Menu Close

Rửa tay gác kiếm

ruatay gackiem

Viết xong bài Giang Hồ Vặt mà tâm trí còn phiêu hốt. Lại thèm đi giang hồ trong tư tưởng nên đào bới lại trong những trang kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung mà làm nguồn cảm hứng. Bắt đầu bằng câu chuyện “rửa tay gác kiếm” của Lưu Chính Phong trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Tưởng cũng nên kể lại rằng Lưu Chính Phong là cao thủ phái Hành Sơn, một danh môn chánh phái. Mê thổi tiêu, sáo mà k​ế​t bạn tri âm với Khúc Dương, một tay chơi thất huyền cầm (đàn 7 dây) tuyệt diệu. Khúc Dương trưởng lão lại thuộc phe Ma giáo bàng môn tả đạo. Tình bạn tri âm tri kỷ hiếm có này vượt qua định kiến giai cấp chánh tà, trái phải; để từ đó người du dương với tiếng sáo, kẻ miên man với tiếng đàn; giai điệu Tiếu Ngạo Giang Hồ ra đời tiêu dao đầy hào khí mà âm ba cuồn cuộn tình nhân thế, đi vào cõi nhân gian một câu chuyện hư thực đẹp mê hồn và quyến rũ.​ Tiếu Ngạo Giang Hồ là khúc nhạc hòa tấu không lời. Chỉ có tiếng tiêu và đàn dây nên có lẽ rất vi vu, réo rắt và phiêu bồng. Nhưng chắc chắn thiếu phần rộn rã quyến rũ như các bản hòa tấu của Paul Mauriat, hay của Yanni gần đây. Dù vậy cái tựa của ca khúc và câu chuyện của Kim Dung thì thật là tuyệt đẹp và lôi cuốn muôn phần…

Một trong những hình ảnh đẹp và huyền hoặc đến lạ kỳ là môn phái Hành Sơn với chưởng môn Mạc Ðại tiên sinh cùng sư đệ là Lưu Chính Phong. Cả hai đều say mê âm nhạc. Mạc Ðại tiên sinh thì nổi tiếng với ​“cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm thanh” có nghĩa là “trong đàn giấu kiếm, kiếm phát tiếng đàn”. Thanh kiếm mỏng như lá lúa giấu trong hồ cầm. Chẳng biết khi tiếng kiếm vung ra xé gió mang tiếng đàn bi ai chết chóc cho đối phương, hay tiếng đàn cất lên thì đã làm tan xương nát lòng. Ðó là ​khúc Tiêu Tương Dạ Vũ – ​Ð​êm​ mưa​ trên bến Tiêu Tương. Nhạc mà như mưa đêm thì buồn ơi là buồn. Nhất là mưa trên bến vắng lao xao rừng trúc khát khao tương phùng, ấy vậy mà cái buồn thê lương cứ đày đọa theo gót chân lãng du phiêu bạt của chưởng môn nhân, cái buồn thảm thiết mà kinh hồn ấy ẩn chứa kiếm khí chết người trong đàn. Tựa như nghe được tiếng đàn thê lương ấy hẳn là âm thanh cuối cùng của tàn cuộc phong trần. ​Sau mỗi lần vung kiếm là Mạc Ðại tiên sinh lầm lũi bước đi, manh áo rách tả tơi, nhạt mờ trong sương gió, tiếng hồ cầm vọng khúc bi thương day dứt để lại âm tàn… Trong khi đó tiếng tiêu của người sư đệ Lưu Chính Phong lại khát khao cuộc đời, nên thanh thoát phiêu bồng hơn. Có lẽ vì ngộ được điều này nên Lưu Chính Phong đã sớm tìm cách thoát khỏi tục lụy chánh tà, thị phi trái phải. Ðể tìm thấy ở Khúc Dương một tình bạn vĩnh cửu, một âm giai hòa điệu, một khúc ca Tiếu Ngạo, lồng lộng tiếng cười, say khướt cuộc nhân sinh khổ lụy​, đắm mê vì quyền lực nội công tối thượng võ lâm​…

Hồi ấy đương nhiên không có máy thu âm để ghi lại giai điệu này, muốn chơi thì hẳn một lần nghe qua không thể nào tấu lại được, ngay cả người thông minh đĩnh ngộ như Lệnh Hồ Xung​. Vì vậy cầm phổ tức là music sheet của Tiếu Ngạo Giang Hồ trở nên một bí kíp võ lâm, quý báu vô ngần tương tự như Tịch Tà kiếm phổ, như Ðộc Cô Cửu Kiếm, Hấp Tinh Ðại Pháp…

​Âm nhạc ở mức độ thấp như khúc Thanh Tâm Phổ Thiện Chú của nàng thánh nữ Doanh Doanh ở ngõ Lục Trúc, thành Lạc Dương đã làm dịu những tâm can bấn loạn khí huyết của lãng đồ Lệnh Hồ Xung. Âm nhạc ở mức độ siêu quần như khi Mạc Ðại tiên sinh tấu khúc Tiêu Tương Dạ Vũ cũng là chết một cõi lòng, thì âm điệu của Tiếu Ngạo Giang Hồ là bản nhạc khát vọng thái hòa và hân hoan trải qua bao kiếp nạn của con người. Âm nhạc là cứu cánh. 

