Những người thợ tre không biết Tết – Kỳ 1
Theo chân người thợ luồng, ôi Trường Sơn!
Chiếc xe tải chở bốn người, hai người ngồi trước ca-bin, hai người ngồi sau chỗ chứa luồng, chúng tôi chạy xe máy theo xe tải. Thỉnh thoảng, người ngồi phía trước ra dấu cho hai người ngồi sau chỗ chứa luồng ngồi nép sát xuống sàn xe vì có cảnh sát giao thông phía trước. Xe chạy cũng chậm vì sợ công an bắn tốc độ nên chúng tôi dễ dàng bám theo sau.
Một ngã ba trên đường Trường Sơn
Một ngày lao động vất vả và nguy hiểm
Như lời của ông Tú, thợ cả của nhóm, nhà ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa nói thì lần này đi lên Thọ Xuân để chặt luồng, thông thường thì ông lên Thường Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước để mua nhưng lần này bên huyện Thường Xuân bán luồng giá rẻ để có tiền ăn Tết, bà chủ đã tranh thủ cơ hội, ép giá xuống rất thấp. Ði lên huyện Thọ Xuân cũng có nghĩa là chúng tôi được đi một đoạn dài đường mòn Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn), được ngắm Trường Sơn.
Nhưng khi ra đến Trường Sơn thì một cảm giác trống rỗng xâm chiếm lấy chúng tôi bởi rừng Trường Sơn đã trơ trọi, hai bên đường chỉ còn liu phiu những tán cây mới trồng trong vườn rừng của mấy tay chủ quán nhậu hai bên đường. Có thể nói không có nơi nào có nhiều quán thịt rừng như đường Hồ Chí Minh, nhìn đâu cũng thấy quán, không gian rộng thoáng, sân chứa được vài chục chiếc xe hơi và xe tải.
Hoàn toàn không còn dấu vết nào của bạt ngàn cây rừng Trường Sơn như chúng tôi vẫn thường đọc qua các trang sách thời ngồi ghế nhà trường hay các trang báo nhà nước. Chỉ thấy công ty, rừng cỏ chăn nuôi và lèo tèo vài cánh rừng mới trồng, trong đó gồm cả rừng nứa và luồng.
Một người bán chổi trên đường Trường Sơn
Ðến nơi, xe dừng, những người thợ bắt tay ngay vào việc, người thì dùng câu liêm để phạt sạch những cành nhánh nằm đan chéo trên không, người thì dùng rựa chặt gốc luồng, sau đó cả nhóm hè nhau rút cây luồng ra khỏi bụi. Có thể nói đây là công việc quá nặng nhọc và nguy hiểm, bởi đã có không ít người bị chết, bị tàn tật suốt đời do chặt luồng, bị cây bật trúng hông, trúng cằm hoặc chặt cây ở độ cao lưng chừng vì cây quá khó chặt, khi chặt xong thì cây bị tuột, đâm thẳng vào bụng, bàng quang… Những trường hợp như vậy cơ hội sống rất hiếm.
Chúng tôi tỏ ý muốn phụ giúp một tay để rút các cây luồng đã chặt xong (chặt luồng rất khó, bởi phải chọn những cây già, nằm nấp mình giữa bụi mà chặt, chứ chặt cây non thì không dùng được, chính vì vậy để lấy một cây luồng đã chặt xong ra khỏi bụi là cả một công đoạn khó khăn) nhưng cả bốn người thợ đều lắc đầu từ chối và cho chúng tôi biết là rất nguy hiểm, không quen nghề có thể chết như chơi!
Chặt được chừng nửa xe, những người thợ chất luồng lên xe trâu để kéo ra đường lớn, xong, họ lấy chai nước mang theo và mấy cái bánh chưng ra ngồi ăn. Họ mời chúng tôi cùng ăn nhưng chúng tôi cám ơn và từ chối vì biết rằng nếu chúng tôi ăn, họ phải nhịn bớt phần. Trong lúc những người thợ hút thuốc lào, chúng tôi tranh thủ hỏi thăm về rừng Trường Sơn. Ông Tú lắc đầu, cười chua chát: “Giờ làm gì còn rừng nữa mà hỏi Trường với chả Sơn!”.
“Chúng nó chặt sạch cách đây gần hai năm trời rồi, bây giờ cả Trường Sơn toàn là rừng trồng thôi. Mà không phải ai cũng trồng được đâu, toàn đất có chủ hết đấy, các tập đoàn, công ty nước ngoài, rồi công ty trong nước lên đây thuê rừng để trồng rừng. Nhưng chủ yếu thì rừng vẫn nằm trong tay giới tập đoàn và cán bộ cao cấp, họ có nghiệp chủ trên rừng này nhiều lắm!”.
