Menu Close

Grotto – Đức Mẹ sầu bi

Tôi là người ngoại đạo nhưng thi thoảng có dịp tôi vẫn ghé thăm những công trình kiến trúc Công giáo. Có lẽ một phần tôi bị ảnh hưởng do khi xưa tôi học ở một trường đạo rồi qua bậc trung học lại tiếp tục học ở Lasan Đức Minh. Giáo lý đối với tôi là một cực hình. Tôi hay trốn học vào những giờ này và chấp nhận chịu phạt bằng roi của thầy cô giám thị. Thế nhưng, kiến trúc nhà thờ lại quyến rũ tôi. Vào nhà thờ, tôi lặng lẽ ngắm các vòm cong giao nhau trên khung trần hay những khung cửa sổ hoa văn kính màu khiến ánh sáng bên ngoài xuyên vào tạo một không gian huyền bí.

alt

Sau này rong ruổi nhiều nơi tôi mới “khám phá” nét đặc trưng của kiểu vòm cong trong kiến trúc Công giáo. Kiến trúc Roman có vòm cong tròn, kiến trúc Gothic có vòm cong nhọn. Đối với tôi vòm cong tròn và vòm cong nhọn đều đẹp như nhau. Tuy nhiên do kiến trúc Roman ra đời sớm hơn kiến trúc Gothic, nên ngày nay những công trình Thánh đường có vòm cong nhọn phổ biến hơn. Bởi thế khi đột nhiên tôi gặp lại vòm cong tròn của ngôi nhà thờ nhỏ trong khu Thánh địa Grotto – Đức Mẹ sầu bi ở Portland (Oregon), tôi thật sự ngạc nhiên và càng ngạc nhiên hơn khi biết nguồn gốc lịch sử của khu giáo đường này qua câu chuyện thương tâm của một đứa trẻ có tên là Ambrose Mayer vào cuối thế kỷ 19. Ambrose Mayer khi ấy đã đau khổ và khóc sướt mướt tận mắt chứng kiến người mẹ thân yêu của mình đang quằn quại đau đớn sắp phải từ giã cõi đời sau khi bà hạ sanh một đứa con gái rất khó. Ambrose tìm đến ngôi nhà thờ nhỏ hiển linh ở Kitchener thuộc địa phận tỉnh Ontario, Canada cầu nguyện cho mẹ. Cậu hứa nếu mẹ được sống, cậu nguyện sẽ hiến dâng cuộc đời phụng Chúa. Người mẹ sống lại và cậu đã không quên lời hứa trước đấng trên cao.

alt


Ngôi Thánh đường nhỏ có mái vòm cong tròn theo kiến trúc Roman

Sau đó Ambrose Mayer vào học trợ tế trong một trường dòng, đến năm 1918, ông là Linh mục đầu tiên được gửi đến trông coi giáo phận thành phố Portland. Ông vẫn mang theo tâm nguyện của mình đi tìm vị trí thật đẹp để xây dựng nhà thờ. Cuối cùng ông đã tìm được một khu đồi núi thấp rộng 62 mẫu tây. Đứng trên đỉnh có thể nhìn về thành phố Portland nhấp nhô những mái nhà thấp tầng cổ kính. Năm 1923, Ambrose bắt tay xây dựng hang Đức Mẹ Maria và một nguyện đường. Hang được khoét sâu vào vách núi tạo dáng rất tự nhiên bởi vòm cong tròn làm cảm giác hang có chiều sâu khoáng đãng. Bên trong đặt tượng Đức mẹ ôm xác Chúa Jesus vào lòng phỏng theo tác phẩm Đức Mẹ Sầu Bi, tiếng Ý gọi là Pietà của nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Michelangelo trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican. Đây là một chủ đề trong nghệ thuật Kitô giáo bao gồm ba cảnh miêu tả nỗi đau đớn của Đức Mẹ Maria trước cái chết của Jesus, con mình. Hai cảnh còn lại là Đức Mẹ Sầu Thương (Stabat Mater) và Đức Mẹ Sầu Đau (Mater Dolorosa) cũng có hình dáng tương tự.

alt

Khách hành hương đốt đèn cầu nguyện trước hang Maria

Hang Maria là nơi cầu nguyện chính ngoài trời của khu vườn đá thiên nhiên. Hai bên hang có kệ đèn, trên đó tôi thấy gần như phủ kín hàng trăm cây đèn sáp cháy dở của tín hữu thập phương ghé viếng. Phía bên dưới tam cấp trước hang, những người phục vụ cho nhà thờ đang bận rộn mang từ kho ra những chiếc băng ghế dài đặt thêm cho nhiều. Chắc sắp có ngày lễ gì quan trọng trong năm. Tôi bước đến định hỏi điều gì đó nhưng ngại mình người ngoại đạo nên cũng chẳng biết hỏi gì khiến bước chân rẽ về hướng khác khi thấy cánh cửa gỗ to lớn của nguyện đường ở cuối vườn vừa hé mở. Trời đầu xuân, không gian tĩnh lặng và cái se lạnh dường như làm ngưng đọng mọi tạp niệm trong đầu. Tôi tha thẩn trên con đường đá rêu xanh và tâm hồn bỗng nhẹ bay lên cao như đám mây xanh vừa xuất hiện trên vòm cong của mái nhà nguyện sau áng mây mù xám trắng. Ánh nắng mỏng tang chợt hiện qua cửa sổ làm bừng lên ánh hào quang xuyên rọi cả Thánh đường khiến những bức bích họa trở nên sinh động đến từng chi tiết. Tôi say sưa nhìn ngắm những bức tranh vẽ Chúa và các Thiên thần có cánh. Khuôn mặt Đức Mẹ Maria hiền từ và thánh thiện dẫu rằng các môn đồ đang hạ thi thể đứa con Jesus của mình ra khỏi chiếc thập tự giá đóng đinh.

