Chuyển tác, đưa Hàn qua sông
Cuối Tháng Mười Một. Bạn gõ cổng ảo. Bạn cũ trong Ca đoàn Hoa Biển thuộc Giáo xứ St. Bonaventure, Huntington Beach. Ca đoàn Hoa Biển do Nhạc sĩ Hồng Trang sáng lập và chăm sóc trong vài thập niên. Vài năm gần đây, Cô về hưu. Tôi hát lễ tiếng Việt chiều Chúa Nhật với ca đoàn trong nhiều năm, nên lòng quý mến đối với các anh chị ca viên vẫn đầy dù nhiều năm không gặp. Các anh chị ca viên cũ cùng nhau thành lập Ca đoàn Gloria. Người bạn muốn tôi giúp dịch tiếng Anh cho ba khổ thơ đầu trong bài “Ave Maria” của Hàn Mạc Tử để đưa vào chương trình Thánh nhạc Giáng Sinh với ba sắc dân của Giáo xứ. Ca đoàn Gloria sẽ hát bài “Ave Maria” do cố Nhạc sĩ Hải Linh phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Hàn Mạc Tử. Bản tiếng Anh sẽ được đăng trong chương trình, để giúp những ai không biết tiếng Việt hiểu được ý nghĩa ca từ.
Hàn Mạc Tử thì… tôi mê. Hồi nhỏ, tôi có đọc “Ðây Thôn Vỹ,” “Mùa Xuân Chín,” và những bài thơ nổi tiếng khác của Hàn. Cảm ông liền. Lớn lên, tôi tự tìm hiểu về thơ Hàn. Năm 2012, tôi viết bài thơ “ngọc bay về nguồn” để mừng sinh nhật thứ 100 của Thi sĩ thơ Ðiên, và phỏng vấn Linh mục Trăng Thập Tự, Chủ biên của Bộ sưu tập “Có Một Vườn Thơ Ðạo: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hàn Mạc Tử.” Vị Chủ biên cũng có chọn mười mấy bài thơ cảm nghiệm của tôi cho tuyển tập này. Nên khi người bạn nhờ dịch, tôi cũng thấy mình có đủ vốn liếng để làm việc đó: với những cái duyên tôi có với Hàn và thơ Hàn, và với kinh nghiệm sáng tác thơ song ngữ của tôi trong hai thập niên qua. Hơn nữa, việc chuyển ngữ những tác phẩm hay trong tiếng Việt qua tiếng Anh là một đam mê và trách nhiệm mà tôi vẫn hằng theo đuổi.
Vậy mà, khi bắt tay vào chuyển tác ba khổ đầu của bài “Ave Maria,” tôi vẫn bị khựng. Dịch là một việc khó. Chuyển ngữ văn chương lại càng khó. Thơ Hàn không dễ đọc, và càng khó dịch. Người dịch cần am tường thơ ông thì mới dịch sát ý và thoát nghĩa được. Chữ nghĩa của Hàn kỳ bí, trúc trắc, đầy ẩn dụ. Hàn dùng ngôn ngữ đậm đặc, đắt đỏ, ví von. Về tư tưởng Thánh Kinh, ông cũng diễn đạt theo một cách trừu tượng rất riêng.
Trong bản Anh ngữ, tôi cũng cố giữ những mỹ từ pháp mà tác giả dùng trong nguyên tác: điệp từ, điệp âm, đối xứng, v.v… Dĩ nhiên, vì cấu trúc ngôn ngữ Anh và Việt khác nhau, nên không thể dùng những mỹ từ pháp đó sát theo bản gốc, hoàn toàn theo từng nơi từng chữ như trong nguyên bản, mà cần uyển chuyển để tạo nên mạch thơ trong ngôn ngữ thứ hai với những kỹ thuật tương tự. Trong bản tiếng Anh, tôi cũng dùng chữ có hơi hướm cổ khi có thể (may quá, ngày xưa tôi học English major, bây giờ còn nhớ để dùng) để tương phản ngôn ngữ uyên bác của Hàn trong tiếng Việt. Thấy trước bao khó khăn, tôi bấm bụng, nhắm hướng, cố chèo chống, đưa Hàn Mạc Tử qua bờ Anh ngữ. Chỉ ba đoạn thôi. Mà mất cả mấy ngày ròng.
