Có một thời, không xa lắm, trong các đám cưới Việt Nam, ca khúc này được đem ra hát hoài. Theo tín ngưỡng truyền thống, người Việt hay kỵ nói đến những chuyện không hay không đẹp hoặc xui xẻo vào những dịp khai trương, cưới hỏi… Nếu tìm hiểu kỹ nội dung và xuất xứ của bài hát này, có lẽ cô dâu chú rể sẽ mất bớt hứng thú nghe khách khứa hát trong đám cưới của mình. Ðây là một ca khúc nói về sự ly biệt và nhớ mong vợ mình của một người đàn ông đang ngồi đếm lịch trong tù. Trong nỗi nhớ, phảng phất nỗi lo: vợ mình theo… thằng khác? Tưởng tượng trong màn khiêu vũ mở đầu, nhìn chú rể đang âu yếm ôm cô dâu mà nghe ca sĩ trên sân khấu hát ”Em có còn là của anh không? Are you still mine? ” thì đâm ra… bâng khuâng giùm cho chú rể! Có lẽ, ca khúc này nên hát hoặc nghe vào những dịp kỷ niệm ngày cưới hoặc ngày Valentine thì hợp hơn. Chứ chưa kịp động phòng mà đã lo như thế rồi thì còn lãng mạn gì mấy? Ðấy là về nội dung, chứ xuất xứ của ca khúc này lại còn… bầm giập.
Vào năm 1936, một nhạc sĩ chuyên viết ca khúc tên là Alex North đến gặp danh ca Bing Crosby để mời ông hát một bài mình mới sáng tác. Bài này không tên, cũng thuộc loại nhạc tình như nhiều ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An. Giá như ca sĩ Crosby chấp thuận thì có lẽ thế giới đã có thêm những bài không tên số hai, số ba… như ở Việt Nam. Chưa gì mà đã nản, người nhạc sĩ họ Bắc đành vứt bỏ đứa con tinh thần vừa ra đời. Mãi đến năm 1954, một đạo diễn nhờ ông viết ca khúc cho cuốn phim đang quay có tựa đề là Unchained. Cuối phim nói về một tù nhân đang khắc khoải nửa muốn thọ cho hết án, nửa muốn vượt ngục về với vợ. Không hiểu sao, ông lại nhớ đến giai điệu của đứa con lạc loài gần 20 năm trước. Ông vội tìm đến Hy Zaret là một “chuyên gia” nổi tiếng viết lời cho ca khúc thời bấy giờ. Ai ngờ cũng bị ông này từ chối với lý do là đang bận… sơn nhà! Sau cùng, chắc thấy tội nghiệp, Zaret đã nhận lời nhưng nhất quyết không chịu “nhét” chữ UNCHAINED vào trong lời ca mặc dù chính nhà sản xuất cuốn phim hết lời năn nỉ. Tuy nhiên, ca khúc lại được lấy tên là Unchained Melody, có chữ “không xiềng xích” trong đó. Chắc là để cho hợp với tên cuốn phim. Chứ thực sự, trên đời, ở tù hay ở nhà (với vợ), không nơi nào tránh được xiềng xích cả! Vậy là bài không tên ấy đã được thay lời ca mới và có tên đàng hoàng.
Năm sau, cuốn phim được trình chiếu nhưng không được khán giả cũng như các nhà phê bình để ý lắm; ngoại trừ bài hát chính cho phim. Nó được đề cử giải Oscar năm 1955! Tuy nhiên, nó không đoạt được giải mà bị bản Love Is A Many-Splendored Thing của cuốn phim cùng tên qua mặt. Bài hát đấy, Love Is a Many-Splendored Thing, sau này còn xuất hiện trong nhiều cuốn phim khác của Hollywood. Dầu sao, trong làng ca nhạc thế giới, bài hát này đứng thua xa bản Unchained Melody. Kể từ năm 1955, nó trở nên phổ biến khắp thế giới. Ði đâu cũng nghe giai điệu Unchained ấy:
Oh my love, my darling, I’ve hungered for your touch!
A long, lonely time, as time goes by so slowly, and time can do so much.
Are you still mine? I need your love, I need your love! God speed your love to me.
Lonely rivers flow to the sea, to the sea, to the open arms of the sea.
Lonely rivers sigh: “Wait for me, wait for me!”
I’ll be coming home. Wait for me!
Em ơi, em yêu dấu ơi! Anh thèm được em âu yếm. Cả quãng thời gian dài cô đơn, lờ đờ trôi trong hoang phí! Em có còn của anh? Anh cần em, cần tình yêu của em! Trời, hãy mau mang tình yêu của em đến cho anh! Những con sông cô đơn chảy về biển, về biển cả, vào vòng tay chào đón của biển. Những con sông cô đơn thở than: “Hãy chờ tôi, xin hãy chờ tôi!” Anh đang về bên em. Chờ anh, em nhé!
Unchained Melody trở thành một trong những ca khúc được thu đĩa nhiều nhất của Thế kỷ 20. Có hơn 670 ca sĩ thu đĩa bài này tổng cộng hơn 1500 lần bằng nhiều thứ tiếng. Bản đầu tiên do ca sĩ Todd Duncan hát ngay trong phim Unchained, đóng vai một người tù nằm trên giường ngâm nga bên cạnh một người bạn tù đệm guitar cùng những người tù khác ngồi lắng nghe. Chẳng biết những người tù “cải tạo” ở Việt Nam thời trước có bao giờ (dám) hát bài này ở trong trại không. Tù “cải tạo” thuộc diện đi không biết ngày về. Lời ca thật đúng với tâm trạng của họ. Có lẽ bài này, về lời ca, chỉ có đàn ông hát mới hợp nên các ca sĩ ngoại quốc thu âm bài này đa số là nam giới. Ngược lại, nhiều nữ ca sĩ Việt Nam thích hát bài này; tiêu biểu là Khánh Hà. Nói chung, phụ nữ mà hát lên câu “I’ve hungered for your touch” thì nghe… kỳ thấy mồ, chẳng “khách sáo” chi trơn! Ðàn ông, nhất là đang ở tù… lâu, rên rỉ hát câu đó thì hay vô cùng. Chứ bắt họ hát mấy bài đội ơn Ðảng, nhớ Bác Hồ như trong các trại cải tạo năm xưa thì sến quá đi!
Bài này phải hát với giọng rên rỉ, thèm khát nghe mới đã. Ðặc biệt, những người xa vợ lâu ngày hoặc mới bị vợ… bỏ thì nghe càng thấm thía hơn. Chứ trong đêm tân hôn, nhất là thời buổi này chẳng mấy ai chờ chuông reo kẻng đánh, nghe làm chi? Ngoại trừ, lâu lâu, ngày Valentine chẳng hạn, đi làm về thấy trong nhà vắng tanh, nghe tiếng nhạc Unchained Melody du dương từ trên lầu vọng xuống, bỗng vợ bước ra đầu cầu thang, không khách sáo, khẽ nói:
I’ve hungered for your touch…
NT