Những biến chuyển kinh tế tài chánh những năm gần đây khiến Huê Kỳ uể oải, mất dần khí thế tranh đua trên thương trường thế giới. Như mọi trận tranh giành, có người thua thì cũng có kẻ thắng; Hoa Kỳ lụi đụi nên Trung Cộng đuổi theo gần kịp bước. Theo các tay phân tích kinh tế tài chánh, Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ là hai quốc gia giữ vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ dẫn đầu trong 4 năm kế tiếp nhưng kẻ về nhất trong thập niên sắp tới sẽ là Trung Cộng?
Theo bài tường trình của Tổ Chức Ðồng Hợp và Phát Triển Kinh Tế (the Organisation for Economic Co-operation and Development hay OECD), Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) của Trung Cộng sẽ qua mặt Âu Châu trong vòng 1 năm, và sẽ vượt mặt chú Sam trong vòng vài năm kế tiếp để trở thành cường quốc giàu có nhất thế giới. Quốc gia Á Châu thứ nhì, Ấn Ðộ cũng chạy nước rút để theo bén gót; Ấn Ðộ sẽ qua mặt Nhật Bản trong vòng 2 năm nữa và sẽ vượt Âu Châu trong 20 năm. Tạm hiểu là Trung Cộng và Ấn Ðộ là hai quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất hiện nay.
Tuy nhiên, Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) sẽ không là mối bận tâm của Trung Cộng; các nhà lãnh đạo Hoa Lục đang dồn sức lực vào việc đuổi cho kịp Hoa Kỳ về mặt phát minh, sáng chế (innovation). Họ loan báo khá rõ ràng về khuynh hướng ganh đua này trong hội nghị the World Economic Forum’s Summer Davos tại Tianjin. Tập Cận Bình hối thúc con dân làm việc ngày đêm để thu ngắn khoảng cách giữa mức phát minh của Hoa Kỳ và Trung Cộng. Và khi lãnh đạo đã lên tiếng hò hét thì chắc chắn một điều là con dân Trung Cộng sẽ răm rắp làm theo.
Theo OECD, rõ ràng như thế nên Hoa Kỳ cần chú tâm vào lãnh vực nghiên cứu, đừng tiếp tục ỷ y ngủ quên, bằng không sớm muộn gì Trung Cộng cũng thắng!?
Bao lâu nay Hoa Kỳ “ngủ quên” vì họ vẫn cho rằng Trung Cộng là một đối thủ không đáng sợ. Thứ gì sản xuất từ Trung Cộng cũng đều là đồ dỏm, đồ dở. Khi Trung Cộng thu góp gần hết công việc làm thì dân Hoa Kỳ dè bỉu rằng những công việc kia là những thứ không chuyên môn, chẳng ai (tài giỏi) muốn làm nên thương gia mới rinh sang Trung Cộng để kiếm nhân công rẻ. Khi các món hàng của Trung Cộng ra mặt cạnh tranh với sản phẩm Hoa Kỳ trên thế giới thì con cháu chú Sam lại bĩu môi chê hàng “nhái”, bắt chước… và mạnh bạo kết luận rằng Trung Cộng chỉ giỏi bắt chước chứ không biết phát minh ra cái mới. Khi chỉ biết bắt chước thì bộ óc kia không đủ chất xám để ta lo âu?!
Các bộ máy nghiên cứu tính toán (think tank) của Hoa Kỳ còn lý luận rằng phát minh sáng kiến chỉ đến từ những người trẻ, đầu óc phóng khoáng, tự do trong cách suy nghĩ, và không sợ thất bại. Ðó là cách làm việc mệnh danh là “bottom up” trong khi các tổ chức thương mại cũng như giáo dục tại Trung Cộng theo hệ thống điều hành “top down”, nói giản dị là sếp lớn ra quyết định, nhân viên chỉ thi hành. Do đó ngành nghiên cứu Trung Cộng không nảy sinh được nhiều sáng kiến.
