Menu Close

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu

Nếu không có cuộc khủng bố xảy ra tại Paris vào ngày 13/11 có lẽ cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu cũng tại Paris (11/30 – 12/12) được dư luận chú ý hơn. Tuy nhiên, hội nghị vẫn được diễn ra theo đúng lịch trình và hơn nữa lần này với quyết tâm của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới để đạt cho được một số những mục tiêu đề ra từ trước nhằm ngăn chặn hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu trong tương lai.

hoi nghi thuong dinh2

Ngày khai mạc COP21 tại Le Bourget – nguồn www.rt.com

Kể từ năm 1995, những cuộc hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vẫn được diễn ra hàng năm và năm nay là lần thứ 21, được gọi với tên ngắn gọn là COP 21 (Conference of the Parties). Hội nghị năm ngoái được tổ chức tại thủ đô Lima, Peru, với kết quả là đại biểu của các nước tham dự đã đưa ra được một khung khái quát về những mục tiêu chính để các nhà lãnh đạo dựa vào đó làm việc chung trong cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris năm nay. Trên lý thuyết, mỗi quốc gia tự đặt ra những mục tiêu và hành động cho riêng mình, và khi gặp nhau tại Paris các nước được dành cho một khoảng thời gian để giải thích cho tất cả các quốc gia có mặt biết mục tiêu nào mà họ có thể thực hiện được và mục tiêu nào không và những thay đổi hạ tầng cơ sở quan trọng nào trên thực tế có thể đạt được để thích nghi với sự biến đổi khí hậu.

hoi nghi thuong dinh3

Nhiều người xếp hình dấu hiệu hòa bình và giòng chữ “100% năng lượng tái tạo”, ủng hộ Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP21) – nguồn time.com

Với đại biểu của 195 quốc gia tham dự tại hội nghị, có thể nói đây là lần đầu tiên mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đồng lòng cam kết giảm bớt khí thải nhà kính để giúp ngăn chặn những hậu quả tai hại nhất có thể xảy ra do sự biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự trong cuộc đàm phán được biết diễn ra khá gay go trong gần hai tuần lễ và đã phải kéo dài thêm một ngày đã đưa ra bản dự thảo chung cuộc vào trưa Thứ Bảy 12/12 sau một buổi sáng căng thẳng khi bản dự thảo được hứa là sẽ được đưa ra nhưng bị trì hoãn nhiều lần. Các đại biểu ngay sau đó đã duyệt qua bản dự thảo, chú trọng tới ngôn từ sử dụng trong bản dự thảo có liên quan đến những đề tài chính đã được tranh luận, và công việc này đòi hỏi kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ, trước khi quyết định cùng ký vào bản thỏa thuận.

Điểm chính của bản dự thảo là đã vượt qua được một vấn đề khó khăn đã từng gây trở ngại và đưa đến thất bại trong những nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu trong nhiều thập niên qua. Thông thường, những thỏa thuận trước đây chỉ buộc những quốc gia đã phát triển, chẳng hạn như Hoa Kỳ và một số quốc gia Âu châu, phải có hành động để giảm bớt việc thải khí nhà kính, nhưng lại miễn cho những quốc gia được xếp loại là đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, không phải hành động.

hoi nghi thuong dinh

Tổng Thống Obama trong ngày khai mạc – nguồn theguardian.com

Bản thỏa thuận chung lần này đã có những thay đổi và vận động đòi hỏi bằng cách này hay cách khác tất cả mọi quốc gia, giàu cũng như nghèo, phải có hành động. Tuy nhiên, những khác biệt giữa các quốc gia về bản thỏa thuận chung vẫn là những điểm nổi bật trong khi những cuộc thương thuyết đang diễn ra.

Bản thỏa thuận được công bố bởi ba nhà lãnh đạo – Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thống François Hollande và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon – là những nhân vật chính đã giúp cuộc vận động của hội nghị hoàn tất giai đoạn cuối của một nỗ lực kéo dài trong hai năm để đạt được những cam kết chung trong việc giảm bớt mức độ khí thải carbon thoát ra ngoài bầu khí quyển.

Không như thượng đỉnh về biến đổi khí hậu họp tại Copenhagen, Đan Mạch, năm 2009, các quốc gia tham dự trong hội nghị lần này đều có chung một quyết tâm là phải giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu trên trái đất. Hội nghị năm 2009 bị thất bại ngay ở thời điểm cuối của đàm phán sau khi bị một số quốc gia chống lại nội dung của bản dự thảo.

Nhiều nhà khoa học và lãnh tụ thế giới cho biết cuộc đàm phán lần này là niềm hy vọng lớn nhất và cuối cùng để đạt được một thỏa thuận chung bắt đầu cho những nỗ lực ngăn chặn hậu quả tàn phá ghê gớm có thể xảy ra trong tương lai của một trái đất cứ mỗi ngày ấm dần lên.

Bản thỏa thuận được biết với tên gọi là Bản thỏa thuận Paris (Paris Agreement), đã đạt được thỏa hiệp sau nhiều năm đàm phán mà ở những hội nghị trước đã bị thất bại. Những người ủng hộ nói rằng bản thỏa thuận sẽ giúp định nghĩa rõ hơn trong việc sử dụng nhiên liệu trên thế giới trong những năm sau này.

Bản thỏa thuận bao gồm một mục tiêu lâu dài để cố gắng giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2°C (3.6°F) cho đến năm 2100 và mục tiêu lý tưởng là giữ cho nhiệt độ tăng tối đa dưới mức 1.5°C (2.7°F). Theo các nhà khoa học, mục tiêu 2°C là mức cần thiết để tránh những hậu quả tàn phá nghiêm trọng do biến đổi khí hậu nhưng vẫn chưa đủ để cứu vãn nhiều quốc gia hiện đang trong tình trạng nguy kịch nhất trên thế giới. Những quốc gia này, phần đông là những đảo quốc nhỏ trong khu vực Thái Bình Dương, đã vận động ráo riết thúc đẩy hội nghị phải đẩy mạnh hơn nữa để đưa mục tiêu 1.5°C vào trong nội dung của bản thỏa thuận.

