Thưa! Chọn đề tài Santa Claus để viết trong mùa lễ Giáng Sinh nầy cho bà con mình mua vui cũng được một vài phút giây nhưng lòng tui rất lấy làm lo và sợ!
Tại sao? Vì Santa Claus rất giỏi võ Judo? Bộ hổng thấy ổng mang đai đen đó sao? Bị chọc quê, Santa Claus quạu lên, cho tui một đòn ‘Tomoe Nagé là cái mông của tui chắc bầm, ê cả tháng!
Thưa! Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, cuối năm là anh bạn nhà thơ ghé qua tệ xá hỏi: “Anh thấy tui năm nay có già thêm chút nào không anh?”
Chẳng qua là ảnh mới rước một em trẻ, đẹp xuân thì, xuất sắc trong vai tì nữ, tuổi nhỏ hơn thằng con út của ảnh một chút, từ Việt Nam qua nâng khăn sửa túi cho ảnh trong buổi chiều bóng xế!
Một câu trả lời tưởng chừng như quá dễ! Thấy sao nói vậy: “Anh già háp như con khỉ mắc phong đang ngồi ở không… ngáp ruồi” … thì sợ ảnh buồn!
Mà nói dóc, đãi bôi như bạn sơ giao lâu lâu đi ăn đám cưới, gặp nhau: “Ôi lóng rày sao anh trẻ quá vậy? Bộ có chơi ‘Viagra’ hả?”
Thì thấy lòng mình cắn rứt lương tâm lắm lắm. Chơi với bạn, nhứt là bạn thâm giao, mà cắc cớ cho bạn mình uống nước đường hoài thì sao gọi là bạn hiền cho được chớ ?!
Thế nên tui phân hai, trả lời trớt quớt là: “So với Santa Claus, anh còn thiếu niên mà lo rầu chi cho nó tổn thọ!”
Nghe vậy ảnh cũng lấy làm khoan khoái: “Vậy mà hôm qua đi với em yêu ra siêu thị mua quà Giáng Sinh cho đám cháu nội, ông Già Santa Claus kêu vợ tui bằng cháu (Làm nó khoái ơi là khoái!). Còn kêu tui lại bằng anh đó!
Tui an ủi ảnh rằng: “Thiệt tình! Cái tay đóng vai Santa Claus nầy nó nịnh đầm đó anh ơi! Hơi sức đâu mà nghe!”
“Vả lại Santa Claus đâu có thiệt. Nó mặc áo quần đỏ, viền trắng, đeo râu giả, la ‘Ho ho’ chỉ để dụ con nít mua đồ đó; chớ thực ra đôi khi nó chừng ba, bốn chục tuổi là cùng! Sợ còn nhỏ hơn thằng con út của tui nữa đó!”
Thưa bà con! Mới đây ông Chủ bút có chuyển cho tui một câu hỏi của một cháu gái tên Ðẹt, mới 8 tuổi, ở Kangaroo Island, tiểu bang Nam Úc, nhờ tui trả lời giùm quý độc giả thân thương nhỏ xíu nầy (Tuần nào cũng để dành 4 đô la ra mua báo!) Ðộc giả trung thành của quý báo là mình làm ngơ đâu có được nà.
Nhân mùa Giáng Sinh tới, cháu Ðẹt hỏi khó Tía mình là: “Tía ơi! Santa Claus có là người thật, việc thật không vậy Tía?”
Tía em bí; biết trả lời sao? Bèn bán cái cho mấy ông nhà báo, chuyên nói láo ăn tiền nầy, đỡ đạn giùm mình!
Em bèn lấy giấy viết ra, vài hàng gởi ông Chủ bút trìu mến như vầy:
“Thưa ông nhà báo! Cháu 8 tuổi! Bạn cháu nói Santa Claus không có thật. Hỏi ba cháu. Ba cháu không biết. Nên xin ông nhà báo cho cháu biết Santa Claus có thật hay không nhé!”
