Menu Close

Tán hươu tán vượn đầu xuân

Tuy chỉ lẹt đẹt ở tận hàng thứ chín trong mười hai con giáp, nhưng nhà họ khỉ lại gây nhiều sóng gió dư luận nhất. Một số người cứ khăng khăng biện hộ bằng mọi cách để chứng minh rằng theo thuyết tiến hóa thì họ khỉ chính là thủy tổ loài người. Ôi thôi, biết bao cơ man lý lẽ được đem ra để “bắt quàng làm họ” với nhà khỉ. Một số khác ngược lại, cứ chối đây đẩy nhất định không chịu chấp nhận được thuyết loài người tiến hóa từ nhà khỉ mà ra. Nghĩ cũng buồn cười, trong khi nhà họ khỉ vốn nổi danh ưa ồn ào chí chóe lại vẫn “bình chân như vại” thì loài người cứ mãi quẩn quanh trong vòng tranh luận xôn xao. Từ đấy đến nay, chẳng biết thiên hạ loài người đã tốn bao giấy mực, thì giờ và cả công sức nữa chung quy cũng chỉ vì chuyện… “khỉ” này mà thôi.

tan huou tan ruou dau xuan1

Tứ Diễm

Chỉ cần nhắc đến “khỉ”, thoạt nghe qua ai cũng dễ dàng hình dung ra diện mạo bề ngoài của một loài động vật có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa, leo trèo giỏi, ưa sống ở vùng rừng núi nhiều cây cối và có một số dáng điệu cử chỉ tương tự loài người. Ngoài đôi tay dài, đôi chân ngắn, nhà họ khỉ còn có một cái đuôi, dài ngắn tùy theo từng loại khác nhau. Đôi mắt khỉ khá nhỏ so với khuôn mặt, lông mi lại ngắn. Sống mũi tẹt lét, hai cánh mũi lại bè ra coi chướng mắt vô cùng. Nhưng có lẽ mất điểm nhất là cái miệng rộng, với hai hàm răng như hai cái… bàn nạo dừa. . “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Ấy thế mà khỉ ta lại chẳng biết thân, cứ thản nhiên mà cười toét miệng, bày nguyên hai hàm lợi đỏ hỏn với những cái răng to, trông thật mất thẩm mỹ hết sức. Tai khỉ ta tương tự như tai người, nhưng kích thước lớn hơn và cũng xấu xí hơn. Bàn tay, bàn chân có năm ngón dài và uyển chuyển giúp ích trong việc leo trèo rất nhiều. Và cũng nhờ những ngón tay rất lanh lẹ nên khỉ ta được xếp hàng đầu với tuyệt chiêu… bắt chí. Khi nhà họ khỉ “xòe bàn tay đếm ngón tay”, nếu quan sát kỹ sẽ thấy những vạch ngang dọc trong lòng bàn tay, bàn chân của khỉ ta, nhưng chẳng hiểu đã có ai rảnh rang ngồi xem chỉ tay cho nhà họ khỉ chưa nhỉ. Mỗi ngón của nhà khỉ đều được bao phủ bởi một móng cứng, nhưng các nàng khỉ rất mộc mạc, chẳng bao giờ phải tốn công ngồi giũa móng, sơn móng làm đẹp cho bàn tay bao giờ cả.

tan huou tan ruou dau xuan

Biểu tượng khỉ trên đường hoa Nguyễn Huệ – nguồn baodansinh.vn

Nói chung, khỉ thuộc loài “trời bắt xấu” nên dẫu gọi nôm na là monkey, ape, gibbon, gorialla, chimpanzee, orangutan theo tiếng Anh Mỹ, hay là khỉ, vượn, bú dù, thân, hầu, viên theo tiếng Việt hay Hán Việt, hoặc gọi một cách văn vẻ chẳng hạn như: con cháu Tề Thiên Đại Thánh, dòng dõi họ Tôn, hoặc thậm chí dẫu được xưng tụng thật mỹ miều là hậu duệ Mỹ Hầu Vương, khỉ ta vẫn hoàn là khỉ. Nhà họ khỉ cũng vẫn được ưu tiên đứng đầu… từ dưới đếm lên về mặt nhan sắc. Phải chăng vì thế mà nhiều vị cứ nhất quyết nằng nặc phản đối không chịu nhận nhà khỉ làm thủy tổ loài người?

