Menu Close

Buổi chiều áp lễ – Kỳ 1

Cùng với Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Trùng Dương, Trần Thị Ngh., Lệ Hằng làm nên hiện tượng nữ trước 75. Nổi tiếng một thời với nhiều truyện dài tình yêu, Lệ Hằng còn viết truyện ngắn. Tháng 12-1974 Mai Thảo giới thiệu Buổi Chiều Áp Lễ trên tạp chí Văn số đặc biệt Giáng Sinh. Sau bốn thập niên, tác phẩm không mất đi chất tinh diệu trong miêu tả cảm xúc với bút pháp cực kỳ lãng mạn của nhà văn. Buổi Chiều Áp Lễ là một truyện tình ngây thơ, vừa khát khao liều lĩnh, trong không khí xám lạnh của một chủng viện ngân nga tiếng kinh La ngữ. [Trần Vũ]

lehang

Lệ Hằng

Lệ Hằng sinh năm 1948 tại Hải Dương, Bắc-Việt. Di cư vào Nam năm 1954, khởi viết từ 1967. Định cư tại Blue Mountain, Sydney, Australia từ 1989.

Tác phẩm đã xuất bản:

– Thung Lũng Tình Yêu
– Tóc Mây
– Bản Tango Cuối Cùng
– Ngựa Hồng
– Mắt Tím
– Tình Yêu Như Băng Sơn
– Chết Cho Tình Yêu
– Kinh Tình Yêu
– Sóc Nâu
– Chiều Gió
– Màu Xanh Đang Lên
– Như Sương Long Lanh
– Hạnh Phúc Quanh Đây (truyện phim, Sàigòn 1981)
– Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn 1982)
– Sa tăng Dịu Dàng (1992)
– Nghề Làm Vua (1992)
– Nói Thầm Với Đá (1998)
– Năm 2100
– Bên Kia Là Núi

 

Buổi chiều áp lễ

Tôi đếm từng bậc thang, một, hai, ba, bốn, mười hai, mười bảy, mười chín… Bàn tay của tôi lướt trên thành vịn đã trơn láng và đã quen thuộc từng ngày. Tôi đi về phía tay mặt của tôi. Cái gì cũng “của tôi” hết, của người ta khác kia. Tôi tin như thế. Lối đi cũng có một hàng lan can sắt, và bàn tay tôi mỗi ngày đều chạm tới, vuốt ve níu lấy bọc cho chúng lớp sơn thời gian nhiệm mầu của sự trơn láng, phẳng lì và lạnh mướt tay. Cái gì rồi cũng trơn láng đi như thế này hết. Tai ương và định mệnh của tôi cũng trơn láng đi như thanh sắt, như thành vịn cầu thang, như lối tôi quen đi mỗi ngày. Tôi đếm đủ hai mươi bước rồi rờ tay trên một cánh cửa tìm quả nắm bằng đồng xoay nửa vòng. Cánh cửa dĩ nhiên mở ra, tôi bước vào. chốn này mới thật của tôi. Không cần nhìn, tôi cũng biết rõ từng vật trong phòng. Năm bước kể từ cửa, tôi sẽ đặt được tay tôi lên mặt bàn. Mặt bàn có tấm gương lớn, trên đó mẹ tôi để những tấm danh thiếp cần nhớ của nhiều người và một máy điện thoại, mẹ tôi đã cẩn thận gắn chặt vào bàn ở góc tay mặt, nếu tôi ngồi vào ghế. Từ chiếc ghế này, muốn tới cửa sổ, tôi sẽ lùi lại bốn bước. Ðối diện cửa sổ, là một tủ sách, muốn tới những kệ sách dựng đứng trăm nghìn đời sống kỳ dị đó, những đời sống bất diệt, đời đời im lặng, choán đầy trên từng trang sách, từ cửa sổ, tôi sẽ đi đủ hai mươi mốt bước.

Hết rồi. Trong căn phòng này chỉ có bao nhiêu đó thôi. Quên chứ, tôi chưa nhắc tới cái ghế của hai mẹ con tôi. Ðó là một chiếc ghế xoay tròn được. Bọc nệm da, êm và được chú Toàn cho dầu mỗi tuần để mỗi vòng quay của tôi chiếc ghế không phải rên xiết vì đau đớn. Tôi hay quay tròn nó lắm, mỗi khi đứng lên để di chuyển trong phòng, tôi đều quay tròn nó, đặt hai chân tôi xuống, ngay ngắn và bắt đầu đếm.

