Menu Close

Chỉ có Khải với Quỳnh…

Khải và Quỳnh ngồi đối diện nhau sau hiên nhà trên hai chiếc ghế đan bằng mây, trước mặt họ là cái bàn tròn cũng bằng mây, họ uống cà phê với hai cái tách in hình bông tulip rất mỏng manh màu phớt hồng, để trên dĩa cùng màu, cái muỗng nhỏ xíu gác trên dĩa, tiếng nhạc nhẹ vẳng ra từ bên trong nhà. Trời mùa Thu buổi sáng miền cao nguyên mát lạnh… Nắng đang lên, ngoài hàng rào hai hàng cây muồng cao thẳng tắp chạy dài hai bên đường…

Quỳnh khoác chiếc áo mỏng bên ngoài, tay khuấy nhẹ cái muỗng mà mắt ngó đâu đâu, Khải ơi rồi sau khi Quỳnh đi, sau chiến tranh Khải làm gì? Trời, nói sao hết những cái “khổ” của Khải lúc đó, sau một năm tạm nguôi ngoai cái nỗi mất Quỳnh… Sau đó, ba Khải đi học tập ngoài Bắc, mẹ Khải với đám con lên rẫy cuốc đất trồng khoai trồng bắp lây lất sống. Khải không vô đại học, từ đó lao động như điên, quên hết bạn bè trường lớp sách vở luôn… nhưng Khải đã từng đi hướng đạo, được rèn luyện nhiều nên rồi cũng quen, tay có chai sạn thì cũng làm cho mình cứng cáp lên thêm với đời thôi, chỉ tội nghiệp cho mẹ với mấy em Khải. Khải ở đâu lúc đó? Nha Trang! Có xa thành phố không Khải? Không xa lắm, nhưng cũng đủ rừng rú cho những người thành phố lên bị sốt rét tơi bời luôn. Anh em Khải sốt rét từ trên xuống dưới không sót ai, Khải còn tệ hơn nữa, Khải bị sốt rét ác tính đó Quỳnh, mà chắc ông Trời tính cho Khải sẽ gặp Quỳnh nên Khải mới còn sống đó, cười, Khải phải cám ơn ông Trời nhiều lắm! Quỳnh cũng cười, chỗ Khải ở tên gì vậy?

Tên đẹp lắm, Đồng Trăng! Sao tên Đồng Trăng? Chắc tại trống huơ trống hoác, nên khi trăng lên thì trăng sáng vằng vặc cả cánh đồng… Đường đi lên đó dễ không Khải? Cũng không khó, nhưng muốn vô đó phải băng qua một con sông, có cái phà nhỏ, cũng không biết gọi là gì, giống như cái ca-nô đó Quỳnh, chất cỡ mười lăm hai mươi người trên đó, có sợi dây cáp to giăng ngang sông, người lái phà chỉ bằng hai bàn tay mình nương theo dây cáp đó đưa cả chiếc phà với những người trên đó qua sông! Gì ngộ vậy?

Ừ, mùa nước lớn thì khỏi nói, hai bàn tay với sợi dây cáp làm sao mà chơi cho lại dòng nước xiết? Cho nên  mùa mưa, nước lớn có nhiều hôm “nội bất xuất, ngoại bất nhập!” Những ngày đó không chợ búa rẫy rừng gì hết, trong nhà chỉ có cơm với nước mắm, nước mưa thôi! Tội nghiệp mẹ Khải, chắc nghĩ đến ba Khải hoài cũng rầu, bà cuốc đất quần quật như tụi Khải luôn. Quỳnh biết cỏ tranh không?

Cỏ tranh mọc trong mấy khu đất hồi thời Pháp bỏ hoang, tùm lum đầy hết đâu có chỗ cho mình trồng trọt gì? Anh em Khải còng lưng còng cổ đào từng bụi cỏ tranh cho tới lúc trăng lên luôn… Còn chỗ ở mấy năm đầu đơn giản lắm, giống như là nhà sàn, mình ở phần trên còn ở dưới ban ngày ăn uống thôi, ngay cả chỗ ngủ trên sàn cũng chỉ có mái bằng tranh che trên đầu, hai bên trống trơn. Có đêm đang ngủ, nghe tiếng động mạnh vô cầu thang phía dưới, sáng ra thấy mấy giồng khoai lang bị heo rừng ủi nát hết… Hồi đó trên đó còn hoang sơ lắm, tại mẹ theo cậu Khải đi trước khi kinh tế mới lên nữa. Rồi cũng có khi Khải tự nhiên thức giấc giữa đêm, bầu trời đen thăm thẳm đầy sao, ngay tầm tay với… Khải cười, đúng là “Riêng một góc trời!” đó Quỳnh, giọng đôi chút ngập ngừng… cũng thơ mộng, nếu hai vợ chồng trẻ chắc đỡ buồn hơn… Quỳnh tránh đi cái nhìn của Khải…

Gương mặt Khải chợt sáng lên với nụ cười, nói thiệt, lúc cuốc đất thì Quỳnh “chìm” đâu đó trong lòng Khải, nhưng khi hết mọi công việc, Quỳnh lại hiện ra rất rõ, gương mặt, nụ cười Quỳnh… Khải không làm sao mà quên được!

