Một đêm đông, bầu trời đầy sao, chợt tiếng hát thiên thần từ các tầng trời: Bình an trên mặt đất cho nhân loại ngay lành…
Câu chuyện cổ do trẻ mục đồng kể lại đó mãi ám ảnh tâm trí và gợi hứng cho mọi người chúng ta mơ ước về một thế giới thiện hảo hơn. Nhưng ở đâu, ở đâu con người tìm được một bầu trời yên tĩnh và trong sáng như thế? Tưởng tượng mọi người sống trong hòa bình… (John Lennon) Liệu ý tưởng đó có bị cho là điên rồ không? Gần đây, một cựu chiến binh của Thế Chiến II đến kể cho tôi nghe một câu chuyện của chính ông ta, khiến niềm tin của tôi sống lại và tôi nghĩ rằng hòa bình có thể thực hiện được ngay trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất từ những người công chính. (Barbara Smythe)
Cơn mưa mùa đông giá lạnh làm cho cuộc tiến quân vào vùng quê nước Đức trở nên chậm chạp và khó khăn, khổ sở vì phải vượt qua những vùng bùn lầy và những ngọn suối dâng tràn. Chàng binh nhì Boyer, một tân binh 18 tuổi tuyển mộ từ California, đang mơ về những ngày nắng ấm ở quê nhà. Nhưng trước mắt anh chàng là một ngày mùa đông lạnh lẽo, không mưa nhưng hứa hẹn có tuyết. Anh giậm giậm chân trong đôi bốt hãy còn bùn ẩm và xoa tay vào nhau cố gắng rũ bớt cái lạnh thấu xương. Mặc dù đang trong tình trạng khốn khổ, binh nhì Boyer lấy làm hãnh diện là đã đủ tuổi để tham dự chiến tranh, phụng sự đất nước.
Hôm nay, anh và anh bạn bồ tèo Steve Williams đã đi tuần chung quanh khu vừa tạm chiếm. Đơn vị của anh dành một ngày để lau chùi vũ khí, hong khô quần áo để sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng. Họ biết rằng trận chiến ở mặt trận Châu Âu đang đi vào giai đoạn kết thúc. Quân đồng minh di chuyển đã gặp rất ít sự kháng cự. Quân Đức đang trên đường đào tẩu và ngày càng có nhiều những người lính bên địch ra đầu hàng quân đội Hoa Kỳ. Chưa phải đã đến lúc buông lỏng sự canh gác, tuy nhiên binh nhì Boyer biết rằng công việc tuần phòng là vô cùng quan trọng để bảo đảm an toàn cho đồng đội. Anh ta và binh nhì Williams luôn luôn cảnh giác sẵn sàng nổ súng phản ứng lại bất cứ cuộc đụng độ bất ngờ nào.
Cuộc chạm trán bất ngờ đó đã xảy ra vào lúc cuối ngày, chỉ một thời gian ngắn trước khi Boyer và Williams chấm dứt nhiệm vụ tuần phòng. Họ nghe tiếng hắn ta -một giọng Đức không thể nhầm lẫn được- trước khi nhìn thấy hắn. “Đừng bắn! Đừng bắn!” Họ đứng bất động, nòng súng chĩa về phía tiếng nói, cố căng mắt xem ai đang la lên. Xuất hiện từ khu rừng bên là một gã con trai trong quân phục lính Đức, tay đưa lên đầu, mắt trợn trắng vì sợ hãi. Hắn trông độ chừng mười lăm mười sáu tuổi là cùng.
Thắm Nguyễn
“Ồ, thật đáng xấu hổ,” Williams lầm bầm. “Quân Đức khốn kiếp quá cùng khổn phải tuyển mộ trẻ em để chiến đấu trong một trận chiến thối tha dơ bẩn. Chắc bọn chúng sẽ lùa cả mẹ những cậu bé này ra trận cũng nên!” Boyer túm lấy cậu ta, biểu cậu tiếp tục đưa tay lên đầu, lấy súng thúc vào lưng cậu bảo đi, và nói: “Thôi được. Ta sẽ đưa chú mày về bộ chỉ huy để xem họ muốn làm gì.” Anh dẫn cậu trai trở lại đơn vị và gặp người sĩ quan chỉ huy ở đó.
“Thưa cấp trên, tôi tóm được chú lính bỏ ngũ này trong cuộc tuần tiễu.””
“Tôi biết,” viên sĩ quan hết nhìn chú lính lại nhìn Boyer. Im lặng một lúc lâu. Chàng binh nhì Boyer đứng bứt rứt, không biết mình sẽ phải làm gì. Anh nhìn vị chỉ huy để xin huấn lệnh. Cuối cùng, viên chỉ huy nói: “”Chúng ta không có đủ thì giờ và người để trong coi tù binh ở đây. Đưa hắn ra xa trại năm dặm và trong một phút… Đó là lệnh đấy!””
“Tuân lệnh.””
