Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ bụi Chương Mỹ, sợ sình Phương Yên
Ca dao xưa đúng ra phải là, “Yêu em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Truông nhà Hồ đâu ngoài Quảng Trị, còn phá Tam Giang thì cứ bật nhạc nghe “Chiều trên phá Tam Giang” của Nhật Trường là phê liền, khỏi cần biết nó ở cửa Thuận An hay ở nơi mô xứ Huế. Nghe biểu thuở xa xưa, lục lâm thảo khấu lấy làm sào huyệt, anh có thương em nhưng băng qua mấy nơi này ngán quá, đành thôi. Thế ca dao tân thời bây chừ ở đâu lại lòi ra bụi Chương Mỹ hay sình (Ðông) Phương Yên, có gì mà đáng sợ dữ vậy cà? Thưa đó là nơi mà hai Luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân trên đường giúp tìm công lý cho em Ðỗ Ðăng Dư 17 tuổi bị công an đánh chết trong tù, đã bị “dân” đánh cho… chưa chết. Công An TP Hà Nội sau khi “điều tra và xác định” đã đưa lý do là hai luật sư chạy xe bắn bụi đường (trời nắng) hay văng sình (trời mưa) vào… “dân”. Ga tui cũng ôm túi xách đến cuộc họp báo của Công An Hà Nội do Ðại Tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó CA Hà Nội chủ trì. Mời quý vị nghe lại cuộc phỏng vấn.
Phóng viên (PV): – Thưa Đại Tá, theo điều tra của công an thì có 8 thanh niên đã vây đánh hai luật sư vì chạy xe vung bụi vào họ, nhưng các luật sư cho biết có nhận ra một người trong nhóm này là công an .
Nguyễn Duy Ngọc (NDN): – Có, chúng tôi thừa nhận là có một công an tình cờ đi qua thấy đánh nhau nên tò mò dừng lại chụp hình để đưa lên facebook của mình, chứ đâu có tham gia đánh.
PV: – Cho rằng nếu người công an này không điều hành hay trực tiếp đánh các LS thì anh ta phải ngăn cản hành vi côn đồ hành hung người khác, tại sao lại làm ngơ?
NDN: – Vì nghĩ đây là chuyện riêng của người dân, nên anh ta tôn trọng quyền công dân của người dân. Vả lại anh ta cũng đang trên đường đi ăn giỗ chứ không phải thi hành công vụ nên không có trách nhiệm can thiệp.
PV: – Đây là hành vi côn đồ hình sự, cố ý tấn công dân thường chứ không phải quyền công dân, lẽ ra công an phải can thiệp vì đang trong giờ làm việc. Nhưng nếu nay đã biết các thủ phạm thì xin Đại Tá cho biết họ sẽ bị truy tố như thế nào?
NDN: – Chúng tôi đã xem xét và thấy chưa đủ điều kiện để truy tố các thanh niên này vì các luật sư chỉ bị đánh bầm mặt mày, sưng môi nên thương tích dưới 11%. Giá như các luật sư bị gãy thêm vài cái răng và trật cổ để tăng độ thương tích thì có lẽ hay hơn.
PV: – Thưa Đại Tá, vô cớ đánh người thương tích trầm trọng mà “chưa đủ điều kiện” là sao? Nếu ông ra đường bị một ai đó vô cớ đấm vào mặt thì sẽ giải quyết ra sao?
NDN: – Pháp luật của ta rất nghiêm minh, như anh nhớ vụ một cô gái 18 tuổi tát một cảnh sát giao thông sàm sỡ đã bị xử 9 tháng tù không? Vấn đề là ai bị đánh. Trong trường hợp này, chúng tôi đề nghị các luật sư nên nghiên cứu việc khởi kiện bụi sình Chương Mỹ là lý do chính mình bị đánh.
PV: – Tại sao có tin là “bụi”, có tin là “sình” văng, như vậy bụi hay là sình đã văng lên? Dư luận cho rằng có điều mờ ám hay chưa minh bạch ở đây?
NDN: – Vấn đề điều tra chia làm nhiều hướng, nếu trời hôm đó nắng thì là bụi còn nếu trời mưa thì sình văng lên. Chúng tôi cũng đặt ra cả những giả thuyết khác như hai luật sư đi bắt trộm chó nên bị người dân đánh, đi tán tỉnh gái làng nên bị trai làng hành hung, lừa tiền hay trốn thuế nên bị đánh… Nói chung các điều này đều được điều tra kỹ và cuối cùng đã tìm ra được thủ phạm là bụi. Kết luận đã rõ ràng vậy thôi, nếu các anh tiếp tục hỏi kiểu này thì có thể khi các anh ra khỏi nơi đây cũng có bụi hay sình văng trúng dân đó. Còn ai có câu hỏi khác không?
Bên dưới im thin thít. Tiếng máy thu âm, chụp ảnh bỗng bặt tiếng. Các phóng viên lặng lẽ thu xếp đồ nghề, chẳng ai muốn khi về bỗng nhiên “bụi hay sình” bắn vào “dân”. Ðó là lý do “bụi Chương Mỹ” là thủ phạm chính gây ra vụ hành hung các luật sư đã được đưa lên báo chí vừa qua.
GL