìn xài chơi.

Tôi luống cuống. Tôi muốn nói tôi người Bắc, Bà sinh ở phố Hàng Ðào, Thầy ở phố Trần Nhật Duật. Tôi là đứa con của Thăng Long trở về nhà. Nhưng tôi không nói được, 50 ngàn với hình Hồ Chí Minh là giá trị duy nhất. Anh Bảo Ninh quát.

– Này các cậu vừa vừa thôi, cậu em tôi trong nhà cả đấy.

Ðám ăn xin đểu lui ra. Tôi bước chân vào quán Cầy Tơ Bốc Lửa ở Quảng Bá. Tôi ngồi trên chiếu hoa cạp điều của Doãn Quốc Sỹ ngày xưa tôi đọc trong sách. Tôi ngồi trên câu thơ mê mẩn thuở nhỏ, trải vách quế gió vàng hiu hắt. Chủ hiệu dẫn tôi xuống dưới gầm nhà sàn xem chó. Ðôi mắt chó trong veo tựa đôi mắt tôi thời nhỏ. Rõ ràng con chó đang khóc. Tôi quay mặt tránh nhìn ánh lửa hàn xì mấy thanh niên đang thui chó ở sân sau. Mùi thịt chó trong Miếng Ngon Hà Nội của Vũ Bằng thơm nức mũi. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi kêu bia Tiger uống kèm với đế. Tôi muốn uống rượu chát nhưng không có. Thịt chó nặng, nồng hơn thịt trừu, uống với rượu chát Haut-Médoc hay Sidi Brahim là tuyệt, vỏ nho dầy đậm sẽ làm ngọt miếng thịt, nhưng trí não tôi chỉ phân tích được đến đó, từ Miếng Ngon Hà Nội của Vũ Bằng đến bây giờ tôi ngồi đây ăn miếng thịt chó đầu đời là một khoảng trống.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cười nhỏ nhẹ. Ông thương tôi như đứa em nhỏ. Tôi sinh ra để được mọi người thương mến. Tôi là đứa trẻ viết truyện được cưng chiều hết mức. Vợ chồng chủ hiệu bất ngờ cãi lộn, tôi với giáo sư Chi ngồi trước màn ảnh truyền hình, trên tấm chiếu trải giữa gian buồng vừa làm phòng khách, quán ăn, phòng ngủ. Chủ quán tát vợ tóe lửa.

– Các anh cứ dùng vô tư!

Ông chủ đã dẫn tôi đi xem chó, quay lại cười.

– Thêm bia nhé. Chủ hiệu Cầy Tơ Bốc Lửa hỏi.

Tôi nhìn ông ngỡ ngàng, chị vợ khóc trong góc. Giáo sư Chi gắp cho tôi miếng chả chó tím lợt của Vũ Bằng ngày xưa thơm ngào ngạt. Tôi nhậu thịt chó suốt đêm, 5 giờ sáng tôi bước chân ra phố Kim Mã, hút 300 đồng thuốc lào ở chiếc điếu cầy của hàng nước vối đen đúa. Cả triệu người đã đặt môi vào ống điếu. Tôi nhìn vành điếu đen quánh, bẩn thỉu, xẩy mẻ, lở như chứng ung thư trên da thịt K đang hoành hành. Tôi do dự rồi ghé môi để cùng hút với đất nước thứ khói sấy bằng nắng gió quê nhà, cùng chia tiếng rít thiết tha đứt hơi của đất nước khi ban mai đang ửng hồng trên bãi xe khách của phố Kim Mã vừa thức giấc. Người tôi tê đi trong làn khói sớm. Người tôi tê đi khi nghe gã tóc vàng nạt:

– No need, get away!

– Oát xu, oát xu!

– I don’t need you to wash my shoes, get away the fucking kids!

Bãi Cháy dấy động. Ðàn ruồi bay tản. Nắng đổ lửa. Ðám trẻ đánh giầy bu lấy gã da trắng đang ngồi ghế bố, đứa nắm tay, đứa sờ chân, đứa giằng lấy giầy, ngay trên bãi biển 120 năm trước Francis Garnier và thủy binh Tây đổ bộ.

– Fucking kids, let me be!

– Oát xu, oát xu!

– Don’t take off my shoes, fuck you!

– Oát xu, oát xu!

– No need, sons of the bitch!