Và như thế, người yêu của tôi là những con số, bởi tôi chưa nhắc tới ai nhiều bằng chúng. Tôi cũng xuống vườn nữa, tôi hay đi loanh quanh dưới đó vào buổi chiều, khi lũ chim líu ríu của mẹ tôi bay hết về tổ của chúng, bỏ lại ngôi nhà, và khoảng vườn chút im lặng của đêm tối. Bên kia một hàng cây, và một bức tường, ngôi giáo đường nhỏ, mỗi chiều vang tiếng kinh. Không hiểu sao, tôi vẫn yêu những lời kinh nguyện buổi chiều hơn sáng. Chúng thoát bay lên không những âm thanh không dấu rì rầm, đều đặn và nghiêm trang. Ở đó, những nữ tu đọc tiếng Latin và hát tiếng Latin để nói chuyện cùng Thượng Ðế.

Tôi yêu những buổi chiều, yêu cả buổi sáng và yêu luôn những đêm trong ngôi nhà này. Tôi thấy mình tham lam tệ, nhưng tôi không bao giờ ghét tôi vì điều đó đâu. Ðời sống trôi qua trước mặt tôi một cách bí mật và đầy tràn dấu hỏi. Mẹ nói, mắt tôi luôn luôn mở tròn, thăm thẳm và băn khoăn. Tôi tiếc cho tôi, không bao giờ thấy được chính hai mắt của mình. Tôi yêu quý những vòng dây âm thanh chung quanh tôi. Tiếng kinh chiều từ nhà nguyện của dòng tu, tiếng hát líu lo như bầy chim của lũ trẻ con, những giờ học, giờ chơi. Sáng sớm ra, cũng như mọi người, tôi “mở mắt”, lắng nghe tiếng chuông rung nhẹ trên nóc nhà thờ. Rồi những bài kinh nguyện bằng La ngữ. Những lúc sau này, vào những ngày Chủ Nhật, vòm âm thanh đó thoát lên những lời kinh nhiều dấu của ngôn ngữ nước tôi cho giáo hữu quanh khu phố dự lễ. Tôi lạc lõng và cảm thấy vắng mất, tôi yêu những lời kinh nguyện không dấu, rì rầm và đều đặn bằng La ngữ hơn, bởi vậy, ngày Chủ Nhật, tôi đóng lại cánh cửa sổ phòng tôi và nghe nhạc tình.

Ngày trước, tôi ở bên dòng tu đó cũng học đủ mọi thứ như những đứa trẻ khác. Mẹ gọi tên tôi là Ô Thước, bởi vì tôi, ba mẹ bỏ ý định xa rời nhau vĩnh viễn. Năm tôi hai tuổi, ba mẹ tôi bất hòa, nỗi bất hòa tưởng không gì hàn gắn được nữa, hai ông bà dửng dưng nhìn ngó nhau sống. Khi tai nạn tới cho tôi, một hàn gắn quá đắt cho một hạnh phúc xót xa. Sabin đã khổ công dạy tôi đàn dương cầm, ba đã dạy tôi cách nghe và quay số điện thoại. Mẹ đã dạy tôi những bước đi làm trơn bóng tay vịn cầu thang. Ngày của tôi yên bình và êm ả bù cho những ngày trẻ tuổi của ba tôi. Ba tôi nhiều quyền hành lắm, ông có dưới tay nghìn vạn đàn ông, một lời ông nói lên, có thể làm cho một trăm người ngã xuống. Một ngón tay ông búng ra, nghìn người lao tới cùng thần chết. Mẹ tôi ra vào nhà thờ, lui tới cô nhi viện để đền bù cho ông.

Những năm sau này, ba tôi về chiều, thôi làm tướng, thôi hét ra lửa. Mẹ tôi mua ngôi nhà này của một bà già người Pháp, và mở vườn trẻ để dạy lũ trẻ con hát líu 1o như chim những bài hát thanh bình không có máu tươi. Ba tôi sợ nơi này, ông vẫn ở dinh thự cũ của ông, thỉnh thoảng ba tôi mới về lại nhà những ngày lễ và những ngày Chúa Nhật ông mới rời tay cô nhân tình bé nhỏ của ông. Cô ấy có hai chân dài thích để trần, và bộ ngực thích bày ra ngoài. Chị Hai nói cho tôi biết đó. Chị Hai lạ đời lắm, chị nằng nặc bảo rằng, cô ấy cùng một loại với chị vì cô ấy cũng làm thuê cho ba tôi, nhưng việc cô ấy làm nhẹ nhàng hơn việc chị Hai chút thôi. Chị Hai dọn dẹp dưới bếp, còn cô ấy, cô ấy làm việc trên giường. Tôi cũng có việc làm của tôi chứ. Tôi là điện thoại viên của vườn trẻ Ô Thước đấy. Nhiệm vụ của tôi nhẹ nhàng lắm, mỗi sáng, tôi rời phòng ngủ, đếm đủ mười tám bước trên hành lang để tới cửa phòng này, ngồi vào bàn, khi chuông rung nhẹ nhẹ những đường ngân dài, tôi rờ tay lên cái máy nghe hơi lạnh và áp vào tai mình.

