Menu Close

Phỏng vấn Tân Niên – Kỳ 3

1. Là người cầm bút mà chức năng đầu tiên là viết ra giấy những suy nghĩ trung thực của mình, anh/chị nghĩ gì khi có quan niệm cho rằng: vì thể hiện trong ngôn ngữ Việt, văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc?

2. Cũng có ý kiến đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bất lực của đại đa số nhà văn trước thực tế đất nước. Quá nhiều xáo trộn xã hội, từ đời sống đến lý tưởng, niềm tin, đạo đức thay đổi, mà tác phẩm của nhà văn Việt Nam chỉ ghi lại được rất ít những biến chuyển này. Anh/chị có một lời giải thích?

3. Sau hai thập niên Đổi Mới, với tiến trình toàn cầu hóa bên cạnh phương tiện thông tin internet, các cánh cửa thế giới gần như đồng loạt mở toang cho nhà văn Việt Nam. Anh/chị nhìn thấy hiệu ứng nào, ảnh hưởng ra sao trên tác phẩm của các đồng nghiệp?

4. Văn chương Việt Nam đang thiếu gì?

5. Như vậy, thế nào là một truyện ngắn hay, một thể loại mà hầu hết các nhà văn Việt đều có nhiều mươi sản phẩm?

6. Có bao giờ áp lực của kiểm duyệt hay những cấm kỵ vì đạo đức, hoặc thuần phong mỹ tục xuất hiện ngay trong quá trình sáng tác, và chính các anh/chị tự kiểm duyệt mình bằng cách tự cắt bỏ những đoạn “không đúng quy định” hay vượt quá vòng phấn tự vạch lấy cho .

7. Một nền văn học thật sự khỏe mạnh, có phải trước hết là một nền văn học giấy in khỏe mạnh, có nhất thiết duy trì ấn phẩm giấy in hay internet sẽ thay thế tất cả? “Xuất bản trên mạng” sẽ là ưu tiên của nhà văn để đến được với số đông độc giả đọc truyện miễn phí, hay người cầm bút hoặc người gõ phím vẫn thiết tha cầm trên tay tác phẩm của mình còn thơm mực in? Ưu tiên thật sự của anh/chị?

 

Nguyễn Xuân Tường Vy

Sinh trưởng trong một gia đình Bắc di cư vào Nam năm 1954. Vượt biên đến Phi Luật Tân năm 14 tuổi. Định cư tại thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ từ năm 1984. Tốt nghiệp cử nhân Sinh Hóa tại trường đại học San Jose State. Hiện làm tư vấn cho các công ty dược phẩm. Khởi viết từ năm 2006, đã xuất bản tập truyện ngắn & ký Mắt Thuyền.

pv tannien3 01

1.Tôi có thể nói văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi tình yêu dân tộc được chứ? Tôi đến với văn chương vì lòng yêu thương ngôn ngữ của mình. Tôi không nghĩ văn chương có thể lèo lái được vận mệnh của dân tộc, nhưng, trực tiếp hay gián tiếp, văn chương tác động đến đời sống xã hội và tình cảm của con người, và ngược lại.

2.Ở hải ngoại, sự thay đổi trong cuộc sống hội nhập và tâm trạng của người Việt lưu vong đã được ghi nhận qua một số tác phẩm được viết bởi những thế hệ cha chú. Thế hệ của những người bị mất căn cước như tôi đã bắt buộc phải rũ bỏ quá khứ để hướng về tương lai. Trong quá trình hội nhập vào xã hội mới, chúng tôi đã đánh mất tiếng nói của mình.

3.Sự xuất hiện đông đảo của các nhà văn nữ và những thử nghiệm (viết) về tính dục.

4.Văn chương Việt Nam ở hải ngoại thiếu người đọc và những người dám… chết (hoặc dám sống) vì văn chương. Thế hệ của tôi, thế hệ mà người ta gọi là thế hệ một chấm rưỡi hoặc là thế hệ thịt ba rọi ba khía gì gì đó, chẳng còn mấy người muốn đọc và biết đọc tiếng Việt nữa.