Chắc thuộc nằm lòng câu “chia rẽ là chết, đoàn kết là sống” nên các loại khỉ nhỏ thường sống thành đàn có khi đến hàng trăm con. Cũng bởi vì “ở gần mỏi miệng” nên khỉ ta thường ồn ào chí chóe suốt ngày. Trong khi đó các loại khỉ lớn như tinh tinh (orangutan), khỉ đột (gorilla), hắc tinh tinh (chimpanzee) lại ưa thích sống đơn độc trong những “lãnh địa” riêng. Trong khi các chàng nàng khỉ nhỏ chập chững bắt đầu trổ mã ngay từ những năm lên bảy, lên mười thì đám khỉ lớn (tinh tinh, khỉ đột, hắc tinh tinh) mãi đến năm mười hai, mười ba mới bước vào lứa tuổi dậy thì và bắt đầu hò hẹn, kết đôi. Sau khi mang thai từ tám đến chín tháng, các bà mẹ khỉ thường sinh một con, họa hoằn mới có trường hợp sinh đôi sinh ba. Thời gian vợ chồng và mẹ con sống đùm bọc với nhau dài ngắn tùy theo loại.

Với những loại vượn, một khi đã “yes, I do” rồi thì chàng và nàng sẽ gắn bó bên nhau mãi mãi; trong khi đó với những loại khỉ lớn thì “túp lều lý tưởng” chỉ tồn tại trong vài ngày ngắn ngủi, sau đó “anh đi đường anh, tôi đường tôi” rất lẹ làng.

Thường các bà mẹ khỉ sẽ đùm bọc chăm sóc cục cưng trong vài năm đầu, cho đến khi khỉ con đủ lông đủ sức để bắt đầu “tay làm hàm nhai”.  Các chàng khỉ ta thường dùng tiếng hú để… tỏ tình và có khi cũng dùng để hù dọa tình địch hay để xác định “lãnh địa” của mình. Ngoài tật ưa nhe răng ra cười, nhà họ khỉ cũng biết biểu lộ tình cảm qua cử chỉ, nét mặt và tiếng kêu. Đôi lúc khỉ ta còn biết chảy nước mắt khi đau buồn nữa. Với biệt tài “leo như khỉ”, nhà họ khỉ thường di chuyển bằng cách đu từ cành này sang cành khác, đôi lúc cũng di chuyển bằng chân nhưng rất hiếm hoi. Loại tinh tinh tuy bự con nhưng lại chết nhát, không biết bơi. Nói chung khỉ ta rất khôn lanh và tháo vát. Có loại biết dùng lá để che mưa, biết cuộn lá để múc nước uống. Có loại biết dùng que nhọn xiên bắt kiến, côn trùng để ăn.

Trong khi được thuần dưỡng, nhà họ khỉ đã học hỏi để biết rất nhiều điều, chẳng hạn đi xe đạp, đánh đu, làm xiếc, xỏ kim, khâu vá, đánh giày… “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Nhà họ khỉ nổi danh với tài hay bắt chước. Tương truyền những người săn bắt khỉ thường lợi dụng tật này để bắt từng đàn khỉ một cách dễ dàng. Họ mang đến những vò rượu thật lớn, trong đó có pha sẵn thuốc mê, giả vờ ngồi nhậu nhẹt bù khú với nhau rồi lăn ra ngủ. Đám con cháu họ Tề Thiên sẽ mon men bò ra, bắt chước uống rượu, cũng chén chú chén anh đến khi say thì lăn ra ngủ mê mệt. Những người thợ săn này chỉ việc bắt từng con bỏ vào lồng mang về là xong. Đơn giản như đang giỡn vậy đó.

Danh từ “khỉ” thoạt tiên chỉ dùng để chỉ riêng dòng dõi họ Tề Thiên, lâu dần đã trở thành thông dụng được dùng với nhiều nghĩa khác nhau.  Chẳng hạn làm điều gì coi không được mắt thường bị chế giễu là “làm trò khỉ”, cầu tre lắt lẻo thường gọi là “cầu khỉ”, áo waistcoat còn gọi là “áo khỉ”… “Khỉ mốc”, “khỉ khô”, “khỉ gió” được dùng như tán thán từ diễn tả sự không vừa ý.

tan huou tan ruou dau xuan2

Nguồn mobiradio.vn

Từ “liến khỉ” thường được dùng trách yêu khi lí lắc quá mức. Chỉ có điều hơi ngộ là trong khi người ta thường cảm thấy bị xúc phạm tự ái khi bị ví von với “khỉ già”, “khỉ đột” hay “bú dù”; nhưng “khỉ con” lại là cách các đôi tình nhân ưa dùng để gọi nhau một cách âu yếm.

