Menu Close

Đường mòn nước mắt

duongmon nuocmat 01

Ðầu những năm 1830 có gần 125 ngàn thổ dân da đỏ sinh sống trên hàng triệu mẫu đất trải dài từ Georgia, Tennessee, Alabama, North Carolina và Florida, nơi mà tổ tiên người da đỏ đã canh tác và lập cư từ nhiều thế hệ trước. Nhưng đến cuối của thập kỷ đó chỉ còn rất ít người da đỏ sót lại ở miền Ðông – Nam của nước Mỹ.

Vì quyền lợi của những người da trắng muốn trồng trọt bông gòn trên vùng đất của người da đỏ, rồi đến những mỏ vàng được tìm thấy ở Georgia năm 1829 đã làm chính phủ Liên Bang dồn ép những người thổ dân da đỏ rời bỏ vùng đất quê hương mênh mông này và di tản hàng ngàn dặm về một vùng “Indian territory” lãnh thổ của người da đỏ nằm bên kia sông Mississippi. Cuộc hành trình đầy gian khó và nhọc nhằn này được biết qua tên gọi Trail of Tears – Con đường mòn đẫm nước mắt. 

Ðầu tiên phải nói về những xung đột với người da đỏ và người Mỹ trắng – White Americans, trong khái niệm bao gồm cho những người Mỹ có nguồn gốc từ châu Âu, Trung Ðông và Bắc Phi đến định cư tại Mỹ trong những năm tháng đầu tiên. Với họ, người thổ dân da đỏ trông xa lạ, lạc hậu, man rợ và đang chiếm cứ vùng đất mà người Mỹ trắng mong muốn. Và chính họ tin rằng miền đất này xứng đáng thuộc về họ do công khai phá… Tổng thống George Washington trong những năm đầu tiên của chế độ Cộng hòa đã tin rằng cách hay nhất để giải quyết vấn đề người da đỏ là khai hóa. Mục đích của chiến dịch này là đồng hóa những người da đỏ, khuyến khích họ theo Công Giáo, học đọc và viết tiếng Anh, hội nhập vào văn hóa và kinh tế kiểu châu Âu, sở hữu đất đai tư nhân và những tài sản cá nhân khác (bao gồm cả người nô lệ từ Nam Phi.) Một số bộ lạc da đỏ ở miền Ðông-Nam nước Mỹ như Choctaw, Chickasaw, Seminole, Creek và Cherokee đã đi theo chính sách này và trở nên 5 bộ lạc đầu tiên khai hóa. 

Người Mỹ trắng kéo đến định cư ở những vùng đất mới này càng đông. Họ làm giàu nhanh chóng trên những cánh đồng bát ngát trồng cây bông gòn. Lợi nhuận nhiều làm họ tham lam và muốn chiếm hữu tất cả. Họ đánh bắt bò ngựa, gia súc, đốt trang trại… để cướp cho được mảnh đất mới mẻ trù phú này. 

Chính phủ tiểu bang cũng tham gia chiến dịch ép người da đỏ ra khỏi miền Nam. Một vài tiểu bang hạ luật nhằm giới hạn lãnh thổ và quyền lợi của người da đỏ. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa tiểu bang và các bộ lạc da đỏ (còn được gọi là nation – tiểu quốc) được đưa lên Tòa án tối cao liên bang. Ðiển hình là vụ bộ lạc Cherokee với tiểu bang Georgia (1831) và Worcester với Georgia (1832), kết quả là tòa án chấp nhận chủ quyền “quốc gia” của người da đỏ. Mặc dù vậy những xung đột vẫn tiếp diễn, chính phủ liên bang đã làm ngơ để hậu thuẫn cho kế hoạch dời cư người thổ dân. Ðặc biệt là Tổng thống Andrew Jacson, người ủng hộ lâu dài cho kế hoạch này.  

