Menu Close

Phỏng vấn Tân Niên – Kỳ 1

1. Là người cầm bút mà chức năng đầu tiên là viết ra giấy những suy nghĩ trung thực của mình, anh/chị nghĩ gì khi có quan niệm cho rằng: vì thể hiện trong ngôn ngữ Việt, văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc?

2. Cũng có ý kiến đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bất lực của đại đa số nhà văn trước thực tế đất nước. Quá nhiều xáo trộn xã hội, từ đời sống đến lý tưởng, niềm tin, đạo đức thay đổi, mà tác phẩm của nhà văn Việt Nam chỉ ghi lại được rất ít những biến chuyển này. Anh/chị có một lời giải thích?

3. Sau hai thập niên Đổi Mới, với tiến trình toàn cầu hóa bên cạnh phương tiện thông tin internet, các cánh cửa thế giới gần như đồng loạt mở toang cho nhà văn Việt Nam. Anh/chị nhìn thấy hiệu ứng nào, ảnh hưởng ra sao trên tác phẩm của các đồng nghiệp?

4. Văn chương Việt Nam đang thiếu gì?

5. Như vậy, thế nào là một truyện ngắn hay, một thể loại mà hầu hết các nhà văn Việt đều có nhiều mươi sản phẩm?

6. Có bao giờ áp lực của kiểm duyệt hay những cấm kỵ vì đạo đức, hoặc thuần phong mỹ tục xuất hiện ngay trong quá trình sáng tác, và chính các anh/chị tự kiểm duyệt mình bằng cách tự cắt bỏ những đoạn “không đúng quy định” hay vượt quá vòng phấn tự vạch lấy cho .

7. Một nền văn học thật sự khỏe mạnh, có phải trước hết là một nền văn học giấy in khỏe mạnh, có nhất thiết duy trì ấn phẩm giấy in hay internet sẽ thay thế tất cả? “Xuất bản trên mạng” sẽ là ưu tiên của nhà văn để đến được với số đông độc giả đọc truyện miễn phí, hay người cầm bút hoặc người gõ phím vẫn thiết tha cầm trên tay tác phẩm của mình còn thơm mực in? Ưu tiên thật sự của anh/chị?

 

 

Hoàng Ngọc Thư

Nhà văn, nhà thơ, vốn là nhà nghiên cứu Vật Lý Thiên Văn, hiện là nhà giáo dạy Toán ở Adelaide, Nam Úc. Ðã viết 50 truyện ngắn và một số tuỳ bút và thơ. Cộng tác với các báo in Hợp Lưu, Văn Học, Văn; các báo mạng Tiền Vệ, Da Màu, và một số tạp chí và báo mạng khác ở trong và ngoài nước. Ðã xuất bản tập truyện ngắn Người Ði Tìm Bóng Tối tháng 12/2006.

 pv tannien 01

1.Tôi không đồng ý về điều này. Ðối với tôi, ngôn ngữ Việt chỉ là phương tiện để chuyên chở ý tưởng và thành quả sáng tác của người viết. Còn việc văn chương có bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh đất nước hoặc những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế v.v… hay không là tuỳ mỗi người, không nhất thiết ai cũng phải bị ràng buộc vào cái gọi là « định mệnh dân tộc ». Tôi chưa bao giờ sáng tác văn chương theo bất cứ trào lưu nào, và tôi nghĩ rằng sẽ là điều rất hiếm hoi, nếu có bao giờ, tôi lại có cảm hứng sáng tác từ những sự kiện liên quan đến đất nước. Mặc dù tôi là người rất yêu nước và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để góp phần bồi đắp và bảo tồn đất nước Việt Nam, văn chương đối với tôi là một sinh hoạt hoàn toàn độc lập và tách rời khỏi những giới hạn về mọi mặt có liên quan đến dân tộc Việt.

2.Tôi chưa bao giờ thử viết về điều này, nhưng tôi nghĩ rằng trọng tâm của văn chương là sáng tạo chứ không phải để ghi lại những thay đổi trong cách sống và tâm tư tình cảm của người Việt (hoặc bất cứ dân tộc nào khác) sau những chuyển biến về văn hóa, lịch sử v.v… . Ngay cả những bài viết về cùng một vấn đề của các nhà sử học và xã hội học là những người cố gắng ghi lại hoàn toàn sự thật, sự khác biệt có khi đã rất lớn vì chúng đã được viết theo cách nhìn và cảm quan của mỗi cá nhân. Với sự nỗ lực của nhiều người trong giới chuyên làm nghiên cứu, chưa chắc chúng ta đã có được một bức tranh đầy đủ và chính xác về những thay đổi trong lối sống và tư tưởng, vì những biểu hiện bên ngoài thường là quá ít ỏi và đơn giản so với mức độ phức tạp và biến đổi không ngừng trong đời sống tinh thần của con người.

