Menu Close

Anh Quốc đi hay ở lại EU

Có thể nói trong khoảng thời gian một năm nay, không một định chế hay tổ chức lớn mạnh nào trên thế giới – bao gồm diện tích, tài nguyên, kinh tế, chính trị và kể luôn quân sự nếu được – lại có nhiều nguy cơ bị sụp đổ như Liên hiệp Âu châu (European Union – EU). Vừa giải quyết xong chuyện Hy Lạp hăm he đòi tách rời (Grexit) thì nay lại phải đối đầu với Vương quốc Anh (United Kingdom – bao gồm Anh, Tô Cách Lan, Wales, và Bắc Ái Nhĩ Lan – xin được gọi chung là Anh Quốc) cũng đang đòi tách rời (Brexit). Mà lần này, những tiếng nói đầy ảnh hưởng đòi tách rời, trong đó đáng kể nhất có Thị trưởng London là Boris Johnson, lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

anh quoc di hay o lai eu2

Ngày 23 Tháng 6 tới đây, cử tri của Anh Quốc cũng như người dân thuộc khối Liên hiệp Anh (Commonwealth) nếu đang sinh sống ở Anh sẽ đi tới phòng phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để quyết định Anh Quốc đi hay tiếp tục ở lại khối EU. Cho đến nay, kết quả của các cuộc thăm dò cho thấy số cử tri sẽ bỏ phiếu đi hay ở lại xấp xỉ nhau. Nhưng trong một ý nghĩa nào đó, chỉ nội cuộc tranh luận về quyết định đi hay ở của Anh Quốc thôi cũng đã là một nguy cơ lớn cho sự tồn vong của EU trong tương lai, đó là chưa nói đến khả năng Anh Quốc có thể tách rời.

anh quoc di hay o lai eu1

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 24 Tháng 2 năm 2016 tại London, công bố ngày trưng cầu dân ý về tương lai của nước Anh đi hay ở lại EU là ngày 23 tháng 6 năm 2016. nguồn gettyimages.es

Khối Liên hiệp Âu châu được thành lập vào năm 1993, là sự khai triển từ tiền thân của nó là Cộng đồng Kinh tế Âu châu. Đây là sự kết hợp kinh tế và chính trị bao gồm 28 quốc gia Âu châu. Được bắt đầu từ sau Thế chiến II để tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác kinh tế, với ý tưởng là các quốc gia nếu có chung những giao dịch thương mại thì tránh gây chiến tranh với nhau. Kể từ đó đến nay khối này đã phát triển để trở thành một thị trường duy nhất (single market) cho phép hàng hoá và người dân có thể di chuyển dễ dàng, từ quốc gia thành viên này qua quốc gia thành viên khác mà không cần xét giấy tờ, tương tự như trong một quốc gia. Hiểu một cách đơn giản, đường biên giới giữa 28 quốc gia trên gần như được xóa hẳn. Khối này cũng có chung một hệ thống tiền tệ, gọi là đồng euro, được 19 quốc gia thành viên sử dụng, có quốc hội riêng và đặt ra nhiều thứ luật lệ trong một khu vực rộng lớn – bao gồm nhiều quyền lợi về môi trường, di chuyển, tiêu thụ và thậm chí cả chuyện nhỏ nhặt như tiền trả chi phí sử dụng điện thoại di động.

Từ khi ý tưởng một cộng đồng chung bắt đầu nhen nhúm, các nhà lãnh đạo Âu châu có tham vọng là biến Âu châu từ một nhóm những quốc gia có chủ quyền riêng biệt thành một siêu quốc gia Âu châu duy nhất. Nhưng trong hơn hai thập niên qua, tiến trình này đã diễn ra rất chậm chạp, và nay một vài quốc gia đang có ý tưởng rời khỏi khối EU đã tạo nên một tình trạng hết sức lúng túng trong nội bộ của EU.

