Tưởng niệm 130 người dân vô tội Pháp, cả thế giới cùng đang hướng về nước Pháp để chia sẻ, để an ủi và để thắt chặt hơn nữa những kiểm soát an ninh, không để một lần nữa máu của những người dân vô tội lại phải đổ. Trước nhà hát Bataclan tan hoang, chung quanh quảng trường République là nước mắt, hoa và nến của những người đến tưởng niệm. Từng hồi thánh chuông vang lên từ Vương Cung Thánh Đường trên bờ sông Seine bình lặng như tiếng cầu nguyện cho những oan hồn biết được nơi chốn trở về.
Tưởng niệm các nạn nhân tại nhà hát Bataclan – nguoindependent.co.uk
Nhà tôi ngay cạnh quán café trên đường Voltaire. Đêm Thứ Sáu 13 tháng 11 năm 2015 đã có một kẻ cuồng sát cho nổ bom, lúc đó tôi bỗng nghe một tiếng nổ lớn nhưng cứ tưởng tiếng pháo bông vì đang có cuộc tranh giải bóng đá giữa Pháp và Đức. Tôi không thể nào ngờ đó là tiếng nổ gây thương tích nặng nề cho ba người vô tội trong quán và cũng là tiếng nổ mở đầu cho cuộc tắm máu dân Pháp của những kẻ cuồng tín. Không lâu sau đó truyền thông bắt đầu đưa những tin không lành, tin dữ. Những kẻ cuồng sát đã nã súng bắn vào những người dân vô tội, có lẽ bọn chúng đã hoàn toàn bị tẩy não để không còn một chút nhân tính.
“Tên cầm súng bắn liên tục cứ như một cái máy giết người. Hắn còn rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi, đôi mắt vô hồn” đó là nhận xét của một nhà báo đã có mặt tại Bataclan lúc đó. Và sau đó ông đã nằm xuống cùng những xác chết để chờ đến những phút ngắn ngủi mà những kẻ cuồng sát dừng lại để thay đạn, ông vội cùng những người khác chạy vội về phía hậu trường, giữa những cơn khát máu, tìm đường thoát thân ra bên ngoài.
Tháng 1 năm 2015, nước Pháp đã một lần chịu quốc tang sau cái chết của những ký giả Pháp cũng gây ra bởi những người Hồi giáo cực đoan. Chỉ 10 tháng sau, tháng 11 năm 2015, nước Pháp lại chịu thêm một lần quốc tang nữa. Hai lần đại tang trong một năm, thật sự là quá nhiều.
Nước Pháp báo động chiến tranh. Việt Nam đã chiến tranh suốt nhiều chục năm dài. Những thảm sát Tết Mậu Thân, những lần pháo kích trường học Cai Lậy,… còn nhiều, nhiều nữa những cuộc thảm sát khác vẫn còn ghi khắc trong tâm trí của không ít những người dân miền Nam cho đến hôm nay. Nhưng đó là thời chiến, người dân Việt Nam hít thở, ăn uống, chết sống từng ngày cùng chiến tranh. Nước Pháp đang là thời bình đột nhiên báo động chiến tranh, người dân Pháp đã quen sống bình yên, hưởng thụ, liệu sẽ thế nào? Có những người dân Pháp tuyên bố không sợ hãi, sẵn sàng chống khủng bố nhưng chống thế nào? Ngân sách dành cho quân đội của Pháp đã ngày càng sụt giảm so với trước và quân đội Pháp hiện đang phân tán đi rất nhiều nơi trên thế giới để tham gia những cuộc chiến mang tầm vóc quốc tế, thế nên, nếu chiến tranh thì Pháp làm sao có thể đối phó cùng một lúc với thù trong, giặc ngoài.
Cái đau của người Pháp là nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là một cuộc chiến mang hình thức nội chiến dù thật sự không là vậy. Tôi nói nội chiến vì cuộc chiến này xảy ra giữa những người mang cùng một cái gọi là quốc tịch Pháp nên cùng là người Pháp. Những người Pháp theo đạo Hồi đến từ Tunisie, Maroc, Algérie,… là những thuộc địa cũ của Pháp giống như Việt Nam nên sau khi Pháp trao trả độc lập cho những nước này đã cho những người làm việc cho Pháp thời đó được sang Pháp cùng với gia đình, con cái như một ân huệ cuối cùng của mẫu quốc.
