Menu Close

Thơ Joseph Brodsky

Brodsky bắt đầu làm thơ lúc 16 tuổi; khi 17 tuổi ông hoàn thành tập thơ nổi tiếng Vĩnh biệt, hãy quên, đừng trách cứ gì nhau… và được công nhận là một nhà thơ, một dịch giả tài năng. Năm 1963 Brodsky bị kết tội “ăn bám xã hội” và gửi đi cải tạo 5 năm ở miền bắc Nga. Nhờ sự phản đối của các nhà văn trong và ngoài nước hai năm sau ông được trở về Leningrad. Năm 1972, ông lại bị trục xuất, phải sang Vienne, London và cuối cùng là Hoa Kỳ. Từ đây, Brodsky sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh.

josephbrodskypix

Năm 1977, ông nhập quốc tịch Mỹ và làm giáo sư văn học cho trường Cao đẳng Five College ở Mount Holyoke, tiểu bang Massachusetts. Năm 1978, Đại học Yale trao cho J. Brodsky bằng tiến sĩ văn học danh dự. Năm 1979, ông trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật – Văn chương Mỹ. Năm 1987, ông nhận giải Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Thi sĩ nằm trong truyền thống thi ca cổ điển Nga cùng vị trí với Osip Mandlestam, Anna Akhamatova và Boris Pasternak, nhưng lại là người cách tân thơ, áp dụng những phương cách diễn tả tân kỳ cho thơ. Thơ Brodsky đến từ cuộc sống và viết cho cuộc sống. Nó là sự dung hợp những nét đẹp của trí tuệ và sự trác tuyệt, tân kỳ của ngôn ngữ. Các nhà phê bình coi ông “là người tổng kết thơ ca thế kỷ 20”. Joseph Brodsky qua đời ngày 28/1/1996 tại nhà riêng vì căn bệnh nhồi máu cơ tim.

Từ lâu người viết yêu thơ Brodsky do cùng ở vị thế lưu vong và cũng bởi thơ ông có những vẻ đẹp gần gũi với mình.

Sao Khuê

Khúc ca

em yêu

ước gì em có ở đây

ước gì em có ở đây

em sẽ ngồi xuống cái sofa. và anh ngồi cạnh

chiếc khăn tay. có thể là của em

và những dòng lệ kia. có thể là của anh. ràn rụa chảy xuống cằm

hoặc giả

cũng có thể là. ngược lại

này em

anh ước mong em đến nơi này

ngồi trên xe hơi anh

và em sẽ sang số

chúng ta sẽ tới một nơi nào

chẳng hạn một bờ biển. xa. chưa từng tới

hoặc là. ta đổi lại

ngược về chốn xưa

em yêu

anh ước ao em có mặt nơi này

anh ước ao anh không biết gì về tinh tú

không biết giờ những ngôi sao xuất hiện

và khi mặt trăng khuấy động mặt hồ

làm nước thở dài

và dạt. trôi

trong cơn mơ ngủ

anh ước ao mặt trăng là đồng quarter

để anh cho vào máy

gọi thăm em

ôi. giá như em ở đây. em yêu

ở bán cầu này

trong khi anh ngồi trước cửa

nhâm nhi ly bia

chiều rơi. mặt trời đang lặn

trẻ con la. và hải âu kêu thét

lãng quên ư. sao đành lãng quên

nếu rồi đây. cái chết…

BẢN DỊCH CỦA SAO KHUÊ

 

 

Những người hành hương

Trước sân vận động và đền miếu,
trước nhà thờ và quán rượu,
trước những nghĩa địa tao nhã
trước những dãy chợ lớn,
trước sự bất hạnh và sự thanh thản,
trước Rome và trước La Mecque,
cháy bỏng dưới nắng xanh mặt trời,
họ đi khắp cùng thế giới
những người hành hương.