Bên cạnh việc sáng tác là đi từ cảm hứng chứ không phải để ghi nhận, qua tay các nhà văn, nhà thơ, phần hiện thực lại còn ít hơn nữa để nhường chỗ cho trí tưởng tượng của tác giả. Vì thế nếu xét vấn đề này một cách thực tế, tôi nghĩ rằng phần hiện thực trong một tác phẩm văn chương có nhiều lắm thì cũng chỉ bằng bộ xương người được nhắc đến, còn mặt mũi, tóc tai, hình hài v.v… của người ấy là hoàn toàn tùy ý tác giả nhào nặn, vẽ vời, cho nên chúng ta không hy vọng gì vào việc dùng các tác phẩm văn chương để nhận diện hoặc đánh giá những con người trong đời sống thật. Văn chương mãi mãi là tài sản riêng và phản ảnh cách nhìn riêng của mỗi người viết, cho nên chúng ta không nên trông mong vào các nhà văn, nhà thơ để ghi lại bất cứ điều gì có thể dùng làm tài liệu về những vấn đề liên quan đến xã hội.

3.Về mặt tích cực: tôi thấy được số lượng tác phẩm, các thể loại và những phong cách viết khác nhau tăng lên rất nhanh và rất nhiều so với thời gian trước khi có internet. Từ đó, chúng ta phát hiện ra nhiều tài năng mới, đây là một điều rất đáng mừng. Về mặt tiêu cực: có rất nhiều bài viết được xem như là những thử nghiệm cho lối sáng tác mới, nhưng thật ra chúng chỉ là những bản sao kém cỏi của các nhà văn danh tiếng khác, hầu hết là thuộc về thế kỷ trước và không phải là người Việt. Bên cạnh đó, tôi thấy có nhiều người đã nhân danh « đổi mới » để viết một cách bừa bãi. Nhiều bài viết tôi phải cố gắng lắm mới đọc nổi, chỉ để thấy rất thất vọng với người viết lẫn độc giả đã khen ngợi những bài viết vừa kém về bút pháp mà vừa nghèo nàn ở nội dung.

4.Những người tin vào sự kỳ diệu của óc tưởng tượng và sẵn sàng đi một mình trên đường sáng tác.

5.Trong số những truyện ngắn của tác giả Việt mà tôi đã đọc được, thú thật là có rất ít mà tôi thấy hay và muốn đọc lại. Theo tôi, một truyện ngắn hay phải lôi cuốn người đọc, phải hớp hồn, thôi miên độc giả, không những trong lúc đọc, mà cả sau khi câu chuyện đã chấm dứt, khiến họ phải suy nghĩ, băn khoăn, ray rứt, mơ tưởng… Một truyện tuyệt vời là một tác phẩm mà người đọc không thể nào quên.

Một truyện hay đối với tôi trước hết phải những ý tưởng mới lạ để người đọc không có cảm giác đã xem ở đâu đó một truyện tương tự. Cốt truyện hay thường là điểm nổi bật, nhưng vẫn có một số truyện cực kỳ xuất sắc không có cốt truyện. Ðiều hấp dẫn chính của tất cả những truyện hay là tạo ra được một không khí đặc biệt, khiến cho người đọc không thể rứt ra khỏi câu chuyện, và ấn tượng của nó đọng lại lâu dài. Bên cạnh đó, những truyện hay thường có chiều sâu ở tư tưởng, cảm xúc, và phải được viết thật chính xác, hoàn chỉnh để không làm mất đi cái hay, cái đẹp của nội dung.

Bố cục chặt chẽ, câu từ chuẩn xác cũng góp một phần lớn vào thành công của câu chuyện; cho nên có một số tác phẩm mặc dù có ý tưởng hay, tôi đã không có hứng thú hoặc kiên nhẫn đủ để đọc cho hết, nếu tác giả hoặc dịch giả đã viết luộm thuộm, lôi thôi. Ðối với tôi, một tác phẩm hay phải hoàn thiện ở mọi mặt, mà tối thiểu là phải đúng ngữ pháp và chính tả. Tôi đã hết sức kinh ngạc khi thấy có một số tác phẩm được cho là hay và gây xôn xao trong giới văn chương Việt Nam chỉ vì những điều gớm ghiếc, quái đản mà lại còn quá tệ về ngữ pháp và có nhiều lỗi chính tả.

6.Không, và có lẽ là sẽ không bao giờ.

7.Ðối với tôi, chắc chắn là văn chương trên mạng sẽ chẳng bao giờ thay thế được niềm vui được cầm tập sách, tập thơ trên tay để thưởng thức. Cho đến bây giờ, với kỹ năng thông tin tuyệt luân và việc xuất bản trên mạng có thể thỏa mãn nhu cầu độc giả tức thời, số sách in vẫn không ít đi, cũng như sự vất vả và niềm tự hào của mỗi tác giả được có sách xuất bản vẫn không giảm đi chút nào, nhất là từ các nhà phát hành sách danh tiếng thế giới. Ðộc giả có thể đọc nhiều loại tác phẩm khác nhau trên mạng, nhưng chắc chắn là họ chỉ mua những cuốn sách, tập thơ giá trị để cất giữ và đọc lại sau này. Vì vậy mà mặc dù đa số tác phẩm của tôi đã được phát hành trên mạng và các tập san văn chương, tôi vẫn thích có sách in để độc giả và tôi được giữ lại những thành quả sáng tác của mình. Trong một thời đại mà mọi thứ từ vật chất đến tinh thần đều được cung cấp và tiêu dùng theo lối thức ăn nhanh, tôi nghĩ rằng những người viết và độc giả vẫn còn chờ để được đọc những tạp chí văn chương định kỳ là vì lòng yêu văn chương đích thực. Bên cạnh đó, những ấn bản sẽ được chủ nhân giữ lại như những kỷ vật đẹp đẽ và còn được đọc lại nhiều lần sau này.