Câu “dạy khỉ leo dây” chỉ chuyện làm một việc dư thừa, vô lý. Chỉ những nơi hẻo lánh vắng vẻ xa xôi ít người đi tới có câu “khỉ ho, cò gáy” hay “chim kêu, vượn hú”, “ve kêu, vượn hót”.

Câu “khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo” ngụ ý nói bản chất xấu xa thì cứ lộ ra, không thể nào che đậy được.

Câu “nuôi khỉ dòm nhà” chế giễu một việc làm trái khoáy, có khi dùng để chỉ việc giúp đỡ che chở một kẻ sẽ phản bội mình.

Với những kẻ thấy người ta làm gì cũng làm theo một cách máy móc, không biết phân biệt hay dở phải trái (monkey see, monkey do) thì thường hay bị chọc là “bắt chước như khỉ”.

Câu “chai như đít khỉ” nghĩa đen chỉ da chai cứng từng mảng; nghĩa bóng diễn tả cảnh phải ngồi chầu chực, chờ đợi quá lâu.

Để chê kẻ hay dọa dẫm người khác tuy rằng chẳng làm gì được, người ta hay chọc là “rung cây nhát khỉ “.

Câu “chó chê khỉ lắm lông” chế nhạo những kẻ không thấy cái dở của mình, chỉ biết chê bai người khác.

Câu “khinh khỉ mắc độc” (độc là một loại khỉ dữ) diễn tả chuyện chê một thứ gì lại gặp thứ xấu hơn nhiều.

Câu “vượn lìa cây có ngày vượn rũ” ngụ ý nói xa rời môi trường sinh hoạt thì không yên.

Chỉ lạ một điều, dù có “bới lông tìm vết”, “chẻ sợi tóc làm tư” thì họ nhà hươu và vượn vẫn chẳng có chút xíu liên hệ huyết thống gì cả. Ấy thế nhưng chẳng hiểu sao người ta lại ưa ghép chung hươu và vượn đi đôi với nhau trong nhiều câu thành ngữ; chẳng hạn như:

Câu “cha hươu mẹ vượn” chê những người nhận người khác làm cha mẹ, hoặc những người nhận con người khác làm con của mình.

Để chê người hứa liều mà không thực hiện, người ta thường bảo là “hứa hươu hứa vượn”.

Câu “nói hươu nói vượn” có ý chê người nói ba hoa những điều không thiết thực, không đáng tin. Tương tự, câu “tán hươu tán vượn” chê những kẻ ngồi nói với nhau những điều bâng quơ không bổ ích gì; cũng có khi chỉ người ưa nói huyên thuyên những chuyện linh tinh.

Câu “trỏ hươu trỏ vượn” diễn tả cảnh bị chỉ dẫn lung tung không đúng câu mình muốn hỏi.

Riêng câu “đười ươi giữ ống” dùng để chế giễu kẻ ngu dại hay bị mắc lừa xuất phát từ việc đười ươi bị mắc lừa. Tương truyền đười ươi là loài khỉ lớn, dạng người, cánh tay rất khỏe, có thể bắt và ăn thịt người nếu không đề phòng cẩn thận. Khi bắt được mồi, đười ươi thường sung sướng ngửa mặt lên trời cười hả hê đến tít mắt đợi đến khi mặt trời lặn mới ăn thịt con mồi. Biết được khuyết điểm đó, khi đi rừng người ta xỏ tay vào hai ống tre để nếu đười ươi có bắt thì người ta rút tay ra khỏi ống tre rồi bỏ chạy. Còn đười ươi cứ giữ hai cái ống tre đó, ngửa mặt lên trời cười tới tối, khi định ăn thịt thì mới hay con mồi đã trốn mất từ lâu rồi.