Thưa nhận câu hỏi của em 8 tuổi nầy do ông Chủ bút chuyển làm tui đổ mồ hôi hột, lạnh run như hồi xưa lội trong rừng mà lên cơn sốt rét ác tính bất tử vậy. Ðêm nằm vác chưn lên trán, ráng suy nghĩ cho nát nước hết rồi mới cầm viết trả lời như vầy:
“Cháu Ðẹt thân mến!
Bạn cháu nói không đúng. Những người như họ nghi ngờ hết ráo. Thấy mới tin! Không thấy không tin! Chẳng qua là họ không có trí tưởng tượng như vợ của chú, tức thiếm ở nhà.
Thấy bóng tưởng hình. Thấy có vệt son trên áo của chú là tưởng tượng ngay ra rằng chú đang có mèo, có chuột! Chớ thật ra đó không phải là vết son mà là vết tương ớt khi chú đi ăn phở, lỡ dính áo thế thôi!
Thấy gà hóa cuốc đã là khổ rồi. Mà không thấy tưởng rằng không có… là còn khờ hơn nữa!
Cháu Ðẹt thân mến!
Santa Claus có thật đó nhe! Có thật như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có Santa Claus thì thế giới của chúng ta sẽ ảm đạm biết bao.
Cửa hàng sẽ ế ẩm, vì không có ai đi mua sắm quà Giáng Sinh gì ráo. Không có gà Tây, cũng không có rượu vang!
Cả khối người sẽ thất nghiệp, sẽ đói rách lang thang. Kinh tế sẽ trì trệ! Và chắc tội nghiệp nhứt là ba cháu và chú đây chẳng hạn! Vì thất nghiệp dài dài, chú sẽ bị thiếm bỏ đi lấy chồng khác!…
Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.
Không tin là có Santa Claus thì cũng không tin vào hoàng tử và cô bé lọ lem dự dạ hội nửa đêm, vội vã về, rớt lại một chiếc giày cao gót để Hoàng tử tìm ra người mộng, chờ Vua Cha đi bán muối rồi, mình sẽ đăng quang và phong cho em làm Hoàng hậu!
Cháu sẽ đọc chuyện nồi kê chưa chín! Nghèo mạt rệt mà vẫn phải nằm mơ mình làm nên vương tướng! Mơ để mà sống cháu ơi! Vì thực tế nó phũ phàng như phang vô mặt!
Thế nên mươi năm nữa cháu lớn lên sẽ hiểu. Có những chuyện không có thật bao giờ mà mình cũng phải ráng mà tin. Vì tiền cháu ạ!
Vâng “Yes, there is a Santa Claus”. Có Santa Claus trong thế giới tư bản đang giẫy chết mà mình đang sống đó Ðẹt ơi!
Santa Claus vẫn sống và sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Hàng nghìn năm sau nữa cháu Ðẹt à, Santa Claus vẫn tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này.
Chúc cháu Ðẹt ở Kangaroo Island một Mùa Giáng Sinh vui vẻ!
Merry Christmas!”
Thưa trả lời xong thơ cháu Ðẹt thì tuần sau ông Chủ bút lại chuyển cho tui một bức thơ của cháu Tèo, 10 tuổi, ở Penguin Island tức Ðảo Chim Cánh Cụt bên tiểu bang Tây Úc, kêu tui sẵn trớn, trả lời luôn giùm cái.
Cháu Tèo viết vầy nè: “Con có đọc thơ của chú trả lời em Ðẹt, con tự hỏi: Chú có phải là Santa Claus hay không mà sao chú rành quá vậy?
Cháu cũng nhìn thấy Santa Claus ở khắp nơi trong Mùa Lễ hội thì ông Santa nào mới là thật? Ông Santa ở shop Coles hay ở Safeway? Ông Santa trước cửa nhà hàng xóm hay ông Santa đứng trụi lủi trong nhà mình?”