5.Sau khi đọc xong một truyện ngắn hay, tôi thường có cảm giác bừng bừng như vừa nhấp phải một ngụm rượu cay xé họng và sau đó là cơn say váng vất lơ mơ vài ngày chưa hết (nhưng tôi rất ít khi được say).

6.Chưa bao giờ. Ðời sống thường nhật đầy dẫy những quy định và trói buộc, thế nên, tôi cho mình quyền tự do tuyệt đối trong sáng tác.

7. Tôi tin rằng một nền văn học lý tưởng phải có một nền văn học giấy in mạnh khỏe. Tôi vào internet để cập nhật tin tức thời sự hàng ngày, và đôi khi tôi đọc nhanh một vài truyện ngắn trong giờ nghỉ. Tuy nhiên, đối với một tác phẩm văn học giá trị, tôi vẫn có khuynh hướng tìm đến một tác phẩm in trên giấy. Ði lang thang vào tiệm sách, tìm mua một vài cuốn sách hay vẫn là một cái thú không có gì thay thế được của tôi. Tôi vẫn thích cầm một cuốn sách trên tay và thoải mái ngồi hoặc nằm đọc đâu đó ở nhà.

Việc “xuất bản trên mạng” để được đến với số đông độc giả đọc truyện miễn phí, theo tôi, sẽ giết dần những nhà văn Việt Nam chuyên nghiệp. Khi các nhà văn không còn thu nhập nào từ chữ nghĩa, họ sẽ chỉ sáng tác cầm chừng, sáng tác cho vui, và kết quả là sẽ chẳng còn tác phẩm văn học nào cho bạn đọc miễn phí cả. Ngay cả nước Mỹ, nơi internet phát triển mạnh nhất, tôi cũng thấy rất ít những tác phẩm văn học được đưa lên mạng cho mọi người đọc miễn phí. Thường thì họ dùng trang web của họ để giới thiệu các tác phẩm mới, đôi khi họ cho bạn đọc miễn phí vài trang, rồi bảo bạn tìm mua ở tiệm sách, hoặc ở Amazon.com chẳng hạn.

 

 

Ban Mai 

Tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học xã hội và nhân văn, ngành Ngữ Văn. Hiện làm việc tại một trường Đại học thuộc Miền Nam Trung bộ Việt Nam. Đã xuất bản khảo luận Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng và tùy bút Biết Đâu Cội Nguồn.

pv tannien3 01

1.Tôi nghĩ rằng, viết trong ngôn ngữ Việt đã hàm ngôn tính cách của một người dân Việt, muốn hay không muốn trong vô thức người viết tiếng Việt đã gắn liền với định mệnh của dân tộc mà mình sinh ra, vì nó đã định hình trong ý thức.

2.Tình trạng bất lực của đại đa số nhà văn trước thực tế đất nước, điều đó là sự thật. Tại sao như vậy? Tôi nghĩ đơn giản vì “sợ hãi”, vì “miếng cơm manh áo”, đại bộ phận không dám vượt thoát những giới hạn vô hình mà một thể chế chính trị đang quy định.

3.Trong hai thập niên Ðổi Mới vừa qua, ảnh hưởng Internet với nhiều luồng thông tin, quả thật đã ảnh hưởng lớn đối với những người cầm bút. Lần đầu tiên các nhà văn Việt Nam phát hiện ra những chân trời rộng mở, điều ấy giúp họ học hỏi nhiều điều hay để theo kịp tiến trình toàn cầu hóa. Những tư tưởng mới, những bút pháp mới, những phương pháp nghiên cứu mới đã góp phần ảnh hưởng trong sáng tác của người viết.

