Menu Close

Một con người đáng kể: Yogi Berra

Yogi Bear là hình ảnh của một con gấu hóm hỉnh, lanh lợi, vô cùng dễ yêu từ những khúc phim hoạt họa trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Từ phim ảnh con gấu kia trở thành món đồ chơi, gấu nhồi bông, món quà rất phổ thông cho trẻ em. Phổ thông như thế nhưng chẳng mấy người biết đến gốc gác của cái tên quen thuộc và dễ thương ấy. Yogi Bear đến từ Yogi Berra, bạn ạ!

yogi berra 01

Nếu bạn là người say mê bóng chày, baseball, thì Yogi Berra là một cái tên rất thân thuộc mà triệu người chuộng thể thao mến mộ, “mộ” vì tài và mến yêu vì sự giản dị nhưng thâm trầm khôn ngoan của nhân vật ấy!

Ông Berra qua đời ngày 23 tháng Chín vừa qua, thọ 90 tuổi.

Nổi tiếng trong giới bóng chày, ông Berra là một tay thể thao lành nghề, đoạt nhiều giải bóng chày toàn quốc và cũng là một huấn luyện viên lẫy lừng đã đưa tên tuổi hai đội banh do ông ấy huấn luyện đến giải bóng chày thế giới. Tất nhiên là những thành quả ấy đến trong những năm còn trẻ tuổi.

Cư dân Huê Kỳ yêu mến ông Berra không chỉ qua cái tài đánh bóng chày lừng lẫy mà ngưỡng mộ ông ta qua nhiều yếu tố khác. Ông Berra là người “sáng tác” nhiều câu nói để đời, phổ thông đến nỗi mấy câu ngắn ngủi kia được xem là “trường phái” có tên tuổi đàng hoàng, “Yogi-isms”. Ông Berra là một người xem ra giản dị, ăn nói không hoa mỹ rườm rà nên mấy câu nói đi vào “lịch sử” nọ cũng chỉ ngắn gọn. Mấy câu nói trong lúc bất ngờ, thoạt tiên tưởng chừng vô nghĩa, đối chỏi nhau nhưng khi ngẫm nghĩ lại hàm chứa một ý tưởng khác. Khi được phỏng vấn, ông cầu thủ bóng chày nổi tiếng một thời cũng chỉ hóm hỉnh trả lời nước đôi “Có thể là tui nói câu ấy, nhưng bạn chẳng bao giờ biết [sự thật] đâu” (“I might have said ’em, but you never know”). Năm 1998, khi bá tánh loay hoay hoài với mấy câu nói kia và [bị] phỏng vấn về sự kiện này nhiều lần, ông Berra viết cuốn sách có tựa đề “The Yogi Book: I Really Didn’t Say Everything I Said!”, tinh quái không kém mấy câu nói bất hủ của ông ấy. Nôm na là không nhìn nhận mà cũng chẳng phủ nhận mình là tác giả. Cứ lửng lơ con cá vàng mặc tình bá tánh đoán già đoán non, bàn tán.

Câu “It ain’t over till it’s over” (Chưa tàn [cuộc] cho đến khi tàn cuộc) xuất hiện trong thời gian ông Berra còn điều khiển đội bóng chày the Mets, năm 1973. Năm ấy đội bóng xếp hạng thứ năm và ông Berra cổ võ thế nào mà vào cuối mùa tỷ thí, the Mets thắng giải National League East! Tạm hiểu là khi thua, ông Berra không bỏ cuộc mà cổ võ tinh thần tranh thắng của đội banh bằng cách khuyến khích, trò chơi chưa tàn cho đến khi kết cục, cứ tiếp tục cố gắng! Và tinh thần tranh đấu kiên trì dai dẳng ấy đã đưa đội banh đến thành công.

Một câu khác, “When you come to a fork in the road, take it” (Khi đến ngã ba đường, cứ bước tới) khi ông Berra chỉ đường cho bạn bè đến thăm trong thập niên 50. Thì ra ở con đường chia ngã ba kia, đi ngả nào cũng đến nhà ông ấy. Câu nói nọ được lặp lại trước các tân khoa vừa được mũ áo cử nhân tại Ðại Học Montclair State năm 1996. Nhưng lần này lại mang một ý nghĩa khác. Ðại khái là cứ bước tới, đừng phân vân dùng dằng [dù chưa ăn chắc, chắc ăn].

yogi berra 01

Lawrence Peter BerraNGUỒN BUSINESSNEWSDAILY.COM

Bá tánh tìm hiểu rồi xì xào, bàn luận xem mấy câu nói phổ thông kia xuất hiện vào tình huống nào, có ý nghĩa chi và có thực là ông Berra là người đầu tiên phát ngôn như thế không. Câu “It’s déjà vu all over again!” (cảm giác như đã trải qua nhưng thực sự là kinh nghiệm lần đầu… lại xuất hiện!) xem ra đối chỏi nhau và khó hiểu quá xá lại xuất phát từ một con người xem ra đơn sơ, giản dị; người ta lại thắc mắc hỏi nhau xem ông ấy muốn nói cái chi!

Khi nói về một nhà hàng ăn nổi tiếng, bà vợ kể lại ông Berra đã nói rằng “Nobody goes there anymore. It’s too crowded” (Chẳng ai đến đó nữa vì… đông người quá xá)! Câu nói có vẻ trái nghịch nhưng có lý lắm, phải không bạn? Chỗ đông người đâu mấy ai muốn xông pha mà chờ đợi lâu lắc?

