Nơi các làng quê ngày xưa tổ tiên nhiều đời truyền nhau câu nói rất quen thuộc như “sống cái nhà, thác cái mồ”, nghĩa là khi sống, dù nghèo dù giàu gì cũng phải có nhà cửa tử tế, và khi thác, phải có mả mồ cao ráo. Do vậy người ta lúc nào cũng ráng làm lụng dù vất vả để có chút ít tiền mua sắm vật liệu cất được cái nhà để gia đình vợ chồng con cái có nơi trú ngụ, nghỉ ngơi. Từ rất xa xưa, khi con cái lớn cha mẹ dựng vợ gả chồng rồi, ở chung với cha mẹ một thời gian vài năm thì cũng đều lo dành dụm tiền bạc để cho có được cái nhà.
Nhưng khởi thủy của cái nhà có lẽ bắt đầu là một cái chòi, nhứt là thời kỳ khẩn hoang làm ruộng, những người lưu dân nghèo khó, làm lụng hết mùa này qua mùa khác đều thất mùa, họ mới bắt đầu thu xếp để lên đường tìm đất mới như trường hợp ở kinh Lagrange thuộc Ðồng Tháp Mười:
Nhà một mái – HÌNH HUỲNH HỮU ĐỨC
“Dân ở đây đều là người tứ chiếng, từ mọi nơi trôi dạt lại. Họ là những tá điền ở Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Ðéc, Rạch Giá… Sau vài năm thất mùa liên tiếp, một ngày kia thu thập cả gia tài: mùng, nóp, nồi niêu, một vài giạ lúa, một con heo, rồi dắt nhau xuống xuồng, chồng chèo mũi, vợ chèo lái, cứ nước xuôi thì đi, nước ngược thì nghỉ, lênh đênh trên các kinh, rạch, ghé đây một ngày, kia một buổi để điều tra, tìm một miếng đất mới hoặc một ông chủ điền nhân đức hơn, rồi sau cùng phiêu bạt tới đây. Họ cắm sào, lựa một chỗ làm nền nhà rồi khuân đồ lên bờ. Họ đốn vài cây tràm làm cột: tràm miền này không thiếu; chặt lá dừa nước về lợp và làm vách: lá dừa nước đây đầy đồng.
Chỉ vài ngày là xong cái chòi. Vợ nuôi heo vịt, chồng đánh cá, làm ruộng. Ðất đây vô chủ, khỏi phải mướn ruộng chỉ cần cái phảng và vài giạ lúa giống là đủ vốn để làm ăn rồi. Tới mùa khá thì họ ở lại làm thêm một mùa, nếu không lại chở cả gia tài xuống xuồng phiêu lưu một chuyến nữa.”(1) Chẳng những không ở được lâu, mà hồi xa xưa ấy, xa xa mới gặp được một cái chòi: “Khoảng năm sáu trăm thước hoặc một hai cây số mới gặp một túp lều lá thấp lè tè, tối om om, vì chỉ có mỗi một cái cửa nhỏ để ra vào. Trước mỗi túp lều, ở dưới kinh có cặm một cái xuồng.”(2)
Lúc còn nghèo túng thì là vậy, nhưng có những trường hợp gặp được đất tốt, trúng mùa thì họ sẽ tiếp tục khai mở ruộng đất thêm và rồi lần hồi những căn nhà chòi thấp lè tè ấy được thay bằng những căn nhà cao ráo hơn với cột kèo chắc chắn hơn. Ðiển hình là các làng quê vùng Châu Ðốc, Long Xuyên ngày trước dọc theo các kinh rạch nhà cửa dù thưa thớt hơn bây giờ nhiều nhưng bên cạnh những căn nhà lá nhỏ cũng có nhiều nhà rất khang trang bằng cây ván thật chắc như gỗ thao lao, gỗ dầu thay vì lúc mới cất chỉ là cột, kèo làm bằng cây tràm, đòn tay tre, mái lợp lá dừa nước, vách dừng cũng bằng lá dừa. Dần dần khá hơn, có nhà đóng vách bằng ván bổ kho, có nhà xây tường bằng gạch, mái lợp ngói nếu có dư dả tiền bạc.