Thôi thì phóng lao thì phải theo lao. Trả lời luôn để sắp nhỏ nó không phân bì sao thương cháu gái mà bỏ bê mấy đứa cháu trai? Kỳ thị giới tính như vậy là bất công lắm! Nước Úc nầy nó cấm!
“Tèo thân mến!
Cám ơn cháu đã hỏi một câu rất hay “Có phải ta là Santa hay không?”
Ta biết cháu chờ đợi câu trả lời nầy rất lâu nên ta đã suy nghĩ cặn kẽ, tỏ tường rồi mới trả lời cho cháu đây!
Câu trả lời là: “Không! Ta không phải là Santa. Không có ai là Santa cả!”
(Ðúng là lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! Miệng không vành nó méo tứ tung mà! Chỉ một câu hỏi mà trả lời hồi có hồi không!)
Ta chỉ là người bỏ những món quà vào đôi vớ của cháu treo tòn ten dưới lò sưởi trong nhà. Ta làm như Tía ta đã làm cho ta từ độ ấy. Cũng cùng cách mà ông Nội ta đã làm cho Tía của ta.
Ta tưởng tượng ra một ngày nào đó, Tèo sẽ làm y hệt như vậy cho mấy đứa con của Tèo. Ít con tốn ít; nhiều con tốn nhiều. Tuy nhiên dù có hao xu chăng đi nữa, Tèo sẽ vui hết biết luôn khi nhìn thấy mặt mấy đứa con mình rạng rỡ dưới ánh đèn lung linh huyền ảo của Cây thông mùa Giáng Sinh sẽ tới.
Tuy nhiên điều đó cũng không biến Tèo thành Santa đâu nhé!
Santa lớn hơn chúng ta nhiều. Ông sống lâu hơn chúng ta! Từ năm này qua năm khác. Ông tặng quà hoài… lâu hơn cả đời chúng ta đang sống.
Công việc mang quà đến cho trẻ con xem chừng rất đơn giản nhưng tạo ra một hiệu quả lớn lao. Santa đã dạy trẻ con niềm tin vào một con người nhân hậu mà chúng không thể thấy hay gặp tận mặt. Vì Santa sẽ tuột xuống lò sưởi lúc bọn trẻ đã ngủ say, ngáy ò ó o!
Dẫu không gặp được tận mặt Santa Claus thứ thiệt chăng đi nữa, Tèo à! Cháu cũng nên tin là có; như suốt đời cháu nên tin vào bản thân mình, tin vào gia đình mình, tin vào bạn bè mình. Tin cho dù những niềm tin đó không bao giờ được cân đo đong đếm một cách chính xác hay có thể cầm giữ trong tay.
Vâng! Ta đang nói về tình yêu! Nó có một năng lực vô cùng lớn để thắp sáng đời con nha Tèo dù trong những lúc con buồn bã và cô đơn nhất.
Santa là một người Thầy và ta là học trò của ông ấy và bây giờ chắc cháu đã hiểu ra là dù Santa mập thù lu như cái lu, cũng ráng tuột qua được ống khói của lò sưởi vào đêm áp Lễ Giáng Sinh để tặng quà. Dẫu lấm lem đầy lọ nghẹ mà lòng Santa tràn ngập những niềm vui.
Vâng Ta và Tía của Tèo đều là những phụ tá, đã thay phiên nhau để giúp đỡ Santa trong việc tặng quà nầy. Bằng không thì Santa không thể nào cáng đáng nổi.
Santa là tình yêu; là nhiệm mầu của hy vọng và niềm hạnh phúc. Ta chỉ là đệ tử của Santa mà thôi. Lớn lên Tèo có vợ rồi sẽ có con. Tèo cũng sẽ trở thành đệ tử của Santa như ta vậy.
Chúc Tèo ăn no chóng lớn và học giỏi, kiếm được tiền thiệt nhiều để mùa Giáng Sinh hai chục năm tới, Tèo sẽ trở thành Ðệ tử của Santa.
Merry Christmas!”
BẢO HUÂN
DXT – melbourne