Trong khi đó, kế hoạch tài trợ cho những quốc gia đang phát triển trong nỗ lực ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu chính là điểm mấu chốt gây ra những khó khăn trong cuộc đàm phán. Bản thỏa thuận có thay đổi một số chi tiết trong những cam kết của những quốc gia đã phát triển đóng góp vào quỹ chung $100 tỉ bắt đầu vào năm 2020 để những quốc gia đang phát triển có khả năng hỗ trợ cho những nỗ lực của họ trong việc chống lại sự biến đổi khí hậu. Bản thỏa thuận cũng giải thích tổng số tiền này chỉ là “nền” và trong tương lai có thể sẽ gia tăng.

hoi nghi thuong dinh1

(Từ phảii) Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Pháp và chủ tịch của cuộc họp COP21 Laurent Fabius, Tổng Thư ký LHQ Ban ki-Moon và trưởng ban khí hậu của LHQ Christiana Figueres nắm tay nhau sau khi thông qua thỏa thuận tại hội nghị COP21 Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. photo Francois Mori / AP

Bản thỏa thuận cũng đòi hỏi tất cả các quốc gia tham dự phải lượng định nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon của họ mỗi năm năm một lần, phải minh mạch trong những báo cáo và phải mở rộng thêm nỗ lực nếu có khả năng. Một số quốc gia đã bày tỏ sự miễn cưỡng khi phải đưa ra lời hứa nâng cao mục tiêu mà họ đề ra trước khi họ có thể nắm rõ được tình trạng kinh tế của quốc gia họ.

Trong suốt bản thỏa thuận nhấn mạnh nhiều lần sự khác biệt về trách nhiệm của những quốc gia đã phát triển so với những quốc gia đang phát triển, cũng là một đòi hỏi chính yếu đối với những quốc gia lớn đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc làm những quốc gia này lo ngại bản thỏa thuận có thể buộc họ phải có những hành động sẽ làm chậm đi sự phát triển kinh tế của quốc gia họ.

Một số nội dung của bản thỏa thuận là tự nguyện, trong khi một số khác có sự ràng buộc pháp lý.  Nội dung của bản thỏa thuận có sự pha trộn như thế là vì các nhà thương thuyết tại hội nghị muốn có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, là vì nếu trong bản thỏa thuận có những mục tiêu giảm khí thải đòi hỏi sự ràng buộc pháp lý thì điều này sẽ được giải thích theo luật pháp như là một hiệp ước mới, và như vậy sẽ đòi hỏi bản thỏa thuận đó phải được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn.

Một hiệp ước như trên chắc chắn sẽ bị chết trước khi được đưa tới Thượng viện hiện đang nằm dưới sự kiểm soát bởi đảng Cộng hoà, nơi mà một số nhà làm luật vẫn còn nghi ngờ về những chứng minh khoa học của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Sau nhiều tiếng đồng hồ để cho đại biểu của các quốc gia tham dự có thì giờ duyệt xét lại bản thỏa thuận chung, buổi chiều cùng ngày Thứ Bảy, tất cả 195 quốc gia có mặt tại hội nghị đã đồng ý cùng ký tên vào bản thỏa thuận, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng sẽ làm thay đổi nền kinh tế thế giới bị lệ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập niên tới trong nỗ lực giải quyết vấn nạn tăng nhiệt trên toàn cầu.

hoi nghi thuong dinh4

Một thỏa thuận chung sau những nỗ lực vận động trong nhiều năm nhưng bị thất bại thì nay đã đạt được ở vào những ngày cuối cùng của một năm được cho là nóng nhất từ trước tới nay.

Với kết quả đạt được từ cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris lần này sẽ giúp thế giới đẩy mạnh hơn nữa những kế hoạch chuyển đổi từ việc sử dụng các loại nhiên liệu cũ sang loại nhiên liệu mới ít thải khí carbon được nhanh chóng hơn và đòi hỏi những quốc gia giàu có phải ra sức giúp đỡ những quốc gia nghèo đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bao gồm từ lũ lụt đến nhhững cơn nóng khủng khiếp vào mùa hè, và lẽ đương nhiên là những điều được ghi trong bản thỏa thuận chung về khí hậu lần này sẽ được nhiều cá nhân cũng như tổ chức bảo vệ môi trường ủng hộ, trong khi một số khác, đặc biệt là các công ty sản xuất năng lượng, chống đối – là điều không thể tránh khỏi.

Thỏa thuận chung lần này sẽ là một biểu tượng mạnh mẽ cho người dân trên khắp thế giới và là tín hiệu cho các nhà đầu tư – lần đầu tiên trong hơn hai thập niên kể từ hội nghị về khí hậu lần thứ nhất, thế giới sẽ có chung một hướng đi rõ ràng về việc cắt giảm khí thải nhà kính bị cho là nguyên nhân chính làm ấm nóng trái đất, và một lộ trình đưa đến việc chấm dứt hai thế kỷ mà hầu hết các sinh hoạt của người dân trên thế giới bị chi phối bởi những loại nhiên liệu hóa thạch.

Có được một đường hướng chung như thế, người ta hy vọng các nhà quản trị và đầu tư của các đại công ty về năng lượng sẽ quyết tâm hơn trong nỗ lực thay thế những nhà máy hiện đang hoạt động bằng nhiên liệu than chuyển qua hoạt động bằng nhiên liệu lấy từ mặt trời và gió.

VH