Trong kho tàng văn học dân gian, có biết cơ man nào truyện cổ tích, điển tích, truyền thuyết có nhắc đến nhà họ khỉ. Nổi tiếng nhất là nhân vật Tề Thiên Đại Thánh trong tác phẩm Tây Du Ký, thoạt tiên chỉ là một chú khỉ từ đá hấp thụ tinh khí nhật nguyệt mà thành, sau đã trổ tài khiến nghiêng ngửa trời đất, cuối cùng phải nhờ Phật Tổ hóa phép mới thuần phục được để thành đại đồ đệ giúp Đường Tam Tạng thỉnh kinh. Trong nền văn học nghệ thuật Tây Phương, nhà họ khỉ cũng tạo ấn tượng đậm nét trong nhiều tác phẩm. Chẳng hạn chú vượn đốm láu lỉnh tinh khôn đã khiến Phan Tân và Sĩ Phú dở khóc dở cười biết bao phen. Chàng lực sĩ Tarzan hồn nhiên trưởng thành giữa bầy khỉ trong thiên nhiên. Chú khỉ King Kong to lớn dị thường đã khiến nhiều khán giả đến giờ vẫn không quên được. Hầu quyền được xem như một loại võ rất độc đáo trong những bộ truyện kiếm hiệp. Bộ phim Iron Monkey với những thế võ linh hoạt đặc sắc xen lẫn với những màn giễu dí dỏm nên rất hấp dẫn người xem.

Nhưng có lẽ tạo nhiều cảm xúc khó quên nhất là chú khỉ “đại tướng” trong truyện “Vô Gia Đình”.

Theo sách vở thì Thân hợp với Tý và Thìn, kỵ với Dần, Tỵ và Hợi. Hiểu nôm na thì khỉ ta “bồ tèo” với nhà họ chuột và họ rồng. Chẳng hiểu sao khỉ ở trong rừng lại kết bạn với chuột ở ngoài đồng (hay trong nhà), thậm chí còn dám với cao đòi “cặp kè” với nhà rồng ở tuốt trên mây được nhỉ.

Nhưng dù sao thì cũng chẳng ai đụng chạm đến ai nên dĩ nhiên là chẳng có gì phiền hà rồi. Nhà họ rắn ưa leo cây nên dễ xích mích với khỉ ta, ghét nhau cũng phải. Còn chuyện cọp và khỉ kỵ nhau lại càng rõ hơn nữa. Nếu muốn “nói có sách, mách có chứng” thì truyện “khỉ mượn oai hùm” trong truyện cổ tích Việt Nam là bằng chứng rõ ràng nhất.

Chỉ có điều không hiểu sao nhà khỉ cứ không chịu “friend” với nhà ủn ỉn. Một đàng chỉ thích leo trèo nhảy nhót trên cây, một đàng chỉ thích nằm dài để nhai cám trong chuồng. Cớ sao lại nẩy sinh mối bất hòa nhỉ.

Đối với người Việt Nam, khỉ tượng trưng cho sự nhanh nhẹn, thông minh, hài hước. Những ai sinh trong năm 1908, 1920, 1932, 1944, 1956, 1968, 1980, 1992, 2004, 2016 đều thuộc năm Thân, cầm tinh con Khỉ. Nói chung người sinh trong tuổi này thường thành công trong mọi ngành họ chọn. Họ cũng có tài ngoại giao, giỏi thương lượng nhờ rất nhiều vào bản năng thông minh tự nhiên. Những người cầm tinhcon khỉ tuổi Thân học hiểu nhanh chóng, dễ thích ứng với nhiều hoàn cảnh, có thiên tài về ngôn ngữ và có khả năng lường gạt kẻ khác nếu họ muốn. Người tuổi Thân có sở thích rộng rãi, đôi khi khiến họ chuyển từ thứ này sang thứ khác trong khoảnh khắc. Họ không thích hợp với các công việc bó buộc. Khuyết điểm của họ là do hay nói quá nhiều, khiến cho bạn bè đâm ngán những câu chuyện dằng dai không dứt. Đôi khi họ tỏ ý coi thường kẻ thua kém hơn. Nói tóm lại, với bản tính thông minh sẵn có nên người tuổi Thân thích cuộc sống tự lập, rất chịu khó tìm tòi học hỏi nên thường cố gắng vượt qua mọi khó khăn.

TD