Bản thân tôi là người ái mộ những tác phẩm nghệ thuật làm từ đất sét. Cho nên khi xem qua bộ sưu tập giới thiệu ra công chúng hoặc còn trong giai đoạn phôi thai của nghệ sĩ tạo hình nặn tượng bằng đất sét của Hirotsune Tashima, làm tôi rất thích. Đất sét, có thể làm ra nhiều sản phẩm từ đơn giản đến cầu kỳ, từ thô thiển đến tinh xảo qua các loại gốm sứ hay đất nung thô, bằng bàn tay con người cho đến bằng máy móc sản xuất ra hàng loạt giống nhau như đúc. Nhưng hình như không chỉ riêng tôi, nhiều người vẫn thích tượng đất sét phải làm ra từ bàn tay thủ công, chỉ có như thế mới có thể thấy được cái hồn của vật thể mà người nghệ sĩ đã thổi vào đất với cả tâm tình.
Hirotsune Tashima đang nắn tượng đất sét con chó cho khách xem tại xưởng sản xuất của mình ở Osaka (Nguồn: Clayworks.Tashima)
Nghệ thuật nặn hay điêu khắc tượng đất sét có từ lâu đời ở nhiều nơi trên thế giới. Tùy theo cách ứng dụng kỹ thuật và mỹ thuật làm cho tác phẩm nổi tiếng nhờ sự độc đáo, lạ mắt thu hút một số nghệ sĩ quan tâm, tìm cho mình một phong cách trong nghề tạo hình điêu khắc bằng đất sét. Đất sét có sẵn trong thiên nhiên hay qua tinh lọc để có những chất liệu tốt khi nung nóng, phơi khô và càng tinh xảo hơn nữa với những mảng màu sơn hay men gốm tạo ra sản phẩm hay tác phẩm nghệ thuật ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
Tượng đất sét của Tashima hồi còn học tại trường mỹ thuật Tucson, Arizona (Nguồn: Clayworks.Tashima)
Tuy vậy, tiếc một điều là ngày nay nghệ sĩ sáng tạo tượng sét hay vật thể bằng đất quá hiếm hoi. Hầu hết người có thiên khiếu nghệ thuật đều theo các môn hội họa, điêu khắc tượng đồng, tượng gỗ… Nhờ thế, số ít nghệ sĩ chọn chất liệu đất truyền thống dân gian có được điều kiện tương đối dễ dàng thành danh. Nhưng để có sự thành công đương nhiên đòi hỏi người nghệ sĩ phải có đam mê, tài hoa và óc sáng tạo phong phú.
Hirotsune Tashima là một nghệ sĩ như thế. Tốt nghiệp Trường đại học mỹ thuật Tucson ở Arizona, từng theo học tại trường mỹ thuật Osaka tại quê nhà và đã có ít nhiều thành công trong các triển lãm đồ gốm sứ tại Mỹ. Nhiều bộ sưu tập của Tashima có nét duyên dáng, phong cách dân gian kết hợp hiện đại đã làm cho anh thật sự trở thành người nghệ sĩ nặn tượng đất. Anh được giới mỹ thuật chú ý, các hội mỹ thuật chu cấp học bổng trong thời gian anh còn là sinh viên khoa mỹ thuật. Giải thưởng điêu khắc và mỹ nghệ theo nhau làm nên tên tuổi Tashima. Thành danh đã đến nhưng Tashima cứ mãi bâng khuâng về những tác phẩm của mình sẽ theo lối mòn vì cũng không ít nghệ sĩ tượng đất theo phong cách tượng trưng ngày càng nở rộ. Anh quyết định trở về nước Nhật, nơi cho anh nhiều kỷ niệm, ấn tượng về nghệ thuật dân gian truyền thống trong lĩnh vực sáng tạo tượng đất sét có từ lâu đời.
Tác phẩm “Chợ cá”, Tashima gởi gắm ý tưởng cần thay đổi cách ăn uống thời nay quá nhiều thịt gia cầm gia súc (Nguồn: Clayworks.Tashima)
Điều này làm tôi nhớ đến nghệ sĩ gốm Khưu Đức, một người thành danh ở Mỹ, lại bỏ tất cả trở về Sài Gòn mở cái lò nung gốm Raku nho nhỏ tại Gò Vấp để sáng tác giới thiệu ra công chúng yêu mến nghệ thuật phong cách Raku gốm nung truyền thống của Nhật Bản. Đến thăm anh vài lần, ngồi nói chuyện trong phòng sáng tác bên cái lò nung hiện đại cho ra một vài bình gốm Raku mang phong cách dân gian của người Nhật. Đất sét nhồi nặn, men màu ngũ sắc tương ứng với ngũ hành phương Đông mà không phải là bình gốm của người Việt xưa để lưu lại. Thị hiếu thôi, sản phẩm sáng tác cũng cần phải có người mua. Trong khi cuộc sống hiện đại của người Việt không còn quan tâm nhiều tới những truyền thống văn hóa xưa cũ. Nếu muốn xưa cũ thì phải làm sao cho tác phẩm của mình khác thiên hạ hoặc mượn văn hóa của nước người làm thành cái mới phục vụ cho thị hiếu nghệ thuật của những người bỏ tiền mua chúng.
