Menu Close

Hoàng Sa trong trái tim ta

Đã 42 năm kể từ ngày trận hải chiến Hoàng Sa 1974 nổ ra trên biển Đông mà hậu quả là quần đảo này rơi vào tay Trung Quốc, 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong một trận đụng độ khốc liệt, biết chết mà vẫn chiến đấu bảo vệ biên cương. Trong đó phải kể đến Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, người đã chết theo tàu đúng theo truyền thống hải quân và ý nguyện vị quốc vong thân. Sự hy sinh của Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và đồng đội trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-01-1974 là thiên anh hùng ca bất tử, mãi mãi vang vọng như nhạc hồn đất nước trong lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trở lại thời điểm 1974 khi trận chiến Hoàng Sa bùng nổ. Theo nhận định của sử gia Trần Gia Phụng, Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đang ở thế lưỡng đầu thọ địch (hai đầu bị địch tấn công). Trong khi đương đầu một mất một còn với tập đoàn cộng sản Bắc Việt, Quân lực VNCH còn phải chiến đấu bảo vệ vùng biển của tổ quốc, chống sự xâm lấn của Bắc Kinh. Phải nhấn mạnh là toàn thể quân dân VNCH, từ trên xuống dưới, một lòng cương quyết bảo vệ đất nước kính yêu.

Bản tin thời đó còn ghi nhận: Ngày 17-01-1974, trước những tin tức về việc các chiến hạm Trung Quốc hăm dọa quần đảo Hoàng Sa, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Chiến Thuật, đã chỉ thị cho vị Tư lệnh HQ Vùng I là Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Trong trận chiến nầy, Hải quân VNCH đã gây thiệt hại cho hạm đội Trung Quốc, và ngược lại, hạm đội Trung Quốc cũng gây thiệt hại nặng nề cho Hải Quân VNCH. Chiếc tàu bị thiệt hại nặng nhất về phía chúng ta là Hộ tống hạm HQ10 do Thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy. Tàu bị trúng đạn ở phòng máy chánh và bị nghiêng về bên phải. Phòng chỉ huy cũng bị trúng đạn. Cả chỉ huy trưởng cùng chỉ huy phó đều bị thương. Biết tình trạng chiếc tàu không thể cứu vãn, chỉ huy trưởng Ngụy Văn Thà ra lệnh cho chỉ huy phó Nguyễn Thành Trí và thủy thủ đoàn còn lại phải đào thoát. Toàn bộ thủy thủ đoàn yêu cầu chỉ huy trưởng cùng rời tàu luôn, nhưng Ngụy Văn Thà từ chối -ông cương quyết ở lại chết theo tàu. Nguyễn Thành Trí xin ở lại với chỉ huy trưởng, cũng không được chấp thuận.

Ngụy Văn Thà ở lại biển Đông, hy sinh thân mạng đền nợ nước, là một anh hùng dân tộc, tiếp nối truyền thống hào hùng của Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản… Sự hy sinh của anh em hải quân VNCH ở Hoàng Sa ngày 19-01-1974 càng ngày càng thêm sáng ngời, nổi bật trước sự hèn nhát của nhà cầm quyền và bộ đội CSVN, hiện đang để cho Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải, mà chẳng dám lên tiếng công khai phản đối.

hoang sa trong trai tim ta

Hải chiến Hoàng Sa giữa HQ-4 và K-271, K-274 của Trung Cộng – nguồn urlz.fr

Tiếp theo sử gia Trần Gia Phụng, nhà báo/nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng nhấn mạnh: 42 năm, sự thật vẫn nguyên vẹn đó. Sự thật vẫn thì thầm trên môi của từng người Việt yêu nước mình. Sự thật vẫn trao lại cho nhau bởi những người Việt không chấp nhận cúi đầu trước kẻ xâm lược và gọi chúng là bạn. Sự thật như chân lý -chỉ khuất chứ không bao giờ tắt. Sự thật đó là: 74 anh linh người Việt trong quân phục Việt Nam Cộng Hòa đã ghi tên mình vào sử sách Việt, trong việc chống lại Trung Quốc năm 1974, hy sinh đời mình. Sự thật về họ là bằng chứng duy nhất và mạnh mẽ nhất để nhà nước Việt Nam hôm nay có thể nói không ngại miệng rằng Hoàng Sa đã bị xâm lược, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Như đã nói, không thể nhắm mắt trước sự thật, và do tình thế đòi hỏi, nhà cầm quyền Cộng Sản buộc phải xây đài tưởng niệm trên đảo Lý Sơn, nhưng trên bia lại ghi Nghĩa Sĩ Hoàng Sa. Điều này một lần nữa khiến nhà báo Tuấn Khanh bất bình, và nhiều người nữa trên trang mạng Hoàng Sa phải lên tiếng: Tấm bia giả dối chỉ ghi một nửa sự thật. Nhiều người đã tưởng nhầm rằng đó là đảng cộng sản Việt Nam đã thực lòng muốn ghi công hay tri ân 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ngày 19.01.1974 chống Trung Cộng xâm lược. Họ đã lầm quá lớn! Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi Việt Nam Cộng Hòa là kẻ thù và không bao giờ có chuyện hòa hợp hòa giải thật sự chứ đừng nói là tri ân. Và đó là lý do tại sao đảng cộng sản Việt Nam chọn chữ Nghĩa Sĩ chứ không dùng Liệt Sĩ hay Tử Sĩ.

Nghĩa Sĩ: Là những người dân bình thường, chiến đấu vì Tổ Quốc mà hy sinh thì gọi là Nghĩa Sĩ. Họ không là quân lính chính quy, không thuộc một quân đội nào. Lúc còn sống họ được gọi là nghĩa quân, hy sinh rồi thì gọi là nghĩa sĩ. Ví dụ như Nghĩa Sĩ Cần Giuộc là những nông dân đứng lên chống Pháp bị xử tử hình.

Liệt Sĩ: Là những anh hùng trung trinh tiết liệt, là những tấm gương sáng anh dũng tuyệt vời. Họ không phải là người lính, cũng không nằm trong quân đội chính quy, nhưng thường là những chí sĩ, nhân sĩ có học thức cao, có nhân cách lớn, vì nước hy sinh thì được gọi là Liệt Sĩ. Ví dụ như liệt sĩ Phạm Hồng Thái, liệt sĩ Nguyễn Thái Học. Cô Giang, Cô Bắc thì được gọi là Liệt Nữ.

Còn 74 quân nhân VNCH, họ nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ chỉ huy của họ, của tổ quốc mình, rằng phải sống mái với giặc thù để giành lại đảo, giành lại biển, và họ trở thành tử sĩ. Ngày 19/1/1974 không có nghĩa sĩ, mà chỉ có những người hy sinh vì đất nước, những tử sĩ của quốc gia.

Đã 42 năm trôi qua, bao lần mặt trời lặn mặt trời mọc, sự thật ngày càng tỏ ngời. Chúng ta lấy làm hãnh diện là đã có một chính thể dám đương đầu với kẻ địch trên biển cả mặc dầu biết chúng mạnh hơn mình. Chúng ta hãnh diện vì có những chiến sĩ, những người con yêu của tổ quốc dám nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ biển đảo. Chúng ta lấy làm hãnh diện và xúc động biết bao khi có một chiến sĩ can trường chấp nhận hy sinh thân mình chết theo tàu để đồng đội vượt thoát. Mãi mãi các anh còn sống với trí nhớ lịch sử. Mãi mãi Hoàng Sa còn trong trái tim Việt Nam.

TN