Menu Close

Cộng đồng Cuba qua cuộc bầu cử Tổng Thống

Trong khi các ứng cử viên đảng Cộng Hòa lần lượt tuyên bố bỏ cuộc sau các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz của Texas và  Marco Rubio của Florida vẫn tiếp tục tỏ ra là những đối thủ đáng ngại của tỉ phú Donald Trump cho đến nay. Vẫn còn khá sớm để có thể dự đoán kết quả kỳ bầu cử tổng thống năm nay, nhưng điểm chung của hai ngôi sao trẻ của Đảng Cộng Hòa mà con đường chính trị của họ ắt sẽ còn lâu dài là, họ đều là con cái thuộc thế hệ thứ hai trong cộng đồng những người tị nạn cộng sản Cuba. Nhân cuộc chạy đua của những chính khách gốc Cuba này, ắt cũng nên tìm hiểu đôi điều về cộng đồng người Mỹ gốc Cuba – một cộng đồng của những người được mệnh danh là “Do Thái của Mỹ La Tinh”.

cong dong cuba1

nguồn msnbc.com

Với khoảng 2 triệu người, trong đó một nửa là sinh ra tại Cuba, cộng đồng người Mỹ gốc Cuba xem ra có không ít điểm tương đồng với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Có số dân xấp xỉ nhau, bối cảnh lịch sử và cột mốc thời gian để người dân hai quốc gia này vượt thoát, tìm đến bến bờ tự do cũng không quá cách xa, các thế hệ lớn tuổi cũng có xu hướng ủng hộ đảng Cộng Hòa, nhưng sự định hình và phát triển của cộng đồng gốc Cuba  xem ra đã đi những bước rất xa, không riêng với cộng đồng gốc Việt mà cả chung với nhiều cộng đồng thiểu số nói chung khác.

Được ghi nhận có những cuộc di dân mưu sinh lẻ tẻ từ đầu thế kỷ 20, làn sóng tị nạn ồ ạt của người dân Cuba sang Hoa Kỳ phải kể từ đầu thập niên 60, sau cuộc cách mạng Cuba 1959 do Fidel Castro dẫn dắt và chiến thắng để chính thức đưa quốc gia này vào quỹ đạo khối cộng sản. Như cuộc tị nạn của cộng đồng Việt Nam, những người tị nạn Cuba đầu tiên đến Hoa Kỳ ngay khi cộng sản chiếm quyền cũng thuộc những viên chức thuộc chế độ Batista cũ cùng giới trí thức, văn nghệ sĩ… và sau đó lần lượt là những đợt vượt thoát tìm tự do của người tị nạn Cuba, kéo dài cho đến tận những năm của thập niên 70 mới chấm dứt.

cong dong cuba3

Tháp Tự do tại Miami – Photo Đinh Yên Thảo

Những ai đến Miami ắt cũng có dịp đi hay ghé ngang Little Havana, thủ phủ của cộng đồng người Cuba tại Hoa Kỳ. Khoảng 70% người gốc Cuba hiện đang sống tại Florida, mà phần lớn là tập trung tại Miami, nơi làn sóng người tị nạn Cuba ồ ạt đổ sang vào thập niên 60 nói trên. Freedom Tower – Tháp Tự Do, một biểu tượng và di tích đánh dấu sự hiện diện của người Cuba tại Hoa Kỳ sừng sững giữa trung tâm Miami. Đây là trạm đầu tiên mà chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập nhằm tiếp nhận, giúp đỡ khi gần một nửa triệu người vượt thoát đến bến bờ tự do sau khi Cuba rơi vào tay cộng sản. Tiền thân là tổng hành dinh của tờ báo Miami News, Tháp Tự Do được chính phủ trưng dụng để tiếp nhận người Cuba và  về sau đã được những thương gia thành công gốc Cuba mua lại và hiến tặng để làm bảo tàng viện cho đến nay. Marco Rubio đã chọn nơi đây để tuyên bố ra tranh cử tổng thống hồi giữa năm qua.  

Như những “cứ địa” của các sắc dân thiểu số khác tại Hoa Kỳ, Little Havana tại Miami của người Cuba cũng là khu tập trung hầu hết các tiệm quán, cơ sở thương mại, dịch vụ sầm uất của người Cuba và người ta chỉ nghe toàn tiếng Cuba (Tây Ban Nha). Một cộng đồng chống cộng và từng tẩy chay hay đưa những người muốn làm ăn, ủng hộ lịnh bỏ cấm vận Cuba vào khánh tận nhiều năm trước, dù hiện nay đã thay đổi rất nhiều, nhất là từ sau khi Tổng thống Obama thiết lập bang giao với Cuba. Có truyền thống ủng hộ và dồn phiếu cho các ứng cử viên đảng Cộng Hòa,  xu hướng này hiện nay cũng bắt đầu thay đổi khi giới trẻ sinh trưởng và lớn lên tại Hoa Kỳ, cùng những người vượt biên sau này bắt đầu nghiêng về đảng Dân Chủ. Nhưng điều mà nhiều sắc dân thiểu số khác không hay chưa làm được là cộng đồng người Cuba đã vận hành một cỗ máy chính trị đoàn kết và hữu hiệu để đưa người của mình vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền các cấp, cũng như hiện diện ở cấp quản trị các đại tập đoàn đa quốc gia, cùng nhiều lãnh vực khác.

