Menu Close

Giày cao gót

Tôi có một việc này muốn nhờ bác sĩ. Số là bà xã tôi hay than phiền là đau ở bàn chân, mà bà ấy lại rất thích đi giày cao gót. Nàng có đi bác sĩ và bác sĩ cũng khuyên là không nên mang giày cao quá thường xuyên, nhưng nàng nói đi từ nhiều năm rồi, bỏ không được. Nhờ bác sĩ viết một bài nói về chuyện này, để tôi đưa cho nàng đọc. Kẻo mỗi ngày đều nghe nàng than phiền, tôi mệt quá. Cảm ơn bác sĩ nhiều. Nguyễn Hoàng Văn- VA

Đáp

Thưa ông,

Tôi thông cảm với tâm trạng của ông và đây cũng là tâm trạng của nhiều người, kể cả các vị nữ lưu mang giày cao gót. Dù thế nào chăng nữa, phải công nhận là nữ giới mà mang giày gót cao cũng tạo ra nhiều vẻ đẹp hấp dẫn lắm. Nhưng gót cao cũng gây ra một vài rủi ro cho sức khỏe. Tôi xin có vài lời góp ý.


Trước hết xin nói tới đôi bàn chân

Thiên chức của hai bàn chân là để chống đỡ cơ thể, đi lại, chạy nhảy, leo trèo, nhún nhẩy múa may.

Khi đi đứng, hai bàn chân với các ngón thường là phải bám bằng trên mặt đất để chịu đựng sức nặng cơ thể. Mới sanh ai cũng có bàn chân dẹp. Chỉ khi bé thơ bắt đầu bước đi thì các cơ và gân mới căng ra và kéo các xương cong lên. Thường thường khi bước thì gót chân chạm mặt đất trước

Khi đi hoặc bắt đầu chạy, cẳng chân chịu sức nặng nhiều hơn trọng lượng cơ thể tới sáu lần. Bàn chân có nhiều xương nhỏ, mềm rất dễ gẫy. Nhưng chúng được cột với nhau bằng một hệ thống gân và dây chằng rất bền dai để giúp nhịp nhàng bước tới lui.


Giày với bàn chân

Chân để đi. Nhưng mặt đất cũng nhiều rủi ro gây tổn thương cho chân. Cho nên cần được bảo vệ bằng một thứ mà ta gọi là đôi giày, đôi dép.

Dép được dùng đầu tiên ở vùng khí hậu nóng với mục đích bảo vệ bàn chân, gót chân, nhưng mu bàn chân để hở vì cần thông thoáng. Trong khi đó dân miền núi, nơi có khí hậu lạnh thì mang giày ống.
 
Nhiều ngàn năm trước, giày cho cả nam lẫn nữ chỉ là một miếng vật liệu bao bọc toàn chân. Mãi tới thế kỷ 18 mới có khác biệt giữa giày nam giày nữ.

Giày với gót cao 6 inch đã được nữ lưu quý phái Âu Châu mang từ thế kỷ 17, và khi bước đi họ cần hai nô tỳ đỡ hai bên để đi đứng cho vững. 

Dù là để bảo vệ đôi bàn chân nhưng giày quá cao cũng đưa đến rủi ro cho người mang chúng.

Bình thường khi ta bước tới thì gót chân chạm đất trước. Nếu sờ vào gót, ta thấy da nơi đây cũng dầy hơn phần trước của chân. Khi sáng chế giày thì cũng không ai nghĩ tới chuyện làm gót cao. Nhưng dùng lâu, thấy gót giày thấp chóng mòn, cho nên đế được đưa cao hơn. Và mục tiêu sơ khởi của đế cao chỉ là vậy: để giày khỏi sớm mòn.

Nhưng thời trang làm đẹp lại đi xa hơn. Vì người ta thấy khi phụ nữ mang giày đế cao thì bước đi nom thanh cao, yểu điệu, dễ dàng nhún nhẩy.

Khi mang giày gót quá cao, quý bà quý cô sẽ bước đi trên những ngón chân của mình thay vì cả bàn chân. Ngực và thắt lưng sẽ đẩy về phía trước, hông ngả về phía sau, đầu gối gập lại, toàn thân tựa trên các đầu ngón chân. Hậu quả là bắp chuối không duỗi ra, trở thành co cứng, ngắn lại; đầu gối đau nhức vì bắp thịt trên đùi đè xuống. Nếu bước đi mà mất thăng bằng sẽ bị trẹo cổ chân, bong gân; gân gót chân co ngắn, cứng nhắc. Dáng đi sẽ thay đổi, chân trước không bước xa được, gót chân không chạm xuống đất.

