Menu Close

Úng ngập Houston – Nhớ mùa nước nổi

Hai tuần lễ sau mùa Halloween, cộng với ảnh hưởng cơn bão còn sót lại, Houston mưa lớn mấy ngày. Nước cống thoát không kịp làm ngập úng một vài vùng ven trung tâm thành phố và những vùng trũng ngoại ô Houston ở khu xa lộ 6 phía trên xa lộ 10. Hai bên xa lộ nước giăng xám trời. Vài đám cò trắng lao xao trên những cành cây dại dáo dác nhìn cánh đồng nước hiên ngang chiếm chỗ mà không thể sà xuống bãi đất cỏ hoang tìm mồi. Hình ảnh đó có khác gì mùa nước nổi miền Tây Nam bộ quê nhà.

nho mua nuoc noi5

Xe bị mắc kẹt tại I-45 sau bão lụt – nguồn o.canada.com

“Chuyện ngập úng Houston không còn là chuyện lạ với người dân thành phố cả mười năm nay. Hệ thống cống ngầm thoát nước đã quá tải cho vùng đất cận duyên hải năm nào cũng chịu đựng mùa mưa bão từ Tháng Sáu đến Tháng Mười Một. Chung quanh thành phố những kênh cống lộ thiên có lúc phơi mình trơ đáy, có lúc phải tải phụ lượng nước mưa lớn bất ngờ đổ xuống được các máy bơm công suất lớn đẩy ra các kênh rạch, giải thoát chuyện ngập úng làm phiền lòng cư dân thành phố”.

nho mua nuoc noi3

Nước thoát không kịp vì hệ thống cống đã bị ngập tràn trên đường gần khu Bellaire – Nguồn: weatherhouston

Nghe người bạn ở khu vực xa lộ 6 nói chuyện qua điện thoại mà tôi cứ tưởng anh không phải là người làm ăn mà là dân làm báo. Anh dùng chữ “ngập úng” thay cho từ “lũ lụt” nhiều người sử dụng vì vẫn thường thấy bảng điện tử hay bảng cảnh báo trên đường cho người lái xe tránh vào vùng ngập nước bằng từ “Flood”. Từ “Flood” cũng có nghĩa là “ngập úng” tùy theo ngữ cảnh khi diễn tả. Nhưng xem ra tiếng Việt mình thật là phong phú về mặt từ vựng hơn. Cũng như cách nay mấy tuần, tôi đọc trên báo Trẻ bài viết “Mùa nước nổi” của tác giả Đặng Xuân Thu, chỉ ra rất đúng và rành rọt hai nghĩa của từ “lũ” và lụt” dễ khiến người ta cảm thấy nỗi cực nhọc, khổ sở của người dân miền Tây sống trong mùa nước nổi. Mùa nước nổi đối với người dân miền Tây Nam bộ là niềm vui và đó là cuộc sống, chứ không có gì “kinh thiên động địa”. Chỉ tại theo thói quen khi người ta nhìn nước từ đâu tràn về thì cứ gọi chung là “lũ lụt” hay “lũ”. Tôi tình cờ đọc một bài thơ “Mùa nước nổi” tác giả Nguyễn Tâm gọi nước “nổi” là “lũ” như thế này: “Thương quê mùa nước nổi. Lũ lớn khắp mọi miền. Nghe từng cơn gió thổi. Ray rứt những niềm riêng…”.

Trước đây ở vùng nước nổi miền Tây Nam phần (tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang tức là những tỉnh nằm giáp ranh biên giới với phía Campuchia có thượng nguồn sông Mê Kông chảy qua. Nước trên thượng nguồn từ tận Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia với độ dốc cao của vùng rừng núi và lượng nước nhiều vào mùa mưa khiến dòng chảy cuồn cuộn, nên người ta gọi là “lũ”. Nhưng về đến Việt Nam dòng lũ hòa vào hai nhánh sông Tiền và sông Hậu đổ vào chín con sông ra biển. Địa hình các tỉnh miền Tây Nam phần là đồng bằng nên khi nước lũ tràn về đã không còn lũ nữa mà nước chan rộng ra. Nước cứ dâng cao từ từ bắt đầu vào Tháng Bảy, đỉnh điểm là ở Tháng Mười Âm lịch. Nước tràn về mang theo biết bao các loài thủy sản đem lại bao nguồn sống cho người dân sống ở miệt ruộng đồng.

