Tôi trở về nhà tìm chỗ trú ẩn. Cội giấy vắt lên bức tường trắng K đã xây cho Bà sau khi hóa quỷ. Cội giấy đỏ thẳm sáng rực khi tôi về tới. Rặng giấy bao lấy ngôi biệt thự um tùm cây cối. Bà như người đánh cờ tướng mất hết xe pháo mã, mất hết sĩ tượng, nhưng gỡ gạc chiến thắng bằng cách chiếu mặt. Tướng vồ Tướng. Sau mười năm đơn từ khiếu nại, sau thuế siêu ngạch, đánh tư sản, tịch biên, Bà đòi được villa Thủ Ðức, hay đúng hơn chính quyền đền cho Bà ngôi biệt thự khác, 300 thước vuông đánh đổi villa Yersin 2500 thước đất. K đã hóa quỷ, nhưng anh vẫn giúp Bà trang trí nội thất, lợp lại mái, sơn phết tường vách bằng những đồng quan tiết kiệm giành giật với thần chết. Khi tôi bước chân qua cổng, nắng buổi chiều hắt lên những giò phong lan treo rũ tinh khiết, ánh nắng ửng ở từng cánh, đang hé, như ánh mắt K trong suốt thời trẻ. Bà vẫn ngồi ở ghế tràng kỷ, tuồng không hề đi đâu. Hai vạt áo dài Bắc cổ cao vồng lên trong quá khứ bay chập chờn giữa các ngôi mả buông rũ chấm tận đôi hài cườm trên đất. Bà ngồi ở ghế tràng kỷ yên lặng, giống Bà chưa hề rời đất Bắc. Tuồng Bà đang ngồi đợi Ông bị Việt Minh bắt đi năm 1945 không bao giờ có tin tức. Bà không bao giờ quay lại đất Bắc mặc dù biết bao lần tôi mời Bà cùng đi, Bà đã từ chối. Tôi khám phá không chỉ mình Bà, cô chú trong họ, sui gia, không ai còn muốn trở ra Bắc, dầu chỉ một lần thăm viếng, nhìn lại.
Bà ngồi ở ghế tràng kỷ im lặng. Sau lưng cặp liễn, bàn thờ gia tiên, lư đồng đánh bóng. Rõ ràng Bà chưa hề đi đâu, cách bài trí Hà Nội tiền chiến, bức bình phong cẩn xà cừ, hàng mành trúc lay động, chậu thược dược tím, những cành đào dịp Tết đài các, mọi thứ vây lấy Bà hay đúng hơn chính Bà xếp đặt tất cả. Chính Bà đã chuyển hoán chi tộc của Thầy từ Hoa sang Việt, chính Bà giữ nếp nhà Bắc, quyết định không nói tiếng Hoa trong nhà, mặc dầu Thầy vẫn nói tiếng Tàu với chú Hênh, chú Xá, cô Màn, viết thư bằng chữ Phổ Thông cho chú Ích du học Ðài Loan, nhưng Bà nhất quyết gởi chúng tôi học trường Tây, nhất quyết chọn Bắc Việt Nghĩa Trang làm nơi chôn cất gia tộc mà lẽ ra, phải là nghĩa trang của các bang hội Triều Châu, Quảng Ðông, Phúc Kiến. Bà luôn kiêu hãnh khi nhắc về bên ngoại thuần Việt. Bà không cho phép gọi Thầy bằng Pá, không cho phép ăn xíu-dề mỗi khuya, không cho phép khạc nhổ như Ông Chú thường hay khạc nhổ mà Bà luôn cảm thấy bẩn.
