Trong những cuộc bầu cử gần đây có lẽ chưa có cuộc bầu cử của bất kỳ quốc gia nào lại được thế giới chú ý theo dõi cho bằng cuộc bầu cử vừa qua tại Miến Điện. Vì chỉ mấy năm trước đây thôi, Miến Điện còn nằm dưới sự cai trị hà khắc và độc tài của một chính phủ quân phiệt. Nhưng bất ngờ vào năm 2011, cũng chính phủ này quyết định cho thành lập một chính phủ bán dân sự qua một cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi đã chọn ông Thein Sein, một vị tướng hồi hưu, vào chức vụ Tổng Thống.
Các buổi vận động tranh cử của bà Suu Kyi thu hút được đông đảo người dân ủng hộ. – nguồn vodhotnews.com
Kể từ đó, Miến Điện đã trải qua nhiều cải cách: sinh hoạt chính trị tại Miến Điện được cởi mở hơn, chính phủ cho nới rộng quyền tự do báo chí, đời sống kinh tế dễ thở hơn và một số công ty tư bản trên thế giới được phép vào làm ăn tại Miến Điện.
Một phụ nữ bỏ phiếu tại một trạm bầu cử ở Naypyitaw, Myanmar – nguồn cnn.com
Và chỉ bốn năm sau, đất nước Miến Điện đã có cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ (năm 1990 Miến Điện từng có một cuộc bầu cử tự do nhưng chính phủ của quân đội lúc đó không công nhận kết quả). Cuộc bầu cử diễn ra vào hôm Chủ Nhật 8/11 và ước tính có khoảng 30 triệu người dân Miến đã đi bầu trong một quốc gia với dân số 51 triệu người. Điều đó chứng tỏ cho thấy ước nguyện của người dân Miến Điện là muốn có sự thay đổi và có được một thể chế dân chủ như bất cứ quốc gia tiến bộ nào trên thế giới.
Cuộc bầu cử và tiến trình thay đổi chính trị để dân chủ hoá tại Miến Điện sẽ là bài học giá trị để những phong trào tranh đấu dân chủ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm. Có thể nói cuộc dân chủ hoá lần này tại Miến Điện diễn ra êm thắm, không bị đổ máu – mặc dù trước đó đã từng có những cuộc xuống đường quy mô và bị chính phủ đàn áp dã man – là nhờ ở sự tranh đấu bền bỉ và khôn ngoan của đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc (NLD) dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, nhờ áp lực của quốc tế và quan trọng hơn hết, nguyện vọng của người dân đã được lắng nghe.
Người dân Miến Điện bắt đầu đi bầu hôm Chủ Nhật 8/11 và người ta dự tính kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Thế nhưng mấy ngày sau đó việc đếm phiếu vẫn chưa hoàn tất. Để giải thích việc chậm trễ, ủy ban bầu cử của chính phủ đổ lỗi cho việc kiểm phiếu có phần phức tạp hơn ở vùng nông thôn và khuyên dân chúng bình tĩnh chờ đợi.
Bà Aung San Suu Kyi tại trụ sở đảng sau khi đảng thắng cử – nguồn theguardian.com
Đa số người dân Miến còn nhớ cuộc bầu cử năm 1990, đảng NLD đã thắng áp đảo. Nhưng chỉ hai tháng sau đó, nhóm quân nhân nói rằng cuộc bầu cử đó không phải để chọn người vào quốc hội mà là để thành lập một hội đồng soạn thảo hiến pháp. Nhóm quân nhân tiếp tục cầm quyền, và phần lớn những người lãnh đạo của đảng NLD bị cầm tù vì phản đối lời tuyên bố trên, trong đó có bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia trong cả hơn chục năm.
Hoàn cảnh của đất nước Miến Điện đã thay đổi nhiều kể từ 1990. Cuộc bầu cử lần đó được tổ chức chỉ hai năm sau cuộc nổi dậy của quần chúng để chống lại nhà độc tài Ne Win, là người đã trao quyền lại cho một nhóm quân nhân khác. Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật vừa qua được tổ chức đúng bốn năm sau khi nhóm quân nhân tự động giải tán và trao quyền cho một chính phủ bán dân sự được chọn theo hiến pháp năm 2008 trong đó ưu tiên dành một phần tư số ghế ở quốc hội cho quân đội. Bản hiến pháp này cũng ngăn cấm bà Aung San Suu Kyi không được quyền làm Tổng Thống.
Hơn nữa, trong cuộc bầu cử lần này, chính phủ đương nhiệm còn mời một số quan sát viên quốc tế đến giám sát phòng phiếu để bảo đảm một cuộc bầu cử công bằng và không gian lận. Một số lãnh đạo chính phủ và quân đội cũng đã lên tiếng trấn an dân chúng và cho biết họ sẵn sàng chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử cho dù bị thua.
Nhưng phải chờ gần đúng một tuần sau ngày bầu cử, hôm thứ Sáu 13/11, ủy ban bầu cử tại thủ đô Naypyidaw chính thức thông báo đảng NLD đã thắng 348 ghế ở cả hai thượng viện lẫn hạ viện quốc hội, vượt quá 329 ghế là con số cần thiết để được đa số tuyệt đối.
Cuộc bầu cử quốc hội Miến điện lần này có tất cả 664 ghế thượng và hạ viện, trong đó kể luôn 25% số ghế dành trước cho quân đội. Nhưng ngay trước ngày bầu cử, có 7 ghế bị loại bỏ vì đây là những ghế ở khu vực biên giới hiện đang có giao tranh giữa chính quyền địa phương với những nhóm nổi dậy. Thế nên, tổng số ghế chỉ còn lại 657 ghế và bất cứ đảng nào chiếm được 329 ghế hoặc hơn thì đạt được đa số tuyệt đối.
