Vào thế kỷ 17, lần đầu tiên Tin Mừng được các linh mục thừa sai Tây Ban Nha đem đến rao giảng ở Việt Nam. Từ đó, người Việt ngoài Phật giáo là tôn giáo đã có trước từ lâu, nay có thêm Ki-tô giáo.
Câu chuyện Chúa Jesus được mẹ Maria sinh ra trong hang đá Bê-lem lạnh lẽo, nghèo khó đến mức chỉ có một mảnh vải quấn quanh người, và hài nhi được mẹ đặt nằm trong máng cỏ. Hài nhi được các nhà chiêm tinh đến bái lạy, dâng tiến lễ vật. Các thiên thần, mục đồng vây quanh hát mừng.
Hang đá truyền thống – NGUỒN ALOHAL.COM
Từ đó, năm nào cũng vậy, cứ đến giữa tháng 11 dương lịch hàng năm là nhà thờ các giáo xứ, nhà riêng của giáo dân, tưng bừng làm hang đá chuẩn bị mừng lễ Chúa giáng sinh. Người ta có thể làm hang đá và trang trí bằng đủ thứ vật liệu, từ đá vôi nguyên tảng, xi măng cốt thép, cây gỗ cho đến mớp xốp, giấy các-tông, miễn sao trang trí xong nhìn hang đá giống y như thật và đẹp là được. Xung quanh hang đá treo nhiều ngôi sao, bông tuyết. Trong hang đặt tượng Thánh Giuse, Mẹ Maria, Chúa Hài Ðồng nằm trong máng cỏ, thiên thần, mục đồng, ba nhà chiêm tinh, vài con cừu, dê… Tất cả mọi người đều mặc quần áo kiểu Do Thái cổ. Nếu không gian rộng rãi, có thể đặt thêm ngoài hang cây thông phủ đầy tuyết, trên cây thông treo nhiều quà, vật trang trí xinh xắn rực rỡ sắc màu và ông già tuyết, xe trượt cùng bầy tuần lộc. Ðây là hang đá theo kiểu truyền thống do các cha Thừa sai làm mẫu và người Việt cứ vậy mà làm theo.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, người ta ngạc nhiên khi thấy tượng Ðức Mẹ và Chúa hài đồng được tạo hình không theo truyền thống, mà ăn vận theo kiểu người Việt. Ðiển hình là tượng Ðức Mẹ La Vang ở Quảng Trị mà tín hữu Công giáo Việt Nam nào cũng biết. Tượng Ðức Mẹ La Vang tay bồng Chúa hài đồng, cả hai người ăn vận theo kiểu Việt cổ là áo dài, khăn đóng giản dị như bất cứ người phụ nữ Việt nào.
Tượng Đức Mẹ La Vang
Chúa Hài đồng của người Việt Nam giờ đây không phải chỉ giáng sinh trong hang đá lạnh lẽo, mà có thể sinh ra trong một căn nhà tranh rách nát với hai đấng phụ mẫu ăn mặc theo kiểu gia đình nhà nho miền Bắc thời xưa, trong một căn nhà thô sơ xây bằng gạch mộc ở nông thôn miền Nam, trong một ngôi nhà sàn ở Tây Nguyên, hoặc nơi giáng sinh mang đặc điểm của tất cả các vùng miền cả nước như: áo bà ba với khăn rằn (trang phục của Thánh Giu-se), áo tứ thân (mẹ Maria), bờ tre, mái đình, những con chó ta hiền lành dễ thương nằm bên giếng nước (kiểu miền Bắc). Một kiểu thiết kế mới khác là Chúa giáng sinh trên một chiếc bè đang trôi trên dòng sông, được che chắn tạm bợ phần mái bằng một mảnh vải nhựa, mô hình phía sau cho thấy hình ảnh một đô thị xa hoa với nhà cao tầng, dọc bờ sông là vài căn nhà nhỏ lợp lá lụp xụp. Hình ảnh này gợi cho người xem nhớ ngay đến những khu dân cư ổ chuột chen chúc ở Sài Gòn, nơi có những con kênh nước đen bốc mùi hôi thối.
Một giáo dân ở Sài Gòn thiết kế hình ảnh Chúa giáng sinh tại nhà anh này với phông nền phía sau là những chiếc nón lá trắng xếp thành hình bản đồ Việt Nam. Anh này nói mừng Giáng sinh năm nay anh muốn tạo ra một hình ảnh Thiên Chúa thật gần gũi gắn liền với quê hương đất nước của mình.