Trước đó thì Khúc Dương, một tay cầm thủ thất huyền đã phải bỏ công đào hết huyệt mộ thứ 29 mới tìm ra khúc phổ Quảng lăng Tán (một khúc đàn hay của Kê Khang, khi chết đã chôn khúc phổ theo mình). Cùng với cảm hứng dào dạt tri âm tri kỷ và nghiệm được lẽ sống tạm bợ đầy thị phi chánh tà, tiếng tiêu mê hồn của Lưu Chính Phong đã giúp Khúc Dương hợp soạn nên phần phổ cho tiếng tiêu. Tiêu và đàn hòa nhịp như mây nước giao hòa, như gái đẹp gặp trai tài, như tri âm gặp tri kỷ. Ðàn và người hợp thành một, chánh và tà hóa hư không, cái còn lại sau những cung bậc chỉ là niềm hạnh phúc an lạc và phiêu bồng. Âm nhạc khi đạt đến chỗ vi diệu lại gặp người đồng thanh tương ứng thì trở nên quý giá hơn cả mạng sống, hơn hết thảy mọi danh lợi quyền quý, nên đó là l​ý​ do Lưu Chính Phong muốn rửa tay gác kiếm mà yên vui với cung đàn tiêu dao.

Chút sơ qua về rửa tay gác kiếm. Gác kiếm là hành động từ bỏ giang hồ, là giã từ vũ khí. Ngày ấy chưa có súng đạn; ngoài thương, chùy, tiễn… thì đao và kiếm là gọn gàng dễ mang bên mình. Với người trong võ lâm, kiếm là bản thân mình, đường kiếm và sở học nói lên thân phận. Thấy kiếm là biết được môn phái. Ðường kiếm vung lên là biết được quyền lực và danh phận trong võ lâm. Kiếm như là con dấu triện son đỏ mang giá trị đẳng cấp trong giang hồ. Kiếm như là học vị bằng cấp và thực tài để thống trị quần hùng. Dùng kiếm để kiếm sống và cũng là để bảo vệ nhân thân. Vì vậy khi gác kiếm là lúc thề nguyền với đất trời và giang hồ bốn phương rằng mình thôi còn hành đạo, nhúng tay vào chuyện đời sóng gió. Từ đó sẽ bình an vô sự với cỏ cây mây nước, dân dã đời thường. Chính vì thế mà Lưu Chính Phong đã triệu tập các danh môn chánh phái, làm lễ rửa tay gác kiếm, trước quần hùng bốn phương, khay vàng được mang ra, nhang khấn nguyện trầm hùng lời quân tử, chỉ cần nhúng hai tay vào khay nước, rửa tay, tra kiếm vào vỏ, gác kiếm lên giá, là từ đó thề nguyền không bao giờ đụng đến, lãng quên giang hồ và giang hồ cũng quên lãng. 

Cái chữ Tín hồi đó vô cùng quan trọng. Quân vô hý ngôn, người quân tử không nói đùa, đã nói là làm. Nhất ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy. Người quân tử khi đã nói thì giữ lời, ngựa giỏi như ngựa Thượng Tứ hay ngựa Tứ Xuyên cũng chạy không lại. Vì âm thanh đi nhanh ghê lắm, chỉ thua tốc độ của ánh sáng. Ðã nói rồi thì​ không lấy lại được. Lời nói ghi sâu vào tấm bia đời trong ký ức của thế gian (ngày nay thì Youtube, Google​, Facebook​ và các “đám mây” lưu giữ lại hết). Người gác kiếm rồi thì xem như an toàn, mọi chuyện ân oán trước đây xem như xí xóa, xem như vết thù không còn hằn trên lưng ngựa hoang, mà chỉ như ghi trên gió cát, tàn một cây nhang là phôi pha ác nghiệp. 

Ðiều đáng nói ở đây không phải là hành động gác kiếm, thôi còn nhúng tay vào chốn ba đào sóng gió giang hồ, cũng không phải là lời thề của người quân tử trượng phu khí khái; hành động mang tính ẩn dụ, ước lệ hay nhất ở đây chính là rửa tay. ​Trong nguyên tác Kim Dung gọi là Tẩy thủ. ​Chữ Tẩy chính là erase, là xóa tẩy sạch không còn dấu vết. 

Hể đã múa kiếm thì hẳn có vấy máu, có thêm bạn và có lắm thù. Khi gác kiếm thôi còn hành hiệp giang hồ, thì phải rửa tay để rửa đi những mối nợ đầy ân oán, đã gây ra dù vô tình hay hữu ý, dù trực tiếp vung kiếm hay gián tiếp lập mưu. Hai bàn tay mang những đường chỉ tay số mệnh. Rửa tay, như muốn dòng nước đời rửa sạch đi những quá khứ phong trần chất chồng nghiệp mộng.

​Phàm sau khi làm những thành tựu hữu ích cho quần hùng, công thành thân thoái ​thì bàn tay làm nên việc thiện ân nghĩa bao giờ cũng sạch, tựa như bàn tay mang đóa hoa hồng thơm cho đời bao giờ cũng mang dư hương thơm thảo. Nên tay sạch thì cần chi rửa. Hoặc nếu có rửa, ​ấy là sự rửa tay trong hoan hỉ vô ngần, ​cái phủi tay nhẹ như giọt sương lăn trên lá sen. Tâm độ lượng màng chi báo đáp, màng chi nhớ, nên ​thanh thản ​thân tâm​. Rửa tay khi quá khứ đã trùng trùng ân oán mà lịch sử bia đời mãi còn ghi dấu thì ​dù​ là rửa tay​ thật sạch không chút bụi trần, nhưng​ trong ​lòng ​lo âu phập phồng, ​tâm mãi bất an, ​​bởi ​ngày sau mộng dữ còn dài… 

Rửa tay gác kiếm cũng giống như giã từ vũ khí, bỏ phố về rừng, quy ẩn giang hồ, bặt âm vô tín. Ngày nay thì gọi là về hưu. ​Giới giang hồ ​của thế kỷ a còng​ ​gọi ​bóng bẩy ​là “hạ cánh an toàn” thì phải?

SB