Vậy ta có thể hiểu một cách đơn giản EU là một khối hợp nhất chặt chẽ về chính trị và kinh tế và buộc những quốc gia sau khi trở thành thành viên thì không thể thật sự hoạt động như những quốc gia độc lập. Mặc dù trên danh nghĩa là vậy, EU vẫn chưa hẳn là một cơ chế chính trị và tài chánh thực sự trên một lãnh thổ rộng lớn – ví dụ, vẫn chưa có một cơ quan hành pháp đủ mạnh và quyền hành để đặt ra mức thuế chung độc lập với các chính phủ thành viên – để cho phép cơ chế này hoạt động như một quốc gia hợp nhất. Kết quả là khối EU rất dễ có xu hướng bị bất lực bởi những xáo trộn nội bộ và thiếu quả quyết trong việc giải quyết khủng hoảng như vụ sụp đổ hệ thống tài chánh ở Hy Lạp vào mùa hè trước.

Nếu trong trường hợp Anh Quốc rời EU, có nhiều nguy cơ là nó sẽ khuyến khích những quốc gia thành viên khác làm theo đưa đến tình trạng khối EU tan rã từ từ. Thủ tướng của Cộng hoà Czech đã lên tiếng cảnh báo họ có thể sẽ theo chân Anh Quốc một khi người dân Anh Quốc quyết định rời EU.

Nhưng thậm chí nếu cử tri Anh Quốc quyết định ở lại, nó cũng chưa hẳn là một tin tốt đối với Liên hiệp Âu châu. Ít ra người dân Anh Quốc đã lên tiếng nói rõ là họ không thích cái viễn ảnh mà các nhà lãnh đạo của khối EU vẽ ra về một “liên hiệp bền chặt hơn bao giờ hết”, và Thủ tướng Anh David Cameron nhân cơ hội người dân Anh đang bất mãn với khối EU đã thương lượng để buộc giới lãnh đạo EU cam kết là Anh Quốc sẽ không bị buộc phải tham gia sử dụng đồng euro hoặc trong tương lai phải nhượng bộ thêm chủ quyền cho Brussels (thủ đô Bỉ), nơi đặt tổng hành dinh của EU.

Trong một nỗ lực để phần nào làm thoả mãn những đòi hỏi của Anh Quốc, giới lãnh đạo EU, ngoài hai nhượng bộ như vừa kể, đã chấp nhận nhượng bộ thêm những điều khoản mà họ có thể, trong đó có những điều khoản quan trọng: Anh Quốc được tiếp tục giữ lại đồng bảng Anh và bất cứ số tiền nào chính phủ Anh đã chi trả để cứu trợ những quốc gia trong khối EU sẽ được hoàn trả lại sau này; thành phố London sẽ vẫn là trung tâm hệ thống tài chánh độc lập và không bị EU kiểm soát; và Anh Quốc không bị buộc trở thành một phần của một “liên hiệp bền chặt” với những quốc gia thành viên khác.

Nhìn thoáng bề ngoài, ta thấy cơ cấu điều hành của Liên hiệp Âu châu cũng tương tự như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với một hệ thống chính trị hợp nhất. Lấy một ví dụ, mỗi năm, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đánh thuế lên những người giàu sống tại những tiểu bang như Massachusetts hay Connecticut và dùng số tiền đó để tài trợ những chương trình phúc lợi của chính phủ cho những người nghèo sống tại những tiểu bang khác như Mississippi hay West Virginia. Đa số người dân Mỹ tỏ ra không thắc mắc và cho đây là một vấn đề, bởi vì trước hết người dân Mỹ coi họ là người  Mỹ chứ không phải là người mang quốc tịch Massachusetts hay West Virginia.

Nhưng ở Âu châu lại khác. Sinh hoạt chính trị của khối EU đã không làm được bước nhảy như thế. Người dân ở lục địa này vẫn coi họ là người Anh, người Đức hay người Hy Lạp chứ không hẳn là người Âu châu. Do đó, khi có những tình huống không hay xảy ra kêu gọi mọi người trong khối phải chung lưng gánh vác và hy sinh thì những cãi cọ trong nội bộ về những điều vặt vãnh đầy ích kỷ, chẳng hạn như quốc gia Âu châu nào sẽ phải gánh chịu nhiều trách nhiệm nhất, đã trì kéo và làm khối EU không thể giải quyết công việc nhanh được trong những trường hợp khẩn cấp.

anh quoc di hay o lai eu

Liên minh châu Âu cam kết hỗ trợ tài chính cho người tị nạn – nguồn planet101fm.ng

Những vấn đề như trên sẽ còn tiếp tục xảy ra mỗi khi khối EU có khủng hoảng về chính trị hay kinh tế, làm cho người dân Anh Quốc càng bực bội thêm và tỏ ra không muốn ủng hộ thêm cho sự hội nhập chung. Anh Quốc không bị vướng mắc trong cuộc cứu trợ tài chánh Hy Lạp năm ngoái, nhưng chỉ cần chứng kiến những xung đột nhiều khi gay gắt giữa Hy Lạp và những quốc gia trong khối EU khác đã không thể làm người dân Anh Quốc thêm hăng hái trong việc tham gia vào hệ thống tiền tệ chung trong tương lai.

