Tối hôm qua ba tôi gọi báo cho tôi một tin khá vui làm tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Ba nói: Con còn nhớ không? Năm 1975 khi gia đình mình tới Mỹ chân ướt chân ráo, lạ nước lạ cái…. đã được một giáo xứ Mỹ bằng lòng bảo trợ và lo lắng mọi thứ thật chu đáo mặc dù lúc đó gia đình mình đã được bác Hai bảo lãnh từ trại tỵ nạn. Ðã gần 40 năm trôi qua vậy mà Cha V. vẫn còn nhớ tới gia đình mình; ngày hôm qua ba đã nhận được một “món quà tinh thần” do Cha gửi tới… đó chính là tấm hình Cha và ban hành giáo chụp chung với gia đình mình sau khi giáo xứ bằng lòng bảo trợ. Cha còn viết thêm vài hàng, tuy vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa: “This picture was in my heart! We always miss you guys”. Con có biết năm nay Cha bao nhiêu tuổi không? Ngài đã hơn 90 rồi con ơi! Vậy mà Ngài vẫn còn minh mẫn và nhớ dai nữa. Ôi đúng là một nghĩa cử cao đẹp, bao dung và nhân hậu!
Khi rời quê hương vào năm 1975, tôi mới được 10 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, nên tôi chẳng hiểu, chẳng biết tại sao ba má tôi lại phải vội vã ra đi như kẻ chạy trốn đem theo đàn con còn nhỏ dại, bỏ lại cả cơ nghiệp các ngài đã tạo dựng trong bao năm vất vả. Cái thành phố Sài Gòn xa xưa đó cũng chỉ còn lởn vởn chút ít hình ảnh mờ mờ trong tâm trí của tôi thì làm sao tôi còn có thể nhớ được chuyện gì đã xảy ra tại nơi chôn nhau cắt rốn của tôi cũng như của các em tôi trong cái ngay đau buồn đó? Tôi là con cả trong nhà và là chị của 5 đứa em 2 trai 3 gái, và lúc đó em trai út của tôi chỉ mới được hơn 1 tuổi còn đang cần bú mớm… Tôi phải chờ tới khi khôn lớn và nghe ba má kể lại tôi mới biết thêm về các sự kiện đã xảy ra cho chúng tôi.
Ba tôi kể lại từng chi tiết: các con biết không, ba là một công chức làm việc trong chính phủ nên bằng mọi giá ba phải tìm đường trốn thoát và thật là may mắn khi gia đình mình gặp được con tầu ân nhân mang tên Trường-Xuân vào đúng giờ phút lâm nguy nhất của đất nước. Khi đó Trường-Xuân đang đậu xa bến cảng Khánh-Hội ngay giữa dòng sông Sài-Gòn nên ba má phải tìm mọi cách để đưa các con lên tầu. Ba vội vàng tìm mướn chiếc ghe nhỏ để nhờ chở từ bờ ra chỗ tầu đậu rồi vài người trên tầu ném dây thừng xuống để ba nắm chặt vào đó, lưng cõng từng đứa con, để được kéo lên tầu. Ôi thật là may mắn vì chỉ chừng hơn 1 giờ sau đó con tầu tách bến rời xa quê hương yêu dấu đem theo hàng ngàn người (sau này ba mới biết là gần 4000 người) trong đó có gia đình chúng tôi. Nhưng khi tầu chạy tới sông Lòng Tảo thì máy tầu bị hư, nước tràn vào phòng máy nên tầu bị chòng chành và cuối cùng bị mắc cạn không cách nào thoát ra khỏi. May mắn thay có một tầu kéo sà lan xuất hiện và bằng lòng kéo tầu của chúng tôi thâu đêm ra hải phận quốc tế. Sau khi kêu cứu, một tầu buôn của xứ Ðan Mạch đã chạy tới cứu vớt chở mọi người tới Hồng Kông tạm trú.
Gia đình tôi phải ở trong trại tỵ nạn Hồng Kông hơn 5 tháng rồi mới được tới Mỹ vào cuối tháng 9-1975. Chúng tôi được chở tới Camp Pendleton thuộc tiểu bang California. Tại đây mọi gia đình đều được các cơ quan thiện nguyện tìm người bảo trợ mới được cho đi định cư. Riêng gia đình thì được ông bác đã du học ở Mỹ trước 1975 bảo lãnh nên chỉ chờ giấy tờ là có thể xuất trại.