Phải chi Hàn Mạc Tử dùng tiếng Việt!
“Phải chi Hàn Mạc Tử viết bằng tiếng Việt!” Khi tôi thán như vậy, một người bạn đã nói, “Hàn Mạc Tử chỉ viết toàn tiếng Việt thôi mà!” Không. Ông không dùng tiếng Việt. Ông viết bằng thứ ngôn ngữ của riêng ông. Một ngôn ngữ nối mạch với trời, lóng lánh đau thương trần thế.
Nếu tôi chuyển tác bài “Ave Maria” cho một tuyển tập dịch toàn thơ Hàn Mạc Tử sang Anh ngữ, sẽ có vài chỗ tôi đã có những chọn lựa khác. Nhưng vì đây là bản dịch trích đoạn ba khổ thơ cho một chương trình Thánh ca Giáng Sinh, khán giả có nhiều người không biết gì về thơ Hàn, nên nếu giải thích thì… vô tận. Tôi quyết định dung hoà: chú trọng dịch sao cho vừa thoát ý, vừa sát nghĩa. Có những chỗ tôi phải đưa thêm bối cảnh Kinh Thánh vào theo những suy niệm tôi có từ câu thơ, như một hình thức ‘giải mã’ thơ Hàn, rồi từ đó mới diễn đạt bằng tiếng Anh được. Do đó, chuyển tác không phải là dịch nghĩa của từng chữ, từng câu, từng tứ thơ, mà chuyển cả mạch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Câu đầu tiên, “Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,” ý tưởng rộng, tôi phải chẻ thành hai câu trong bản tiếng Anh:
Like the grace-filled Maris Stella
radiating from the Beginning: Most Blessed,
Ban đầu, tôi định dịch sát nghĩa, “song lộc” là “grace-filled companion stars.” Nhưng vì trong khuôn khổ buổi Thánh nhạc, không thể giải thích dông dài về tư tưởng Việt mà Hàn dùng, nên tôi mượn chữ Maris Stella để nói đến Ðức Mẹ, trong ý “song lộc.” Theo một số chú giải, thì “lộc” ở đây là chữ lộc của hai ngôi sao tử vi: Lộc Tồn và Hóa Lộc. Lộc Tồn là sao tử vi chỉ về Thiên Lộc, phước lộc của Thiên Chúa. Hóa Lộc là sao tử vi chỉ về Nhân Lộc, phước lộc của trần gian. Triều là hướng về. Nguyên là nguyên thủy. Song lộc triều nguyên có nghĩa là từ nguyên thủy, Ðức Mẹ đã được ban phát tràn đầy phúc lộc. Thường thì khi nói đến Ðức Mẹ, người ta nghĩ đến chữ “Full of grace,” nhưng ở đây, Hàn Mạc Tử xưng tụng Ðức Mẹ là người được ơn cao trọng hơn cả, nên tôi chọn chữ “Most Blessed” để cho trọn ý.
Trong câu hai, “Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng,” tác giả dùng điệp từ và đối xứng trong nhịp ba. Tôi chuyển “Dâng cao dâng” thành “High, rising high,” nhịp 1-2. Còn “Thần nhạc?” Tôi cân nhắc: dịch sao cho đúng đây? “Mystic music” có lẽ diễn đạt đủ ý, nhất là về mặt tâm linh. Ðến câu ba, thì qua một mạch khác, “Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng.” Lại còn “bay” nữa. Ông thi sĩ này cắn, đớp, cạp, đủ cả. “Bay” là chuyện nhỏ. Ðây là bay lên, nên không phải là “fly” (nếu tra tự điển cách vô thưởng vô phạt) mà phải là “ascend.” Tôi chọn chữ “Redolently” cho chữ “Thơm tho,” nhưng đổi thành “Sweetly” cho dễ hiểu (theo yêu cầu của một độc giả khó tính). Khổ 1 đã vậy, khổ 2 càng… rắc rối:
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung-hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Khổ này không thể dịch câu nào theo câu ấy, mà trong ý nghĩa cả khổ thơ. Ðây là chỗ tôi đưa bối cảnh Kinh Thánh vào, khi Sứ thần Gabriel chào Ðức Mẹ. Tuy Hàn chỉ viết “Mẹ,” nhưng tôi chuyển thành “Virgin Mary” (Trinh nữ Maria) để làm rõ sứ điệp Truyền Tin.