nho mua nuoc noi2

Cảnh sát chốt đường chặn xe vào khu vực bị ngập úng ở Houston – Nguồn: Houstonchronical

Từng có thời, chính quyền sau năm 75 hô hào “chống lũ” cải thiện dân sinh miền Tây. Nào là xẻ kinh khu vực tứ giác Long Xuyên, nào là đắp đê nắn dòng nước dâng, di dời người dân trong vùng nước nổi về sống trên những triền đê. Dự án hoàn toàn hay trên lý thuyết. Nhưng thực tế, người ta không thể chống lại thiên nhiên, không thể chống lại dòng nước cứ đổ về hằng năm làm cho người dân khó sinh sống hay an toàn sinh mạng. Tôi từng đi qua những khu dân cư miệt vùng trũng Đồng Tháp, nhìn thấy những ngôi nhà tôn hoang vắng ở khu tránh lũ. Chỉ có trẻ con ở nhà, người lớn thì trở lại vùng nước nổi mưu sinh với nguồn tài nguyên thủy sản mà ông Trời mang lại. Đắp đê nắn dòng, không ngập chỗ này thì ngập chỗ khác; đó là biện pháp không khả thi. Đưa người dân rời cái kho tài nguyên tôm cá cua đồng, và khi họ muốn mưu sinh phải bỏ nhà vào lại vùng ngập, sống tạm trên chòi cao vài ba tháng để kiếm ăn. Không an cư thì không lạc nghiệp được, cho nên những khu tái định cư trở thành hoang phí, hao tiền tốn của. Chỉ có việc xẻ kinh phân để chia đều lượng nước dâng mới là cách làm đúng. Có nghĩa là chia đều nước nổi ra khắp đồng bằng sông Cửu Long. Cụm từ “sống chung với lũ” ra đời sau một thời gian người ta phải đương đầu “chống lũ”.

Hàng trăm kênh xẻ nước khu vực tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp đã làm cho đồng bằng khu này trù phú hơn nhờ phù sa theo dòng nước nổi bồi đắp mỗi năm. Mặt khác, nước nổi tràn về là cơ hội rửa phèn cho những vùng đất bạc màu phèn chua nước lợ. Điều này thì tôi thấy rõ trên mảnh đất quê nhà ở miệt vùng ven lòng chảo Đồng Tháp Mười. Một vùng phèn chua quanh năm, mùa nắng kiếm con cá thật khó, nhưng mùa nước nổi thì người đi đánh cá, một đêm đánh bắt đơn giản, cũng thu được vài ba ký cá lóc, cá trê và đủ thứ hầm bà lằng các loại thủy sản khác. Đất được rửa phèn thay đổi từng năm. Chuyện rửa phèn cho một vùng đất không hề đơn giản, khi nước nổi tràn về vùng đất trở nên xanh tươi, khi nước nổi rút đi, mùa nắng lại đến, chất phèn vẫn còn giữ lại trong đất, làm cây cối xanh xao. Phải nhiều chục năm, thậm chí cả đời người thì đất mới nguôi ngoai nhưng vẫn cần trợ giúp của các loại phân bón.

nho mua nuoc noi4

Những trận mưa lớn làm úng ngập con đường dẫn vào downtown Houston – Nguồn: Houstonchronical