Khoảng một tháng sau, chúng tôi lên đường bay tới một tiểu bang xa xôi thuộc miền tây bắc Hoa Kỳ. Mặc dù hai bác đã lo rất chu đáo nhưng vì gia đình tôi có tới 8 miệng ăn nên hai bác đã thật là vất vả và chật vật, chạy đôn chạy đáo, chạy ngược chạy xuôi lo đủ thứ chuyện nhưng vẫn không sao lo cho xuể!
Bỗng một hôm ngay sau giờ lễ, Cha chánh xứ gặp riêng ba má tôi và hỏi: gia đình các con hiện sống ra sao? có thiếu thốn gì không? ai bảo trợ và họ có đủ điều kiện để lo cho mọi người không v.v ??? Sau khi nghe ba tôi trình bày tất cả tự sự một cách rất trung thực và khẩn thiết vì trong thâm ba tôi cũng rất muốn tìm bảo trợ khác để nhẹ bớt gánh nặng hiện đang đè lên vai hai bác tôi… Cha chánh xứ và ban hành giáo quyết định bảo trợ cho gia đình tôi. Cha giải thích lý do như sau: sự thật Cha và ban hành giáo đã làm giấy và thủ tục bảo lãnh cho một gia đình Việt-Nam khác nhưng cuối cùng họ đổi ý kiến không tới nên sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình tôi, Cha và ban hành giáo đã đi tới quyết định hôm nay. Cha còn cho biết thêm: giáo xứ đã chuẩn bị thật đầy đủ và sẵn sàng về mọi mặt để có thể bảo trợ cho gia đình tôi thay thế cho gia đình kia kể từ ngày hôm nay. Ba má tôi đã đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi Cha cho biết hiện đã có sẵn 5 ngàn đô la trong quỹ bảo trợ (5000 đồng là một số tiền quá lớn vào thời đó), nhà đã thuê sẵn và việc phân chia công tác cũng đã xong. Thế là ngay ngày hôm sau chúng tôi được chở tới một căn nhà tuy hơi cũ nhưng rất rộng, có tới 6 phòng ngủ. Và rồi sau Thánh lễ Chúa Nhật, tuần kế tiếp Cha đã giới thiệu từng người trong gia đình tôi với tất cả giáo dân trong giáo xứ. Cha cho viết sẵn tên từng người nhưng đã được đánh vần theo tiếng Mỹ rồi dán ngay trước ngực để đọc cho dễ. Chữ Nguyen được đánh vần là Ngu Uyen, tên em tôi là Hải được gọi là… Hi vv… Rất nhiều giáo dân đa số là người lớn tuổi đã đến chào hỏi từng người, xướng tên rồi bắt tay chúc mừng và cho quà.
Sau đó Cha loan báo: ban hành giáo đã phân chia công tác như sau: Ông A. sẽ lo về việc tìm trường học và theo dõi việc học hành cho chị em chúng tôi… Ông B. sẽ lo đi tìm việc làm cho ba má… Ông C. sẽ lo về việc bảo trì căn nhà và chi trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước v.v… Bà C. là y tá nên lo việc chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình… Hai bà D & H sẽ lo chở má tôi đi chợ mua thức ăn v.v và v.v..
Thật là tuyệt vời! Thật là quá chu đáo! Nhờ sự bảo trợ này mà gia đình tôi nhanh chóng được ổn định. Ba má chúng tôi không biết dùng lời lẽ nào để diễn tả hết nỗi vui mừng và hạnh phúc của cả gia đình, chỉ biết suốt cuộc đời này luôn biết ơn và đa tạ Cha chánh xứ và ban hành giáo trước nghĩa cử cao đẹp và nhân đạo này! Nguyện xin Ơn Trên trả công bội hậu cho các Ngài! Xin tạ ơn những người đã ít nhiều ra tay giúp chúng tôi trên bước đường chạy thoát ra khỏi nước. Xin tạ ơn nước Mỹ đầy nhân ái. Chúng tôi không chỉ tạ ơn vào những ngày Thanksgiving mà chúng tôi mang ơn suốt đời những ân nhân này.
Xin tạ ơn Thượng Ðế.
Ảnh minh họa. NGUỒN: WWW.TIMEANDDATE.COM
Nguyễn Thị Kim Phượng – Seattle,WA