Nhà thờ Kỳ Ðồng năm 2011 mô tả một Thiên chúa vùng sông nước miền tây Nam bộ. Một cái ao nhân tạo được tạo thành. Trên mặt ao có cầu khỉ, có cây cối lúp xúp, có những mái nhà lá dừa nước ngập lúp xúp trong nước chỉ thấy phần mái nhà (giống như hình ảnh những ngôi nhà đang lũ lụt ở miền Trung). Trên một chiếc xuồng ba lá nhỏ, Thánh Giuse với đôi mắt đen và bộ râu quai nón quen thuộc đứng ở cuối xuồng, nhưng mình mặc bộ quần áo bà ba vải nâu, vai vắt cái khăn rằn, đầu đội nón lá, hai tay cầm cái sào tre trong tư thế đang chống xuồng đi. Ðức Mẹ với gương mặt quen thuộc đẹp rạng rỡ lại bận áo bà ba xanh da trời, quần bà ba đen, đầu và vai vấn chiếc khăn rằn ngồi bên chân Thánh Giu-se, tay đang bế Chúa Hài đồng mặc chiếc yếm trắng. Ðúng là hình ảnh đầm ấm của một gia đình miền Tây Nam bộ chính hiệu, mà lại là “dân” miệt An Giang, Ðồng Tháp nữa, chớ xứ Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng… thì không có mùa nước nổi để làm cho ngôi nhà chìm trong nước chỉ còn phần mái lá. Trên cầu khỉ, trên các lùm cây nhô lên khỏi mặt nước, là những thiên thần, mục đồng mặc đồ bà ba trắng đang đến vây quanh tung hô Chúa Hài đồng. Ở đầu mũi xuồng có vài gói mì Hảo Hảo (lương thực “chống đói” người ta vẫn mang ra cứu trợ cho đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt bao vây). Có lúc, tôi thấy ai đó đã “cứu trợ” cho Chúa Hài đồng thêm nhiều gói mì hơn chất đầy cả mũi chiếc xuồng. Vậy là người xem đã hiểu ý nghĩa và “mủi lòng” trước hoàn cảnh khó nghèo của Thánh gia.
Hang đá kiểu Miền Bắc
Khi tôi ở Sài Gòn, tôi đã gặp và trò chuyện cùng Linh mục Giu-se Ðỗ Trung Thành (nhà thờ Ba Chuông, đường Lê Văn Sỹ, quận 3, Sài Gòn), ngài cho biết, Giáng sinh mấy năm trước nhà thờ Ba Chuông cũng tạo hình hang đá kiểu Việt Nam, nhưng giáo dân nơi đây ít người hiểu ý nghĩa, nên ông phải thường xuyên giảng giải thắc mắc của người xem. Giáng sinh năm nay, nhà thờ Ba Chuông dựng lại hang đá kiểu truyền thống cho dễ hiểu. Tuy nhiên, theo Linh mục, với sứ mệnh truyền bá Tin Mừng đến với mọi nhà, tùy theo cảm nhận của người dân mà thiết kế hang đá Giáng sinh, kiểu truyền thống hay kiểu Việt Nam không quan trọng, quan trọng là người dân hiểu được và sứ điệp Tin Mừng đến với mọi trái tim.
Có lẽ, khi trang trí hang đá Noel theo kiểu truyền thống phương Tây thì có một cái gì đó chưa thật gần gũi với người Việt Nam, mà Thánh gia thì đã ở với người Việt Nam từ rất lâu rồi. Với tấm tình yêu mến Thiên Chúa, người ta muốn tạo một hình ảnh thật gần gũi như chính những người thân trong gia đình mình, nên đã sáng tạo thêm nhiều hình ảnh Thánh gia rất Việt Nam.
Tôi cũng có dịp được nhiều lần trò chuyện cùng Linh mục Phêrô Nguyễn Quang Duy – Chánh xứ Giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp (nhà thờ Kỳ Ðồng). Ngài cho biết ngài lấy làm buồn khi thấy Noel không còn nét riêng mà dần dần trở thành một kiểu lễ hội bình thường như tất cả những lễ hội đang được tổ chức rầm rộ ngày một nhiều ở Việt Nam. Người ta lợi dụng lễ Giáng sinh như một cái cớ lao vào để ăn chơi, để hưởng thụ, để kinh doanh, rồi sau đó, không ít thiếu nữ trẻ đã phải vào bệnh viện giải quyết cái thai ngoài ý muốn – kết quả của “một chút kỷ niệm đêm Noel năm ngoái”.
Hang đá kiểu Miền Nam
Thông điệp mà lễ Noel theo tinh thần Tin Mừng đem đến cho mọi người là những bài học làm người (tuy cũ nhưng không bao giờ lỗi thời) mà chúng ta phải học suốt đời, trong đó, lễ Noel là một dịp ôn lại bài học cũ, bài học nhân từ, vị tha, khoan dung từ Thánh Giu-se, bài học yêu thương, nhẫn nhịn, vâng phục từ Mẹ Maria, bài học quên mình hy sinh, phục vụ, chịu thương khó vì người khác của Chúa Giê-su… lại không được xã hội Việt Nam ngày nay nhấn mạnh, đề cao. Các giá trị tinh thần của ngày lễ Noel không được xem trọng. Theo Linh mục Nguyễn Quang Duy, “Người ta đang trần tục hóa lễ Giáng sinh”. Và người ta chỉ coi lễ Giáng sinh là một dịp để vui chơi, hưởng thụ, là dịp để thực hiện những cuộc vui quên hết lối về.
TPT