Kỳ 3
Vậy, việc học hành để trở thành một nghệ sĩ hiện đại ra sao?
Tranh Blue water Lilies. 1916 Claude Monet Họa sĩ đầu đàn của phái Ấn Tượng
Đã nói ở kỳ trước, nghệ thuật hiện đại là nghệ thuật của tự do, nó mang tính nghệ sĩ cá nhân và nó tiên phong mở đường cho nên đa phần những họa sĩ làm rạng danh cho nghệ thuật hiện đại là do những người tự học. Hoặc họ chỉ theo đuổi phương pháp nghệ thuật tạo hình có tính cơ bản ở Trường Mỹ Thuật một thời gian ngắn rồi bỏ. Và phần còn lại trong số họ có theo học đầy đủ ở Trường Mỹ thuật nhưng sau đó đã thay đổi, đi theo chủ nghĩa hiện đại hoàn toàn. Người ta có thể kể ra hàng loạt những tên tuổi lớn như Henri Rousseau, Matisse, Picasso, Van Gogh, Gauguin, Vlaminck, Van Dongen, Miró, Malevitch. Kandinsky, Paul Klee,….đã thành danh bằng con đường tự học. Cũng tương tự, Việt Nam có Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Văn Đen, Cù Nguyễn, Ngy Cao Uyên, Âu Như Thuy, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề,…
The Snake Charmer Tranh sơn dầu của Henri Rousseau 1907 Trường phái Naif
Tự học là một thuật ngữ dành để chỉ những nghệ sĩ không được nhà trường đào tạo từ a đến z. Họ tự tìm tòi những cái, những thứ thích hợp với ý tưởng nghệ thuật của họ mà nhà trường không thể có hoặc không chấp nhận. Họ học hỏi từ những tác phẩm của những họa sĩ mà họ cho là tiền phong (Avant-Garde) họ tham gia vào những salon nghệ thuật để được chia sẻ về quan niệm sáng tác và kinh nghiệm thực hành. Chính trong quá trình thực hành, trải nghiệm, cái mới tình cờ xuất hiện và lúc ấy, cái khoảnh khắc vàng này, sự thông minh trời cho riêng người nghệ sĩ đã nắm bắt ngay và sau đó biến nó thành đường kiếm độc đáo không ai có. Do đó, một điều có tính khám phá ra những kỹ thuật vẽ mới là phải “vọc sơn” thật nhiều, đừng sợ tốn sơn (màu dầu), chưa thấy vừa ý thì cạo bỏ hoặc đắp lên màu cũ một lớp màu khác,…cái mới nhiều khi ra đời bởi những harzard (ngẫu nhiên). Thật ra, harzard là một ngôn ngữ bí ẩn của thi ca, âm nhạc và hội họa của thời hiện đại. Thậm chí nó giữ vai trò bản sắc nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ. Đọc được ngôn ngữ của harzard là một điều khó khăn, không phải ai cũng làm được. Người có tài sẽ nhận ra cái giá trị đặc biệt ấy mà không có sách vở nào, bậc thầy nào dạy được. Trong chuyên môn người ta gọi đó là rechercher (tìm tòi). Chúng ta hãy làm một khảo sát giữa tác phẩm vẽ nude của Renoir, một trong những họa sĩ hàng đầu của trường phái Ấn Tượng thời kỳ đầu với một tác phẩm vẽ theo cách chấm chấm (pointism) của Seurat trong bức Les Poseurs hoặc với bức tự họa của Van Gogh với bút pháp nhấn mạnh từng đường cọ ngắn (touche) khắp mặt tranh, phải chăng là do sự phát hiện kỹ thuật vẽ rất riêng từ những harzard mà họ bắt gặp trong quá trình thực hành? Dã Thú, Biểu Hiện, Lập Thể hay Trừu Tượng cũng có sự góp phần của harzard rất đáng kể. (Trong một dịp khác tôi sẽ trở lại kỹ hơn về harzard trong vai trò làm thay đổi kỹ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình từ hiện đại đến đương đại.)
Les Poseurs Tranh sơn dầu của Seurat Vẽ theo lối chấm chấm ( pointism) 1887-88
Mặt khác, chính từ những khám phá như thế mà các trường phái nghệ thuật hiện đại đã liên tục ra đời từ đầu thế kỷ 20 cho đến cuối. Và cũng chính những cái mới ấy đã trở thành tiền đề cho những đổi mới trong đào tạo ở các trường mỹ thuật Pháp vào thập niên 90 của thế kỷ 20, vai trò của các môn học cơ bản của trường mỹ thuật dần dần bị lu mờ và các xưởng vẽ của các bậc – thầy – mới trở nên quan trọng hơn vì ở đó những học trò được hướng dẫn những gì họ cần và loại bỏ đi những bài học không còn hợp thời, vì ở đó là nơi làm cho tư duy nghệ thuật phát triển để họ làm nhà nghệ sĩ có cá tính, các quy trình học và thi cử của mỹ thuật trường quy là những gì rất không phù hợp với bản chất nghệ sĩ thời hiện đại. Điều này, những năm cuối thế kỷ 20, đã làm cho các trường mỹ thuật ở Pháp đã phải điều chỉnh phương pháp dạy học và cả hệ thống đào tạo. Tác giả đã quan sát sự kiện thay đổi này khi có mặt ở Paris năm 1994, môn cơ bản học về Academy (môn vẽ khoả thân) và các môn học về màu sắc, phối cảnh, lịch sử mỹ thuật,.,,đã chuyển về trường trung học để dạy cho các học sinh ban tú tài mỹ thuật để khi các em vào Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris thì học ngay vào sáng tác, tức là họ khởi đầu vai trò nhà nghệ sĩ từ đây. Hình như ở Hoa Kỳ chưa áp dụng sự thay đổi như thế vì năm 2000 tôi được Trường Heroin School of Fine Art thuộc Trường Đại Học Indiana mời thỉnh giảng 3 tháng về kỹ thuật mới cho vẽ sơn dầu cho năm thứ tư thì khi được Nhật Hoàng, cô giáo gốc Việt mời đến dự lớp năm thứ nhất đang có buổi học vẽ người như ở trường mỹ thuật trong nước. Hình như ở Hoa Kỳ, chưa có ban mỹ thuật ở bậc trung học như ở Pháp.
Nude in the Sunlight của Renoir
Một nhận xét có tính kết luận cho phần 2 của đề tài Những Câu Hỏi về Mỹ Thuật là:
1, Họa sĩ hiện đại không lệ thuộc vào một quyền lực cai trị nào.
Tự họa – Tranh sơn dầu của Van Gogh Một bút pháp riêng của V. Van Gogh 1887
2, Họa sĩ hiện đại làm mới kỹ thuật thực hiện tác phẩm dựa trên sự phát triển khoa học.
3, Họa sĩ hiện đại vẽ bằng cái đầu nhiều hơn là sự khéo tay.
The Scream Tranh sơn dầu của Edward Munch 1893 Trường phái Biểu Hiện (Expressionism)
4, Họa sĩ hiện đại luôn muốn có cách vẽ khác để tìm cho mình một cá tính nghệ thuật
5, Họa sĩ hiện đại là họa sĩ của sáng tạo.
Một lớp vẽ khỏa thân tại Cleveland Institute of Art- nguồn cia.edu
TC – Bolsa, tháng 10-2015