Khi còn là tướng lãnh tối cao trong quân đội, ông đã nhiều năm tham gia các trận chiến khốc liệt của liên quân đối với bộ tộc Creek ở Georgia và Alabama, và bộ tộc Seminoles ở Florida. Ông dường như quên hẳn sự trợ giúp của 500 chiến binh Cherokee đã từng là đồng minh với quân đội của liên quân trong trận chiến ở Horseshoe Bend (Alabama) năm 1814 chống lại bộ tộc Creek (lúc ấy ngả theo quân đội Anh quốc). Những chiến thắng của tướng Andrew Jacson đã kết thúc với hàng trăm ngàn mẫu đất thuộc về người da trắng. Khi lên làm Tổng thống thứ 7 của Mỹ, Andrew Jacson đã tiếp tục cuộc “viễn chinh” này. Bằng đạo luật Indian Removal Act (Trục xuất dân da đỏ) đã cho phép chính phủ liên bang bằng quyền lực và tiền bạc đổi lấy những mảnh đất trù phú đầy bông gòn ở mạn đông sông Mississippi, đổi lại người da đỏ phải di cư về miền đất phía tây nằm trong vùng “Indian territory – Vùng đất dành cho người da đỏ”. Ðó là Oklahoma. Tên gọi giữ nguyên cho đến ngày nay.

Kế hoạch trục xuất và di dời người da đỏ kéo dài gần một thập niên kể từ 1830. Chia ra làm 3 nhánh chính, phía nam để trục xuất người bộ tộc Seminole từ Florida theo đường biển và đường sông. Nhánh giữa theo đường bộ và đường sông di dời bộ tộc Choctaw và Chickasaw ở Mississippi và nhánh phía bắc kéo dài từ Alabama, băng qua Tennesse, Kentucky, Missouri, Arkansas để đến Oklahoma. Ðây chính là Trail of Tears. Hành trình đầy nước mắt và tang tóc cho các bộ tộc Cherokee, Creek. Một hành trình bằng đường bộ trên những con đường mòn, trong mùa đông giá buốt tuyết băng, kéo dài hơn 1000 dặm, qua muôn trùng sông suối và rừng rậm hiểm trở…

Mặc dù dự luật buộc chính quyền phải thương thảo công bằng trong tinh thần tự nguyện, tránh bạo lực và không cưỡng ép những người thổ dân phải bỏ đất cha quê tổ; Tổng thống Andrew Jacson và chính phủ đã thường xuyên lờ đi những hiệu luật trên giấy tờ và thúc ép chuyện di dời. Mùa đông năm 1831, dưới sự đe dọa tấn công của quân đội Mỹ, bộ tộc Choctaw là bộ tộc đầu tiên chấp nhận di tản. Họ mở đầu “hành trình nước mắt” bằng những đôi chân trần (trong một vài sử liệu ghi lại: họ còn bị trói bằng dây và đi thành hàng hai.) Họ bước đi ngàn dặm đường như thế từ miền Ðông sang Trung Mỹ trong nhiều tháng trời. Mùa hè họ bị giam giữ trong các trại. Và mùa đông họ bị thúc ép lên đường. Ðói khát, rét lạnh và thiếu sự giúp đỡ từ phía chính quyền; hàng ngàn người đã chết dọc theo các con đường mòn. Một trong những tù trưởng của Choctaw đã viết trong một tờ báo phát hành ở Alabama gọi là “hành trình của nước mắt và cái chết.”

Hành trình đau thương này vẫn tiếp tục. Năm 1836, bộ tộc Creeks bị đẩy tới Oklahoma sau nhiều lần kháng cự. 3,500 người trong số 15 ngàn thổ dân Creeks đã chết trên đường. Về phía bộ tộc Cherokee nổi tiếng hào hùng trên lưng ngựa một thời, cũng rất hoang mang. Một số thì muốn bám đất và chống trả. Một số thì muốn thương lượng đánh đổi bằng cái giá 5 triệu đô cho mảnh đất quê nhà nằm phía đông Mississippi, cộng thêm sự trợ giúp tái định cư và đền bù cho tài sản bị mất mát. Chính quyền liên bang liền chấp thuận. Nhưng một số thổ dân cảm thấy bị phản bội bởi cuộc thương lượng, cùng tù trưởng John Ross, 16 ngàn thổ dân Cherokee ký thỉnh nguyện thư kháng cáo lên Thượng Viện. Quốc hội bỏ lơ và người Cherokee bị xua đi theo hành trình tang tóc đó.

