Mỗi ngày tôi nhận được thư từ độc giả hỏi họ cần mua loại máy ảnh nào để có thể chụp hình tốt hơn. Thay vì trả lời riêng cho từng người, Andy sẽ dùng bài viết kỳ này để giải thích rõ hơn cho các bạn.
Nếu bạn đã có máy ảnh số, và muốn mua thêm một máy mới chỉ vì thị trường mới ra model mới. Xin trả lời đơn giản là máy ảnh mới sẽ không làm cho bạn trở nên người chụp giỏi hơn, mà chỉ làm bạn là người chủ của một máy mới.
Nếu bạn đã có máy ảnh chụp phim, điều này cũng chứng minh một phần là bạn đã đi vào thế giới nhiếp ảnh khá lâu rồi (trên 10 năm, trước thời đại của máy ảnh số) và cũng đã cầm máy ảnh khá “vững”.
Nếu bạn chưa có máy nào và đang tìm mua cho mình một máy ảnh, xin đọc lại Kỳ 1 “Làm Sao Để Mua Được Một Máy Ảnh Tôi Thích?” của Góc Nhiếp Ảnh trong báo Trẻ. (www.baotreonline.com)
Thật ra tôi cũng muốn dùng máy mới và ống kính mới như ai. Nhưng máy mới và ống kính mới sẽ không là lý do chính để tạo ra những hình ảnh đẹp. Bạn mới là lý do chính. Thật ra, đồ nghề tối tân và mắc tiền có thể làm hình của bạn đẹp hơn, nhưng với điều kiện bạn đã biết cách chụp hình đẹp với những dụng cụ bạn đã có sẵn. Hàng ngày tôi thấy hàng chục tấm hình xuất sắc chụp bằng những máy bỏ túi hoặc bằng iPhone. Ngược lại tôi cũng thấy nhiều tấm hình rất tệ, “chán bỏ xừ”, chụp bằng những máy “xịn”.

Sau một buổi biểu diễn đàn dương cầm, không ai trong khán giả sẽ hỏi nhạc sĩ đó dùng đàn hiệu gì. Họ nhận được xúc động từ người đàn, không phải từ cây đàn.
Một tin ngắn trên Yahoo.com tôi đọc cách đây không lâu, bên Pháp có người mua xe Ferrari mới tinh tốn mấy trăm ngàn đô mà lại không biết lái số tay, chạy tới mỗi ngã tư đèn đỏ thì bị tắt máy, thật là “quê”.
Những tấm ảnh gây ấn tượng nhất trong thế kỷ qua đã được chụp với đồ nghề ít tối tân và phức tạp hơn những máy ảnh bỏ túi ngày nay, nhưng lại có một yếu tố chung: Những người chụp ảnh đó có sự đam mê và cái nhìn nghệ thuật.
Ansel Adams là một nhiếp ảnh gia người Mỹ, có thể là nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 với những tác phẩm trắng đen về cảnh vật, đặc biệt ở Công viên Quốc gia Yosemite.

Sau hơn 70 năm cải tiến máy ảnh, độ rõ của ống kính, và những tiến bộ về kỹ thuật, vẫn chưa ai có thể chụp được những tấm ảnh như ông Ansel đã chụp hồi xưa trong thập niên 1940s. Nên nhớ, thời đó ông Ansel không có Photoshop để dùng.
Các phần mềm như Photoshop, Lightroom, hoặc Aperture sẽ không biến một hình xấu thành hình đẹp, nhưng chắc chắn sẽ làm một tấm hình đẹp càng đẹp hơn.
Ông Ansel có nói: “Một bộ phận quan trọng nhất của máy ảnh là khoảng 2 tấc phía sau nó.”
Tôi đã dùng những đồ nghề căn bản trong nhiều năm. Ngay cả sau khi trở thành professional, tôi vẫn dùng những đồ nghề đó thêm một thời gian. Đôi khi những học trò của tôi còn có máy ảnh và ống kính “ngon” hơn của tôi nữa! Tôi chỉ mua đồ mới từ từ từng món, và chỉ khi nào có đủ tiền. Trong khi chờ đợi, tôi tập chụp cho đẹp với những dụng cụ đã có.
Nếu bạn muốn trở thành một người chụp hình tốt hơn, bạn nên học cách nhìn nghệ thuật. Người Mỹ có câu “It’s always better to spend your time and money on learning art and photography, not by spending it on more cameras.” (Tốt hơn đầu tư thời gian và tiền của bạn để học nghệ thuật và nhiếp ảnh, không phải bằng cách xài tiền vô máy ảnh.) Học nhìn những cái mới và nhìn những gì quen thuộc với khía cạnh mới. Cầm máy ảnh ra ngoài, thực tập hằng ngày. Nên tập tự đặt cho mình những đề tài để chụp, rồi thực hiện mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Điều quan trọng nhất – luôn luôn thúc đẩy sự sáng tạo của bạn, ra khỏi vòng tiện nghi của bạn! Đây là câu khẩu hiệu của riêng tôi: “Must shoot, must shoot!” (Phải chụp, phải chụp!)


Có nhiều nguồn cảm hứng bạn có thể tìm khắp nơi – trên mạng, trong các tiệm sách có nhiều sách nhiếp ảnh, trong các thư viện cũng có nhiều sách nhiếp ảnh, và từ những tác phẩm của những nhiếp ảnh gia có tên tuổi. Lấy cảm hứng thì được, nhưng đừng bắt chước họ! Trong nghệ thuật, mục đích là tự phát triển một style riêng của bạn, chứ không nhái người khác. “Style” được có từ cái nhìn nghệ thuật, thí nghiệm, và kỹ thuật chuyên môn – những điều này cần thời gian để khai thác. Một máy ảnh hàng đầu có thể sẽ làm bạn nhìn “ngầu”, nhưng nó sẽ không cung cấp cho bạn một style nhiếp ảnh.
Tất cả chúng ta đều phải bắt đầu ở một điểm nào đó. Máy ảnh chỉ là một dụng cụ, giống như cây cọ của một họa sĩ. Không sao nếu bạn mơ ước về những đồ nghề tối tân nhất trên thị trường, nhưng đừng than thở rằng hình của bạn không đẹp vì máy “dzởm”. Hãy tận dụng những gì bạn có. Đó là lý do bạn sẽ trở thành người chụp ảnh giỏi hơn.
… Hừmmm… phải chi có ai mua cho mình cái máy Nikon D4 hén?!