Khải ngập ngừng hồi lâu… rồi hỏi còn Quỳnh, hồi đó Khải nhớ Quỳnh đâu có đi nhà thờ đâu phải không, Quỳnh còn kể Khải nghe mỗi tối Quỳnh có bổn phận thắp nhang trên bàn thờ Phật trên vách tường cao Quỳnh phải bắc ghế, có lần Quỳnh bị trợt té trặc chân luôn… Đó thấy không, thấy Khải nhớ kỹ chuyện Quỳnh không, có khi Quỳnh còn quên nữa? Nhưng rồi sao Quỳnh đi nhà thờ vậy, hồi nào?

Quỳnh cúi xuống, ngắt nhẹ cánh hoa dại nhỏ xíu màu tím bên trong những viên gạch trắng, mái tóc ngắn ngang vai rất óng ả đã thấp thoáng có những sợi bạc màu đủ nghiêng bên che nửa mặt. Quỳnh nói Khải biết không, hồi nhỏ bé Ti hay bệnh lắm, Quỳnh không phải là người đàn bà mạnh mẽ, giỏi giang gì đâu, một mình vừa đi làm vừa đem con vô ra bệnh viện liên miên, nhiều khi cô đơn, sợ lắm. Khải đừng tưởng là Quỳnh tài ba gì để sống một mình, lo toan này nọ… Đó, Khải coi nè, có những cọng cỏ ngoi ra từ mấy tảng đá lát chân mình đó, hay trên những bức tường kia, Khải thấy không, những sợi dây leo ngoi ra từ bức tường đó đó… Trong đó phải có những hột cỏ, hột cỏ đó phải đủ mạnh để vượt qua hết những sỏi những đá cát xi măng này nọ, rồi mới ngoi được ra ngoài, mà Quỳnh thấy nó luôn hướng về phía mặt trời mà sống…

Quỳnh cũng vậy, hơn ai hết Quỳnh biết mình chỉ là một phụ nữ thật yếu đuối thôi. Khải biết đó, cũng tại Quỳnh nghe lời anh Tùng không đi làm, chừng bỏ ra một mình chới với liền. Mà thêm Quỳnh tự ái nữa, không nhận bất cứ thứ gì từ anh Tùng hết, không làm sao mà kể hết những gian nan của Quỳnh lúc đó…. Rồi Quỳnh nghĩ lại, Quỳnh cũng phải sống thôi, vì thương con, nhưng mà ý chí đâu, nghị lực đâu để sống, đâu phải ai cũng có những điều đó đâu Khải? Nhưng rồi cũng nhờ Quỳnh theo anh Tùng đi nhà thờ lúc trước, ban đầu Quỳnh nghĩ đi nhà thờ cho anh Tùng vui, nhưng dần dần Quỳnh nhận ra chính Quỳnh phải có được đức tin đó trong lòng cho chính mình, để đứng được trên đôi chân của mình…      

Ngoài hiên, ánh nắng sáng của một ngày đẹp trời bên ngoài hàng rào từ từ lan đến cái bàn mây, đến chỗ của hai người từ hồi nào… Thôi vô nhà đi Khải!

Khải đứng dậy, vươn vai cách thoải mái, trưa nay Quỳnh định nấu gì? Mà thôi, hôm nay Quỳnh nhường bếp lại cho Khải đi, Khải xung phong làm bếp đãi Quỳnh! Khải biết nấu ăn hả? Nữa, Quỳnh quên Khải kể từng đi hướng đạo sao? “Sói con” Khải sống một mình trong rừng còn được vài ngày nữa nói chi làm bếp ở nhà, chuyện nhỏ!

Rồi Khải xắn tay áo, đeo tạp dề trước ngực, nhanh nhẹn xắt thịt rau thành thạo Quỳnh không ngờ… Tiếng nhạc vẫn nhẹ nhàng, nhưng sao nghe vui tươi hơn, nghe tưng bừng quá, tiếng nhạc nghe như nhảy nhót khắp các ngõ ngách trong căn nhà, từ phòng này qua phòng kia, tiếng nhạc nhảy nhót chung quanh hai người, như chia sẻ nỗi vui mừng, như ca ngợi sự chung thủy, ca ngợi tình yêu, tình bạn đẹp đẽ tưởng đã mất mà vừa tìm lại được!

chico voi khaihuynh

HOÀNG TƯỜNG

BB