Trong cuộc tranh luận Anh Quốc đi hay ở lại trong khối EU là một dấu hiệu cho thấy cuộc thử nghiệm chính trị của Âu châu đến nay đã không đạt được thành công. Cho dù vào mùa hè tới Anh Quốc có quyết định rút lui hay không, điều rõ ràng là người dân Anh Quốc không muốn thấy tiến trình hội nhập của quốc gia họ vào khối EU tiến xa hơn nữa. Và nếu tiến trình hội nhập của Anh Quốc không còn được đề cập tới trong tương lai thì không rõ là EU có thể đạt được tính hợp pháp mà họ sẽ cần đến để tồn tại trên đường dài.

Trong mấy năm qua, cuộc tranh luận Anh Quốc đi hay ở lại EU càng ngày càng trở thành cuộc tranh luận về chính sách di dân trong toàn khối. Anh Quốc trước đây đã không ký vào Thỏa thuận Schengen, là thỏa thuận để các quốc gia thành viên EU mở cửa biên giới. Nhưng những điều lệ của khối EU vẫn đòi hỏi Anh Quốc phải mở cửa thị trường lao động cho người dân ở những quốc gia EU khác và cho họ được hưởng một số những phúc lợi của chính phủ như những người dân Anh Quốc khác.

anh quoc di hay o lai eu3

Biếm họa về việc Anh Quốc dự tính rút khỏi Liên Minh Châu Âu

Chính sách cởi mở về di dân của khối EU cũng không được mấy sự ủng hộ của những nhóm bảo thủ ở Anh.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria cũng đã tạo ra một môi trường chính trị mà ở đó những làn sóng chống di dân và chống EU càng ngày càng nhận được sự ủng hộ. Đến nay, mới chỉ có một số ít dân tị nạn Syria đến được Anh Quốc, nhưng cơn lũ người tị nạn Syria đổ vào những quốc gia EU và một loạt khủng bố tại Paris vào cuối năm ngoái đã làm tăng thêm sự lo sợ về an ninh biên giới trong dân chúng Anh Quốc nói chung.

Trong khi Thủ tướng Cameron và đa số các thành viên trong nội các của ông ủng hộ việc Anh Quốc tiếp tục ở lại trong khối EU, ông vẫn phải đối diện với những tiếng nói chống đối mạnh mẽ ngay trong đảng của ông. Đầu tuần qua, Boris Johnson, Thị trưởng London và là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất của đảng bảo thủ, đã lên tiếng ủng hộ việc bỏ phiếu để Anh Quốc rời khỏi EU.

Nếu như Anh Quốc cuối cùng quyết định tách ra khỏi khối EU thì trên thực tế cũng chưa hẳn là có lợi cho họ, ít ra là trong lãnh vực thương mại. Hàng hoá của Anh Quốc bán sang các quốc gia thành viên EU sẽ phải chịu mức thuế cao hơn và sẽ khó cạnh tranh với hàng hoá của những quốc gia khác. Một số công ty tại Anh Quốc đã tuyên bố là trong trường hợp Anh Quốc tách ra thì họ sẽ phải dời tổng hành dinh của công ty sang lãnh thổ thuộc EU.

Nhưng thiệt hại lớn hơn có lẽ nghiêng về phía khối EU vì nếu Anh Quốc quyết định tách rời thì đây sẽ là con cờ domino đầu tiên sụp đổ kéo theo hàng loạt những con cờ domino khác làm cho EU vỡ ra từng mảnh. Đây là điều người ta lo sợ nhất và với một khối kinh tế và chính trị bao gồm 500 triệu người trên một lãnh thổ rộng lớn nếu bị vỡ ra thì hậu quả khôn lường và chắc chắn sẽ gây tai hại đến kinh tế và sự ổn định của cộng đồng thế giới.

VH