Menu Close

Bọ điện toán và cách trị (phần 6)

3. Ăn Cắp Danh Tánh:

Với người có điểm tín dụng FICO tốt, chúng dùng tài liệu sẵn có về nạn nhân để đi làm nhiều thẻ tín dụng trị giá hàng chục ngàn, đi mượn nợ đủ loại, xài tiền “lút cán”, “mút chỉ cà tha” rồi… quịt luôn! Chỉ khi bị nhà băng gởi giấy đòi tiền hay khi chạy bản báo cáo tín dụng thấy toàn điểm xấu, nạn nhân mới bật ngửa ra rằng mình bị mất tên tuổi. Ngoài chuyện tốn tiền và tốn thời gian (thường là vài năm) để điều chỉnh việc nợ giữa đàng này, nạn nhân còn có cảm giác bất an, tinh thần bị ảnh hưởng nặng trong thời gian dài.

dodientoan6 01

4. Ấu Dâm và Bọ Điện Toán

Những điều kể trên tuy gây cho nạn nhân nhiều phiền toái, nhưng không thấm vào đâu so với nỗi khốn khổ bị tù oan và mất đi danh dự cá nhân, danh dự gia đình. Ðạo chích điện toán biết là đa số quốc gia trên thế giới phạt thật nặng việc mua/bán/trao đổi hình ảnh-phim ảnh ấu dâm (lõa thể hay cảnh làm tình với trẻ con), chúng bèn dùng bọ điện toán để làm ra một “cửa sau – backdoor”, lén giành quyền điều khiển máy, dùng máy của nạn nhân làm kho chứa/chuyển hình-phim ấu dâm. Khi chính quyền phăng ra được nơi chứa các hình-phim ảnh ấu dâm, người chủ máy sẽ bị bắt ngay lập tức. Ngay cả tại Hoa Kỳ nơi được tôn xưng là xứ sở của tự do, nơi luật pháp ấn định “vô tội cho tới khi chứng minh đã phạm tội – innocent until proven guilty”, việc phạt tội phạm ấu dâm cũng rất khắc nghiệt. Ngoài việc cảnh sát không ưa gì kẻ ấu dâm nên lắm lúc “nặng tay” khi hành sự, công tố viện đòi phạt tối đa, mà bạn tù càng khinh bỉ hành hạ cho bõ ghét. Trong tù có hai thành phần được xem là đồ đáng chết: Ăng ten (đứng thứ hai) và tội phạm ấu dâm (đứng thứ nhất). Biết bao nhiêu cơn ác mộng đã thực sự xảy ra cho công dân Hoa Kỳ khắp nơi vì bị nghi lầm bắt lầm, đến khi may mắn chứng minh được mình vô tội thì than ôi gia đình tan nát, tài sản khánh kiệt. 

dodientoan6 01

Ðó là trường hợp của ông Michael Fiola tại Massachusetts (ở tù 11 tháng, tốn 250 ngàn đô la chứng minh mình vô tội, được trả tự do), ông Ned Solon tại Wyoming (tốn 60 ngàn đô la, bị kết tội và ở tù vì không đủ tiền tiếp tục trả cho luật sư bào chữa), ông Nguyễn H. T. tại California (ở tù 3 năm, được trả tự do)… 

Loại bọ điện toán có thể lén tạo ra cửa sau, giành quyền điều khiển máy là loại Ngựa Thành Troa – Trojan Horse. Loại bọ này có thể nằm ẩn trong một tài liệu gởi kèm theo điện thư (attachment file); đó là cách mà đạo chích điện toán Adrian Ringland (Gia Nã Ðại) đã dùng để cài Ngựa Thành Troa vào máy của một em học sinh: Hắn giả dạng một học sinh trung học, và gặp em trong một Phòng Tán Gẫu Chat, vài ngày sau hắn gởi điện thư kèm hình mà hắn nói là của hắn cho em xem, khi em chuyển hình về máy thì bọ theo hình mà vào. BẤT CỨ TÀI LIỆU nào cũng có thể chứa bọ! Ðó là điều nguy hiểm cho những ai thiếu kiến thức điện toán để phân biệt tài liệu thật-giả: Một tài liệu chứa bọ có thể đi kèm theo một tài liệu thật (hình, phim, .pps, .doc..); một nút bấm OK (cho phép) và một nút bấm Cancel (hủy bỏ) đều làm một điều duy nhất là cài bọ vào máy…