Những trăn trở của người nghệ sĩ gốm đất làm sao để tác phẩm mình tồn tại và áo cơm hằng ngày để có sức sáng tạo. Hirotsune Tashima cũng vậy, không hài lòng với chất liệu gốm sứ và phong cách mỹ thuật kiểu phương Tây của những người thầy từng dạy anh, anh đành trở về quê quán và dùng chất liệu đất sét thô gần gũi con người để thỏa lòng sáng tác.
Tác phẩm tượng đất “Thần tượng”, giới trẻ ngày nay thích sống trong thế giới bắt chước (Nguồn: Clayworks.Tashima)
Tashima đã đi đúng hướng thị hiếu của nhiều người yêu mến nghệ thuật đất sét có suy nghĩ tương tự như anh. Người Nhật trong nhiều thập kỷ đã tiếp nhận và không xa lạ gì với những sản phẩm kỹ thuật cao cũng như những tác phẩm mỹ thuật được chế tác với chất liệu hiện đại. Thì nay được chiêm ngưỡng những sản phẩm bằng đất sét bình thường, không cần sàng lọc hay tinh chế, nó cho phép sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên; và hình thể cũng không xa lạ gì với cuộc sống đang bị ảnh hưởng của thế giới kỹ thuật mà con người sống theo trào lưu một cách máy móc.
Tashima thổi hồn vào đất bằng những thông điệp gởi gắm qua từng tác phẩm. “Tôi cho rằng nghệ thuật phải mang thông điệp. Hình tượng của tác phẩm muốn nói lên điều gì thì tự người xem cảm nhận và tự tìm ra chứ tôi không rao giảng thông điệp mình muốn nói. Mỗi con người nhìn nhận một tác phẩm theo góc độ và sự hiểu biết của mình trong thế giới xã hội đầy những hình ảnh hiển hiện mà con người cần phải suy gẫm. Nghệ thuật của tôi thô sơ không phức tạp trong cách suy nghĩ nhưng có thể trở thành phức tạp đối với người khác nếu không có sự đồng cảm”.
Trẻ con với iPad, iPhone quá xa lạ với nền giáo dục truyền thống Nhật (Nguồn: Clayworks.Tashima)
Trong tác phẩm “Thần tượng”, giới trẻ thanh niên ngày nay cứ chăm chú vào các thần tượng ca sĩ, nhà thể thao hay những người đẹp. Vào phòng chỉ xem nhân vật thần tượng của mình trên truyền hình hay vi tính và cố bắt chước từng hành động từng cử chỉ mà không nhớ rằng mình là mình, mình chứ không phải họ. Ngay như trẻ con thời nay, game, điện thoại lúc nào cũng có trên tay. Tuổi thơ hồn nhiên của mình biến đâu mất rồi, khiến chú chó nhìn cô bé chủ của mình lạ lẫm. Hay như tác phẩm “Chợ cá” hai thân thể người ốm mỏng tương phản tác phẩm “Chợ thịt” hai thân thể người phần dưới phát phì. Vòng bụng to, vòng đời nhỏ lại. Tashima gởi gắm đến cuộc sống ngày nay phải biết điều độ trong cách ăn uống, cá rau; truyền thống người Nhật đang dần bị thay thế vào bằng những tảng thịt đỏ, thịt heo đầy bàn ăn. Còn nhiều thông điệp Tashima muốn nói ra trong thế giới phồn thực, con người sống phụ thuộc vào những thức ăn nhanh làm sẵn, nước tăng lực khi chơi thể thao, hóa chất mỹ phẩm. Thanh niên nhà quê ăn mặc nhố nhăng như người thành thị bắt chước thần tượng truyền hình của mình. Bà lão thì không còn đan len bằng tay cho tấm áo mùa đông nữa, thay vào đó đan len trở thành trò giải trí qua máy chơi game. Phụ nữ mê game trên bảng tính như một đứa trẻ con mới lớn. Một cuộc sống ảo trong đời thực.
Tượng đất sét mô phỏng đồ hộp, thức ăn đóng gói phá vỡ truyền thống ẩm thực của người Nhật (Nguồn: Calyworks.Tashima)
Trở về Nhật sáng tác những bộ sưu tập tượng đất sét của Tashima đã gây được tiếng vang. Nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước được giới nghệ thuật đánh giá cao. Không dừng lại việc thổi hồn cho thể loại nặn tượng, Tashima sáng tác thêm tranh đất sét về cuộc sống nông thôn thành công không kém. Với đầu óc tưởng tượng phong phú anh đang góp phần làm phong phú thêm ngành trang trí nội thất bằng sản phẩm mỹ nghệ truyền thống được sáng tạo bằng tay và cả con tim khối óc.
Tượng đất sét “Phụ nữ đang tắm” và “Chơi bóng ở biển” nói lên điều gì? Bên cạnh là quả chuối, một thực phẩm tốt cho da nhưng xà bông, thuốc chống nắng vẫn hấp dẫn các bà (Nguồn: Clayworks.Tashima)
NL (Nguồn: Clayworks/Tashima Collections)