Boyer đứng nghiêm cứng đơ người, rồi quay phắt, làm cử động cho tên nhóc tù binh cất bước về phía khu rừng bên, nòng súng tì vào lưng hắn. Anh biết người sĩ quan ra lệnh cho anh dẫn tên tù ra xa khỏi trại năm dặm rồi nổ súng hạ. Nhưng mặc dầu một lòng tuân phục lệnh trên và tôn trọng danh dự của người lính cũng như giữ lòng trung thành với tổ quốc, anh vẫn cảm thấy có cái gì đó mâu thuẫn trong anh. Thằng nhóc tay không đang run vì sợ hãi này rõ ràng không hề đe dọa đến mạng sống của anh và đơn vị anh. Lệnh là lệnh, thế nhưng anh làm sao bắn thằng nhỏ không phương tự vệ này? Càng bị dằn vặt vì lời dặn bảo của người sĩ quan chỉ huy anh càng thấy rõ mình không thể nào thi hành mệnh lệnh được. Anh phải làm gì đây? Tên tù và người giữ tù tiếp tục tiến bước.
Cách giải quyết xuất hiện bên kia ngọn đồi kế tiếp. Một đơn vị bạn trấn đóng ở đó. Binh nhì Boyer biết mình phải làm gì rồi. Anh giải tên tù binh vào trong căn cứ và tìm hỏi lều của sĩ quan chỉ huy. Đẩy tên tù binh về phía trước, anh trình diện viên sĩ quan. “Thưa chỉ huy, tôi bắt được tên lính địch đào ngũ này trong cuộc tuần tiễu. Đơn vị tôi ở xa đây nên tôi đưa nó đến giao cho trại này.” Viên sĩ quan nhận ra Boyer.
“Thôi được. Chúng tôi sẽ chăm sóc tên này. Anh nên trở lại đơn vị đi.”
Cuộc đi trở về đơn vị chỉ có mình anh cô đơn. Số phận của anh đang có vẻ bấp bênh. Đầu gối anh bắt đầu run, anh tới trình diện ngay đơn vị. “Tôi không nghe tiếng súng nào hết,” viên sĩ quan lầm bầm, mắt không rời tấm bản đồ. “Chỉ huy không nghe tiếng súng vì tôi đã không bắn người tù.” Viên sĩ quan nhìn lên và chạm mắt với Boyer. “Tôi đã đem nộp hắn ta cho đơn vị đóng cách đây bốn dặm.” Boyer vẫn nhìn thẳng người sĩ quan và chờ đợi.
“Giải tán.” Anh binh nhì rời lều của chỉ huy với những bước chân bất định, anh hiểu mình vừa né được viên đạn do chính mình bắn ra. Nhiệm vụ của anh tiếp tục mà không có biến cố nào khác nữa cho đến ngày anh phải vào viện vì chân lội lâu ngày trong bùn tuyết nên bị sưng đỏ lên. Sau khi rời viện, anh được bổ nhiệm tới canh gác một trại tù binh ở Pháp. Ngày đầu tiên đi tuần canh trong trại anh nghe có tiếng ai gọi tên mình. “Boyer! Boyer!” Giật mình, anh quay lại nhìn. Anh chẳng có ai quen biết ở đây cả. Nhưng kìa, nhìn qua hàng rào kẽm gai, anh nhận ra người tù binh Đức đã được anh tha bắn cách đây nhiều tháng. Một cuộc hội ngộ lạ lùng. Nếu như ngày ấy anh thi hành mệnh lệnh thì đâu có giờ phút này.
Boyer đồn trú ở trại này gần một năm. Bất cứ khi nào Boyer đưa tù đi làm tạp dịch thì gã tù Victor đều xin theo. Tình bạn nảy nở giữa hai người. Victor nói bằng thứ tiếng Anh lắp bắp cho biết không được tin tức gì của gia đình và không biết gia đình hắn còn đứng vững ở đó không. Đã hơn một năm trôi qua từ ngày bị trưng vào quân đội Đức. Khi Boyer sắp sửa giải ngũ trở về thì Victor đưa cho anh địa chỉ của hắn.
Boyer lúc nào cũng có ý định liên lạc với Victor nhưng thời gian trôi qua và anh đã không thực hiện được. Nhưng anh luôn luôn tưởng nhớ tới Victor và công việc anh phải làm cho hắn. “Tôi đã không thể làm được việc đó. Tôi đã không thể làm được…” Boyer thì thầm trong nước mắt.
Và tôi, người chép câu chuyện này, có một vài ý nghĩ khi nhìn người cựu chiến binh già nua trước mắt. Vâng, hòa bình trên trái đất là điều có thể thực hiện được. Nó đã một lần có mặt ở một nơi đầy bất trắc, và chính người chiến binh này đã sống cái thông điệp của thiên thần: Hòa bình trên trái đất cho những người thiện tâm…
NS – theo Barbara Smythe