Việt Nam ngày xưa cũng được hưởng cùng những quy chế này nên rất nhiều gia đình đã sang Pháp sinh sống, con cái được ăn học thành tài, hòa nhập với cuộc sống, đóng góp công sức cho nước Pháp và vô cùng hãnh diện với quê hương thứ hai của mình. Sau những năm 1975, không ít người Việt Nam di tản, vượt biên đã được định cư tại Pháp, đến nay hầu như tất cả đều đã thành công và thành danh. Người Việt Nam “xưa” vốn dĩ hiền hòa, trọng nhân nghĩa, đã được người Pháp cưu mang khi khó khăn, đáp lại thâm ân này họ chỉ sống và làm việc rất đàng hoàng, không để mang tai tiếng. Nhưng các xứ Ả Rập thì không.
Việt cộng pháo kích trường tiểu học Cai Lậy – nguồn vnmilitaryhistory.net
Nếu nói về điều kiện thì các nước này hơn hẳn Việt Nam vì họ nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Đến Pháp họ không có sự trở ngại về ngôn ngữ, là châu Phi da trắng nên họ đã hòa nhập tức khắc vào xã hội. Hồi giáo chấp nhận đa thê nên một người đàn ông có đến ba, bốn vợ, mỗi người vợ sinh ít nhất ba bốn con để được hưởng trợ cấp của chính phủ Pháp và thế là không đi làm. Một người đàn ông có cả chục con, dù thế nào chăng nữa số tiền trợ cấp cũng chỉ đủ cho những nhu cầu khiêm nhường nhất của đời sống, con cái càng lớn lại càng thiếu hụt và thế là gia đình thả chúng chạy rong ra đường, rồi cũng theo bạn theo bè, băng đảng, kiếm sống bằng những nghề buôn bán ma túy, giật dọc,…
Đây là một vấn nạn rất lớn của nước Pháp. Paris có những quận như 18, 20 hay những khu ngoại ô sát Paris như Saint-Denis, Montreuil,… là nơi tập trung sinh sống của người Ả Rập và cũng là những khu vực nóng mà không mấy ai thích đến hay thật sự cũng không dám đến. Khi xảy ra những cuộc bạo động chống chính phủ hay đòi hỏi yêu sách thì những nơi này luôn dẫn đầu nước Pháp về tỷ lệ xe bị đốt. Những khu vực này cũng luôn là tâm điểm khi có những cuộc càn quét, truy lùng của cảnh sát. Người Ả Rập ngày xưa là thuộc địa của Pháp rất lâu nên số người được phép nhập cư sau chiến tranh rất nhiều, một thành mười, mười thành trăm, bây giờ ở Pháp có đến gần 10 triệu người Ả Rập sinh sống, phần lớn đã mang quốc tịch Pháp, là người Pháp đến thế hệ thứ hai, thứ ba rồi. Khác biệt chính là họ mang đạo Hồi.
Thiên Chúa giáo là đạo chính của người Pháp nhưng là Pháp xưa, người Pháp trẻ không còn đi nhà thờ, không còn tin Thiên Chúa. Nước Pháp tự do nên ai muốn theo đạo nào thì tùy chỉ với điều kiện là nơi công cộng thì không có tôn giáo vì Hiến pháp của nền Cộng Hòa là phi tôn giáo tức là tách rời tôn giáo với chính quyền và bình đẳng, nhưng người Ả Rập đa số theo Hồi giáo, ra đường phụ nữ phải che mặt, đàn ông đi làm việc thì một ngày phải có vài lần dừng việc để quỳ lạy đọc kinh. Vấn đề này cũng đã tốn không biết bao nhiêu bút mực, giấy viết cho các nhà hành pháp, lập pháp và cũng là nguồn gốc tạo thêm không ít trở ngại cho cảnh sát. Còn nhiều, nhiều nữa những chuyện về đạo Hồi mà giờ này có lẽ cả thế giới không ai còn xa lạ gì nữa.