– Vườn trẻ Ô Thước, tôi nghe đây.

Ðôi khi là một phụ huynh, đôi khi một bà bạn của mẹ. Tôi có thể gọi mẹ tôi lên, hoặc tự trả lời thay bà tùy từng trường hợp. Những lúc sau này, mẹ tôi loanh quanh với bầy chim của bà. Ghé vào lớp Sơn Ca nhắc cô giáo trẻ, một em bé có tật khóc nhè lúc mười giờ, lúc đó, phải cho em ngồi chung ghế với cô giáo. Em bé đó không có mẹ, mẹ em đi xa lắm, bên kia đại dương khi ba em về từ mặt trận, với một chân đã chôn xuống mộ. Lớp Phượng Hoàng có một bé khác, lớn rồi, đã tới vườn trẻ, bé vẫn lẫn đêm với ngày hoài. Tại có đến bốn tháng, bé sống dưới hầm tối với cha mẹ khi thành phố của bé lọt vào trận mưa pháo. Bốn tháng đó, không có mặt trời mọc, không có mặt trời lặn. Bé có thể đang ngồi học đó, hát líu lo đó rồi lăn ra ngủ. “Mọi sự đã đảo lộn hết mong tới ngày trật tự trở lại chốn này”, mẹ tôi thường nói hoài câu đó.

Cho tới một buổi sáng, giờ làm điện thoại viên của tôi. Chuông rung, tôi nhấc máy lên, giọng nói người đàn ông đầm ấm và dịu dàng dù biết ông ấy đã lầm số, tôi vẫn ngồi im nuốt vào ngực tôi những lời thì thầm của ông ấy: Nhớ gọi cho anh, đêm nay, lúc chín giờ. Tôi gác máy, tay vẫn còn run, tôi rờ tay lên mặt tôi để chìm bĩm xuống với cơn bàng hoàng ngây ngất đó. Chín giờ đêm, hồi chuông cuối ngày và những lời kinh rì rầm của những nữ tu bên kia khoảng vườn đã tắt. Tôi rời phòng ngủ tìm tới đây, nhấc máy gọi lên. Ông ấy đã cho tôi những con số, những con số hằn dấu trên những nếp óc còn nguyên vẹn của tôi. Tôi nghe chính hồi chuông rung nhẹ của tôi, nhịp tim đập rối bời trong ngực; đúng giọng của ông ấy: Anh nghe đây, em phải không? Chín giờ, cảm ơn em đúng hẹn. Tôi tê đi mất một giây rồi mới run rẩy nói: Tôi không phải là cô ấy, nhưng tôi thay thế cô ấy bữa nay được không? Ông ấy im lặng như đang ngạc nhiên và suy nghĩ.

Hổ thẹn choàng ôm lấy ngực tôi, cho tới khi ông ấy dịu dàng nói: Ðược chứ, tôi yêu những gì tình cờ lắm. Cô có yêu không? Tôi im lặng, tôi thích nghe nhiều hơn nói. Suốt một đời, tôi chưa được nghe ai nói với tôi như ông ấy: Cô đừng gác máy nghe, nói gì đi, thường thường vào giờ này cô làm gì? Tôi nói nhỏ: Tôi học dương cầm. Vậy hả? Tại sao cô không để máy lên đàn và cho tôi nghe chung với gió. Ðể gió mang đi uổng quá phải không?… Ðàn không có ở đây… Nơi cô, có gì nữa không? … Buổi sáng, có lũ nhỏ dưới vườn trẻ hát líu lo, buổi chiều, nữ tu đọc kinh bằng La ngữ… Ồ chốn của cô tuyệt quá, thảo nào giọng cô ngọt ngào tôi muốn biết tên nơi cô đang ở?… Sẽ không bao giờ tôi cho phép tôi nói ra với ông điều đó… Tiếc cho tôi, nhưng không sao, chúng ta nói chuyện, cho tôi số điện thoại của cô đi… Tôi chỉ xin phép thay thế cô ấy của ông một lần thôi… Không được, cô đã chiếm lấy chỗ của người ta rồi, cô phải gọi cho tôi mỗi đêm. Chín giờ. Ðêm mai nhớ nghe.

