Menu Close

Bạo động nơi sở làm hay khủng bố

Hai kẻ tấn công bịt mặt và trang bị vũ khi bằng hai khẩu súng trường AR-15 và hai khẩu súng ngắn đã bắn xả vào đám đông đang có mặt tại một buổi tiệc cuối năm dành cho một số nhân viên của quận hạt San Bernardino, California vào hôm thứ Tư 2/12, làm 14 người thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ gốc Việt tên Tín Nguyễn, và 21 người bị thương. Vụ thảm sát đã đẩy người dân Hoa Kỳ vào một tình trạng tưởng chừng như đã quá căng thẳng và lo âu về những vụ khủng bố và xả súng vào đám đông xảy ra quá nhiều trong năm nay.

bao dong noi so lam2

Cảnh sát bao quanh chiếc xe của các nghi phạm vụ nổ súng ở San Bernardino – nguồn wired.com

Vụ thảm sát tại trung tâm dịch vụ xã hội Inland Regional Center đã mở màn cho một ngày không giống những ngày bình thường khác tại một thành phố dường như lúc nào cũng mang vẻ êm đềm và làm cho nhiều trăm người đang có mặt tại trung tâm dịch vụ phải tìm chỗ ẩn núp trong những văn phòng, trường học bị đặt trong tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập, các toán an ninh đặc nhiệm tràn vào các khu dân cư và một cuộc lùng bắt kéo dài bốn tiếng đồng hồ được chiếu trực tiếp trên các đài truyền hình. Màn cuối cùng trong ngày là một cuộc chạm súng nổ ra ngay trên con đường nằm trong khu dân cư đông đúc và hai can phạm bị bắn chết ngay tại hiện trường.

bao dong noi so lam

Cấp cứu các nạn nhân – nguồn recorderpost.com

Hai kẻ gây ra vụ thảm sát là cặp vợ chồng gốc người Pakistan và là những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, được bạn bè mô tả là trầm lặng và kín đáo. Người chồng tên Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, sanh ở Mỹ, là một người cao ráo và để râu quai nón, từng theo học và tốt nghiệp tại đại học California State University. Ông ta làm việc cho sở y tế của quận hạt San Bernardino với nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh tại các nhà hàng và tiệm bánh, cũng như kiểm tra lượng chlorine tại các hồ bơi công cộng.

Sống khép kín hơn và ít giao thiệp với người ngoài là người vợ tên Tashfeen Malik, 29 tuổi, sống cùng chồng và bà mẹ chồng tại căn nhà townhouse ở thị trấn Redlands, cách nơi xảy ra vụ án khoảng năm dặm. Ông chồng Farook đã đưa cô vợ tương lai vào Mỹ vào tháng 7 năm 2014 với thông hành của Pakistan dưới diện là hôn thê. Sau đó ông chồng đã nộp đơn xin cho cô vợ được cư trú thường trực vào tháng 9 năm 2014, và tháng 7 vừa qua, cô vợ đã được cấp thẻ xanh sau khi vượt qua cuộc điều tra an ninh cá nhân của cơ quan FBI và Bộ Nội An.

Trong khi các viên chức điều tra còn đi tìm câu trả lời về nguyên do chính đưa đến vụ xả súng thì các chứng cớ mới nhất cho thấy hai vợ chồng này như là một cặp tòng phạm phức tạp và khó hiểu nhất trong những vụ án gây thiệt hại nhiều nhân mạng trong thời gian gần đây. Cuộc sống khép kín của họ và động lực nào đã dẫn họ đến vụ thảm sát này vẫn còn là những bí ẩn. Các nhân viên điều tra còn đang tìm xem mối quan hệ có thể có của họ với những tổ chức khủng bố quốc tế nhưng cũng không hoàn toàn bác bỏ nguyên do đưa đến vụ thảm sát đẫm máu có thể chỉ là từ bất hoà nơi sở làm.

Vụ tấn công trên là vụ xả súng vào đám đông gây thiệt hại nhân mạng cao nhất tại Hoa Kỳ kể từ vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Newtown, Connecticut, gần ba năm trước.

Qua lời khai của nhiều nhân chứng cho biết, người chồng Farook đã đến dự buổi ăn trưa vào dịp lễ cuối năm cho các nhân viên của sở y tế quận mà ông là một nhân viên về kiểm tra an toàn vệ sinh, nhưng rời bữa tiệc sớm và dường như có vẻ bực bội. Khoảng một thời gian ngắn sau, ông ta trở lại cùng với người vợ Malik sau khi đã để lại đứa con gái sáu tháng cho bà mẹ chồng giữ hộ. Cả hai được mô tả là mặc đồng phục chiến đấu màu đen, bịt mặt và với hai khẩu súng dài bán tự động đã xả hàng loạt đạn vào những người đồng nghiệp.