Tôi ngồi xuống ghế. Sạp gụ cẩm lai cẩn mình rồng thuở nhỏ tôi rất khổ sở khó chịu, mỗi khi ngồi dựa vuốt rồng đâm suốt lưng. Chỉ còn vài tiếng nữa là Giao Thừa. 17 năm tôi chờ đợi phút này, trở về ngôi nhà Bà hưởng đêm trừ tịch của trời đất, trong không khí thiêng liêng, trước bàn thờ tổ tiên. Tôi ngắm chậu quất vĩ đại chi chít trái, dẫy cúc bó xôi tròn xoe như mâm cỗ, bát thủy tiên ngâm nước bắt rễ tựa những củ hành nhỏ trổ hoa trắng. Tất cả thay đổi chóng mặt. Lần về đầu tiên tôi kinh hoảng chứng kiến Bà sinh sống trong một ổ chuột, toàn bộ căn nhà đường Hai Bà Trưng cán bộ ở chật cứng, Bà chỉ còn duy nhất mỗi một phòng con, vừa nấu ăn, vừa lễ bái, tất cả bàn ghế đồ đạc Bà phải đem gởi. Tôi trở về, chị N phải cho bé Nhí bú dưới chân thang vì căn phòng quá hẹp không đủ chỗ. Anh T, chồng chị ngồi đợi ở lề đường. Suốt đêm tôi nói dối quanh co về K, nhìn con chuột chui ra từ bàn thờ đánh đu trên dây điện. Suốt đêm bé Vinh kinh ngạc ngắm lũ thạch sùng di chuyển dưới bóng đèn. Bé Vinh chưa biết xếp bì bắn như tôi hay bắn thời nhỏ rồi nhìn chiếc đuôi thằn lằn rượt theo khúc thân đã quên mất một quá khứ từng có đuôi. Một buổi trưa tôi ra mua cóc, chị N hỏi bao nhiêu, tôi trả lời 10 ngàn ba quả. Chị giẫy nẩy, con Lài con dì Sáu nó điêu, một quả chỉ một ngàn thôi, con Lài nó thấy Việt kiều nó chém. Tôi cản, nhưng chị đã ra đòi tiền, chị không đòi được đồng nào, con Lài đưa thêm một quả cóc. Một năm sau tôi trở về, anh T mất, anh tai biến mạch máu não, chứng bệnh thời trang của đất nước, anh cũng lên tháp. Chị N khăn tang ủ rũ. Tôi đi qua những đường phố không nhận ra phố xá mình đã đi qua, sinh sống 16 năm liền. Tôi đi ngang ngôi nhà tuổi thơ ở phố Hai Bà Trưng – Tân Ðịnh mới về năm trước đã hóa mini hotel Ðức Huy. Tôi đến số 758 Phan Thanh Giản gần ngã bảy Lý Thái Tổ. Ngôi nhà gia đình Thanh Mai tôi đã đến biết bao lần suốt thời niên thiếu. Vũ-Thị-Thanh-Mai, tôi chép tên người bạn gái đầu tiên nghìn vạn lần lên quyển vở, thầm ước lớn lên sẽ thành thân. Tôi ngắm say mê mái tóc ngắn màu hạt dẻ của cô bạn gái yêu kiều có nước da trắng lấm tấm giọt mồ hôi thiếu nữ. Tôi đưa tay lên nút chuông tôi đã từng bấm, chỉ cần tôi nhấn chuông là thời gian sẽ quay lại, Thanh Mai sẽ chạy xuống mở cửa rồi ngồi lên yên sau cho tôi nụ cười tuổi trăng mười sáu. Vẫn nắp chuông ấy, vẫn khúc đường xi-măng này, cả hàng nước mía với sạp bánh cuốn bên cạnh. Bà bán không biết tôi đã đứng đây trong quá khứ, đã đứng trên lề đường này hồi hộp ngóng tiếng chân Thanh Mai chạy xuống. Ngón tay tôi vươn gần tới, ngón tay của tuổi mộng mơ bất chấp cải tạo công thương nghiệp, bất chấp thủy lợi cưỡng bách, bất chấp kinh tế mới với bắt nghĩa vụ sang Kampuchia, ngón tay ước ao nắm lấy ngón tay Thanh Mai kín đáo dưới vừng me trưa màu ngọc bích. Ngón tay vươn mãi, chỉ cần tôi chạm vào nút chuông là thời gian sẽ ngừng lại. Nhưng chỉ có cánh cửa sắt im lìm với tấm bảng trơ trẽn Nhà Nghỉ Sắp Khai Trương. Thanh Mai đã vượt biên, ngôi nhà đang hóa thành hotel. Tôi cảm giác nguyên đất nước biến thành khách sạn, kể cả tình cảm vụn vặt nhỏ nhoi của chính mình cũng trở thành khách sạn. Khách sạn? Ðồng nghĩa phù du, một đêm, một tuần, 24 tiếng. Trên đất nước này còn gì tồn tại lâu hơn nữa?
