Allium Sativum thuộc họ Lillaceae. Tên Pháp: Ail, Mỹ: Garlic, Đông Y: Đại Toán.
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT:
Tỏi là một cây lưỡng niên, mọc thẳng đứng, có thể cao từ 60cm đến 90cm. Cây trổ hoa trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 9. Hoa màu từ Hồng đến Tím. Tỏi có khả năng chịu lạnh và nên trồng ở những vùng đất xốp, không nên tưới quá nhiều nước. Củ có mùi hăng và nên thu hoạch vào cuối mùa Hè, tồn trữ nơi mát và tối. Không nên làm dập củ vì củ bị dập dễ bị mốc và hư hại.
LỊCH SỬ:
Tỏi đã được xử dụng từ thời cổ đại. Được tìm thấy trong các hang động từ trên 10 ngàn năm. Toa thuốc đầu tiên dùng Tỏi được tìm thấy khắc trên đất nung từ 3 ngàn năm trước Tây Lịch. Người Ai Cập dùng Tỏi làm đơn vị tiền tệ để trao đổi. Giá trị một Nam Nô Lệ được định là 8Kg Tỏi. Sách thuốc xưa nhất thế giới: Ebers Papyrus ghi nhận Tỏi là thành phần của 22 toa thuốc dùng để chữa bệnh nhức đầu, bị bọ cạp đốt, đau bụng khi có kinh nguyệt, sán lãi..
Tỏi được dùng trong Y Học dân gian khắp nơi trên thế giới từ Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam. Hy Lạp và La Mã rất thích dùng Tỏi để trị bá chứng. Ông Tổ Tây Y Hippocrate dùng Tỏi để trị nhiễm trùng vết thương, ung thư và Cùi. Trong hồi thế chiến thứ nhất, các bác sĩ quân Y Anh, Pháp và Nga đã dùng Nước Cốt Tỏi để trị các vết thương cho binh sĩ và trị kiết lỵ. Mãi đến năm 1928, sau khi Flemming tìm ra Penicilline, việc dùng Tỏi mới đi vào quên lãng.
Người Việt Nam cũng đã biết dùng Tỏi từ thời xa xưa: Đập nát một tép Tỏi nhét vào họng gà có thể chữa được bệnh Toi Gà. Uống một tép Tỏi khi ăn khó tiêu. Nhỏ nước Tỏi vào mũi để ngừa cảm cúm. Bơm Nước Cốt Tỏi vào hậu môn để chữa bệnh Trĩ. Uống Rượu ngâm Tỏi để ngừa cảm lạnh..
THÀNH PHẦN HÓA HỌC:
Tỏi tươi chứa nhiều sinh tố, khoáng chất và hai chất đặc biệt là Germanium cà Selenium với hàm lượng đáng kể, có thể đây là hai chất tạo cho Tỏi tính cách trị ung thư?
Tỏi chứa 0.5% tinh dầu dễ bay hơi. Trong Tinh Dầu này, có nhiều hợp chất chứa Sulfur như: Diallyl-disulphide, diallyl-trisulphide, methyl allytrisulphide.
Căn Hành (củ) chứa một amino-acid không mùi, không màu gọi là Allin (S-allyl-L-Cysteine). Chất này không có đặc tính Dược Học. Nhưng khi đập nát Tỏi, phân hóa tố Allinase được phóng thích và biến đổi alliin thành Allicin và Allicin chính là hóa chất tạo mùi nồng của Tỏi và là hoạt chất dược học chính của Tỏi.
ĐẶC TÍNH DƯỢC HỌC:
Tỏi là một cây thuốc được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất với hơn 1200 công trình trên khắp thế giới. Đặc tính Dược Học của Tỏi cũng tùy thuộc rất nhiều vào phương thức chế biến (Trích tinh Tỏi tồn trữ lâu năm, trích bằng hơi nước, trích bằng dầu, sấy khô bằng nhiệt độ thấp..). Các nhà khoa học Trung Hoa (Shangdong) đã tìm được tác dụng chống lão hóa (anti-oxydant) của Tỏi. Họ cho rằng Allicin tăng hoạt động của hai phân hóa tố chống lão hóa trong máu là Catylase và Glutathion oxidase. Các khoa học gia Nhật tìm được chất trích tinh Tỏi lâu năm chứa 5 loại chất sulfur có tác dụng ngăn chặn sự lão hóa của tế bào Gan.
Tỏi được nghiên cứu rất nhiều về tác dụng trên Hệ ThốngTim Mạch (trên 25% công trình nghiên cứu khoa học). Một số hợp chất Tỏi cho thấy tác dụng tốt trên thành phần Chất Béo (Lipid) trong máu (bao gồm Cholesterol LDL và HDL, và các Triglycerides). Tác dụng điều hòa huyết áp cũng được ghi nhận. Khi nghiên cứu trên thú vật, Tỏi cho thấy có tác dụng cân bằng hóa với chế độ ăn uống có chất đường thật cao. Khi cho Chuột ăn theo một chế độ dinh dưỡng Đường cao trong hai tháng liên tiếp, tỷ lệ cholesterol và triclycerides tăng lên 50%. Nhưng nếu cho Chuột dùng thêm 100mg Dầu Tỏi /mỗi Kg cơ thể thì tỷ lệ này lại bình thường.
Tỷ lệ này cũng được chứng minh nơi người. Cho dùng 100g Bơ nơi hai nhóm người. Một nhóm có dùng 50g nước ép từ Tỏi và một nhóm không dùng. Kết quả cho thấy nhóm dùng Tỏi có tỷ lệ Cholesterol trong máu thấp hơn nhóm không dùng Tỏi 7%. Ngoài ra Tỏi cũng làm hạ tỷ lệ Triglyceride và Cholesterol xấu (LDL) trong máu.