Paris đầy người ngoại quốc, các vùng ngoại ô chung quanh Paris đa số cũng là người da đen, Ả Rập. Á châu chỉ chiếm khoảng hơn nửa triệu trên tổng số dân Pháp, thật sự là một con số rất khiêm nhường. Marseille là hải cảng lớn của Pháp đa số cũng là người Ả Rập sinh sống. Một sử gia Pháp vừa tuyên bố, khoảng đến năm 2050 nước Pháp sẽ không còn người Pháp nữa! Thế thì nếu hôm nay nước Pháp có chiến tranh, người Pháp muốn chiến đấu nhưng hàng xóm ngay cạnh mình lại cũng chính là kẻ thù thì cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào?
Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố: Đây là “Một hành động chiến tranh” của Nhà nước Hồi giáo – nguồn breitbart.com
Toàn nước Pháp, dân số khoảng 66 triệu người mà gần 10 triệu là gốc Ả Rập thì liệu một cuộc chiến tranh xảy ra người Pháp có chiến thắng được hay không? Dân số Paris chỉ khoảng 2.24 triệu dân mà một nửa là Ả Rập và ngoại quốc thì người Pháp thật sự làm sao chiến đấu? Các cuộc bạo động, giết người hàng loạt thế này chỉ xảy ra tại Paris vì ở các vùng quê, tỉnh xa không có nhiều người ngoại quốc sinh sống nên nếu nói chiến tranh thì tựu trung chỉ là ở Paris.
Quân đội Pháp không là quân đội thuần chủng, có cả những quân nhân gốc Ả Rập, nếu có chiến tranh không biết những người này sẽ đứng về phía nào. Súng đạn không có mắt, nếu cả người Pháp và người Pháp gốc Ả Rập cùng có súng thì sẽ ra sao? Tôi không thể nghĩ nhiều hơn nữa vì Tổng thống Pháp đã tuyên bố nước Pháp “chiến tranh”, và nếu ngày mai có lệnh tổng động viên, nước Pháp cần đến những thanh niên để bảo vệ dân tộc, mà thanh niên Pháp thì trộn lộn giữa địch và ta. Rồi những thanh niên Pháp mang nguồn gốc Việt Nam, cha mẹ ngày xưa đã trốn chạy chiến tranh ở quê cha đất tổ giờ sẽ cho con lên đường nhập ngũ để bảo vệ quê hương thứ hai hay không? Việt Nam cũng đang chống Tàu, có thể cũng sẽ có chiến tranh, thanh niên Việt Nam tại sao không nhập ngũ để bảo vệ quê hương thứ nhất? Có thể câu trả lời sẽ là thù ghét Việt cộng nhưng nếu nói vậy thì không lẽ sẽ để Việt Nam rơi vào tay Tàu cộng?
Những câu hỏi cứ lẩn quẩn, loanh quanh trong đầu tôi. Cuộc sống không bao giờ bình yên. Quốc gia, đất nước, con người, tất cả đều như những quả lắc đồng hồ, khi đã lên đến cực phải thì phải trả trở về cực trái, nơi bình yên nhất chỉ khi quả lắc rơi xuống tận cùng, dừng lại, không còn trái-phải, lên-xuống, hơn-thua.
Ngày mai thức dậy, tôi lại hòa cùng dòng người ngược xuôi giong ruổi theo đuổi những nhu cầu vật chất của đời thường mà không biết trước điều gì đang chờ đợi mình. Những người Pháp gốc Ả Rập cực đoan với những quả bom mang trong mình một sứ mạng thần thánh hay những khẩu súng liên thanh vô tình đang rình rập. Nước Pháp với những bất an vây quanh, cái sống, cái chết không ai biết được nhưng nếu được chết trên đất nước mình với những người thân có lẽ sẽ thú vị hơn phải một mình lang thang không biết đâu là nơi chốn để trở về. Lại một câu hỏi chưa có câu trả lời.
TN – 15 tháng 11 năm 2015