Gã da trắng sửng cồ, như đám xin đểu đã sửng cồ chiều hôm trước, cuối cùng bất lực chìa chân cho lũ trẻ đánh giầy. Tôi giẫm chân lên lớp cát vàng mịn của đất Bắc. Lớp cát vàng óng, mịn tơ, thoai thoải duỗi dài. Cát của Sầm Sơn, Ðồ Sơn của Nhất Linh có êm như cát ở đây? Ðất Bắc của hồn thiêng sông núi, của Ngô Quyền, Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo, Trần Quốc Toản, Ngô Thời Nhiệm, đất Bắc của chiến công oanh liệt chống ngoại xâm, Bạch Ðằng, Chi Lăng, Ðiện Biên Phủ, tôi đứng trước thắng cảnh kỳ vĩ của đất nước, nơi con rồng thiêng đã hiến thân tìm cái chết chỗ này, đập đuôi trầm mình trong sóng nước Âu Lạc, những mảnh đuôi vỡ tóe làm trăm ngàn hòn nhô lên như chứng tích của một thời thiêng mà cả đất nước kiêu hãnh. Xác rồng thu hút du khách, đem đến lợi nhuận. Nhưng tổ quốc không biết, ở Phang Ngà Thái Lan cũng nhiều cù lao như vậy, cảnh vật in hệt, không ăn cắp, không đánh giầy, không bãi giữ xe vì không ai lấy, người Thái không bu bám Tây Phương, và du khách đông gấp vạn. Tôi đã đến Phù Kết, Phang Ngà, Ao Nàng, Sa Mùi, Kra Bì, Trang, đã sửng sốt trước lịch sự của dân tộc nổi tiếng hải tặc này. Sửng sốt trước giá vé duy nhất Thái Lan, Việt Nam, Tây, Mỹ. Sửng sốt trước cô gái Thái trẻ xách chổi đi quét bãi biển sau mỗi khi khách rời ghế bố. Sửng sốt trước giá cua chỉ 38.000 đồng một con ăn ở xe hải sản tươi sống dành riêng du khách. Sửng sốt vì đĩ điếm tràn lan công khai nhảy múa trần truồng. Sửng sốt vì ở Thái cũng có cà pháo, mắm tôm và phở cắt bằng bánh cuốn trụng rau muống. Sửng sốt khi nghe bé gái nhỏ oằn người gánh thúng đu đủ chào mời bằng tiếng Việt.

– Chú người Việt Nam hả? Chú ăn giùm con đĩa tầm sụm. Bố mẹ con từ Vinh qua đây sống mấy năm rồi, con đi bán ở Chạ Long nhớ nhà quá.

– Em tên gì?

– Dạ, con tên Bỉm. Chú ăn giúp con đĩa tầm sụm.

Tôi nhìn cô bé xót ruột. Tôi muốn nói tôi chỉ hơn tuổi em ngày xưa khi phải rời tổ quốc, vì người Bắc không cho phép người Nam sinh sống, triệt tiêu hết tất cả, và tôi phải tha phương cầu thực như em. Nhưng sao em sinh quán Vinh, cũng người Bắc mà em phải tha phương cầu thực bây giờ? 15 năm rồi mà? Bây giờ tôi hiểu vì sao mỗi khi người Thái hỏi Where are you from? Tôi trả lời From Viet Nam, không ai chào mời tôi nữa. Tôi ăn đĩa gỏi đu đủ ở Chalong Bay chiều đó, đĩa gỏi mặn như nước mắt, còn mang tất cả đậm đà của quê hương, ba khía, mắm tôm, rau muống và đu đủ. Bỉm bây giờ trôi dạt nơi nào? Cô bé chỉ có tương lai đĩ điếm của Patong town chờ đợi trước mắt.

– No dollars, no money!

Gã tóc vàng tươi tốt đứng phắt dậy, đám trẻ dãn ra.

– I don’t want you to wash my shoes. You do it by yourself, so I don’t pay. Get off!

– Công an, kêu công an, nó giật tiền!

Bãi Cháy vỡ ầm trong tiếng động, ruồi bay tán loạn, mấy bà cho thuê ghế xúm vào chen chúc, bạn hàng rong ở đâu xô đẩy bu bám, lũ trẻ vẫn trì kéo, giật lôi, gã da trắng vùng vẫy. Fuck you, fuck you, tiếng Anh nghèo vậy sao? Tôi đứng nhìn, muốn can thiệp, muốn chửi vào mặt thằng da trắng ăn quỵt, tôi đã trông thấy chúng nghèo đói thế nào, ăn xin, ăn mày dưới hầm métro, subway, tôi đã trông thấy đám da trắng bần tiện mất dạy lỗ mãng trên đất nước của chính họ, được tôn sùng Thượng Ðế ở đây, tôi đã biết trị giá của phục vụ Âu Châu mắc gấp trăm lần trên bãi cát này. Một cuốc đánh giầy 5.000 đồng chưa bằng 40 cents. Nhưng tôi đứng đó, không cử động, tôi tự bào chữa mình yếu tiếng Anh, nhưng tự trong thâm tâm tôi biết, tôi e ngại gã da trắng cao gấp rưỡi, nở nang, khoẻ mạnh, lực lưỡng phơi trần mình cuồn cuộn bắp thịt trên mảnh đất Rồng.

