Menu Close

Đà Lạt mùa hoa dã quỳ và…

muahoa daquy 01

Trên đường đèo Prenn dài 8 km dẫn vào Ðà Lạt, một bên là vực sâu, một bên là núi đá, từ hai ba tuần nay, xuất hiện nhiều phụ nữ ngồi bán hồng giòn. Một chủ hàng cho biết vùng Prenn nhà nào cũng trồng ít nhất vài trăm gốc hồng. Hồng không kén đất, lại sai quả, ăn tươi, sấy khô hay làm hồng giòn đều ngon. Ðể có hồng giòn người ta cho trái hồng già vào bao nilon dầy, buộc kín trong vòng 10 ngày. Sau đó mở ra, hồng sẽ giòn ngọt dù vỏ vẫn tái xanh. Giá một ký hồng giòn 10,000 đồng. Muốn có hồng chín thì dú (giấu kín) bằng khí đá trong 24 giờ rồi giở ra để chín tự nhiên. Da hồng đỏ đều, thịt hồng ngọt mềm nhưng dẻo chứ không nhão nhoẹt. Giá cũng 10,000 đồng một ký. Hồng sấy đắt nhất, bỏ mối 70,000 đồng, đánh về Sài Gòn bán 120,000 đồng/ký. Sở dĩ đắt vậy vì năm ký hồng tươi mới được một ký hồng dẻo. Người làm tỉ mẩn gọt vỏ từng trái hồng già, bổ đôi, đặt lên vỉ, sấy than liu riu. Vài tiếng đồng hồ trở một lần, liên tục trong hai ba ngày.

muahoa daquy 01

Hồng chín, mới hái từ trên cây, rất ngon và lành (không hóa chất thúc chín)

Ngoài hồng, dâu tây cũng được du khách ưa thích. Hầu như tài xế và ‘tua- gai’(tour guide) tuyến Sài Gòn- Ðà Lạt nào cũng ‘ăn cánh’ với một cơ sở trồng dâu, bán dâu trên đường Mai Anh Ðào (phường 7), Nguyên Tử Lực (phường 8). Khi có khách, họ ‘áp tải’ đến, kín đáo nhận quà biếu và tiền hoa hồng, mặc chủ tiệm bán cho khách đủ loại sản phẩm dưới đất với giá trên trời. Loại dâu Mỹ (còn gọi là dâu đá) to trái, đỏ bóng, trông đẹp mắt nhưng ăn cứng, chua loét, mùi không thơm, bán tại vườn 80,000 đồng/ký. Loại sứt sẹo đèo đẹt 15,000 đồng. Người làm mứt dâu ‘tổng thầu’ loại dâu sứt sẹo này, về lặt cuống, trụng nước muối cho rụng hết ‘râu’ rồi cho đường cát vào đun kẹo lại, thêm phẩm đỏ, bột vani là thành “đặc sản mứt dâu chánh hiệu Ðà Lạt, thơm ngon đặc biệt”.

Ngoài dâu tây, hồng giòn, những ngày giữa tháng 11 này đến bất kỳ trang trại cà phê nào cũng gặp công nhân tuốt cà (hái cà phê) thoăn thoắt. Sau ba vụ liên tiếp bị mất mùa, mất giá, năm nay dân trồng cà phê Ðà Lạt không mấy người dám trữ cà phê nhân. Cứ thu hoạch cà phê tươi đến đâu cân bán luôn đến đó. Nói chung, công nhân hái cà phê sống ngon lành hơn công nhân hái trà.

