Bệnh của móng có thể phục hồi sau khi điều trị, nhưng móng mọc lại rất chậm. Cho nên chăm sóc, bảo vệ móng, tránh hư hao là điều cần lưu ý.
Chăm sóc móng cũng là cả một nghệ thuật vì thực hiện không đúng cách hoặc quá đáng đều có thể gây tổn thương cho móng
– Ðiều rất quan trọng trước hết là không nên cắn móng tay hoặc làm điều gì có thể gây tổn thương cho móng. Chỉ với một vết thương nhỏ cũng khiến vi khuẩn có thể xâm nhập và đưa tới nhiễm trùng móng.
Vì vậy, cần mang bao tay khi làm công việc có thể va chạm mạnh tới móng.
– Tránh để móng tiếp xúc trực tiếp và quá lâu với các chất tẩy rửa, dung dịch hòa tan, dầu nhớt… Các chất này rất dễ dàng làm thay đổi cấu trúc, hình dạng và mầu sắc của móng. Mang bao tay cao su để bảo vệ móng khi phải làm việc với các chất này.
– Mỗi tuần cắt móng tay một lần. Móng chân nên cắt ngang bằng mặt, mỗi tháng một lần vì móng nơi đây mọc chậm hơn móng tay.
Khi móng quá cứng và giòn, nên cắt sau khi tắm hoặc ngâm móng trong nước, vì lúc này móng tương đối mềm hơn.
Dùng kéo hoặc kìm cắt móng thật sắc và nhỏ để cắt, rồi giũa cạnh cho nhẵn, để giảm thiểu tổn thương cho móng.
– Nếu thích để móng tay dài, nên tránh bụi bặm tích tụ dưới móng và cẩn thận khi làm việc để móng khỏi gẫy.
– Lớp da bao quanh móng có nhiệm vụ bảo vệ móng khỏi bị nhiễm độc. Nhiều người khích lệ cắt gọt da này để mặt móng bằng phẳng, nom đẹp hơn. Nhưng các nhà chuyên môn bệnh bì phu lại khuyên là không nên cắt, trừ trường hợp da bị xước hay lật ngược.
Trước khi cắt, nên ngâm tay trong nước ấm cho da mềm rồi cắt sát tận gốc với kéo sắc. Đừng lấy tay giựt đứt da này vì làm như vậy là ta đã mở đường cho vi khuẩn xâm nhập móng, dễ gây ra nhiễm độc.
– Sử dụng mỹ phẩm đúng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Loại mỹ phẩm sơn màu và làm bóng móng đều giống nhau và chỉ có mục đích thẩm mỹ, trông cho đẹp chứ không nuôi dưỡng cho móng tốt được.
– Cũng nên lưu ý rằng, không có hóa chất hoặc dược phẩm nào có thể thoa bôi để “nuôi dưỡng” móng, ngoại trừ việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc móng chu đáo.
– Không nên dùng thuốc rửa móng có chất acétone quá thường xuyên vì hóa chất này làm móng khô, giòn, yếu, dễ gẫy.
– Phong trào gắn móng tay giả rất phổ biến. Tuy vậy móng giả cũng có thể gây ra một số điều bất lợi. Khi gắn móng giả vào mà không lau chùi sạch thì vi trùng hay nấm độc có thể sinh sản ở giữa hai lớp móng và làm hư móng tự nhiên. Ngoài ra, khi móng tự nhiên mọc ra, sẽ có một khoảng trống giữa hai lớp móng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào đây.
– Khi đi tiệm để được chăm sóc móng, nên lưu ý nhân viên dùng dụng cụ sạch sẽ, áp dụng kỹ thuật cắt giũa cẩn thận để tránh tổn thương và nhiễm trùng cho móng.
– Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng tại một số tiệm làm móng không trang bị hệ thống thanh lọc không khí, nhất là nơi gắn móng tay giả, không khí có thể bị ô nhiễm hóa chất và có thể gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe.
Các hóa chất thường dùng là formaldehyde để làm móng chắc; chất éthyl méthacrylate làm keo gắn móng giả; acétone để chùi rửa thuốc sơn bóng móng.
Hóa chất xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp khi ta hít thở không khí, ngấm qua da, hoặc vô ý, ta nuốt vào miệng. Tùy theo thời gian tiếp xúc với hóa chất, đường xâm nhập, số lượng và loại hóa chất mà ảnh hưởng nặng nhẹ khác nhau.
Bụi và hơi hóa chất vào mắt làm mắt ngứa, chảy nước, sưng, thị lực bị tạm thời suy yếu. Khi vào mũi, cuống họng, phổi, hóa chất gây nghẹt mũi, đau cuống họng, nghẹt thở, ho, nặng ngực, khó thở, đôi khi lên cơn hen suyễn. Tiếp xúc quá lâu với hóa chất liên hệ tới móng có thể gây nhức đầu, chóng mặt, ói mửa…
Những dấu hiệu của suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng đôi khi được khám phá khi các cụ thấy quần áo tự nhiên rộng, lỏng.
Khi đi khám bác sĩ thì sự định bệnh căn cứ vào bệnh sử, khám toàn thân, cân đo sức nặng, thử nghiệm máu (hồng cầu, kích thích tố tuyến giáp, chức năng gan), thử phân để tìm kiếm ký sinh trùng và máu; chụp quang tuyến tim phổi, hệ tiêu hóa.
Người bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, mọi sự việc xảy ra ở chung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính.
Da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành. Tóc khô ròn, rụng nhiều; móng tay khô, nứt; ăn không ngon miệng; giảm cảm giác với mùi vị thực phẩm; miệng khô, lưỡi và môi lở; nhai nuốt khó khăn; hay buồn ói, buồn nôn; đại tiện táo bón hoặc lỏng bất thường; nhịp tim nhanh; hơi thở khó khăn.
Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, các bệnh đang có sẽ trở nên trầm trọng hơn, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ gặp tai nạn.
Hậu quả của suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng đưa tới thương tổn thể chất và tâm thần như:
– Thương tổn thể xác và tâm thần
– Dễ mắc các chứng bệnh truyền nhiễm vì hệ miễn dịch suy yếu;
– Tăng rối loạn với các bệnh chuyển hóa thực phẩm;
– Giảm khả năng hoạt động trí óc cũng như chân tay;
– Tăng nguy cơ tử vong vì suy nhược tổng quát, dễ đau ốm.
Ung thư vú
Thưa bác sĩ ung thư vú có di truyền từ mẹ sang con không. Dấu hiệu trước khi bệnh là gì và phải làm gì để phòng ngừa bệnh? Yến Linh
Đáp: Có khoảng 20% ung thư vú do di truyền.
Không có dấu hiệu báo trước khi bị bệnh, không có cách phòng ngừa cụ thể, tuy nhiên tránh tình trạng béo phì, tránh sinh con muộn, nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Biện pháp hữu hiệu để kiểm soát ung thư vú ở những người có nguy cơ là khám sàng lọc sớm tìm ra bệnh như là tự khám nhũ hoa mỗi tháng, chụp x-quang mammogram vú mỗi 2 năm.
NYD