Menu Close

Đường nhà quê

Bữa nọ, con Hoàng bạn tui rủ ra quán Vy ngồi cà phê ngó phố cái tui có cớ gặp được thằng nhỏ đồng hương. Hỏi ra cũng dân Bình Nguyên hết, cái hắn hỏi rứa nhà chị đỗi mô mà em không biết, nhà em chỗ nghĩa trang đi lên. Rứa là mình hỏi lần tới rằng nhà nó có gần nhà ông Hai Phò không, nó nói không, quành lại chỗ cầu mương lớn tê. Mình hỏi rứa chắc gần nhà Bốn Luận, hắn nói đúng rồi, đúng rồi, em cháu ông Bốn Luận đây, bà con nhà ông Ba Hạ, ông Chín Đỗ. Con Hoàng ngồi nghe một hồi nói trời quơi, răng mi còn nhớ tên ông ni bà nọ ở quê, còn nhớ đường ni nẻo kia hay rứa.

Hỏi răng không nhớ được, cái thời não mình còn rộng rãi, mình ghi nhớ bao nhiêu là chuyện. Sáng ăn cơm xong mới 6 giờ là đã í ới nhau đi học. Từ nhà lên trường có 3 đường chính mà đường nào cũng thú vị. Con đường đi lên cầu máng là con đường ngắn nhứt, gọi là đường kênh vì đi men theo bờ kênh. Hai bên bờ kênh này toàn bông xương rồng li ti, đẹp không tả nổi, hiềm một chuyện là má dặn đi dặn lại không có ăn cái bông đó, chết nghe con. Cái cầu máng có mấy bậc thang cũ mèm bằng xi măng, đi cẩn thận chứ trợt té. Mùa đông má thường không cho đi đường kênh vì sợ bùn trơn, lỡ té xuống kênh chắc chết đuối. Còn mùa hè mà đi đường kênh thì lại nắng nóng vì bờ kênh không có bóng cây to. Cái cây lớn nhứt dọc bờ kênh là cây dừa đối diện nhà ông Hai Phò. Thế rồi một ngày, cả đám đi học về thấy cái hòm bự tổ chảng để dưới bóng cây, hương khói thắp nghi ngút, chiêng trống đánh chuông bùm. Bọn con nít cứ nhái tiếng chuông đám ma, đọc rằng: “Chuông chuông, bùm bùm! Chung chi? Chung chi? Chung tiền, chung tiền!” Nhái rứa thôi chứ ngó cái hòm đứa mô cũng sợ. Mấy bữa sau, cả đám nghe nói đó là đám ma con trai ông Hai Phò, bị chi không biết mà có cái mụt chỗ đầu gối, sưng lên, cái rồi chết. Có đứa còn nói tau dòm vô cái hòm, thấy cái mụt ở chưn to tướng nghe bay, nhưng thực hư đến giờ cũng không biết vì răng con ổng chết. Chỉ biết là sau đó, cứ mỗi lần cả đám đi gần đến gốc dừa nhà ông Hai Phò là đứa nào đứa nấy lồng dép vô hai tay, chạy trối chết.

Con đường êm ái hơn là đường dưới. Đường dưới là lối từ bờ kênh, đi vòng qua ngõ nhà ông Ba Hạ rồi lại quành lên bờ kênh, về trường. Nếu vẽ hình chữ D thì đường dưới là cái bụng, đường kênh là cái thanh dọc. Đường dưới râm mát, nhiều cây trái ăn vặt. Nói về mấy trái ăn vặt phải kể đến cây chùm rượu, trái nó chín hồng, mọng nước, ăn hơi ngọt nhẹ thôi chứ không có chi đặc biệt nhưng đứa nào cũng mê, có khi chưa chín cũng vặt nốt. Kế đến phải kể trái dủ dẻ, chín mềm, vàng và ngọt lự. Bông dủ dẻ cũng vi diệu lắm, có thể xài nó như con quay cho nó xoay dưới nền đất, có thể “nhốt” nó vô trong ly uống nước, trời chạng vạng mở ra hít hà, thơm dịu nhẹ như dầu dừa. Ngoài ra còn có dúi, trái chùm miễu, trái giằng, trái cơm nguội, nhãn dại… toàn mấy thứ không no đủ gì nhưng bọn con nít đứa nào cũng khoái. Đường dưới là con đường êm ả nhứt dù mùa mưa hơi lầy lội. Cũng không sao, cả lũ được phen lội nước. Khi chúng ta còn bé, cái rãnh nước bé tí cũng đẹp như một con sông.