cong dong cuba2

Có một Little Havana tại Florida – Photo Đinh Yên Thảo

Chẳng mấy khó khăn nếu cần kể ra nhiều tên tuổi nổi tiếng và quen thuộc từ một danh sách dày đặc những siêu sao thể thao, ca nhạc, điện ảnh, thương trường thuộc cộng đồng Cuba, cho đến những cựu hay đương kim Chủ Tịch hoặc CEO, CFO, COO của các đại tập đoàn tầm cỡ thế giới như McDonald’s, AT&T, Coca Cola, Google, Dow Jones, Bank of America…,  để ghi nhận sự thành công của cộng đồng Cuba không phải là sự thành công cá nhân hay các trường hợp đơn lẻ, mà đó là sự thành công mang tính số đông và có tầm mức ảnh hưởng đến chính trường và cục diện quốc gia, khi có một số lượng chính khách gốc Cuba đáng kể đang góp mặt tại các cơ quan lập pháp và hành pháp các cấp tiểu bang và liên bang.

Không chỉ liên tục thay nhau nắm giữ chức vụ Thị trưởng Miami hay hàng chục người từng hay đang nắm giữ các chức vụ từ Thống Đốc, Bộ Trưởng Tư Pháp, dân biểu tiểu bang Florida, mà cộng đồng Cuba hiện có rất nhiều tên tuổi đang ở vị trí trọng trách trong chính quyền liên bang. Cho đến nay người Cuba đã từng có đến 16 dân biểu quốc hội, 8 đại sứ Hoa Kỳ và hàng chục Bộ Trưởng, Thứ Trưởng thuộc Bộ Nội An, Bộ Di Trú, Bộ Gia Cư, Bộ Thương Mại…

cong dong cuba4

Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio – nguồn usnews.com

Người ta đã quen thuộc với tên tuổi của Marco Rubio hay Ted Cruz qua cuộc tranh cử tổng thống hiện nay, nhưng hãy xem qua một ngôi sao khác của cộng đồng người Cuba hiện nay là Alejandro Mayorkas, hiện đang là Phó Bộ Trưởng Bộ Nội An với khoảng 240 ngàn nhân viên thuộc quyền. Sinh tại Havana, theo cha mẹ sang Hoa Kỳ tị nạn rồi tốt nghiệp luật sư, 29 tuổi Alejandro đã trở thành một Chưởng Lý Liên bang (US Attorney) trẻ nhất trong lịch sử bộ Tư Pháp. Được bình chọn là một trong 50 luật sư giỏi nhất nước Mỹ,  Alejandro được bổ nhiệm làm Giám Đốc Sở Di Trú quan trọng của Hoa Kỳ, rồi trở thành Phó Bộ Trưởng Bộ Nội An sau khi được Thượng Viện chuẩn chấp từ năm 2013 cho đến nay. Với khả năng và những chức vụ đã hay đang nắm giữ, chức vụ Bộ Trưởng Bộ Nội An hay Tư Pháp thuộc về Alejandro chỉ là vấn đề của thời gian.

Với Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio, ở tuổi 44 còn khá trẻ và chưa nhiều kinh nghiệm, cơ hội được chọn làm ứng viên tổng thống để tranh chức tổng thống trong mùa bầu cử năm nay ắt không cao, nhưng đây sẽ là một kinh nghiệm cùng một nền tảng chính trị cho con đường hoạn lộ lâu dài của Rubio. Nếu Rubio gắn bó và được cộng đồng Cuba tại Florida hậu thuẫn cho sự nghiệp chính trị của mình thì trường hợp của Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, 45 tuổi lại khác hơn. Mang thắt lưng và giày cao bồi, Ted Cruz có vẻ như một “cao bồi” gốc Mỹ La Tinh nói chung hơn là một người thuộc cộng đồng Cuba. Nhưng có cha là người Cuba, người ta cũng không thể không nhắc đến nguồn cội của Ted Cruz. Không hoàn toàn được ủng hộ từ ngay trong đảng Cộng Hòa, dù trở thành một người Mỹ La Tinh đầu tiên thắng cử trong một cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ tại Iowa hồi đầu tháng, cơ hội cho Ted Cruz đi xa hơn cũng khá khó khăn. Nhưng những điều bất ngờ luôn khó lường, như khi Ted Cruz thắng cử vào Thượng Viện hồi 2012.

Dù cơ hội của các ứng viên gốc Cuba này như thế nào thì cùng với TNS Bob Menendez tại Thượng Viện, một cộng đồng thiểu số trên dưới hai triệu dân mà có đến ba Thượng Nghị Sĩ và năm dân biểu Hạ Viện quả là một số mơ ước và khó lòng cho các cộng đồng thiểu số khác bắt kịp. Con đường phát triển của mỗi cộng đồng đầy khác biệt và cũng luôn là sự khập khễnh khi so sánh lẫn nhau, tuy nhiên nhìn đến sự phát triển và nền tảng, sự đoàn kết để dẫn đến sự thành công của cộng đồng Cuba, ắt cũng là dịp để những cộng đồng khác tự lượng lại sức mình hay tránh những sự thổi phồng về mức độ thành công mang tính cá nhân cùng sự  “vẻ vang” khá giới hạn của mình mà nhắm đến con đường phát triển hữu hiệu hơn.

cong dong cuba

Cuộc đối đầu giữa Marco Rubio và Ted Cruz – nguồn politico.com

ĐYT