Ðến năm 1838 chỉ có chừng 2 ngàn người Cherokee chịu rời quê mẹ ở Georgia đến Oklahoma. Tổng thống kế tiếp Martin Van Buren đã phái tướng Winfield Scott cùng 7 ngàn binh lính đến thúc đẩy nhanh cuộc di dời. Bằng vũ lực, họ đã dồn người Cherokee vào một hàng rào trại giam, đốt lều và tài sản của những người da đỏ. Sau đó họ đã ép những người thổ dân vượt qua hơn 1,200 dặm để đến Oklahoma. Bệnh ho gà, sốt phát ban, tiêu chảy, dịch tả và đói khát bám theo đoàn người dài lê thê trong hành trình. 

Những đoàn người của bộ tộc Cherokee già trẻ gái trai lầm lũi lê bước trong khổ nhọc, trên đôi chân trần và mảnh chăn quấn trên vai, họ đi như vậy dưới họng súng trường và lưỡi lê của quân lính liên bang. Nhiều người mẹ già đã quỵ xuống bên đường, nhiều trẻ em đã chết trên vai cha mẹ. Họ đi mà lòng nặng nuối tiếc mảnh đất quê nhà, chân lê bước về vùng đất xa lạ mà họ chưa bao giờ nghe đến với đầy hoài nghi… Gần 5 ngàn thổ dân Cherokee không đến được chốn định cư, xác họ vùi chôn bên dọc đường gió bụi và băng tuyết, cùng lời khấn cầu ai oán lên trời cao núi thẳm…  

Những người Cherokee sống sót gọi con đường của cuộc hành trình khổ nhục này là “Nunahi-Duna-Dlo-Hilu-I”, Trail Where They Cried – Con đường nơi họ đã đẫm lệ. Nơi những giọt nước mắt tầm tã rơi xuống dọc theo các đường mòn hóa thành những bông hoa hồng trắng, mọc rải rác trên các bụi cây dọc lối mòn thơm ngát hương. Những đóa hồng trắng có năm cánh trắng tinh khiết như những giọt nước mắt, ở giữa có nhụy vàng sáng như những mụn vàng nhỏ mà người da trắng đã tham lam chiếm lấy. Dưới bông hoa có 7 nhánh lá tượng trưng cho 7 nhánh của bộ tộc Cherokee. Họ gọi bông hoa trắng đó là Cherokee rose – Cánh hồng Cherokee. Như một truyền thuyết u buồn của người Cherokee về một cánh hoa trắng, nhắc nhở đến những giọt nước mắt của đoàn người bất hạnh suốt hành trình bất công ấy. (Hoa hồng trắng đó chính là Kim Anh Tử.)  

Ðến năm 1840, chừng 100 ngàn người da đỏ đủ mọi sắc tộc kết thúc cuộc hành trình tại vùng đất mới – Lãnh địa của người da đỏ. Nơi chính phủ liên bang đã hứa một vùng đất an toàn và độc lập không bị quấy nhiễu. Chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ đặt ra một cơ quan trong Bộ Nội Vụ là Bureau of Indian Affairs (Phòng Da Ðỏ Sự Vụ) từ năm 1824 để trông nom quản lý những vấn đề về người thổ dân. Cơ quan này đã giúp thổ dân rất nhiều trong những việc chăm sóc sức khỏe y tế và giáo dục cũng như việc làm. Tuy nhiên những cố gắng của liên bang nhiều khi lại đi ngược với tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống của thổ dân khiến cho những mâu thuẫn giữa đôi bên chẳng giảm thiểu. Trong khi đó làn sóng định cư của người da trắng không ngừng dừng lại, họ cứ tiến mãi về phía Tây khi dầu mỏ được tìm thấy. Ðất nước của người da đỏ ngày càng thu nhỏ lại. Năm 1917 Oklahoma trở thành một tiểu bang thuộc Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Và Lãnh địa của người da đỏ bị xóa tên.