ẢNH MINH HỌA

Con đường sóng gió nhứt phải kể đến đường chó. Muốn đi đường này phải ven theo bờ kênh, tới đường rẽ vô nhà ông Bốn Luận thì quẹo xuống, hoặc đi giữa bờ kênh, sau khi chạy trối chết qua khỏi cây dừa nhà ông Hai Phò thì rẽ phải cũng đặng. Thường thì cả đám không ưng rẽ đường nhà ông Hai Phò đâu, phải rẽ chỗ trước cầu máng, gần nhà ông Bốn Luận vui hơn. Ở sát cầu máng, người ta đặt cái cống nhỏ dẫn nước về cái mương bé tí trước nhà ông Bốn Luận. Chẳng có cái chi đặc biệt đâu, chỉ là mỗi lần đi ngang đó, cả đám ngồi túm hụm ngó xuống cái xoáy nước chảy từ kênh thủy lợi vô cái mương. Cái xoáy nước đó đứa nào cũng mê vì thả cọng rơm, con kiến xuống, nó đều chạy lòng vòng rồi rớt xuống cái xoáy sâu hoắm đó, mất hút và trồi qua bên kia cống, chảy vào con mương nhỏ. Tiếng nước chảy ở cái xoáy đó rít rất lạ, mà hễ thò chưn xuống nó còn rít to hơn. Về nhà kể má nghe, má nói đừng có lội xuống chỗ xoáy nớ, hắn cuốn cái chưn cái lún xuống chết chừ! Đường chó tất nhiên là có nhiều chó rồi. Từ nhà ông Bốn Luận phải đi vòng ra phía ruộng, ngang mé nhà bà Bốn Dưỡng, vòng về bờ mương lớn chỗ cầu Lùm là rẽ theo đường lớn về nhà. Chẳng nhớ đám chó dữ đó của nhà ai, chỉ nhớ rằng cả đám hô một, hai, ba là xách dép lên chạy, càng chạy chó càng sủa dữ, lại càng chạy dữ. Mà đường chó còn có một đoạn cũng bí hiểm đáng sợ không kém đoạn qua nhà ông Hai Phò, đó là cái đoạn người ta để bàn linh đám ma. Bàn linh là cái kiệu để bài vị, khiêng đi trước quan tài, sau lưng ông Quan công. Cái bàn linh của làng đã đưa bao nhiêu lượt người về với âm ti nên đương nhiên, nó linh thiêng lắm lắm. Nhưng khổ nỗi gần cái nhà để bàn linh đó lại có một loạt cây cỏ cao ngang hông, gọi là cây cứt mũi. Ấy là bởi bóc cái vỏ khô của nó ra sẽ có một loại hạt nhớt nhớt, đen đen như cứt mũi, ăn chẳng mùi lai chi nhưng đứa nào cũng ăn. Và ăn xong là lại chạy nín thở qua khỏi đoạn cái bàn linh, vì má dặn là đừng dòm vô mấy cái bàn linh nghe con, không nên nghe con. Cứ “không nên” theo nghĩa của bọn con nít ở quê nghĩa là linh thiêng, cấm kỵ rồi.

Tất nhiên, ngoài 3 đường đó còn có cả đường nghĩa trang, tức là qua khỏi nhà ông Hai Phò rẽ lên thẳng tới Gò Núi, qua cống nhà Bình Gặp, tạt nghĩa trang, lên quốc lộ về, nhưng đường này ít vui, lại nhiều xe, ba má không ưng. Rồi chưa kể chỉ cần tới bờ kênh hay đường chó là có tới mấy lối rẽ về nhà. Một lối là đi băng đồng trước nhà con Đậu, nhưng lối này phải đi qua mương thủy lợi, có cái cầu tròn quyn bằng sắt. Thiệt ra nó là cái ống nước bằng sắt thôi chứ cầu chi, lại bị rỉ rét lủng mấy lỗ mà tui rất sợ, đi được vài bước là ngồi xuống tru tréo rồi. Đường ấy tui chỉ đi lúc có con Sự con cô Bốn Quýt đi cùng. Con Sự hắn lớn hơn tui hai tuổi nhưng học chung, hắn đen thui mà hắn khỏe lắm. Cứ tới cái cống đó là hắn cõng tui qua, bao nhiêu đận mà chưa bao chừ rớt mương, hay thiệt. Cũng với con Sự, con Diễm Xuân Dây (ba hắn tên Xuân, ông nội hắn tên Dây, kêu tới hắn là kêu cả 3 đời, ghê thiệt), một đận tui làm ba tui hú hồn. Số là cả đám nghe lời con Sự đi theo con đường khác. Từ nhà bà Bốn Dưỡng, có cái lối băng sau hè, tạt ra một lộ nữa thì đi đến sau lưng nhà ông Bốn Xa đổ ra cái bàu giáp bờ kênh. Mấy đận, tụi tui toàn tự đi bộ về thôi, rứa mà bữa nớ ba thấy nắng nôi, ba rảnh nên đạp xe đi ngừa. Ba đi đường dưới không thấy, đi vòng lên đường kênh cũng không gặp con. Ba đạp tới đạp lui, thấy mấy người tát cá dưới bàu hỏi có thấy con tui không, họ kể nó vừa đi vừa thổi bong bóng với 2 đứa nữa kia. Ba đạp xe tận tới nhà bà Trụng mới gặp cả lũ đang bứt lá lốt hít hà, bị chó nhà bà Trụng sủa ỏm.

Ngó rứa mà cũng gần 30 năm trôi qua rồi. Bữa nọ tìm được con Sự, con Diễm trên Facebook, thấy nhớ ngày xưa. Mấy dạo về quê cũng nhớ lắm những con đường quê nên tui thường tranh thủ lấy xe chở thằng Bin đi học. Thằng Bin vẫn học cái trường Thanh Ly đó, trường mà ba nó, cô nó, chú nó đều từng học. Tui đi trở lại những con đường cũ, sao mà nó ngắn ngủn như vầy, chẳng dài được như trong những giấc mơ mà tui thường thấy. Nhà ông Hai Phò vẫn dày hàng cây mây phía trước, cái cống rẽ vào ngõ nhà con Thư Một Ngọt cũng còn y nguyên, lối về ngang đường lên nhà ông Sửu Mù qua bờ sông vẫn đó nhưng đường cũ chẳng thể như xưa được nữa.

PTLP