Theo cảnh sát trưởng Jarrod Burguan của San Bernardino, vụ việc có lẽ vượt ra ngoài ranh giới của một vụ bất hoà thông thường tại sở làm và có một số chứng cớ cho thấy dường như họ đã có tính toán kỹ lưỡng trước khi gây ra vụ án mạng.

Tại trung tâm dịch vụ cũng như tại khu dân cư yên lặng mà mấy tiếng đồng hồ sau đó Farook và Malik đã bị bắn chết trong cuộc chạm súng với cảnh sát, cả thành phố San Bernardino đã bị rúng động bởi hàng loạt những tiếng súng nổ không khác gì của một khu vực đang có chiến tranh xảy ra.

Cũng theo Burguan, hai can phạm đã bắn khoảng 65 đến 75 phát đạn ở trong trung tâm, bỏ lại đàng sau bốn ổ đạn rỗng loại lớn. Mấy giờ sau đó, sau một cuộc rượt đuổi và bị bao vây, hai can phạm đã bắn thêm khoảng 75 phát đạn trong cuộc chạm súng nhắm vào cảnh sát trước khi bị bắn gục.

Hai can phạm mang theo trên người hai khẩu súng dài loại AR-15 và hai khẩu súng ngắn 9 ly – tất cả thuộc loại bán tự động và được mua hợp pháp – và họ đã để lại tại trung tâm ba quả bom ống tự chế nhưng không phát nổ.

Trong chiếc xe Ford loại SUV màu đen mướn mang bảng số tiểu bang Utah mà cả hai sử dụng để chạy trốn, hai vợ chồng còn mang theo với họ khoảng 1,400 viên đạn cho hai khẩu súng dài và 200 viên cho hai khẩu súng ngắn vào lúc cuộc chạm súng xảy ra. Và tại nơi căn nhà họ sống gần đấy, cảnh sát còn tìm thấy hơn 2,500 viên đạn súng dài, hơn 2,000 viên đạn súng ngắn, và 12 quả bom ống đã làm xong. Tại đó, cảnh sát còn tìm thấy nhiều vật dụng và nguyên liệu để làm bom.

Ngay lúc đầu, đây có vẻ như một vụ bạo động nơi sở làm do hậu quả của một vụ bất hoà giữa các nhân viên. Nhưng chỉ một ngày sau đó, một số chứng cớ mới được phát hiện buộc cảnh sát phải nghi ngờ rằng vụ thảm sát trên là một hành động khủng bố và hiện đang được điều tra để tìm thêm chứng cớ rằng có sự liên hệ giữa hai kẻ tấn công và những nhóm khủng bố.

Theo giới chức an ninh liên bang cho biết cô vợ Tashfeen Malik đã đăng trên trang cá nhân Facebook lời tuyên thệ trung thành với thủ lãnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) khi vụ tấn công xảy ra.

Và ông chồng Syed Rizwan Farook đã có liên lạc với những thành viên của ít nhất hai tổ chức khủng bố ở ngoại quốc, trong đó có nhóm Nusra Front tại Syria thuộc một nhánh của tổ chức Al Qaeda.

bao dong noi so lam1

Hai thủ phạm Tashfeen Malik và Syed Rizwan Farook – nguồn news9.com

Trong ngày Thứ Bảy 5/12, nhiều cơ quan truyền thông trong đó có CNN và Associated Press cho biết nhóm ISIS đã mô tả cặp vợ chồng như là “những người ủng hộ” của nhóm trong một chương trình phát thanh trên mạng nhưng không nói rõ là ISIS có đóng bất kỳ vai trò gì trong việc hoạch định vụ tấn công hay không.

Giám đốc cơ quan FBI James Comey nói rằng hai kẻ tấn công cho thấy có những dấu hiệu là những kẻ “có tư tưởng cực đoan” nhưng chưa có đủ chứng cớ họ thuộc thành phần của một mạng lưới khủng bố lớn hơn.

Cơ quan tình báo Pakistan cho biết họ đã hỏi cung một số thành viên thuộc gia đình và họ hàng của Malik tại tỉnh Punjab, một khu vực được cho là thành trì của nhiều tổ chức dân quân Hồi giáo.

Được biết cô vợ Malik thuộc một gia đình học thức và có nhiều ảnh hưởng chính trị. Malik Ahmad Ali Aulakh, một trong những anh em họ của người cha của cô này, từng là một dân biểu của tỉnh. Một số dân chúng sống trong vùng nói rằng gia đình Aulakh được biết là có những quan hệ với một vài nhóm dân quân Hồi giáo tại đây.