– Dù không anh?
Cô gái mang gương mặt trắng quen thuộc. Thiếu nữ ngồi dưới gốc đa vẫy. Tôi nhìn kỹ cô gái trong chập choạng của bóng cây vươn tàn rộng mênh mông. Tôi nhận ra tức khắc lối vào nghĩa trang. Không sao có thể lầm lạc, vẫn dẫy tường vôi vàng này dù đã sụp lở phân nửa. Chỗ này rào kẽm gai phân chia Tân Sơn Nhất, chỗ kia sau bãi cỏ mọc hoang bây giờ dựng lên quán Bia Bình Dân là chỗ tượng Bồ Tát bằng gạch đen. Lô đất phía đó đắt hơn phía bên này, Thầy hay nói. Dáng ngồi của thiếu nữ y bà cụ bán nhang trước nghĩa trang, cũng túi ny lông phủ mặt, áo mũ che mưa xếp dưới chân, giọng Bắc trong trẻo. Gốc đa chỗ Thầy dừng mua nhang buông thõng những chiếc rễ có lần K đã hù sẽ dùng thắt cổ, những rễ ma vẫn còn loằng ngoằng. Thiếu nữ mang gương mặt tái nhợt quen thuộc. Tôi cố nhìn kỹ bàn tay cô gái xem có ngón nào bẻ quặp vào trong như bàn tay của bà cụ bán nhang.
– Dù thoải mái đi anh, bốn chục nghìn thôi em không tính điêu đâu.
Tôi cố nhìn kỹ xem cô gái có còn nhuộm răng, có còn nốt ruồi dưới mí mắt như bà cụ.
– Dù đi anh, em bảo hành khả ái.
– Thư giãn thoải mái đi anh.
Tôi nhìn kỹ lối vào nghĩa trang, con hẻm không thắt hậu nhưng nở phình ra thành bãi đất giống quái thai đầu mọc dưới đít. Tôi trở về nhà tìm chỗ trú ẩn. Tôi trở về nhà trông thấy nắng rơi thảng thốt lên rặng giấy còn mang ánh mắt K u tối. Bà ngồi ở ghế tràng kỷ. Bàn thờ gia tiên nghi ngút khói. K đã thắp nén nhang cuối cùng trên bàn thờ này buổi sáng vâng lời Bà ra đi vĩnh viễn. Tôi ngồi xuống ghế. Sạp gụ cẩm lai cẩn mình rồng tua tủa thuở nhỏ tôi rất khổ sở khó chịu mỗi khi ngồi dựa vuốt rồng đâm buốt lưng. Bà ngồi ở tràng kỷ. Tôi mang gương mặt của đứa trẻ trong hình 17 năm sau trở về đối diện Bà. Tôi đếm một, hai, ba, như tôi vẫn thường hay đếm trước những ngôi mả xanh mướt ánh mắt người chết. Tôi đếm một, hai, ba, như tôi vẫn thường hay đếm trong hành lang sáng trắng ánh điện của bệnh viện. Tôi đếm một, hai, ba, ngậm chậu thược dược tím bầm trong miệng.
TV