 

Đình Đình

Tên thật Từ Nữ Triệu Vương, viết báo tại Hà Nội, xuất hiện lần đầu trên văn đàn hải ngoại từ tháng 8-2005.

pv tannien 01

1.“Chức năng đầu tiên là viết ra giấy những suy nghĩ trung thực” thì chắc tôi khó được như vậy. Chức năng viết hay cái lý do run rủi tôi viết cũng chỉ là giai. Viết như một chiêu bài giúp tôi tán… giai.

Còn văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc hay không, cũng không khiến tôi bận tâm. Có thể với anh A, chị B sẽ quan niệm như anh nếu, còn tôi chẳng quan niệm gì. Còn nghĩ gì ư? Khi trong đầu tôi không có lấy 1 quan niệm về văn chương thì tôi sẽ không quan tâm đến 1 quan niệm nào khác. Thôi thì, tôi cứ viết để tán giai thôi.

2.Thú thật, nhà văn Việt Nam chẳng suy nghĩ nhiều như các câu hỏi anh nêu ra đâu. Thậm chí, họ có quan tâm cũng chỉ bằng 1/10 năng lượng của câu hỏi đã nêu thôi. Tôi thích đọc blog hơn đọc văn chương các nhà văn hiện nay vẫn đang viết ở trong nước. Vì blog cập nhật thông tin từng ngày từng giờ, tôi thấy được những xáo trộn xã hội, những quan điểm suy nghĩ, niềm tin hoài bão của các blogger.

Còn các nhà văn ư? Đến cập nhật cách sống, cách ăn uống, chơi bời còn ngây ngô như gà công nghiệp, huống hồ đòi chạy đuổi theo thời cuộc. Cái thời nhà văn hiện nay phải dùng đúng từ của Nam Cao “nhà văn đắp chăn bông”. Tôi chẳng thấy họ viết gì, nếu viết thì tôi thấy họ chỉ đang dùng đúng chức năng copy & paste của con chuột. Ví như, anh này cô kia đi kiểu Ta balô một vài tháng về viết ngay cuốn sách. Hoặc cô này đang thấy hot chuyện đồng tính, hoặc chuyện giai tân gái nạ dòng ừ thì lại viết. Viết như là những điều rất lạ lẫm vậy. Mà đúng ra, những thứ đó chỉ lạ lẫm với bản thân người viết.

3.Có cánh cửa thế giới thì mở toang, nhưng bản thân nhà văn không đủ năng lực để bước vào thế giới đấy. Có nhà văn chỉ biết ngồi vào máy tính, bật phần word để gõ, cùng lắm là check email. Thậm chí, chủ tịch Hội Nhà Văn là ông Hữu Thỉnh còn không có 1 email riêng, không biết check email (cho đến thời điểm này nhé!). Hội nhà văn VN không có lấy một website Văn học. Thế nên, dù có lắp wifi phủ đến tận WC, thì nhiều nhà văn vẫn lôi bút chì viết tạm lên giấy vệ sinh, nếu lỡ đang đại tiện chợt bật ra áng thơ nào đó.

4.Thiếu nhiều lắm, chẳng đếm hết ra đâu. Có thể thay cho tôi câu hỏi: “Nhà văn Việt Nam thiếu gì?” thì tôi sẽ đếm ra được.

5.Tôi thấy truyện ngắn hay dở phụ thuộc vào chi tiết, có thể vì tôi quá thích các chi tiết chăng! Tôi thường không nhớ cốt truyện, không nhớ hết tên nhân vật nhưng nếu trong truyện có một chi tiết nào ám ảnh tôi, là tôi sẽ nghĩ đến nó không dứt nổi, nó cứ như ma ám vậy.

6.Tôi chả bao giờ cắt bỏ truyện của mình vì những lý do dở ẹc như anh nêu, tôi chỉ cắt bỏ khi thấy những từ, những câu, những đoạn văn kia là thừa thãi, làm phiền người đọc. Còn truyện tôi nếu có bị cắt thì bởi anh biên tập NXB nào đó, hay chị nhà báo nào đó muốn in truyện của tôi.

7.Khi có truyện ngắn, blog và các diễn đàn luôn là ưu tiên số 1 của tôi. Còn xuất bản thành sách hay không cũng không quan trọng với tôi cho lắm, chỉ trừ phi tôi đói kém quá, có một nhà sách nào “nịnh đầm” tôi in thành tập. Còn tôi thì tham chút nhuận bút hẻo kia, thế là in.

Trần VŨ– thực hiện