The Archangel bows to Thee, Virgin Mary,
Câu hai thật rối rắm. Ðặc quánh. Huyễn hoặc. Ðôi khi chỉ có một chữ tiếng Anh, mà tôi ngồi nghĩ cả ngày vẫn không tìm ra được ‘bạn đời’ của nó trong tiếng Việt. Chữ của Hàn còn khó gấp bội. Ðọc xong câu này thì tôi… không dám nghĩ vội. Ðể nó từ từ thấm vào óc. Tôi suy ngẫm cảnh Truyền Tin, đến Mầu Nhiệm Nhập thể, và từ đó, tìm được lối vào Anh ngữ:
Proclaiming pearly verses of the Joyful Mystery.
Ðúng ra, tôi dùng chữ “nacreous,” nhưng đổi thành “pearly” vì chữ sau thông dụng hơn. Trong câu ba, cho chữ “sum hòa,” tôi chọn từ “ecumenical” trong ý nghĩa sự nên một của Giáo hội hoàn vũ:
Fragrant myrrh rises in ecumenical praise:
Câu cuối của khổ 2 cho tôi một cuộc vật lộn với chữ và nghĩa. “Trí miêu duệ.” Dịch kiểu nào đây? Ðọc từng chữ: Trí; Miêu duệ. Ðọc nguyên cụm: Trí miêu duệ. Ðọc hoài, phải nhảy xuống khổ ba rồi mới quay lại. Vì tôi làm sao mà biết được Hàn muốn nói gì với ba chữ: Trí miêu duệ. Sau nhiều lần nhắm mắt mở mắt chau mày, tôi gác kiếm với cụm từ “The intellectual throne.” Cuộc vật lộn tiếp tục với khổ 3.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh,
Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Hàn gọi trực tiếp tên Ðức Mẹ: “Maria!” Trong tiếng Anh, tôi chọn “Hail Mary!” vì đây là cách Thiên Thần chào Trinh nữ Maria khi đến truyền tin, và cũng hàm ý “đầy ơn phúc,” nối với ý nghĩa của câu đầu của bài thơ. Câu hai, tôi phải dịch thoát cụm từ “thần tử thấy long nhan” trong ý nghĩa “thấy Chúa trên Trời,” thay vì sát ý là tôi tớ thấy Ðức Vua. “Tơ vàng” cũng làm tôi suy nghĩ, và “ơn trìu mến” cũng phải dịch thoát theo cách diễn đạt Anh ngữ:
Hail Mary! How my soul shivers,
Trembling as if seeing God in the highest,
Trembling as if my breath touches the gilded thread…
Whilst my heart steeped in adoration for Thee.
Dịch xong, tôi nhờ một người biết thần học và yêu thơ Hàn Mạc Tử coi lại. Người đó chỉ yêu cầu tôi đổi hai chữ “redolently” và “nacreous” ra chữ dễ hiểu hơn, và chọc tôi, “Hai chữ này, chỉ có giáo sư đại học mới hiểu.” Xí! Ðâu cứ như vậy. Chỉ cần tra tự điển thì hiểu ngay thôi mà! Chữ nghĩa của Hàn đậm đặc. Từ ngữ đắc địa. Tôi không muốn Hàn nghĩ là tôi tiết kiệm chữ nghĩa trong bản tiếng Anh, ém tài của Hàn. Nhưng cuối cùng, tôi nghe lời người bạn hay chọc ghẹo này. Thường những người giỏi thần học thì rất ‘lãng đãng,’ nhưng người này thì không… tới nỗi. (Từ thập niên 90s, tôi tham gia nhiều chương trình tôn giáo tại “Ðồi Thánh” Holy Hill, nơi có nhiều trường chuyên về tôn giáo ở Berkeley. Chúng tôi thường đùa với nhau là ‘dân biết thần học’ thì thường sâu sắc nhưng thiếu thực tế – profound but impractical.)
Nhận được bản chuyển tác, Ca đoàn Gloria nhắn với tôi rằng, sẽ thừa… thắng xông lên: năm tới, sẽ nhờ tôi dịch phần 2 của bài trường ca.
Thôi thì để tới đó rồi tính!
TGT
Chuyển tác ba khổ đầu của “Ave Maria” bằng Anh ngữ