Theo ông David Bowdich, phụ tá giám đốc FBI thuộc khu vực Los Angeles, cho biết hai vợ chồng đã tìm cách phá hủy nhưng bất thành một số thiết bị điện tử, trong đó có một ổ cứng máy điện toán và hai điện thoại di động, và nhân viên an ninh đã thu lượm lại được một số chứng cớ từ những thiết bị này.

Thậm chí với nhiều chi tiết về vụ thảm sát tại San Bernardino vẫn còn chưa được biết hết, nhiều giới chức an ninh nhận thấy mối đe dọa khủng bố đáng sợ từ những cảm tình viên cực đoan mà các giới chức an ninh không hề hay biết vẫn có khả năng mang những loại vũ khí giết người tấn công vào những cuộc tụ họp đông người ở bất kỳ nơi đâu tại Hoa Kỳ.

Trường hợp vụ thảm sát trên chứng minh cho thấy điều mà các giới chức an ninh lo sợ từ nhiều năm nay: Những kẻ tấn công, như cặp vợ chồng trẻ, chưa từng bao giờ lộ diện như những đối tượng của bất kỳ cuộc điều tra khủng bố nào và họ sống một cuộc sống rõ ràng là bình thường như bao triệu người khác trong khi cất giấu và tích lũy súng, đạn và bom tự chế để chuẩn bị giết người.

Cơ quan chống khủng bố của Hoa Kỳ từ lâu chỉ chú ý tới những kẻ đi và đến từ Syria và Iraq. Nay, một thứ đe dọa khác xuất hiện từ những cảm tình viên của khủng bố ở địa phương được truyền cảm hứng để gây bạo động bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng lại là những kẻ hành động mà không nhận bất cứ chỉ thị trực tiếp nào.

Những kẻ có cảm tình nhưng không có một sự liên lạc hay quan hệ chính thức nào với những nhóm khủng bố vẫn có khả năng hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan an ninh cho tới khi họ hành động thì đã quá muộn. Và đó chính là mối đe dọa nghiêm trọng và nguy hiểm.

Không như vụ tấn công ở Paris, được thực hiện bởi những kẻ mà mối quan hệ bạn bè và gia đình cho thấy đã hình thành phần trụ cột của một hoặc nhiều ổ hoạt động khủng bố, thì trường hợp một chồng một vợ trong vụ tấn công tại San Bernardino đã không được huấn luyện ở Syria trước đó và, cho đến nay, không cho thấy họ có liên hệ với một ổ hoạt động khủng bố nào.

Một câu hỏi vẫn còn gây nhiều thắc mắc trong cuộc điều tra: Vì sao mà cặp vợ chồng này được phép mua hàng nhiều ngàn viên đạn và tích lũy nhiều nguyên liệu làm bom mà vẫn không gióng lên hồi chuông báo động nào từ cơ quan an ninh FBI?


Nạn nhân người Việt, Tín Nguyễn, 31 tuổi

Cô Tín Nguyễn theo gia đình đến Mỹ khi mới 8 tuổi. Gia đình cô, như bao gia đình tị nạn khác, đã cận lực làm việc và dành dụm từng đồng kiếm được để gầy dựng lại cuộc sống nơi quê hương thứ hai mà họ nghĩ rằng sẽ mang lại một cuộc sống an lành hơn là quê hương thứ nhất nơi họ vừa rời bỏ.

bao dong noi so lam3

Cô tốt nghiệp Đại học Cal State Fullerton và làm việc hơn bốn năm qua trong vai trò là nhân viên kiểm tra vệ sinh cho quận hạt San Bernardino. Trong công việc, mỗi ngày cô phải đi kiểm tra nhiều nhà hàng trong vùng, và bên ngoài công việc, cô luôn cố gắng giữ liên lạc với các cô chú và gần 30 anh chị em họ trong gia đình ở lứa tuổi từ 3 đến 41.

Tín Nguyễn và người bạn trai lâu năm San Trịnh đang dự tính làm đám hỏi vào năm tới và sẽ kết hôn năm 2017. Một ngày trước khi cô bị giết, hai người bạn tình đã ăn mừng sinh nhật thứ 32 của anh Trịnh tại một nhà hàng bán lẩu.
Cô và người mẹ cũng đã dự tính hôn lễ sẽ được cử hành tại ngôi Thánh đường công giáo St. Barbara mà họ vẫn thường đi dự Thánh lễ mỗi tuần.

Bà mẹ kể lại rằng Tín Nguyễn đã hứa với bà là bằng bất cứ giá nào hôn lễ của cô cũng sẽ được cử hành tại ngôi Thánh đường yêu dấu đó, nhưng nay, thay vì là hôn lễ, gia đình phải dự một lễ tang. Bà mẹ trong nghẹn ngào sũng nước mắt còn nói thêm: “Cuộc sống của chúng tôi rồi đây sẽ ra sao?”

VH