muahoa daquy 01

muahoa daquy 01

Vì tuy mang danh ‘Thủ Ðô Trà’ nhưng các vùng chuyên canh trà nổi tiếng như Bảo Lộc, Di Linh, Cầu Ðất ở thời điểm hiện tại đang chết dở vì tồn kho tới năm ngàn tấn chè đen, chè xanh, chè ô long không xuất bán cho Ðài Loan và vùng Trung Ðông được do tiếng đồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cụ thể là hoạt chất Fipronil, trong lá trà cao, quy trình chế biến lạc hậu, quản lý phẩm chất kém. Hiện giá thu mua trà giảm 10% so với năm ngoái, có chín doanh nghiệp trà đã ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp khác hoạt động cầm chừng. Nhiều đồn điền trà phải áp dụng biện pháp ‘đốn đau’ (đốn ngang cây) để trà không sinh trưởng nữa. Công nhân hái trà thất nghiệp, nhiều người trong số họ là người dân tộc K’ Ho, người Lát, người Chil đã chuyển sang dệt thổ cẩm, đan gùi, trồng mì trồng sắn, chở gỗ thuê cho lâm tặc kiêm… phá rừng. Cụ thể là đi lan (leo cây đánh lan rừng xuống cân ký bán như bán rau cải), lấy nhựa thông (dùng xà gạc- dụng cụ giống rìu- vạt một mảnh lớn trên cây thông già, mục đích tạo vết thương. Nhựa sẽ tích xuống vết thương này. Ðẽo rời tảng thông đầy nhựa mầu nâu đỏ, chẻ thành từng thanh mỏng, bó lại, gùi xuống chợ. Xong lại tạo tiếp vết thương khác trên cây thông, chờ ra đủ nhựa lại vạt bán, tạo vết thương khác. Cứ vậy cho đến khi cây thông cạn nhựa hoặc bị ‘lăng trì’ quá mức sẽ tự gục chết).

muahoa daquy 01

Dâu tây Đà Lạt – rất được du khách ưa thích (thích xem và hái, không thích ăn)

Không phải là người địa phương để thắc thẻo ruột gan với cơm áo gạo tiền, du khách đến Ðà Lạt phần đông rất vô tư. Người trẻ ngất ngây vì vẻ đẹp của những đồi hoa quỳ nở vàng rực, lộng lẫy, miên man. Người trung niên vui thích đi chợ đêm, mua đặc sản hồng, dâu, cà phê, trà, khăn len, áo gió với giá rẻ bất ngờ. Người già đi tìm lại kỷ niệm, bạn bè một thời. Nhưng dù là ai thì cũng chung nhận xét về Ðà Lạt chớm đông rằng một ngày Ðà Lạt gồm đủ bốn mùa. Buổi sáng là mùa xuân. Buổi trưa là mùa hạ. Buổi chiều là mùa thu. Buổi tối là mùa đông. Vào ‘mùa xuân’, ‘mùa hạ’ du khách trẻ thuê xe gắn máy sục tìm những đồi quỳ trinh nguyên để chụp hình. Thôi thì đủ kiểu: Chàng đội vương miện tết bằng hoa quỳ cho nàng. Nàng trao chàng bó quỳ cười tít mắt. Cả hai chụp hình ‘tự sướng’ giữa bụi quỳ vàng và mấy con bò thả rong… ‘Mùa thu’, tầm bốn giờ chiều trở đi, không gian Ðà Lạt nắng quái huy hoàng. Ðường phố đầy người xe qua lại. Trẻ con tan học. Người lớn tan sở. Chợ ngày chuẩn bị thu dọn về. Chợ đêm rục rịch trải ra. Sáu giờ chiều, bắt đầu ‘mùa đông’. Trời Ðà Lạt tối sầm, nhiệt độ hạ xuống rất nhanh. Phố thưa người, hút gió. Ðường phố quanh co. Nhà cửa gối lên nhau. Thung lũng mênh mông. Ðồi núi nhấp nhô. Chỗ nào cũng đèn giăng như sao sa, nhấp nháy muôn mầu. Nhiều người có tí máu lãng mạn cả quyết rằng Ðà Lạt ‘mùa đông’ buồn hiu, vắng ngắt, lạnh tanh nhưng đẹp liêu trai, nhất là những đêm sương mù huyền hồ, chếnh choáng bước chân, bồng bềnh ký ức thì càng ‘liêu’ tợn!

Xem ra, du khách và dân địa phương mỗi người có những buồn vui sướng khổ riêng mình trên cùng mảnh đất ngàn hoa. Những buồn vui sướng khổ này tuy đối nghịch nhưng tồn tại dựa vào nhau nên tuy có phàn nàn than thở, có chán ngán bực dọc nhưng rốt lại không ai nỡ tuyệt tình thực sự cùng đất và người Ðà Lạt

muahoa daquy 01

XH