Mỗi năm, tôi vẫn trông mùa nước nổi thật cao đổ về trên rẻo đất quê, nước ngập tràn hồ cá, cá con bơi tung tăng trên cỏ, tràn ra các mương. Nhiều người bạn thấy vậy, la làng “ao không be bờ, cá con cá mẹ đi mất hết”. Nhưng đối với tôi, đó là chuyện nhỏ, chuyện lớn làm sao đất được rửa phèn, cho cây cối xanh tốt mới là chuyện dài lâu, khi biến mảnh đất nhỏ bạc trắng phèn chua thành mảnh đất màu mỡ. Cũng như nước tràn về làm ngập đường sá khó đi và phiền lòng những người khách Sài Gòn về chơi phải cởi giày xách dép. Tôi nhớ khuôn mặt vui vẻ như trẻ con của thằng bạn già đầu hai thứ tóc sau một hồi càm ràm cái chuyện ở nhà quê gì mà cực quá. Hẳn lần đầu tiên, người bạn thấy mùa nước nổi ở đỉnh điểm thật cao. Nước tràn ra đất, nước trắng bờ kinh, chung quanh toàn là nước. Tôi và người bạn đẩy chiếc xuồng ba lá vượt qua xẻo đất, theo mương trâu ra kênh lớn. Nước là nước mênh mông, từng đám bông súng nở đầy mang theo cả hương đồng gió nội. Lâu lắm rồi mới được sống trong cảnh nên thơ giữa trời và nước như thế này. Người nhà quê, chẳng ai như chúng tôi, đối với họ chỉ thấy bình thường, đã quá quen với mùa nước nổi. Khuôn mặt họ rạng rỡ, đây là mùa kiếm sống cực nhọc nhưng kiếm tiền được nhiều bù đắp cho cả năm thiếu hụt.

Thế mà người bạn quê bay về quê Tân Châu đầu tháng 11 email qua cho biết, năm nay vùng đồng bằng sông Cửu Long không có mùa nước nổi. Mùa nước nổi là mùa làm ăn của bà con kể cả nhiều ngành nghề khác ăn theo như làm lưỡi câu, đan lưới bén lưới chài, nơm, vó, đan lợp, đan dến, đóng sửa xuồng ghe đều ế ẩm. Người ta nói là lũ cạn, chắc tại các nước đầu nguồn như Trung Quốc, Lào thi nhau làm đập thủy điện nhiều quá, tích trữ nước nên không có nước đổ về hạ nguồn. Đỉnh lũ năm nay thấp nhất trong vòng 70 năm qua. Nhiều bà con kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá linh, câu cá bông lau, thu hoạch bông súng hay rau nhút mất cả ngày mà chẳng kiếm được bao nhiêu so với năm vừa rồi.

nho mua nuoc noi1

Vớt bông súng đồng mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long – Nguồn: Angiang.com

Nơi được gọi là “rốn lũ” miền Tây trên tuyến kinh Bảy Xã về hướng biên giới mọi năm nước trắng đồng, năm nay đứng bên bờ bên này nhìn; lưới quây chờ mãi nhưng con nước không về, chỉ lé đé bờ ruộng, thất thu tiền bạc và thời gian chuẩn bị rất nhiều. Cá mắm năm nay các chợ chắc sẽ đội giá, không có cá thì sao làm ra con mắm. “Ừ mắc thì mắc, khi trở qua nhớ ra chợ Châu Đốc mua vài ba ký mắm lóc, mắm cá linh đem qua làm quà nhé”, tôi nhắn nhủ người bạn quan tâm đến mùa nước nổi.

Nhưng cảnh “nước nổi” Houston chỉ là nhất thời và rồi sẽ khô hạn trong những ngày nắng nóng. Tôi cố nhớ xem trên nước Mỹ này có vùng nào tương tự vùng nước nổi như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể các vùng đầm lầy tiểu bang Louisiana trên đường xa lộ 10 quanh năm ngập nước. Hình ảnh hơi giống một chút nhưng không có các loại bông súng đồng, bông điên điển và chẳng có mùa cá linh non, cho một nồi canh chua dân dã để khi ăn nhớ mùa nước nổi tràn đồng.

nho mua nuoc noi

Bắt cá linh trong mùa nước nổi miền Tây Nam bộ – Nguồn: Longan.com

TN