“Rừng trồng luồng, trồng nứa cũng vậy, chủ yếu là của cán bộ tỉnh, cán bộ huyện và cán bộ kiểm lâm, cán bộ địa chính chứ dân thường làm gì có đất mà trồng luồng. Mà tôi đi chặt luồng gần mười năm nay rồi, nhìn vào là tôi biết rừng luồng này của cán bộ hay của dân! Ví dụ như rừng luồng đang chặt này là của mấy đời để lại. Nhưng muốn giữ nó còn nguyên thì vẫn có một đời chủ rừng làm chủ tịch xã. Chứ không có thì họ lấy đất lâu rồi!”.
“Ông chủ rừng luồng này đã về hưu, không có thế lực gì cho mấy nên mới chấp nhận bán tháo rừng mà ăn Tết. Chứ rừng của mấy ông bà cán bộ đương chức thì còn lâu họ mới bán giá thấp. Rừng luồng trên núi ở các huyện Thanh Hóa, tôi dám nói chắc một câu là hơn bảy chục phần trăm của cán bộ và chủ tập đoàn, ba mươi phần trăm còn lại là của dân. Rừng của dân thì nhỏ lắm, chỉ có rừng của cán bộ, tập đoàn công ty mới bạt ngàn thôi!”.
“Ðất rừng ven đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua Thanh Hóa trước đây chủ yếu của người Mường, người Thái Trắng, bây giờ họ bị lấy đất hoặc họ tự bán tháo với giá rẻ bèo vì cần tiền một phần mà sợ trưng thu nhiều phần. Cuối cùng giới cán bộ mua đầu cơ, mua đi bán lại kiếm cả núi tiền. Mình phận dân đen, thấy họ buôn bán đất của đồng bào nghèo mà phát sốt!”.
Một mảnh rừng mới trồng
Trơ trụi Trường Sơn…
Nói xong câu, những người thợ luồng tiếp tục vào rừng tìm cây già để chặt. Chúng tôi biếu tiền cho nhóm thợ khai thác luồng và tiếp tục lên đường, hướng đi của chúng tôi là ngược đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam để “mục kích sở thị” rừng Trường Sơn.
Thật đáng buồn bởi những gì chúng tôi nhìn thấy. Những cánh rừng bạt ngàn hai bên đường mòn Hồ Chí Minh mà trước đây bốn năm khi chúng tôi đi qua đã nói đùa rằng một khi bộ đội Bắc Việt đã nấp trong rừng cây thì máy bay có bỏ hàng trăm tấn bom xuống đây cũng như hột muối bỏ biển thôi, không ăn thua gì, vì đã có rừng già che chở. Nhưng hiện tại, nơi những cánh rừng già bạt ngàn cách đây vài năm là những quả đồi trọc, một vài nơi trồng cỏ chăn nuôi, trồng keo lá tràm, trồng sắn (khoai mì), và cái chúng tôi nhìn thấy nhiều nhất lại là các hàng quán hai bên đường. Nếu không gặp hàng quán thì cũng gặp những công ty môi giới nhà đất, những biệt thự, khách sạn, nhà nghỉ có sân rộng cho xe đường dài. Từ Thanh Hóa qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… rừng đã trơ trọi, thật sự trơ trụi! Gió lạnh thông thốc thổi vì cây không còn, cái lạnh xâm chiếm lấy chúng tôi.
Rừng đã bị phá, vài gốc cây còn sót lại cũng sẽ bị đào hết
Tự dưng, chúng tôi thấy thương cho những người thợ làm luồng. Bởi họ đều có quê quán ở phía Tây Thanh Hóa và Nghệ An. Mà đi qua nơi này, chỉ lèo tèo vài mảnh ruộng nhỏ, nếu mỗi người được cấp một sào ruộng thì chắc phải đến năm, sáu mảnh ruộng nhỏ bậc thang ghép lại hoặc rừng thấp sát ruộng cũng được tính là ruộng. Và với những đám ruộng không có nước thủy lợi, luôn chờ nước trời như vậy, cộng với kiểu thu thuế lột da của nhà cầm quyền địa phương nữa thì họ chỉ còn nước “vượt biên qua khỏi bờ ruộng”!
Rừng không còn, ruộng làm không ra, phải đi bươn chải kiếm sống, nghề làm luồng như một chiếc phao cứu sinh, nhưng không biết nó xì hơi lúc nào vì người làm không có hợp đồng, không có mức lương ổn định, không có bảo hiểm y tế hay bảo hiểm tai nạn… Nói không may, nếu lỡ rủi ro có chuyện gì xảy ra trong lúc chặt luồng, rút luồng, thì những người thợ và gia đình họ ở quê biết dựa vào ai, tương lai con cái học hành ra sao và cuộc đời họ sẽ về đâu?
Một cái Tết thật buồn và ảm đạm đang đến với những người thợ làm luồng, họ không có tiền để về quê ăn Tết mà cũng chẳng có cái gì để bảo đảm sau Tết họ và gia đình của họ ấm bụng.
Tết nhất gì ư? Thật là vô duyên và trống rỗng trên xứ sở này!
Một quán bi da mọc lên bên quả đồi vừa bị xẻ
HL