Lúc nói về kinh nghiệm đánh bóng chày, ông Berra tiếp một câu khá bí hiểm “Ninety percent of the game is half mental” về sau được diễn giải thêm “Baseball is 90 percent mental. The other half is physical.” Nôm na là 90% đến từ sức mạnh tâm thần, 50% là thể chất! Nếu bạn tẩn mẩn mà làm một bài tính cộng thì hỏng bét!

Cuộc đời Yogi Berra được báo chí đề cập đến nhiều lần và khá nhiều chi tiết. Lawrence Peter Berra sinh ngày 12 Tháng Năm, năm 1925, trong một thôn xóm đầy di dân Ý, the Hill, tại St. Louis, tiểu bang Missouri. Là con thứ tư trong đàn con 5 người, cha ông Berra là Pietro, một thợ nề, lát gạch trong ngành xây cất. Bà mẹ tên Paulina cũng là một di dân từ Ý.

Thủa thơ ấu, chú bé Larry, hay Lawdie, và bạn bè có lần được xem xi nê, khúc phim du lịch Ấn Ðộ có hình ảnh một tu sĩ, yogi, ngồi xếp bằng kiết già tĩnh tâm, trông in hệt lúc Lawdie ngồi chờ phiên mình ra đánh banh. Thế là bạn bè gọi luôn chú bé là “Yogi”, cái tên ấy theo ông Berra suốt đời!

Yêu thích thể thao nhưng học hành không mấy khởi sắc, Yogi bỏ học khi lên đến lớp 8. Chú bé chơi thể thao và các công việc lặt vặt kiếm tiền. Khi đầu quân cho đội bóng the St. Louis Cardinals, Yogi và người bạn ấu thời cùng được tuyển. Người bạn, Joe Garagiola, được thưởng 500 Mỹ kim nhưng Yogi chỉ được một nửa và chàng cầu thủ trẻ tuổi lắc đầu từ chối không chịu. Sự tự tin và khả năng thương thảo của Yogi Berra dường như đã bắt đầu rất sớm.

Khi đội bóng chày Cardinals thắng the Yankees trong giải 1942 World Series thì đội Yankees vội đi tìm Yogi Berra để ký hợp đồng với 500 Mỹ kim tiền thưởng! Nghề nghiệp bóng chày của ông Berra phát triển từ đó, thắng giải này đến nhiều giải khác.

Dù nức nở khen ngợi tài năng chơi thể thao nhưng bá tánh vẫn ì xèo về dáng vẻ không được điển trai cho lắm của ông cầu thủ, tai to mũi rộng, ăn nói xuề xòa, tính tình giản dị. Nhưng chính các yếu tố về nhân cách, nhìn xa trông rộng đã vẽ ra con người thật của cầu thủ này.

Thủa còn trẻ, báo chí đã nhiều lần chê bai ông Berra về dáng vẻ, hình dung; họ xem ông ấy như một người đần độn chỉ có bắp thịt và dùng biếm họa dã nhân để chế giễu. Ngược lại, khi được phỏng vấn, ông Berra trả lời rằng ông ta ái ngại cho những con người chịu giày vò đầu óc với văn chương khoa học… chưa kể văn phạm và chữ viết! Và nhất là khi chơi bóng chày, đẹp trai hay xấu xí, chẳng ai đánh banh bằng cái mặt cả!

Chuyện hôn nhân của Yogi Berra cũng bị báo chí xăm xoi dè bỉu rằng một phụ nữ tươi đẹp như Carmen Short mà lại chịu lấy người chồng xấu xí nhường ấy [chắc vì tiền!?]. Ðến mức ấy thì ông Berra biểu rằng tui cũng là người thì lấy vợ là chuyện thường tình [cớ chi mà bàn tán chê bai]! Cuộc hôn nhân kia khởi đầu từ năm 1949, kéo dài suốt 65 năm, và họ chỉ chia tay khi bà vợ qua đời năm ngoái.

Nổi tiếng như thế nên các công ty thương mại đã sử dụng rất nhiều các yếu tố đặc biệt về ông Berra. Từ con gấu bông Yogi Bear đến Puss’n Boots, thức ăn cho mèo, Miller Lite beer đến món giải khát Yoo-Hoo.

Ông Berra sống tại Montclair, New Jersey cho đến những ngày suy yếu và qua đời tại West Caldwell, New Jersey. Gần thành phố này là viện bảo tàng do ông Berra thành lập, The Yankees and the Yogi Berra Museum and Learning Center tại Little Falls, New Jersey.

Yogi Berra qua đời nhưng hình ảnh một con người đơn sơ, thâm trầm, tự tin và giàu nghị lực, bước qua những khó khăn để thành công. Tấm gương ấy đủ để Dế Mèn thán phục nhưng chính ra câu nói “It ain’t over till it’s over” mới là kim chỉ nam. Phe ta thuộc lòng, và ấp ủ nhiều năm câu nói ấy khi gặp các khó khăn của đời sống; áp dụng để dỗ lòng kiên trì và giữ niềm tin vào chính mình. Giản dị nhưng quyết liệt lắm, bạn ạ!

yogi berra 01

Yogi BearNGUỒN CAMPINGFRIEND.COM

TLL