Căn nhà một mái, nền đất, lợp lá vùng Tân Bình (Lấp Vò). – HÌNH HUỲNH HỮU ĐỨC
Nhắc về vài kiểu nhà, xin lược kể vài loại nhà thường gặp như nhà một mái lợp lá, vách lá lúc còn nghèo; rồi khá chút nữa cất nhà hai mái cột tràm lợp lá; khá thêm chút nữa thì cất nhà cột vuông bằng gỗ dầu, gỗ thao lao, lợp lá rồi dần dần lợp tole hoặc lợp tybro-xi măng, hoặc lợp ngói. Nhà giàu có thì thường cất kiểu nhà áp quả, tức là nhà có cột giữa. Nhà đâm trính, là loại nhà không có cột cái, có hai cây trính đâm ngang trên cột hàng nhì để chịu những cây trổng thế cột cái. Mục đích của kiểu nhà đâm trính là làm cho nhà được rộng rãi, vì không có cột cái ở giữa nên lấy cột hàng nhì phía trong làm vách ngăn giữa nhà trước và nhà sau, do vậy cửa buồng thụt vô được một khoảng khá rộng. Thường thường khi cất nhà lớn với gỗ thao lao, gỗ căm-xe, gỗ cà chất hoặc gỗ dầu người ta mới cất nhà đâm trính vì các loại gỗ này thịt rất rắn chắc và bền mới chịu đựng nổi cả hai mái nhà không có hàng cột cái. Nhà ba gian hai chái bắt-vần là loại nhà lớn gồm ba gian (còn gọi ba căn) và có hai chái cặp hai bên. Thường ngày xưa các chủ điền hoặc nhà giàu ưa cất kiểu nhà này. Nơi các làng quê ngày trước, các nhà khá giả còn cất thêm cái nhà phía trước nhà lớn gọi là thảo bạc; nhà này không dừng vách mục đích để cho mát và dùng khi có đám tiệc không cần phải bông rạp hay dựng nhà khách.
Tại các vùng sông rạch miệt Long Xuyên, Châu Ðốc vì là vùng đất có mùa nước ngập hằng năm nên nhà sàn là loại nhà thông dụng hơn cả. Có loại nhà sàn cất hẳn trên mặt đất hoặc nửa trên mặt đất, nửa nằm trên mặt nước tùy theo địa hình nơi mình đang ở mà liệu lượng cách cất nhà cho phù hợp với hoàn cảnh mỗi người. Nếu chủ nhà khá giả thì sàn nhà lót bằng ván thao lao, ván dầu; còn nhà nghèo thì sàn nhà có khi làm bằng vạc tre. Ðể đỡ sàn nhà cho chắc chắn, không bị lún, người ta thường dùng những vật liệu chắc cứng làm táng, làm nống như táng làm bằng đá vùng Ba Thê, Núi Sập, Núi Sam, sau này có người dùng trụ xi măng cốt sắt làm nống nhà sàn; nhưng thông dụng nhứt, những người nghèo thường lấy cây tràm, thân tre già (lấy phần gốc từ gốc trở lên) làm nống cho sàn nhà. Nhớ hồi những năm 1950 ở Mặc Cần Dưng (làng Bình Hòa) có nhiều nhà sàn khá lớn với táng đá cao cỡ một thước mốt, mỗi bề dày cỡ bảy, hoặc tám tấc; mỗi lần có tây bố hoặc có súng nổ tụi nhỏ chúng tôi được người lớn kêu xuống sàn nhà trải chiếu nằm núp theo mấy táng đá này.
HT
Chú thích
1&2/ Trích trong “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê (Sài Gòn), năm 1954. Trí Đăng tái bản năm 1971, có sửa chữa.