Tiểu cầu (Platelet) là tác nhân giúp sự đông máu khi chúng ta bị thương tích, nhưng nếu máu quá đặc, tự đông trong mạch máu thì lại gây nguy hiểm, tạo ra Stroke với mọi tai biến có thể làm liệt người hay chết. Dầu Tỏi đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự hoạt động của tiểu cầu có lẽ do can thiệp vào sự tổng hợp thromboxane. Từ Dầu Tỏi, Ariga đã trích được một hóa chất ngăn cản sự đông tụ (aggregation) của tiểu cầu và gọi là methylallytrisuphide (MATS). Dầu Tỏi chứa 4 – 10% MATS. Hoạt chất quan trọng nhất ngừa được sự đông cục máu trong mạch máu là Ajoene. Ajoene rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự tạo thành cục máu đông khi mạch máu bị tổn thương và đã được dùng trong các trường hợp khẩn cấp để trị đông máu.
Tác dụng gia tăng sự ly giải Fibrin (fibrinolytic) của Tỏi cũng đã được ghi nhận. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng sự tổng hợp của các tác dụng hạ cholesterol, hạ Triglyceride, hạ LDL, tăng HDL, giảm đông tụ tiểu cầu, tăng ly giải Fibrin làm cho Tỏi có giá trị lớn trong việc ngăn ngừa các bệnh Tim Mạch. Một số thống kê cho thấy dân Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi ít bị Tim mạch vì liên hệ đến việc dùng Tỏi.
. Các nhà nghiên cứu tại New Orleans (1996) cho biết Chế Phẩm Tỏi chứa 1.3% Allicin có thể làm hạ huyết áp ở giai đoạnTâm thu (Systolic)
. Dầu Tỏi (0.1ml/10g) giúp chữa được các chứng bệnh tiêu hóa như Tiêu Chảy (đã thử nghiệm nơi Chuột)
. Tỏi làm hạ đường trong máu bằng cách tăng hoạt động của Insulin và tăng sự tồn trữ Glycogen nơi Gan.
Tác dụng Sát Trùng và Kháng Sinh đã được biết từ ngàn xưa. Trong thế chiến thứ hai, chất trích tinh Tỏi dùng để chữa vết thương. Trong những năm 1800, Tỏi dùng để trị Lao Phổi. Tỏi được dùng rất phổ biến tại Nhật và Nga. 1mg trích tinh Tỏi được xem là có hoạt tính ngăn chặn vi khuẩn tương đương với 15 đơn vị Oxford Penicillin hay bằng 1% tác dụng của Penicillin.
Khả năng diệt Nấm (antifungal) của Tỏi được ghi nhận có thể dùng để trị các bệnh Nấm nơi bộ phận sinh dục của phụ nữ.
Tỏi cũng đã được nghiên cứu về tác dụng ngăn ngừa ung thư nhất là ung thư bao tử và Ruột. Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Hoa Kỳ đang đánh giá khả năng của Tỏi trong việc làm giảm sự phát triển các ung thư bướu độc và các tế bào ung thư trong Gan.
Ngoài ra Tỏi cũng cho thấy có triển vọng trong khả năng tăng hoạt động các tế bào T nơi người mắc bệnh HIV/AIDS. Một chất protein F4 đặc biệt tích trữ Tỏi lâu năm có khả năng chống Virus HIV bằng cách tăng tổng hợp IL2.
ĐỘC TÍNH CỦA TỎI:
Tuy Tỏi được dùng làm gia vị rất thông dụng vì hoàn toàn không độc haị. Tuy nhiên liều 25ml Trích Tinh Tỏi có thể gây cảm giác bỏng mồm, cuống họng, thực quản, gây ói mửa, toát mồ hôi. Những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu (Coumarin) nên thận trọng khi dùng Tỏi quá độ.
CÁCH DÙNG CÁC CHẾ PHẨM TỎI:
Các chế phẩm Tỏi được bán trên thị trường Hoa Kỳ dưới nhiều hình thức, và tùy theo tác dụng trị liệu:
. Viên Tỏi: Nhiều loại viên nén (Tablet) đến loại viên nang (Capsule), viên tan chậm (Slow Release).
– Các viên nén chứa từ 100 đến 500mg bột Tỏi. Viên 100mg của hãng Kwai dùng với liều từ 2 đến 3 viên mỗi ngày. Viên 400mg của hãng Ginsana chứa trích tinh Tỏi ở nhiệt độ thấp với liều dung mỗi ngày một viên.
– Các viên tan chậm chứa 600mg bột Tỏi của Arizona phóng thích Tỏi dần dần trong 8 tiếng đồng hồ. Viên Garlicin chứa 900mg bột Tỏi.
. Dung dịch trích tinh Tỏi:
Kyolic Liquid chứa trích tinh Tỏi lâu năm với cách dùng ¾ muỗng cà phê mỗi ngày 2 lần.
Có thể tự chế Rượu Tỏi theo phương thức sau: Ngâm ½ pound (200g) Tỏi đã lột vỏ trong 1 quart rượu (Brandy hay Sake – 1 lít) ở nhiệt độ 85 độ F trong bình đóng kín trong 2 tuần lễ, mỗi ngày nên lắc vài lần. Lọc lấy rượu, mỗi ngày dùng từ 2 tới 3 lần mỗi lần từ 5 đến 25 giọt.
Ảnh minh họa. NGUỒN:SECRET-GARDEN-CLUB.BLOGSPOT.COM
D.S Trần Việt Hưng