Nghĩ ngợi như thế nên Hoa Kỳ cứ ngủ quên trên chiến bại! Sự thật là Trung Cộng có thể thành công trong việc phát minh những thứ mới. Và một vài ảo tưởng khác cần được thay đổi:
1. Hầu hết mọi sáng kiến bắt nguồn từ việc… bắt chước, ngay tại Hoa Kỳ, những phát minh đã bắt đầu từ việc thẩm định những thứ cũ, hay dở ra sao và từ đó mà thay đổi, chấn chỉnh cho hoàn hảo hơn. Trong khi Trung Cộng bắt chước nhiều thứ từ Hoa Kỳ, các sản phẩm Alibaba, Tencent hoặc Sina Weibo đều vượt xa sản phẩm “mẹ” về phẩm chất, cách hoạt động cũng như sự thuận lợi. Nghĩa là hàng “nhái” đã được canh cải để vượt mặt hàng gốc! Mấy món hàng nhái kia có thể ăn đứt hàng gốc và cạnh tranh với hàng gốc trên thương trường nhờ có nhiều lợi điểm hơn.
2. Cách điều hành nuôi dưỡng mầm nghiên cứu chỉ đến từ những người làm việc “tự do” không đến từ “công chức” hay do chính phủ… Ðó là “châm ngôn” của giới kỹ thuật, của những người trong ngành điện toán tại Hoa Kỳ, nôm na là “free entrepreneur”. Thực ra, nếu chính phủ Hoa Kỳ không tài trợ các món tiền khổng lồ cho chương trình Defense Advanced Research Projects Agency thì ngày nay làm gì có Internet?
Chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào việc nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật mới (để dùng cho quốc phòng) trong những ngày xa xưa. Và ta nay được ăn trái. Chỉ tiếc rằng các chương trình tài trợ nghiên cứu kia mỗi ngày một thu hẹp, như chương trình thám hiểm không gian chẳng hạn. Không ươm trồng cây mới, chỉ tiếp tục hái trái từ cây cũ, đến một ngày nào đó, cây cũ còi cọc, làm chi có trái nữa? Ðây là một trong những nhược điểm của nội các Obama, thiếu cái nhìn xa về kỹ thuật, khoa học.
3. Người thế giới chê bai Trung Cộng về luật tác quyền không có thực lực (“the law has no teeth”); khi không củng cố luật tác quyền thì không mấy ai chịu đầu tư vào việc tìm tòi phát minh. Thực ra khi Trung Cộng đứng ngang hàng với thế giới về mặt sáng chế thì họ sẽ nhanh chóng thay đổi luật pháp. Bằng chứng? Ngày trước các đạo luật cấm bán cổ ngoạn ra ngoại quốc chẳng có ký lô nào, dân Tàu mạnh ai nấy đào xới… Ngày nay, chính dân Trung Cộng đi đào xới, mua hoặc cướp cổ vật từ ngoại quốc đem về nhà, và chẳng mấy ai dám đào xới tại đất nhà mà không có giấy phép của nha văn hóa!
4. Trên thương trường thế giới, ngoại giao là nền tảng của sự buôn bán. Dù Trung Cộng đang huênh hoang lấy thịt đè người cướp đất của láng giềng khiến bá tánh bất bình nhưng ở các miền đất xa xôi khác, Trung Cộng đang “mua” một cách nhẹ nhàng các “thuộc địa kinh tế” ở Phi Châu và châu Mỹ La Tinh; ở những nơi này, hàng hóa Trung Cộng tràn đầy và mới đây, các vườn nho chế rượu chát của Tây cũng âm thầm về tay chủ nhân người Hoa.
Họ khôn khéo đủ để không làm mích lòng chủ nhà như con cháu chú Sam, kẻ đã đổ xương máu, tiền của vào Trung Ðông mà vẫn bị chửi rủa xua đuổi kịch liệt!
5. Hệ thống giáo dục của Trung Cộng quá gò bó từ chương khiến học trò khó phát triển một cách độc lập? Nhưng học trò Huê Kỳ đang đứng sau các đứa trẻ đồng trang lứa trên thế giới về khoa học, kỹ thuật, toán… Vậy thì Huê Kỳ chê cái chi? Hãnh diện về sự phát triển kỹ thuật ư? Chính những người di dân đã cấu tạo nhiều công ty non trẻ tại Silicon Valley, chỉ một nửa các công ty kia là cây trái địa phương.
Ðọc mấy bài tổng kết kinh tế của báo chí, của các tay phân tích kinh tế thế giới, Dế Mèn chạnh lòng quá. Ðành rằng chính người Huê Kỳ đã phát minh ra hệ thống định vị toàn cầu, the global positioning system hay GPS, nhưng ý tưởng định vị đã bắt đầu từ lâu lắm rồi, chiếc compass thô sơ kia có gốc gác từ Hoa Lục!
Liệu dân Hoa Kỳ còn chút thời giờ để tranh đua nếu không tiếp tục ngủ quên trên chiến bại?
TLL