Họ là những người què cụt, lưng gù,
là những người đói khát, rách rưới,
trong đôi mắt hoàng hôn say ngủ,
trong trái tim lạc lõng buổi bình minh.
Phía sau họ những sa mạc ca hát,
và những ánh chớp lóe sáng,
trên đường đi của họ những ngôi sao run rẩy
và chim chóc thét vào tai họ
rằng thế giới sẽ không thay đổi.
Không. Nó sẽ không thay đổi.
Tuyết sáng rỡ
dịu dàng mà vô định,
thế giới sẽ không ngừng nói dối,
bất động trong vĩnh cửu của mình
dễ hiểu có lẽ
nhưng tuyệt đối vô hạn.

Vậy thì tại sao tin ở mình?
Tại sao tin ở Thượng đế?
Với con người đó chỉ là sự phỉnh phờ
Chúng ta chỉ còn mỗi
phiêu lưu và ảo tưởng.
Và những hoàng hôn nổi lên mặt đất,
và những bình minh đăng quang mặt đất.
Mặt đất được tưới bằng máu của người lính,
kích động bởi tiếng thét của nhà thơ.

BẢN DỊCH CỦA HOÀNG NGỌC BIÊN

 

 

Mây bay qua

Anh có nghe, anh có nghe trong khoảng rừng chồi tiếng hát trẻ em,

những tiếng hát bốc lên trên những chòm cây bạc

tản lạc trong đêm tối, chầm chậm tắt

hòa lẫn với bầu trời mà đêm đang xóa đi.

Những dòng mưa lấp lánh quấn quít những mình cây

và rì rào trong lặng lẽ trên vùng cỏ trắng,

anh có nghe những tiếng hát của chúng, anh có thấy những mái tóc

của chúng cài những chiếc lược đỏ,

và những lòng bàn tay chúng mở ngửa, hướng về những chùm lá ướt?

“Mây bay qua, mây bay qua rồi tan rã.”

Lũ trẻ hát như thế và những cành đen thì thầm,

những tiếng hát hốt hoảng bay đi, giữa những mình cây

âm u, bay về hướng đêm đang lại gần, những tiếng hát không trở lại.

Những chiếc lá ẩm ướt bay theo gió, vọt lên

từ những bụi rậm, bỏ trốn, như một tiếng gọi đến từ mùa Thu xa.

Từ bụm cỏ tới những chỏm cao thế giới chỉ còn là

tiếng hát nhịp nhàng, run rẩy.

Khi mây qua, sự sống cũng qua và bay đi.

Chúng ta mang trong mình cái chết của chúng ta, như những đám mây

phồng lên những tiếng hát và tình yêu giữa những cành đen.

“Mây bay qua…” lũ trẻ ngợi ca thế giới.

Anh có nghe, anh có nghe trong khoảng rừng chồi tiếng hát trẻ em?

Những dòng mưa lấp lánh quấn quít, những tiếng hát vang vang,

những tiếng hát chóng qua bên những gò đống hẹp hòi nơi những

bóng tối mới

tràn ngập những khoảng trời hấp hối.

Trên những rừng chồi bay đi những đám mây, bay đi những đám mây.

Ở đâu đó nước rịn thoát, chỉ cần hát và khóc

dọc theo những hàng rào của mùa Thu,

chỉ cần nhìn lên cao mãi, chỉ cần nức nở không cùng,

chỉ cần là một đứa trẻ của đêm tối,

chỉ cần nhìn lên cao mãi, chỉ cần hát và khóc,

chỉ cần không biết tới nước mắt.

Ở đâu đó nước rịn thoát dọc theo những hàng rào của mùa Thu

và hàng cây âm u,

tiếng kêu trong những vùng tăm tối mới, chỉ cần hát và khóc

chỉ cần xếp lại chùm lá.

Bên trên chúng ta, một chiếc bóng lướt qua và tan rã,

chỉ cần hát và khóc, chỉ cần

sống.

BẢN DỊCH CỦA DIỄM CHÂU