Mỗi khi ai hỏi Thảo sinh ra ở đâu, Việt Nam hay ở Mỹ, thì Thảo luôn luôn trả lời là Thảo sinh ra ở Việt Nam nhưng sang Mỹ lúc tám tuổi. Tùy theo người đặt câu hỏi, mà Thảo sẽ nhận được những phản ứng khác nhau. Thường thì sẽ có một trong hai nhận xét: một là “Vậy à? Sao em nói tiếng Anh nghe chuẩn vậy? Giống như là em sinh ra ở đây”; hai là “Sao em qua Mỹ lớn vậy mà nói tiếng Việt yếu thế?” Tại sao mà hai lời phê bình đối nghịch với nhau như vậy?
Thật ra trình độ tiếng Việt và tiếng Anh của Thảo phát triển theo hoàn cảnh tự nhiên chứ không phải là Thảo cố tình rèn luyện để có kết quả này. Hồi học cấp một thì Thảo cũng phải đi học lớp ESL. Ðến cấp hai thì học ngữ pháp để viết văn cho chuẩn. Khi lên cấp ba thì nói và viết tiếng Anh là một chuyện dễ dàng. Hơn nữa, Thảo đã học cấp ba ở một trường rất ít người Việt, cho nên thâm nhập văn hóa của giới trẻ Mỹ rất nhanh và dễ. Còn tiếng Việt thì duy nhất chỉ nói ở nhà – nói miễn sao gia đình hiểu thì được rồi. Vì thế, trình độ tiếng Việt của Thảo đã thua xa tiếng Anh và vẫn như là của một đứa bé tám tuổi. Nhiều lúc thì không phát âm được dấu sắc; chính tả thì không biết là dấu ngã hay dấu hỏi; nói chuyện thì thiếu từ vựng. Rồi Thảo tự nghĩ, thế hệ con của mình thì sao? Làm sao để truyền lại những ý thức và văn hóa của người Việt Nam trong khi mình còn chưa hoàn toàn hiểu hết những điều vô giá đó.
Thảo Lê nhóm bạn
Vì đã lớn lên ở Mỹ, Thảo cũng từng nghe nhiều người hỏi là, Thảo có quan trọng chủng tộc của chồng tương lai hay không? Theo suy nghĩ của Thảo thì người chồng tương lai là một cá nhân riêng, có đặc tính riêng biệt của anh ấy, nhưng nếu Thảo có con thì Thảo nhất định phải bảo đảm là con của Thảo sẽ hiểu rõ được giá trị của văn hóa và tính cách của người Việt. Rồi Thảo tự nghĩ, “Mình sẽ có thể thực hiện thành công dự tính này không? Con mình sẽ ra sao? Tính chất Việt Nam nó được bao nhiêu? Sự hiểu biết của nó có phải thuần túy hay không? Nếu nó ăn được mắm cái và sầu riêng thì có nghĩa là nó là người Việt hay sao?” Từ khi đến đại học, Thảo đã gặp nhiều sinh viên người Mỹ gốc Việt, trong đó có nhiều người đã sinh ra và lớn lên ở Mỹ và nói tiếng Việt rất hay. Tuy nhiên, cũng có nhiều người hiểu rất ít về tiếng và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, Thảo không chắc chắn là con mình sẽ mặn mà quan tâm với những kiến thức mà Thảo sẽ trao cho. Hơn nữa, còn có nhiều điều mà Thảo chưa thật sự cảm nhận từ thế hệ ông bà và ba má của mình. Nếu tiếp tục theo hướng này với những thế hệ sau thì sự hiểu biết về người Việt Nam ở Mỹ sẽ dần dần loãng đi và thu hẹp lại.
Ở trong lớp học Tiếng Việt ở đại học, Thảo đã học được hai cách nói “bị Mỹ hóa” và “được Việt hóa.” Từ “bị” mang một ý nghĩa không mong đợi trong khi “được” nói về một ý nghĩa tích cực hơn. Hai nhóm từ này đã dùng để ám chỉ một suy nghĩ thiên vị với những gì đã xuất phát ở Việt Nam. Nhưng những gì xuất ra ở Việt Nam có bảo đảm là 100% tính chất Việt Nam hay không? Tương lai của thế hệ sau của Việt Nam có thể không bị ảnh hưởng từ nước ngoài hay sao? Không phải là thời gian là một xúc tác của sự thay đổi và thay đổi là bản chất của cuộc sống?
Thảo Lê
Có lẽ khi nói tới tương lai, Thảo không sợ là sẽ mất đi cách sống Việt Nam, nhưng mà lại sợ mất đi cái cách sống của riêng gia đình Thảo, nơi mà Thảo đã lớn lên và gắn bó với truyền thống Việt. Thảo không chắc sẽ lặp lại được điều này cho thế hệ sau tại vì khi mình ở Mỹ, mình sẽ không bao giờ chỉ là người Việt, mà lúc nào mình cũng là người Mỹ gốc Việt, và người Mỹ gốc Việt cũng có những tính chất đặc thù và thuần túy mà mình đã tạo ra cho chính mình và ngay cả Việt Nam cũng không thể sao chép lại.
Thảo Lê