– Chú công an xử lý, chúng cháu đánh giầy nó không trả tiền!

– Tránh ra để làm việc. Ðã bảo tránh ra! Anh công an nạt tất cả mọi người.

– They took off my money, I don’t pay. They are the thieves. No money, robbers!

– Giải tán, giải tán!

Công an xua tay đuổi tất cả. Anh công an không làm việc hay anh cũng e ngại như tôi đã e ngại trên mảnh đất Rồng? Hay anh cũng yếu sinh ngữ? Gã da trắng đã ngồi lại ghế, thong dong đọc báo, duỗi đôi giầy đánh cire bóng, trang nhất của tờ Wall Street mở rộng loan tin chỉ số kinh tế lên xuống, Liên Hiệp Quốc thanh sát Iraq, khủng hoảng Nam Hàn, Nam Dương, không một dòng nào nhắc đến Việt Nam.

Tôi lên chuyến xe Xuyên Suốt Tốc Hành về trước. Tôi lên chuyến xe Xuyên Suốt Tốc Hành lao băng băng giữa đất cát. Xuyên Suốt: Direct, Tốc Hành: Express, nhưng xe ngừng đón khách suốt dọc đường liên tục không ngớt. Tôi không còn khả năng hiểu tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ mang tất cả nếp sinh hoạt xã hội mà tôi chưa hề tham dự. Nhà sư ngồi cạnh tôi già lắm, sư cụ mang nếp nhăn của những câu kinh kệ suốt đời lần một chuỗi hạt.

– Trả tiền đi!

Gã lơ đánh vào hông xe thùng thùng. Gã lơ trẻ măng chưa biết đến cái chết. Tôi đã trả vé ở bến. Sư cụ đón xe dọc đường lấy trong tay nải mấy tờ giấy cong queo.

– Cậu thông cảm, tôi tu hành chỉ có từng này.

– Một xuất hai chục nghìn, trả liền đi.

Gã lơ quát. Xe băng băng lao giữa vùng đất cát cằn cỗi, những doanh trại quân đội nhân dân trôi lướt, những đụn đất rơm rạ chất đống, nắng chói chang, nắng thả lửa trên mặt đường bùng cháy như rải xăng. Tôi cảm giác lửa Napalm vẫn hãy còn cháy ở đây trên khúc đường này.

– Cậu thông cảm, tôi tu ở chùa chỉ có ngần này.

– Một xuất hai chục nghìn, có thì đi, không có thì xuống.

Gã lơ đập ghế. Nhà sư lúng túng. Sư cụ chỉ có 13 ngàn, thiếu 7 ngàn. Tôi muốn trả, trong túi tôi có 2 triệu bạc Việt Nam và một ngàn dollars đem theo. Tôi muốn lấy tiền, nhưng tôi sợ, chung quanh toàn những người xa lạ. Túi trái tiền Việt bọc trong gói nylon, túi phải tiền đô quấn hai lần giấy bỏ trong bao thư. Tôi cúi gằm mặt trên túi xách Adidas ôm trong lòng.

– Ðịt mẹ, từ sáng giờ gặp toàn thứ gì đâu.

Gã lơ đập vào hông xe thùng thùng. Xe thắng gấp, tay nải nhà sư bị ném tung ra đất. Xe rồ máy, tôi còn quay lại trông thấy sư cụ đứng lom khom giữa trưa nắng trên bãi đất cằn khô, không một bóng râm, lui cui nhặt nhạnh ba chiếc dép, mấy chiếc khăn, một bi đông nước.

Tôi quên đi rất nhanh hình ảnh đó, chỉ nhớ lại nhiều tháng sau, nhiều năm sau mỗi khi ai đó đi Hạ Long nhắc đến bãi Cháy. Không phải hình ảnh của tấm áo cà sa gầy gò rũ đứng giữa trưa ngập nắng, nhưng hình ảnh của một thằng hèn ngồi chết cứng trong lòng xe đò chạy xuyên suốt tốc hành về một bến đỗ nào đó của cách sống hôm nay, bây giờ. Trong xe có tiếng cười khan: Cứ ba cây số bị đuổi xuống, đón mươi lần là về đến Hải Dương.

TV