Lái xe hơi với giầy gót quá cao hoặc dép mỏng cũng có vấn đề. Khi đạp thắng hay ga, ngón chân đè lên các bộ phận này, gót chân dựa xuống sàn xe. Với gót giày cao, gót chân nâng lên, đầu ngón chân luôn luôn đè trên thắng, ga, có thể gây tai nạn.

Phân tích một vài rủi ro khi đi giày cao gót.

1- Tư thế cơ thể. Khi đi giày cao gót, bàn chân sẽ ở vị thế chúi xuống đất, làm tăng sức ép lên đầu bàn chân. Cơ thể phải đổi vị thế để giữ thăng bằng: Phần dưới của cơ thể ngả về phía trước, phần trên phải ngả về phía sau. Đây không phải là vị thế bình thường, trong đó thân mình thẳng đứng trên hai bàn chân, vì thế dễ gây ra đau cho cột sống.

2- Dáng đi. Với giày cao gót, khi bước thì bàn chân chúi xuống không đẩy mạnh về phía trước, do đó cơ bắp ở hông phải làm việc nhiều hơn để đẩy cơ thể về đàng trước, đồng thời đầu gối cũng ngả về phía trước khiến cơ bắp căng thêm.

3- Sự thăng bằng cơ thể. Đi trên giày cao gót chẳng khác chi đi trên một một cái đà ngang, không có chỗ tựa ở mặt bằng khi ta té. Hơn nữa giày gót cao khiến cho bàn chân hướng ra ngoài, ta dễ bị mất thăng bằng và gây tổn thương cho cổ chân.

4- Lưng. Bình thường, cột sống lưng có hình cong chữ S để giảm sức ép lên các đốt xương sống. Khi đi giày cao gót, cột sống thắt lưng từ cong trở thành thẳng ngả về phía trước, đầu và cột sống ngực ngả về phía sau khiến cho các bắp thịt căng ra, lâu ngày đưa tới đau lưng.

5- Hông. Giày cao gót khiến cho các bắp thịt ở hông và đùi phải co duỗi nhiều hơn để đẩy cơ thể về phía trước, lâu ngày sẽ co ngắn lại,

6- Đầu Gối. Viêm khớp đầu gối thường xảy ra nhiều gấp đôi ở phụ nữ so với nam giới, một phần cũng vì giày cao gót. Lý do là trong trường hợp này, đầu gối sẽ ngả về phía trước, xương ống chân tibia quay vào trong, mặt trong của đầu gối chịu nhiều sức ép khiến cho khớp dễ bị viêm. Hơn nữa giày cao gót cũng tăng chiều cao từ đầu gối tới mặt bằng, một rủi ro đưa tới viêm khớp.

7- Cổ Chân. Khi đi giày cao, sức mạnh và tầm cử động của cổ chân bị giới hạn, bắp chuối co lại, giảm sức đẩy khi cất bước đi. Gân gót chân Achille tendon cũng co lại và lâu ngày sẽ bị viêm sưng.

8- Bàn chân. Giày cao gót tăng sức ép lên phần trước của bàn chân và các đầu ngón chân chúi xuống đất. Gót giày càng cao thì sức ép càng mạnh, lâu ngày đầu ngón chân tòe ra, bao dịch hoạt ngón chân cái bị viêm sưng bunion thậm chí dây thần kinh cũng bị tổn thương.

9- Da và các ngón chân. Với giày cao gót, các ngón chân sẽ bị “giam” trong một khuôn kín hẹp, ngón chân ép vào nhau. Sự cọ xát sẽ đưa tới chai cứng da, bóng nước blister.

Nói chung, thường xuyên đi giày cao gót gây ra nhiều rủi ro cho xương khớp.


Để cứu vớt đôi bàn chân

Với trường hợp của bà nhà cũng như nhiều vị khác, nếu muốn tiếp tục đi giày cao gót, xin đề nghị mấy mẹo vặt như sau.

1. Luân phiên thay đổi giày, ngày cao ngày thấp để giảm tổn thương cho cơ bắp, xương khớp liên hệ;

2. Thư giãn bàn chân: Sau một ngày đi gót cao, ngồi trên ghế, lấy một mảnh vải quấn vào bàn chân, kéo về phía mình đồng thời xòe các ngón chân về phía trước để thư giãn gân cốt bàn chân;

3. Khi đi làm, mang giày thấp để bước di dễ dàng, lái xe thoải mái, đến sở chuyển sang gót cao;

4. Chọn đế giày cao nhưng mặt bằng của gót giày rộng để bước đi đỡ chênh vênh nghiêng ngả.

Chúc ông và gia đình vui mạnh.

NYĐ