Và như thế đã gần nửa năm. Mỗi tối, tôi đếm đủ tám bước, rờ tay lên cánh cửa phòng này, xoay một vòng khóa để tự nhốt mình và gọi tới chàng. Tôi nhờ chú Toàn và ông gác-dan dời cái dương cầm từ phòng ngủ sang đây đêm đêm buông những nốt nhạc mềm cho ông ấy nghe. Ðời sống tôi đầy ngất những giây âm thanh đó. Tôi lắng nghe và nuôi nấng chúng cho thế giới của tôi ngày một tràn đầy. Tôi phân biệt được từng ngày lễ, từng mùa Vui, mùa Thương, mùa Mừng theo lời kinh đều đặn mỗi ngày của những nữ tu. Tôi biết giờ giấc bằng âm thanh nữa. Tám giờ sáng lũ trẻ hát líu lo bài ca thứ nhất. Chúng vỗ tay đều nhịp lúc chín giờ, chúng đọc ê a lúc mười giờ. Tôi thường trỗi dậy theo hồi chuông thứ nhất tỏa xuống từ đỉnh tháp cao của nhà nguyện, mắt tôi dõi tìm, đời đời dõi tìm vào khoảng không mù mịt thăm thẳm của riêng tôi. Tôi đứng hàng giờ để nghe và để nhớ những bức tường bằng đá, đặt tay lên đó, cảm nghe được chúng cũng đang nguyện cầu. Bên đó, có Sabin hiền dịu đủ hai mươi bốn giờ trong ngày. Mỗi bước Sabin đi, loạt soạt sóng áo và chuỗi kinh. Mười hai giờ trưa âm thanh thoắt bay lên rất cao, khi lũ trẻ con đã rời lớp. Rời giờ nguyện ban chiều êm ả nhưng đầy những thở than. Một đôi khi, chỉ cần nghe những lời kinh bằng La ngữ, không có dấu, đều đặn một giòng, tôi biết vậy trong bốn bức tường nghiêm khắc đó, một nữ tu vừa mới nằm xuống, chắp khít hai tay trước ngực và nhắm mắt nghìn thu. Những hôm có hồi chuông báo tử, có bài kinh nguyện cuối đời đó, tôi bỏ đàn, đứng hàng giờ ở cửa sổ, dù chẳng nhìn thấy gì trên vòm trời cao.

Bây giờ, căn phòng có thêm chiếc đàn, tủ áo của tôi và một cái giường cũng nhỏ bé như giường nội trú. Mẹ có bao giờ không chiều tôi? Mẹ chẳng cần hỏi vì sao tôi đòi ngủ đêm trong căn phòng này. Căn phòng có nhiều sách, dựng đứng bên nhau như những linh hồn nghiêm túc kính trọng nhau và căn phòng, có giọng nói chàng đã từ bên kia dây chuyền tới. Thế giới của tôi, chẳng còn thiếu gì nữa dù ai cũng nhìn tôi bằng tia nhìn tiếc nuối và xót xa. Tôi quên mất những hình sắc rồi, tôi cố gợi nhớ những màu áo tôi mặc. Xanh đỏ tím vàng là sao? Sao ta không trộn chúng vào nhau thành một màu thăm thẳm và tối tăm cho rồi.

Tôi rời cửa sổ, gần chín giờ đêm rồi, đêm bên tu viện đã phủ đầy rồi đó, Sabin chắc đã xõa dài tóc xuống lưng, mặc áo vải trắng từ cổ xuống gót chân. Tôi đếm đủ bốn bước để trở lại bàn. Tay tôi rờ nhẹ lên mép bàn, cái ghế, rồi mới nhẹ nhàng ngồi xuống. Còn năm phút mới chín giờ, tôi đoán giờ ít khi sai lắm, dù mẹ đã mua cho chiếc đồng hồ đặc biệt, nhưng ít khi tôi dùng tới nó. Tay tôi vừa chạm tới máy nói, chưa kịp quay những vòng số của chàng, chuông đã rung. Tôi khựng người, chắc hai mắt tôi tròn lắm. Có lẽ một phụ huynh gọi tới cho mẹ, tôi nghĩ thầm.