Cùng với kết quả của hôm thứ Sáu, đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) được sự hậu thuẫn của quân đội chỉ thắng được 40 ghế ở lưỡng viện. Những đảng nhỏ khác thắng được một vài ghế.
Đây là kết quả của 83% số phiếu đã được kiểm chứng cho đến ngày 13/11, cho tới khi hoàn tất việc kiểm phiếu có lẽ đảng NLD sẽ còn giành thêm được một số ghế nữa. Tuy nhiên, vì đã đạt được đa số tuyệt đối số ghế ở quốc hội, đảng NLD sẽ được quyền thành lập chính phủ và chọn tân tổng thống.
Bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD đã thắng cuộc bầu cử mang tính lịch sử này của dân tộc Miến Điện, và là thành quả quan trọng của phong trào đấu tranh dân chủ kéo dài trong nhiều thập niên và nay được quyền lãnh đạo đất nước, chấm dứt nửa thế kỷ cai trị bởi nhóm quân phiệt độc tài.
Kết quả của cuộc bầu cử là một chiến thắng vẻ vang cho đảng NLD và cá nhân bà Suu Kyi, và là bằng chứng cho thấy sự hiệu quả của chính sách thoả hiệp của bà với các tướng lãnh và sự không thừa nhận trong nhiều thập niên sự cầm quyền của quân đội. Miến Điện từng là quốc gia bị đặt dưới sự cai trị của một trong những chế độ độc tài tàn bạo và cô lập nhất ở châu Á, nhưng nay có thể lấy làm ví dụ về cách thức sinh hoạt dân chủ cho một số quốc gia láng giềng ngày càng trở nên chuyên quyền và độc tài: trong những năm gần đây Thái Lan đã phải trải qua mấy lần quân đội đảo chánh, Trung Quốc và Việt Nam bắt nhốt các nhà bất đồng chính kiến và các bloggers nhiều hơn bao giờ hết, và chính phủ Mã Lai Á tiếp tục nắm giữ quyền hành qua các cuộc bầu cử gian lận.
Tương lai của dân tộc Miến Điện và con đường dân chủ hoá sẽ còn gặp nhiều thử thách. Mặc dù nay mai một chính phủ dân sự sẽ lên cầm quyền, nền dân chủ tại Miến Điện vẫn còn bị trói buộc.
Theo hiến pháp hiện thời, quân đội Miến Điện là đệ tứ quyền trong chính phủ; nó có một ngân sách riêng độc lập với tổng thống và quốc hội; nó được quyền bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng an ninh biên giới; và nó có quyền phủ quyết những quyết định của hành pháp, lập pháp và tư pháp của chính phủ. Trên thực tế, chính phủ dân sự không có quyền giám sát quân đội vì trong hiến pháp nói rõ quân đội “được quyền điều hành độc lập và xem xét tất cả công việc liên quan đến quân đội.”
Người dân Miến Điện ăn mừng kết quả bầu cử – nguồn ghostwriterjoe.wordpress.com
Hiện nay, việc tu chính hiến pháp là điều không thể đạt được nếu không hội đủ hơn 75 phần trăm số phiếu của cả hai phía quốc hội, và vì vậy việc thay đổi hiến pháp là bất khả nếu không có sự ủng hộ của quân đội.
Nhưng bà Suu Kyi và tân chính phủ của đảng NLD vẫn có thực quyền để tái lập ngân sách, dành ưu tiên trước hết cho những công việc cấp thiết để nâng cao đời sống cho người dân, bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính phủ, hủy bỏ những luật lệ nhằm đàn áp người dân, ký các hiệp ước và gửi đại sứ đi khắp thế giới, lập lại bang giao và tạo sự tin tưởng để thu hút đầu tư ngoại quốc. Nhưng thử thách lớn nhất mà đất nước Miến Điện đang phải đối diện là quân đội vẫn nắm quyền kiểm soát. Và một hệ thống tư pháp ở Miến Điện được xây dựng và nắm giữ bởi một nhóm người trung thành với quân đội, và vì vậy công cuộc cải cách của tân chính phủ sẽ gặp sự ngăn cản.
Hơn nữa, quân đội Miến Điện không chỉ kiểm soát quân đội mà còn kiểm soát tình báo và cảnh sát. Quân đội cũng kiểm soát luôn hệ thống nhà tù và tất cả những vấn đề liên quan tới di trú.
Tuy còn nhiều thử thách và gian nan nhưng con đường dân chủ hoá không phải là công việc một sớm một chiều mà đòi hỏi phải tranh đấu trường kỳ, cứ từng bước một mà tiến.
Nhìn lại khoảng ba thập niên qua, làn gió dân chủ vẫn đều đặn thổi vào khu vực Đông Á, không ào ạt, tuy chậm nhưng vững vàng. Ta có thể kể lần lượt: Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương, nếu có thể kể luôn Thái Lan, và nay thì đến lượt Miến Điện. Vậy, bao giờ làn gió ấy sẽ thổi đến Việt Nam?
Nếu ta tính thời gian bằng từng thập niên thì có lẽ không còn bao lâu nữa. Chỉ cần điều kiện thuận lợi là gió sẽ phất và không gì có thể cản lại được.
Bà Aung San Suu Kyi kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cha bà ở quê nhà Natmauk – nguồn dailynews.co.th
VH