Ðến năm 1987, Quốc hội Hoa Kỳ mới ban hành điều luật ghi nhận 2 con đường xuyên qua nhiều tiểu bang, trong số những con đường mà người da đỏ đã di cư trong sự cưỡng ép đó là Con đường lịch sử quốc gia (nằm trong hệ thống những con đường lịch sử toàn quốc). Ngày nay được biết với tên gọi Con đường mòn đẫm nước mắt. Ðó là một vết đen trong lịch sử lập quốc của nước Mỹ. Nhắc nhở đến những giá trị của tự do và của con người khát khao một đời sống hạnh phúc. Những giá trị cần thiết vượt lên trên những bạo lực, chủng tộc, tôn giáo và giống nòi.

Tôi đã có đôi lần rong ruổi theo xa lộ 35 chạy xuyên bang từ Texas lên Oklahoma, vừa băng qua ranh giới tiểu bang là khu sòng bạc giải trí Winstar Casino của bộ tộc Chickasaw sừng sững bên xa lộ với những kiến trúc tân kỳ của châu Âu gom lại (Ðấu trường Coliseum của Ý, Tháp chuông Big Ben của Tòa Nhà Quốc Hội Anh, Khải Hoàn Môn của Pháp…) dọc hai bên xa lộ là những mảnh đất bạt ngàn có màu đỏ sậm như đất đỏ cao nguyên. Phía bắc của downtown thủ đô Oklahoma city có một ngọn hải đăng rất xinh đẹp nằm trên hồ nhân tạo Lake Hefner lộng gió. Và một cộng đồng Việt Nam nhỏ bé nhưng rất hiếu khách, dễ thương, chịu đựng mọi khó khăn của thời tiết khắc nghiệt để chọn nơi đó làm quê hương. Gọi khắc nghiệt vì dù tiểu bang phát triển mạnh mẽ, công ăn việc làm thu hút với các kỹ nghệ năng lượng dầu hỏa và khí đốt, điện toán, hàng không và nông nghiệp. Nhưng Oklahoma là hành lang chính của tornado, là con đường quét qua của những con lốc xoáy tàn phá kinh hồn khó lường cứ xảy đến hàng năm. Vậy mà các ngôi nhà mới cứ ngày càng xây lên quanh phố. Mỗi căn nhà trong garage chứa xe có một hầm ngầm dưới đất đủ cho 4 người, kiên cố ẩn náu mỗi khi có tiếng còi hụ cảnh báo tornado xuất hiện gầm rú xé rách bầu trời.    

 duongmon nuocmat 01

Đường Mòn Nước Mắt – tranh Robert Lindneux, bảo tàng Woolaroc, OklahomaNGUỒN FREEPAGES.GENEALOGY.ROOTSWEB.ANCESTRY.COM

Oklahoma có nguồn gốc từ ngôn ngữ của bộ tộc Choctaw. Okla là “người” và Humma nghĩa là “đỏ”. Oklahoma là Người có màu da đỏ. Tôi mang trong mình dòng máu Việt cũng màu đỏ cũng như những con người di dân nào khác đến chọn mảnh đất bao dung này làm quê hương. Khát vọng tự do càng nồng nàn hơn khi được thừa hưởng một nền văn hóa đa sắc tộc, một hiến pháp toàn vẹn dân chủ và một lịch sử non trẻ nhưng thấm đẫm nhiều nước mắt và xương máu. Trong đó có cả những vết son của vinh quang và những mảng tối của bất hạnh. Thấp thoáng trên những con đường cao tốc phẳng phiu là những tấm bảng quảng cáo gọi mời du khách ghé thăm các “quốc gia” Chickasaw, Choctaw, Kickapoo, Cherokee nation…Thấp thoáng trong tôi hình ảnh của những ngôi tháp Chàm và tiếng nhạc Hận Ðồ Bàn của Chế Linh vang vọng:

Người xưa đâu? 

Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu. 

Lầu các đâu? 

Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.

Lòng thấy bùi ngùi thương nhớ những cánh hoa trắng Cherokee rose, cánh hoa được chọn làm biểu tượng cho hoa của tiểu bang Georgia, mùa này nở ngát trên những con đường mòn nước mắt. 

SB