Một tiếng cười, trời ơi của chàng… tại sao chứ? Làm sao chàng biết được số của tôi? Chỉ có tôi gọi, mãi mãi phải là tôi gọi tới chàng thôi.

– Kim ơi, em không trốn được anh nữa đâu, hôm nay, chính anh gọi cho em nhé, phải cho anh gọi tới em chứ.

Tôi run rẩy, hai môi lắp bắp:

– Nhưng tại sao anh biết số của em? Tại sao hả?…

Chàng dịu dàng:

– Ðàn cho anh nghe đi, anh nghiện tiếng đàn của em mất rồi. Kim, em nghe anh nói không?

– Em run tay lắm, đàn không nổi nữa.

– Anh xin lỗi, nhưng em hiểu cho anh, anh phải biết về người anh yêu. Em quên, có một lần em khoe, mẹ gọi em là Ô Thước.

Tôi hổn hển:

– Anh, nghe em nói, đừng tìm tới em, đừng tới.

Chàng say sưa:

– Anh cũng ngốc nữa, tại anh không có con nên không để ý tên vườn trẻ, mãi tới chiều nay, anh tới thăm bà chị họ, cả năm trời anh mới tới thăm lại bà ấy. Bà chị anh khoe thằng con út đi học vườn trẻ, Vườn trẻ Ô Thước. Anh ngẩn người ra chứ. Mừng quá. Hết trốn anh nữa nghe.

Tôi buông máy xuống, tôi không đủ can đảm. Những gì nữa sẽ tới, khi chàng biết sự thật về tôi? Tôi rờ tay lên mắt tôi, ở đó, còn những hàng mi rung nhẹ. Sợ chàng sẽ gọi tới nữa tôi hấp tấp đứng lên, đầu gối tôi va vào thành giường, cơn đau buốt tới xương. Ra tới cửa, tôi ngần ngừ đứng lại. Ðêm mất rồi còn đâu, lũ trẻ đã bay hết về tổ, cho khu vườn chìm vào yên tĩnh. Cũng không còn những lời kinh La ngữ, đều đặn cất lên. Tôi ôm lấy ngực tôi, hai mắt tôi cố mở ra thật lớn. Tôi không muốn vừa đi vừa lẩm nhẩm đếm nữa, những con số không thể là người tình. Tôi muốn gọi tên chàng. Vũ Nguyên, Vũ Nguyên… Tôi muốn bám vào tay chàng, thay vì bám tay lên cái lan can lạnh ngắt này.

Mười giờ đêm, tôi trở về phòng, tôi chưa bao giờ lên giường trễ hơn nữa. Tôi mở cửa sổ để lắng nghe lời của đêm tối kể, những ngọn lá thì thầm kể chuyện người cho nhau nghe. Bên tu viện, nỗi im lặng tràn trề phủ kín. Chuông lại rung nhẹ. Tôi với tay nhấc máy nghe lên, tôi biết ai đang gọi tới cho tôi rồi:

– Kim, đừng trốn anh, tại sao em lại trốn anh?

Tôi im lặng, trái tim tôi nhói lên rồi lặng lẽ, tôi gác máy xuống. Vẫn biết, như thế tôi tàn nhẫn với chàng, nhưng gặp nhau, giữa hai chúng tôi sẽ có một kẻ biến thành sát nhân.

Một giờ sau chuông lại rung. Tôi ôm lấy mặt quay đi, rồi tôi vẫn nhấc máy lên áp vào tai mình

– Em chưa ngủ phải không? Anh không ngủ được. Anh chưa hiểu gì hết, ai ngăn cản em? Kim, nghe anh nói, đừng gác máy, nghe rõ chưa? Sao em im lặng mãi thế? Anh một mình, và anh yêu em. Anh biết em xinh và đẹp, em đã đọc cho anh nghe những bản luân vũ mềm như thế, em không thể nào không xinh đẹp. Sa Kim, nói gì cho anh nghe đi. Nói đi em, đừng im lặng nữa. Ðể anh nói về anh cho em nghe.

Tôi cắn nghiến tay tôi, rồi nặng nề đặt trả cái máy nghe vào giá. Tôi dướn người lên để thở dọc từng cơn, tôi vừa leo một con dốc kinh khủng quá.

LH

Viết tặng bé Kim, trường mù Nữ Vương Quy Nhơn

Tạp chí Văn số Giáng Sinh 1974