Tôi chỉ nhớ mơ hồ một vài câu chuyện về Chúa bị đội mão gai, chịu khổ đau hành hình trên thập tự giá để cứu rỗi thế giới con người đầy tội lỗi. Chúa đã mang tình yêu của mình ban phát cho mọi người, còn những chi tiết trong chặng đường vác thánh giá hầu như mù tịt. Câu chuyện về Jesus làm tôi nhớ trước đây đôi lần tôi đến Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang thu thập tư liệu về Tu viện Quan Phòng và nhà thờ Đầu Nước – một ngôi nhà thờ đẹp kiến trúc kiểu Gothic tuổi trên trăm năm. Cũng tại cù lao xanh tươi miệt vườn Nam bộ này, tôi bắt gặp một đền thờ Thánh tử đạo Emmanuel Lê Văn Phụng. Ngài Lê Văn Phụng bị xử tử thắt cổ vào năm 1859 thời vua Tự Đức vì tội theo đạo Công giáo. Theo chuyện kể của vị linh mục nhà thờ, Ngài không được học cao, nhưng rất thông minh. Tướng mạo khoẻ mạnh và quả quyết.Thánh Emmanuel Phụng có lòng nhiệt thành đặc biệt đối với Giáo Hội trong xứ đạo mình. Ngài làm trùm trưởng trong Họ Đạo. Trong thời vua Tự Đức đang bắt đạo dữ dội nhất mà Ngài vẫn bạo dạn ngấm ngầm xây nhà thờ, nhà xứ, nhà dòng. Nhờ Họ Đạo nằm trong một cù lao ngăn cách bởi sông lớn nên Ngài dễ tổ chức canh phòng và báo động khi có quân triều đột nhập. Hơn nữa Ngài đi chân trong với quan huyện nên mọi sự được làm ngơ. Ngài thường đi tìm linh mục về lo Thánh lễ và bí tích cho giáo dân, xức dầu cho các bệnh nhân. Có lần Ngài đã chứa tới 5 thừa sai và linh mục người Việt trong nhà. Quả là Ngài không biết sợ. Vì lòng nhiệt thành và có kiến thức giáo lý, Ngài đã được chọn làm giảng viên giáo lý của Họ Đạo và trong cả tỉnh Châu Đốc, cho trẻ em cũng như cho tân tòng. Ngài cũng có lòng thương người nghèo khó một cách đặc biệt, và có lương tâm ngay thẳng trong vấn đề công bằng xã hội. Có lần Ngài khuyên người cho vay nặng lãi không được làm khó cho người nghèo khổ. Thế nhưng, một ngày kia Ngài đã bị hai ân nhân làm phản, họ báo lên tỉnh nên quan quân đã bao vây bất ngờ và bắt Ngài cùng với 32 người trong Họ Đạo. Lúc đó Ngài đã 62 tuổi. Ngài bị tra tấn vì tội chứa chấp các linh mục. Bọn lính hình bộ tra tấn rồi dụ dỗ: “Ông thuộc gia đình quyền quý, có khả năng làm lớn, nếu chịu đạp ảnh Thánh giá thì sẽ được phong tước.” Nhưng Ngài đã cương quyết trung thành với Chúa, chấp nhận thắt cổ tử vì đạo.

Tôi đưa ra hình ảnh Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng chỉ để dẫn chứng lòng tin tôn giáo của người mộ đạo và chính sách chống Phú Lang Sa (người Pháp) một cách mù quáng dẫn đến việc bài xích và đàn áp tín ngưỡng phương Tây trong thời Tự Đức vô cùng tàn bạo. Việc làm này chẳng khác gì thời Hoàng đế La Mã cách nay hai ngàn năm đã cho quan tòa nhục hình Jesus bằng cách bắt Chúa vác thập tự lên đồi Calve để bị đóng đinh, chấm dứt cuộc đời của đấng sáng lập Kitô giáo. Tôi đứng lặng yên ngoài cửa tịnh tâm bỗng nghe tiếng kèn đồng đánh thức tôi về thực tại. Hình như khúc nhạc Alleluia (Mừng Chúa phục sinh) thì phải.

Rời khỏi nhà nguyện, tôi đi trở ngược về phía cổng vào trên con đường đầy hoa dại không biết tên, chụp một tấm ảnh Chúa Jesus đầu đội mão gai vác cây Thánh giá. Xem ra việc sắp đặt của khu Thánh địa này rất chặt chẽ về mặt bố cục câu chuyện Đức Chúa Jesus, mặc dầu thoạt nhìn vào thấy các pho tượng trông rất đơn lẻ xen kẽ trong khu vườn núi đá Grotto. Grotto – Đức Mẹ Sầu Bi nơi người Việt Công giáo và các cộng đồng khác vùng Tây Bắc Hoa Kỳ thường tìm đến hành hương vào dịp lễ Quốc Khánh Hoa Kỳ hàng năm.

alt

Tượng Chúa Jesus đội mão gai vác Thánh giá
NL