Menu Close

Dọn bàn thờ đón Tết

Trong giấy khai sinh, tôi là người không tôn giáo. Cả cha mẹ tôi cũng vậy. Mặc dù thỉnh thoảng có đi chùa, cầu khấn Trời Phật nhưng chúng tôi vẫn không dám nhận mình là người Phật giáo. Có thể vì chúng tôi chưa đủ chăm chỉ thực hành những lễ nghi đạo Phật. Nhưng có một Ðạo mà cha mẹ tôi theo, tôi theo, và hàng triệu người Việt đã theo từ thuở hồng hoang xa xưa đó là Ðạo thờ cúng Tổ tiên.

Ngày nay, dù có văn minh tiến bộ đến mức nào, dù có sinh sống trên quốc gia hiện đại bậc nhất năm châu thì tôi vẫn tin và theo phong tục đó.

Mẹ tôi không chăm đi lễ chùa nhưng bà lại rất chăm chút cho bàn thờ tổ tiên, sớm chiều nhang khói, dâng cúng hoa thơm trái ngọt quanh năm. Bàn thờ gia tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà tôi. Nơi mà lũ trẻ chỉ được lại gần khấn vái vào những dịp lễ, Tết trong gia đình. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ về ngày Tết trên quê hương, điều khiến tôi nhớ da diết nhất là truyền thống dọn bàn thờ vào ngày 29 Tháng Chạp.

Lúc còn nhỏ, tôi chỉ được ngồi chầu rìa nhìn mẹ dọn dẹp bàn thờ. Trong đôi mắt thơ ngây của tôi ngày đó, mẹ tôi bỗng trở nên thật đặc biệt đầy uy quyền. Trước khi dọn, mẹ đọc một bài khấn xin phép các cụ được dọn dẹp bàn thờ cuối năm. Mẹ dời những bát nhang trên bàn, gỡ bỏ phần chân nhang tích lại nguyên cả một năm trời. Bà cẩn thận tỉ mỉ lau từng bát nhang bằng một chiếc khăn mới sạch bong với nước thơm đun từ thảo mộc. Rồi đến khung ảnh thờ, đèn thờ… Khi tất cả đã sạch sẽ tinh tươm, mẹ đặt lại bát nhang vào vị trí cũ rồi bày một mâm hoa quả lớn lên trên bàn thờ. Khác với mâm ngũ quả miền Nam với cầu, dừa, đủ, xoài, mâm ngũ quả của nhà tôi có một nải chuối xanh lớn, bưởi,cam, ớt đỏ và quả sung. Mẹ bảo mâm ngũ quả theo lệ cổ miền Bắc phải có đủ vị chua, cay, ngọt, đắng. Hoa chưng trên bàn thờ ngày Tết là hoa hải đường và hoa cúc đại đóa màu vàng.

Chân nhang tỉa ra từ bát nhang được hóa cùng với vàng mã trong bữa cỗ Tất niên ngày cuối năm. Sau đó, tro được thả ra sông cho sạch sẽ, mát mẻ.

Mãi đến khi tôi 20 tuổi mới được mẹ giao cho nhiệm vụ dọn bàn thờ cuối năm. Tôi vẫn từng ngưỡng mộ mỗi khi nhìn mẹ làm việc này. Nhưng phải đến khi được tự tay lau dọn, bày biện bàn thờ, tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa thiêng liêng. Khi đó, tôi thấy như mình được đến miền giao thoa của hiện tại và quá khứ, của thế giới tâm linh huyền diệu. Dường như những vong linh từ bao đời đã quá vãng trong gia đình tôi cũng đang vui mừng, hỉ hả.

Ở nhà, tôi cũng có em trai nhưng mẹ không giao cho nó. Bà bảo việc này phải tập cho con gái để sau này còn lo việc thờ cúng cho gia đình nhà chồng. Chẳng biết mẹ tôi lo cho tổ tiên gia đình người dưng (là nhà chồng tôi), vì bà “trọng nữ khinh nam” hay vì tôi là đứa con mà bà thương quý nhất. Nhưng đối với tôi, truyền thống cuối năm đó của gia đình là một nhiệm vụ thiêng liêng mà tôi trân quý.

Hôm nay, nhận được điện thoại của mẹ. Bà nói “Mẹ vừa dọn bàn thờ cuối năm”. Tôi thấy như tim mình nghẹn lại. Bởi tôi biết, bà hẳn phải nhớ thương rất nhiều đứa con gái đi lấy chồng nơi xứ xa khi Tết đến xuân về.

don banthotet

HG