Người đọc có thể nhận ra một dòng văn học khác xuất hiện: “dòng văn chương vết thương”, dòng văn chương “vết rạn” ra đời ; Dòng văn học ca ngợi, tô hồng đã lui vào quá khứ. Người viết ngày nay đi sâu vào từng góc đời bé nhỏ, những số phận đau đớn của con người do lịch sử gây ra. Bên cạnh đó, một bộ phận người viết “nô nức” làm một cuộc cách mạng tình dục, điều mà Tây phương đã làm từ những năm 60. Các thể loại thơ “hậu hiện đại”, “tân hình thức”…, truyện ngắn “trong lòng bàn tay”, truyện chớp, dòng văn học kỳ ảo, hiện thực huyền ảo… được thử nghiệm.

4.Tôi nghĩ văn chương Việt Nam đang thiếu những nhà văn tài năng. Chính tài năng quyết định tất cả. Khi có tài năng người ta mới có đủ niềm tin vào ngòi bút của mình, mới có một thái độ dũng cảm, quyết liệt để tạo ra những tác phẩm ghi dấu ấn vào lịch sử. Họ sẵn sàng chấp nhận trả giá.

Bên cạnh đó còn thiếu trầm trọng đội ngũ phê bình văn chương nhạy bén, thẳng thắn và chuyên nghiệp.

Tôi đang nghĩ không biết khi nào văn chương Việt Nam mới có được những tác phẩm như “Chốn xưa”, “Ngân thành cố sự” của Lý Nhuệ… hay những tác phẩm nổi tiếng khác của các nhà văn đương đại Trung Quốc như Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, nước có hoàn cảnh lịch sử nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Chúng ta, chỉ mới đắp vết thương mà chưa dám “phẫu thuật” cắt bỏ những ung nhọt sai lầm của lịch sử. (Mặc dù trong nước có: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, hải ngoại có “Mùa biển động” của Nguyễn Mộng Giác).

5.Với tôi, một truyện ngắn hay là một truyện khi đọc xong gấp sách lại, dư âm của nó vẫn còn lắng đọng. Có thể là một nỗi buồn, sự xót xa, hay niềm đau đớn… tất cả những cảm xúc đó chính là cái đẹp mà tác phẩm mang lại cho người đọc, hơn thế nữa nó còn buộc ta phải nghĩ mãi về vấn đề mà nó đặt ra.

Cách khác, nói như Julio Cortázar: “truyện ngắn hay, giống như một cú đấm thẳng vào mặt làm người đọc knock-out ngay tức khắc”tôi nghĩ rằng đó cũng là một quan niệm độc đáo.

6.Với tôi trong khi viết, ý thức tự do vượt thoát trong sáng tạo và ý thức tự bảo vệ mình vì những cấm kỵ vô hình mà người viết trong nước bắt buộc phải nghĩ đến luôn song hành cùng nhau. Ðó là một cảm giác rất thực. Tuy nhiên, bao giờ tôi cũng luôn cố gắng vượt thoát sự tự kiểm duyệt để đạt được tự do trong suy nghĩ của mình một cách trung thực nhất.

7.Mặc dù, vẫn đăng bài trên các website, nhưng tôi cho rằng cầm tác phẩm của mình in trên giấy một cách trang trọng trên các tập san vẫn làm ta hạnh phúc. Vì ta cảm giác nó hiện hữu dài lâu, công sức của ta được nhìn nhận. Trong khi đó các trang web tuy có lợi thế nhanh chóng, độc giả phản hồi ngay, người viết có thể sửa chữa dễ dàng liên tục, cả sau khi đăng. Nhưng ngược lại tác phẩm đăng trên web sẽ biến mất trên màn ảnh sau một ngày, nó làm ta hụt hẫng như đang chơi một trò chơi ảo. (Mặc dù được lưu giữ trong hộp thư nhưng nó cũng có thể dễ dàng bị xóa mất).

Tôi nghĩ rằng, nền văn học trên internet sẽ không thể thay thế tất cả. Ưu tiên đầu tiên của tôi vẫn là tác phẩm còn thơm mùi mực in.

TV: Cám ơn các tác giả đã nhận trả lời phỏng vấn đầu năm.

Trần VŨ– thực hiện