Menu Close

Ngày Tám Tháng Ba trong tôi

Ngày Tám Tháng Ba hàng năm, không phải là ngày để tôi phổng mũi nhận những lời chúc tụng hay nhận những món quà từ người khác. Vì tôi ý thức rằng, tại Việt Nam, càng gần đến những ngày lễ, thì người ta hô khẩu hiệu rất kêu theo kiểu “muôn năm, muôn năm”. Và như thế, cái vớ vẩn nhất cũng có thể biến thành khẩu hiệu, còn những cái đáng bị hủy diệt cũng có thể và nghiễm nhiên trở thành muôn năm.

Ngày Tám Tháng Ba còn là ngày, mà những người phụ nữ thông minh cố tạo ra những nụ cười giả tạo để sống với niềm vui theo kiểu vui gượng, để che giấu những ngày không vui còn lại trong năm, còn những người phụ nữ cực thông minh thì không thốt nên lời khi nghe cánh đàn ông tung hô: phụ nữ muôn năm, phụ nữ anh hùng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, muôn năm, muôn năm…

Tôi chỉ muốn nghĩ đến một ngày Tám Tháng Ba của riêng tôi. Đó là ngày tôi trở thành một bà mẹ và vui vẻ bước chân theo chị Hằng từ mái ấm của cha Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế đến bệnh viện Gia Định ở Sài Gòn để sinh con.

Tôi còn nhớ, khi tôi đến bệnh viện là lúc 22h30 phút ngày Bảy Tháng Ba năm 2012. Tôi được gọi vào phòng chờ sinh của bệnh viện. Thỉnh thoảng, có vài cô y tá đến kiểm tra rồi họ lại đi ra. Không có bất kỳ người thân nào bên cạnh. Trong cơn đau quặn thắt, tôi khẩn cầu Chúa xót thương và che chở  cho tôi.

Cuối cùng, rạng sáng ngày Tám Tháng Ba năm 2012, vào lúc 3h40 phút, tôi sinh con trai đầu lòng. Khi nhân viên y tế bế cậu con trai vừa mới sinh đến cho tôi, tôi đã khóc òa trong niềm vui khôn tả.

Nếu không có bàn tay quan phòng của Chúa dẫn dắt cho tôi được gặp cha Quang Uy, thì có lẽ, bây giờ tôi không có cơ hội để có những trải nghiệm quý giá về tình yêu, tình người trong lúc gian nan. Tôi biết ơn chị Lan, Vân Anh, em Huệ… những người mẹ đơn thân có trái tim nhân hậu, đã hết lòng yêu thương và chăm sóc tôi trong những ngày tôi lánh nạn ở Trung tâm Bảo vệ Sự sống của Cha.

Nhiều khi, tôi tự nhủ, dù cho tôi có can đảm đến đâu trong bước đường hoạn nạn của đời mình thì cũng không sánh bằng các chị em ở Trung tâm Bảo vệ Sự sống. Họ là những người phụ nữ bị gia đình từ chối, bị người yêu bỏ rơi, bị mất công việc, mất nhiều cơ hội tốt, nhưng họ không đánh mất nhân tính con người, vẫn quyết không giết con để khỏi mang tội. Tôi may mắn được sống với các chị em cơ nhỡ, để có cơ hội được sống cùng với những con người dám chấp nhận cô đơn, dám đánh đổi cả sinh mạng mình vì đứa con họ cưu mang.

ẢNH MINH HỌA

Khi rời Trung tâm Bảo vệ Sự sống, tôi nghĩ nhiều hơn về Cha Quang Uy và về các cộng sự của Ngài trong công việc BVSS. Và tôi thấy mình thật may mắn vì đã được cha sẵn lòng cưu mang trong những tháng ngày hoạn nạn. Đó là những tháng ngày mà các thanh niên Công giáo Vinh lần lượt bị bắt bỏ tù và bị gán cho tội hoạt động chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Là những ngày anh Thái Văn Tự, chồng tôi, một trong những thanh niên Công giáo Vinh khi vừa mới làm lễ cưới đã phải trốn lệnh truy nã, vì tội âm mưu lật đổ chính quyền, vẫn thắc thỏm lo cho đứa con của chúng tôi đang nằm trong bụng mẹ. Là những chuỗi ngày dài mà mỗi khi bước chân ra đường, tôi bị đánh, bị dọa giết vì tội giấu chồng tôi, một tội phạm chính trị nguy hiểm. Là những chuỗi ngày dài, hết công an Bộ, đến công an Tỉnh, rồi đến công an Xã truy lùng ráo riết quyết tìm cho ra tung tích chồng tôi. Khi tìm chưa ra chồng tôi, họ bám lấy tôi không buông tha. Là những ngày, những đêm trong giấc mơ, tôi hoảng hốt chạy trốn công an, để đến khi tỉnh dậy, biết mình mơ mà vẫn bàng hoàng. Những ngày dài đầy đau thương đó của tôi, đã được Cha Quang Uy mở rộng vòng tay yêu thương đón lấy như một vinh dự lầm than của kiếp người. Không chỉ cưu mang có mình tôi, Cha Quang Uy đã cưu mang rất nhiều những phận người nhỏ bé, bị bỏ rơi với một tình yêu vô bờ bến.

Và hôm nay, ngày Tám Tháng Ba, khi con tôi tròn bốn tuổi, thì câu hỏi của trẻ thơ trong lần sinh nhật thứ hai của con vẫn còn vang vọng trong tim tôi, kết thành một nguyện ước chưa tròn: “Mẹ ơi, bao giờ cha về? Bao giờ thì con được gặp cha, mẹ ơi?”. Câu hỏi của con khiến cho lòng tôi chùng hẳn xuống. Vì chồng tôi sau khi làm lễ cưới ở nhà thờ, không kịp rước vợ về nhà, đã phải bỏ trốn lệnh truy nã mà đi biệt xứ. Khi đau thương kết thành tiếng vọng khôn cùng, thành hy vọng thiết tha và mãnh liệt, lằn sâu và vang dội trong đáy tâm linh thơ dại của trẻ thơ, cũng là lúc, tôi nhận ra rằng, đau thương cũng chính là hạnh phúc, là vinh dự  tuyệt vời của kiếp người.

Chính vì thế, ngày Tám Tháng Ba năm nay, với tôi, là ngày đặc biệt. Dĩ nhiên, đó không phải là ngày tôi khoác lên mình ánh hào quang giả tạo, ngày tôi được lên mây với những kiểu “phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”. Đó là ngày nhắc nhớ tôi thêm rằng, con tôi đã sinh ra trong một đất nước còn quá nhiều khổ đau, nghèo đói, bất công và lạc hậu. Và hòa bình chỉ là bánh vẽ mà thôi. Thứ bánh vẽ mà nhiều người vẫn rất nhiệt tình nhai nhồm nhoàm từ năm này qua năm khác không biết mệt.

BH – Việt Nam